Năm 2021, đại dịch COVID-19 đã gây ảnh hướng nặng nề cho nền kinh tế thế giới và Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn nỗ lực duy trì mức tăng trưởng GDP dương, thậm chí xuất khẩu đạt kỷ lục mới, vào Top 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế.

Năm 2021, làn sóng COVID-19 lần thứ 4 khiến nhiều địa phương trên cả nước phải thực hiện giãn cách xã hội kéo dài, sản xuất bị đình trệ, chuỗi cung ứng đứt gãy, các chỉ số chính của nền kinh tế đều sụt giảm, sức mua của người dân giảm mạnh, đời sống bị ảnh hưởng nghiêm trọng, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao. Trong khi biến thể Delta và sau đó là biến thể Omicron khiến nhiều nước trên thế giới “chao đảo”, kinh tế Việt Nam vẫn duy trì được mức tăng trưởng dương, đặc biệt, quý IV có sự hồi phục đáng kể.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, tính chung cả năm 2021, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam tăng 2,58%, thấp hơn mức 2,91% của năm 2020 và cũng là mức tăng thấp nhất trong 10 năm trở lại đây.

“Dù thấp hơn nhiều so với mục tiêu tăng trưởng 6,5%, song với việc dịch COVID-19 ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi lĩnh vực của nền kinh tế thì mức tăng 2,58% là một thành công lớn của nước ta trong việc phòng chống dịch bệnh và duy trì phát triển kinh doanh”, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê đánh giá.

Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế năm 2021, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đóng góp 13,97% vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng đóng góp 63,80%; khu vực dịch vụ đóng góp 22,23%. Về cơ cấu nền kinh tế năm 2021, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 12,36%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 37,86%; khu vực dịch vụ chiếm 40,95%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 8,83%.

Về tình hình đăng ký doanh nghiệp (DN), quý IV đã cho thấy sự khởi sắc rõ nét. Cụ thể, trong 3 tháng cuối cùng của năm 2021, số DN đăng ký thành lập mới đạt 31.400 DN với số vốn đăng ký 415.300 tỷ đồng và số lao động đăng ký là 205.100 lao động, - tăng 70,4% về số DN, tăng 64,1% về số vốn đăng ký và tăng 24,7% về số lao động so với quý III/2021.

Tính chung năm 2021, cả nước có 116.800 DN đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 1,61 triệu tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký gần 854.000 lao động. Vốn đăng ký bình quân một DN thành lập mới trong năm 2021 đạt 13,8 tỷ đồng.

Khảo sát của Tổng cục Thống kê cho thấy, dự kiến quý I/2022, có 45,6% số DN đánh giá xu hướng sẽ tốt lên so với quý IV/2021; 36,1% số DN cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định và 18,3% số DN dự báo khó khăn hơn.

Ngoài ra, trong quý IV/2021, hoạt động thương mại, vận tải trong nước, khách du lịch quốc tế dần khôi phục trở lại. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý IV/2021 tăng 28,1% so với quý trước - ước đạt 1,3 triệu tỷ đồng. Tính chung năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 4,79 triệu tỷ đồng.

Làn sóng dịch COVID-19 lần thứ tư bùng phát đã “chặt đứt” chuỗi cung ứng toàn cầu, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam. Khi đó, nhiều chuyên gia và các cơ quan chuyên môn tỏ rõ sự “sốt ruột” cho mục tiêu tăng trưởng của cả năm. Tuy nhiên, những lo lắng đó đã được thay bằng cảm xúc vỡ òa khi kết thúc năm 2021, xuất khẩu lại thêm một lần làm nên kỳ tích.

Với kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả năm ước đạt 336,25 tỷ USD, tăng 19% so với năm trước, không những xuất khẩu đã “xô đổ” kỷ lục 282,65 tỷ USD của cả năm 2020, mà còn đưa Việt Nam trở thành nền kinh tế có quy mô xuất khẩu đứng thứ 22 trên thế giới. Theo nhiều chuyên gia kinh tế, với kết quả đáng khích lệ này, xuất khẩu sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng cho nền kinh tế Việt Nam trong năm 2022 và tạo ra nhiều tiềm năng cho các DN thúc đẩy xuất khẩu trong thời gian tới.

Xuất nhập khẩu hàng hoá được xem là một trong những điểm sáng nhất của nền kinh tế năm 2021 khi đạt tổng kim ngạch 668,5 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm trước. Với kết quả này đã giúp Việt Nam nằm trong nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế.

Tính chung năm 2021, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 4 tỷ USD (năm trước xuất siêu 19,94 tỷ USD). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 25,36 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 29,36 tỷ USD.

