46 năm trước, từ cuối tháng 3 cho đến đầu tháng 4 năm 1975, các tỉnh Tây Nguyên được giải phóng, tạo bàn đạp quan trọng để đi đến thắng lợi cuối cùng là giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước ngày 30/4/1975.
Tây Nguyên được giải phóng nhưng Tây Nguyên chưa được bình yên để phát triển. Với vị trí chiến lược về an ninh - quốc phòng, các thế lực thù địch, phản động luôn tìm cách chống phá. Trong đó, Fulro - một tổ chức chính trị phản động lưu vong có vũ trang đã câu kết với các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề tôn giáo, dân tộc để chống phá cách mạng nước ta. Mục đích của chúng là chia cắt sự thống nhất đất nước, chia rẽ khối đại đoàn kết các dân tộc ở Việt Nam. Chúng đứng đằng sau các vụ bạo loạn xảy ra trong các năm 2001, 2004 và 2008 ở Tây Nguyên với mục tiêu thành lập cái gọi là “Nhà nước Đề Ga tự trị”. Nhưng âm mưu đen tối đó không bao giờ thành hiện thực.
Xã Hà Bầu, huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai
Trong chuyến công tác Tây Nguyên vào những ngày tháng 4 năm nay, phóng viên Báo điện tử VOV đã gặp gỡ nhiều nhân chứng sống, kể cả những “ngọn cờ” mà Fulro dựng lên trước đây tại những “điểm nóng” một thời ở Gia Lai. