Việt Nam khép lại năm 2022 với nhiều kết quả tích cực trong phát triển kinh tế, GDP tăng 8,02%, lạm phát được kiểm soát ở mức 3,15%, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu thiết lập kỷ lục mới với 732,5 tỷ USD… Tuy nhiên, nhiều chuyên gia, tổ chức cho rằng, kinh tế Việt Nam sẽ đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức trong năm 2023.


Tăng trưởng lập kỳ tích

Năm 2022, trong bối cảnh kinh tế thế giới phải đối mặt với những thách thức lớn, biến động nhanh, khó lường và tính bất ổn cao; lạm phát đã tăng lên mức cao nhất trong nhiều thập kỷ buộc các quốc gia phải thắt chặt chính sách tiền tệ. Tuy vậy, nền kinh tế Việt Nam vẫn có sự phục hồi mạnh mẽ, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. 

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, một điểm sáng nổi bật của kinh tế năm 2022 là GDP tăng 8,02% - mức tăng cao nhất kể từ năm 2011.

Trong mức tăng của tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, khu vực công nghiệp và xây dựng và khu vực dịch vụ đều có sự tăng trưởng đáng kể, lần lượt là: 3,36%; 7,78% và 9,99%.

Đáng chú ý, trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 8,10%, đóng góp 2,09 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Khu vực dịch vụ được khôi phục và tăng trưởng mạnh mẽ với tốc độ tăng năm 2022 đạt 9,99% - cao nhất trong giai đoạn 2011-2022.

“Trong bối cảnh kinh tế thế giới đang phải đối mặt với những thách thức lớn, biến động nhanh, khó lường; lạm phát đã tăng lên mức cao nhất trong nhiều thập kỷ buộc các quốc gia phải thắt chặt chính sách tiền tệ; cạnh tranh chiến lược, địa chính trị giữa các nước lớn, xung đột quân sự Nga – Ukraine… làm gia tăng rủi ro tài chính, thương mại và đầu tư thì đây là mức tăng trưởng ấn tượng”, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhận định.

Tính chung cả năm 2022, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 3,15% so với năm 2021, thấp hơn mục tiêu Quốc hội đề ra.

“Tốc độ tăng trưởng kinh tế cao gấp 2,5 lần tỷ lệ lạm phát là nét "khác biệt đáng tự hào", trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với lạm phát cao nhất trong 40 năm qua và tăng trưởng thấp”, TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê đánh giá.

Củng cố và khẳng định vị thế kinh tế Việt Nam trong thương mại quốc tế

Năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa chính thức đạt kỷ lục mới với 732,5 tỷ USD với 36 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD; lần đầu tiên xuất khẩu thuỷ sản cán mốc 10 tỷ USD, đưa Việt Nam là quốc gia xuất khẩu thủy sản lớn thứ 3 thế giới, chiếm trên 7% thị phần toàn cầu. Cán cân thương mại hàng hóa năm 2022 ước tính xuất siêu 11,2 tỷ USD đồng thời là năm thứ 7 liên tiếp xuất siêu. Những con số này đã góp phần nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và ổn định các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế.

Đánh giá về chất lượng hoạt động xuất nhập khẩu, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho rằng, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục cải thiện theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Đây chính là yếu tố then chốt để thay đổi cách nhìn nhận, đánh giá của người tiêu dùng đối với hàng hóa của Việt Nam.

Bên cạnh đó, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam tiếp tục là điểm sáng của nền kinh tế trong bối cảnh đầu tư và thương mại quốc tế suy giảm. Năm 2022 vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài ước đạt gần 27,72 tỷ USD; vốn FDI thực hiện ước đạt gần 22,4 tỷ USD, tăng 13,5% so với năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất trong 5 năm qua.

Đặc biệt, thu hút đầu tư nước ngoài đã chuyển hướng, tập trung vào các ngành, lĩnh vực công nghệ cao, phù hợp với chủ trương nâng cao chất lượng, ưu tiên các dự án hiện đại, có sức lan tỏa về công nghệ, tạo ra sản phẩm có tính cạnh tranh cao, đồng thời đáp ứng mục tiêu phát triển xanh và bền vững, đưa kinh tế Việt Nam tham gia sâu hơn vào mạng lưới cung ứng toàn cầu.