Mặc dù chịu tác động nặng nề của dịch bệnh nhưng các DN, đặc biệt là trong ngành công nghiệp đã xây dựng kịch bản chủ động thích ứng với trạng thái "bình thường mới", đảm bảo ổn định sản xuất, kinh doanh và nỗ lực hoàn thành đúng tiến độ kế hoạch đề ra. Nhờ sự nỗ lực của DN và những tác động từ các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, Bộ ngành đã giúp DN khắc phục được khó khăn, khôi phục sản xuất trở lại và có kết quả kinh doanh tương đối tích cực. Điều này cũng giúp thu ngân sách Nhà nước về đích sớm.

Tổng thu ngân sách Nhà nước ước tính năm 2021 đạt 1.523.400 tỷ đồng, bằng 113,4% dự toán năm (tăng 180.100 tỷ đồng), trong đó, thu nội địa bằng 110,4% so với dự toán năm (tăng gần 118.000 tỷ đồng); thu từ dầu thô bằng 197,4% (tăng 22.600 tỷ đồng); thu cân đối từ hoạt động xuất, nhập khẩu bằng 122,1% (tăng 39.500 tỷ đồng).

Bên cạnh đó, các cân đối lớn khác của nền kinh tế được duy trì ổn định. Lạm phát cơ bản bình quân năm 2021 tăng 0,81% so với bình quân năm 2020. Chỉ số tiêu dùng (CPI) năm 2021 chỉ tăng 1,84% so với năm trước và là mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016, đã góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện cho Chính phủ thực hiện nhiều chính sách tài chính, tài khóa trong hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và cả nền kinh tế.

Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiềm chế, tỷ giá ít biến động đã giúp cho Việt Nam tiếp tục là điểm đến đầy hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đạt trên 31 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2020.

Bước qua năm 2021 đầy khó khăn, biến động, hướng đến năm 2022, nhiều tổ chức, thể chế kinh tế - tài chính và giới chuyên gia vẫn tỏ ra lạc quan về triển vọng tăng trưởng của kinh tế Việt Nam.

Trong ấn bản bổ sung thường kỳ của Báo cáo Triển vọng phát triển châu Á (ADO) 2021 công bố gần đây, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vẫn giữ nguyên mức dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2022 ở mức 6,5% cho năm 2022. Giám đốc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, ông Andrew Jeffries đánh giá, Việt Nam là nền kinh tế có độ mở lớn nên ảnh hưởng của dịch Covid-19 rất nặng nề và rõ rệt, nhưng đến nay, các đối tác thương mại lớn của Việt Nam đang trên đà phục hồi nhanh chóng, từ đó, thúc đẩy giao thương mạnh mẽ hơn. Đặc biệt, nhờ vào tỷ lệ tiêm vaccine Covid-19 tăng cao tạo điều kiện sớm mở cửa nền kinh tế, góp phần tăng trưởng trở lại.

Ông Jefferies lưu ý, năm 2022 sẽ là năm quan trọng, đặc biệt khu vực châu Á sẽ chứng kiến sự phục hồi xuất khẩu vượt trội và Việt Nam là quốc gia tiếp tục tận dụng được cơ hội để tăng tốc xuất khẩu. Lĩnh vực phục hồi nhanh sẽ là điện tử, hàng hóa liên quan tới phòng chống dịch bệnh, như: điện tử, vật tư, thiết bị y tế, máy móc thiết bị, đồ gỗ, dệt may, giày dép... Do đó, các DN Việt Nam cần nhanh chóng nắm bắt cơ hội này để đẩy mạnh xuất khẩu trong năm 2022, nâng cao chất lượng hàng hóa để tiến sâu vào nhiều thị trường lớn, tiềm năng hơn.

Tuy nhiên, do đại dịch chưa chấm dứt, nên thương mại phải chịu ảnh hưởng bởi chi phí vận tải tăng cao, thiếu hụt container rỗng... sẽ kéo dài đến năm 2023. Đại dịch cũng đẩy nhanh tái cơ cấu chuỗi cung ứng toàn cầu khi xu hướng tập trung xây dựng lại mạng lưới sản xuất, đa dạng hóa đối tác cung ứng sẽ tiếp tục tiếp diễn trong năm 2022.

Trong bối cảnh xuất khẩu là động lực lớn của nền kinh tế, chuyên gia ADB cho rằng, Việt Nam cần tận dụng thật tốt và hội nhập sâu rộng thông qua hệ thống 15 hiệp định thương mại (FTA) đã được ký kết. Trong đó, nhiều FTA thế hệ mới như: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA) vẫn là đòn bẩy, cú hích đáng kể cho thương mại hàng hóa Việt Nam với các thị trường hàng đầu thế giới.

Tổng Giám đốc HSBC Tim Evans mới đây dự báo, kinh tế Việt Nam có thể lấy lại nhịp tăng trưởng GDP ở mức 6,8% trong năm 2022, chủ yếu nhờ đầu tư nước ngoài (FDI) mạnh mẽ trở lại, tập trung nhiều vào lĩnh vực sản xuất, từ đó thúc đẩy xuất khẩu. Điều này đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh các hiệp định thương mại.