Kinh tế Việt Nam trong năm 2022 phục hồi tích cực từ nền tăng trưởng thấp do đại dịch Covid - 19 kéo dài. Tuy nhiên, giữa các biến động khôn lường của nền kinh tế toàn cầu, cộng thêm từ nội tại trong nước, nhiều dự báo năm 2023 sẽ là năm khó khăn đối với kinh tế Việt Nam.

Trước sức ép từ “hơi nóng” của kinh tế toàn cầu, dự báo năm 2023 sẽ có nhiều biến động và thách thức phức tạp khó lường sẽ tác động đến kinh tế nước ta. Điều này đã được nhìn thấy vào những tháng cuối năm 2022, tình trạng khan hiếm đơn hàng từ các thị trường lớn như: Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản,… do tình hình lạm phát và nhu cầu mua sắm giảm.

Trong ấn bản bổ sung định kỳ của báo cáo Triển vọng phát triển châu Á (ADO) 2022 công bố mới đây, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho rằng, mặc dù nền kinh tế Việt Nam đang vận hành tốt trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu có nhiều bất ổn, nhưng rủi ro đối với triển vọng kinh tế ngày càng gia tăng. Tuy thương mại tiếp tục tăng trưởng, các dấu hiệu cho thấy nhu cầu toàn cầu đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đang sụt giảm. Vì vậy, dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2023 được điều chỉnh xuống còn 6,3% do các đối tác thương mại lớn suy yếu.

Ông Andrea Coppola, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cũng dự báo, kinh tế Việt Nam năm 2023 sẽ đối mặt với nhiều khó khăn hơn: “Nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng chậm lại trong những tháng tới, do triển vọng kinh tế toàn cầu ảm đạm”.

Chuyên gia kinh tế trưởng của WB tại Việt Nam cho biết, trong năm 2023, kinh tế Việt Nam sẽ phải đối mặt với những "cơn gió ngược" mạnh ở cả bên ngoài và bên trong.

“Rủi ro bên ngoài bao gồm áp lực lạm phát toàn cầu dai dẳng, xu hướng các ngân hàng trung ương tiếp tục thắt chặt tiền tệ và suy thoái kinh tế nghiêm trọng hơn dự kiến của các đối tác thương mại chính của Việt Nam, cũng như sự gián đoạn liên tục trong chuỗi giá trị toàn cầu. Ở trong nước, môi trường lạm phát cao hơn và sự không chắc chắn trong lĩnh vực tài chính có thể ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam”, ông Andrea Coppola nhận định.

Mới đây, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2023 xuống mức 5,8%, giảm so với dự báo là 6,2% mà tổ chức này đưa ra hồi giữa tháng 10/2022.

“Với mức tăng trưởng mạnh cho đến tháng 9, chúng tôi đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2022 tăng lên từ mức 6% lên 7-7,5%. Tuy nhiên, do cầu bên ngoài chậm lại và điều kiện tài chính thắt chặt hơn, chúng tôi đã hạ dự báo tăng trưởng trong năm 2023 xuống 5,8%. Lạm phát dự kiến sẽ tăng lên trước khi dần trở lại dưới mức 4%”, ông Francois Painchaud, đại diện IMF lý giải.

TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng Ban Kinh tế ngành và Doanh nghiệp, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội quốc gia (NCIF) cho rằng, với nền tảng tăng trưởng khá cao trong năm 2022, tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2023 sẽ chậm lại, từng bước trở về trạng thái trước Covid-19, do sức bật cầu trong nước có thể không mạnh mẽ như năm 2022.

“Giá cả nguyên vật liệu tăng cao bắt đầu chuyển hóa rõ nét hơn vào chi phí sản xuất. Xuất nhập khẩu có thể tăng chậm hơn so với năm 2022 do tình trạng khó khăn kéo dài của các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam. Thu hút vốn đầu tư nước ngoài dự báo vẫn ở mức thấp do các rủi ro kinh tế toàn cầu gia tăng”, TS Trần Toàn Thắng quan ngại.

Với các yếu tố tác động như trên, TS. Trần Toàn Thắng đưa ra hai kịch bản cho kinh tế Việt Nam năm 2023. Kịch bản 1, tăng trưởng kinh tế có thể chỉ ở mức 6-6,2% nếu các yếu tố rủi ro lấn át xu hướng phục hồi đã thiết lập trong năm 2022. Kịch bản 2, khả quan hơn, tăng trưởng kinh tế có thể đạt mức 6,5-6,7% trong điều kiện quá trình phục hồi diễn ra thuận lợi hơn, các tác động từ bối cảnh quốc tế không quá lớn.