 “Với Việt Nam, tôi vẫn luôn có một niềm tin tích cực vào cơ hội và triển vọng tăng trưởng. Năm 2021 đã sắp khép lại, tình huống tệ nhất đã ở lại sau lưng chúng ta. Chúng ta sắp sửa đón năm Nhâm Dần và có thể yên tâm phần nào vì linh vật năm sau là loài hổ vốn tự tin, bản lĩnh, dũng cảm và mạnh mẽ. Tất cả những phẩm chất này sẽ giúp chúng ta vượt qua mọi thách thức trong năm 2022 và trở lại lộ trình phục hồi thực sự”, ông Tim Evans nói.

Mặc dù diễn biến dịch COVID-19 vẫn là một ẩn số với sự xuất hiện của biến chủng Omicron, tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế vẫn khá lạc quan khi cho rằng năm 2022 sẽ là bức tranh với gam màu tươi sáng đối với nền kinh tế Việt Nam. Bởi Việt Nam đã thay đổi chiến lược trong phòng, chống COVID-19, khi Nghị quyết 128/NQ-CP sẽ đi vào cuộc sống xã hội một cách nhuần nhuyễn và sát thực tế hơn, tiếp tục cởi trói tinh thần cho DN. Đó là giải pháp linh hoạt, thích ứng, an toàn với dịch bệnh hỗ trợ cộng đồng DN sản xuất, kinh doanh hiệu quả.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Chuyên gia kinh tế, Giảng viên cao cấp tại Học viện Tài chính cho rằng, mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2022 ở mức 6-6,5% mà Quốc hội đề ra là khả thi, song đây cũng là mức dự báo khá thận trọng.

"Với tình hình phục hồi kinh tế trong những tháng cuối năm và các chỉ số vĩ mô thời gian trước đây, thì bản thân tôi và nhiều chuyên gia kinh tế khác đều cho rằng khả năng tăng trưởng GDP trong năm 2022 có thể đạt 7 - 7,5%, thậm chí cao hơn", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho biết.

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, một trong những động lực tăng trưởng của nền kinh tế năm 2022 đến từ vốn FDI. Trong khi tổng vốn đầu tư nước ngoài của nhiều nơi trên thế giới có dấu hiệu suy giảm mạnh do ảnh hưởng từ dịch COVID-19, thì hoạt động thu hút FDI của Việt Nam trong năm qua vẫn được duy trì ổn định so với các năm trước đây.

“Xuất nhập khẩu sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng chính cho nền kinh tế Việt Nam vào năm 2022, đặc biệt là khi các DN tận dụng được cơ hội từ các hiệp định thương mại. Bên cạnh đó, triển vọng năm 2022 lạc quan còn đến từ "sức bật" của nền kinh tế, mặc dù sản xuất kinh doanh trong năm đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng ngay khi chúng ta mở cửa sống chung với đại dịch thì nền kinh tế đã nhanh chóng phục hồi trở lại”, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh nhận định.

Đồng tình với quan điểm này, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh cho rằng, đà phục hồi kinh tế là rõ ràng. Tuy nhiên, chúng ta vừa trải qua những “cơn sang chấn” trong đại dịch. Người lao động đang lưỡng lự nhiều điều, do vậy, đà phục hồi từ nay đến hết Tết Nguyên đán sẽ chưa được như mong muốn trên một số lĩnh vực.

“Sau không ít trắc trở, Việt Nam đang có những nền tảng tốt cho công cuộc phục hồi. Đó là sự đồng thuận và quyết tâm cao của toàn dân cùng kinh nghiệm chống dịch; là nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, hấp dẫn thu hút đầu tư và sự phục hồi mạnh mẽ của nhiều nền kinh tế là đối tác chính của Việt Nam. Chúng ta có ý chí chính trị cao cùng những chương trình cải cách cơ bản đã được đặt ra”, TS. Võ Trí Thành đánh giá.

Tuy nhiên, ông Thành nhấn mạnh, điều Việt Nam đang rất cần là những hành động đột phá, quyết liệt và tốc độ để xử lý tình thế khó khăn lúc này, trong đó, tốc độ là tiêu chí rất quan trọng.

“Không có việc gì là không có rủi ro. Thiệt hại do chi phí cơ hội có thể lớn hơn những thiệt hại do thất thoát, tham nhũng... Bài học ở đây là hành động quyết liệt, khôn khéo sẽ được đền đáp bằng thành quả phát triển. Chúng ta có thể tự hào, song không thể tự mãn vì trên hành trình phát triển luôn đối mặt thách thức”, TS. Võ Trí Thành lưu ý./.

Thứ Bảy, 12:00, 01/01/2022