“Kinh tế Việt Nam năm 2023 đi theo kịch bản nào phụ thuộc vào nhiều yếu tố: diễn biến xung đột Nga - Ukraine, sự phục hồi của kinh tế toàn cầu, đặc biệt là các đối tác kinh tế lớn của Việt Nam. Cùng với đó là các nỗ lực thực hiện các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội”, ông Thắng cho biết.

Có cái nhìn tích cực hơn, TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế cho rằng, năm 2023, kinh tế Việt Nam vẫn có những thuận lợi và cơ hội nhất định.

“Hiện nay các nước đã và đang chuyển dịch đầu tư vào Việt Nam khi chúng ta ổn định kinh tế vĩ mô. Ví dụ Tập đoàn Lego (Đan Mạch) mới đầu tư vào Bình Dương 2 tỷ USD với tầm nhìn 10-20 năm, họ không chỉ đòi hỏi yếu tố hạ tầng mà cũng mong muốn chính sách phải ổn định, khi đó họ mới có thể chuyển dịch nhà máy. Vì vậy, đây là cơ hội chứ không phải rủi ro”, TS. Đinh Thế Hiển dẫn chứng.

Cùng với đó, trong 3 năm từ 2018-2021, sự chuyển dịch từ Trung Quốc qua các nước Đông Nam Á đã khiến tỉ trọng xuất khẩu của Trung Quốc đang từ 33% sang Mỹ giảm xuống còn 25%. Còn các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, tỉ trọng này đã tăng từ 10-14%. Như vậy, FDI vào Việt Nam là một tiến trình ổn định mặc dù có một vài gián đoạn trong Quý I-II, nhưng tiến trình đó vẫn là một cơ hội vì khi FDI vào Việt Nam không chỉ giúp tiêu dùng nội địa tăng, tạo việc làm, mà còn tạo quá trình đô thị hóa, các khu công nghiệp phát triển, gián tiếp giúp bất động sản tạo ra nhiều ngành nghề khác, đồng thời gián tiếp thúc đẩy các doanh nghiệp nội địa bao gồm nghiệp phụ trợ phát triển.

Ông Hiển cũng dự báo năm 2023, lãi suất sẽ hạ nhiệt trong Quý 1 và trở về ổn định vào cuối Quý 2/2023. Các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh sẽ có nguồn tín dụng tăng dần với lãi suất tốt từ Quý 2 trở đi. Xuất khẩu tiếp tục suy giảm trong Quý 1-2/2023 và sẽ phục hồi tăng vào Quý 3.

“Kinh tế nội địa sẽ bớt khó khăn từ Quý 2/2023 và có sự tăng trưởng tích cực từ Quý 3 nhờ hiệu ứng đầu tư công và ổn định tài chính tiền tệ. Đồng thời, thị trường bất động sản phục hồi nhẹ từ Quý 4/2023, tập trung ở khu vực đô thị lân cận khu công nghiệp và khu vực hạ tầng”, TS. Đinh Thế Hiển dự báo.

Để nền kinh tế tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tích cực trong năm 2023 từ các trụ cột đầu tư - xuất khẩu - tiêu dùng, thực hiện đạt các chỉ tiêu Quốc hội đã đặt ra, các chuyên gia kinh tế cho rằng, bên cạnh các chỉ đạo sát sao và chủ trương, chính sách kiến tạo môi trường kinh doanh của Chính phủ, rất cần sự nỗ lực tiếp tục của cộng đồng doanh nghiệp để “vượt cơn gió nghịch”, với nhận diện đúng, trúng các yếu tố thách thức, khó khăn ở năm tới để có các kịch bản ứng phó, chủ động linh hoạt ngay từ bây giờ.

"Chúng ta cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh và cần quan tâm đặc biệt đến sự minh bạch và công bằng, hướng tới chất lượng cao hơn không chỉ đơn thuần là giải quyết các thủ tục hành chính. Sự tham gia này không chỉ của mỗi nhà nước mà có trách nhiệm của tất cả các chủ thể. Bản thân doanh nghiệp cũng phải có trách nhiệm, đây là cơ hội, là thời cơ để bứt phá", ông Phan Đức Hiếu nhấn mạnh./.

Thứ Ba, 07:00, 03/01/2023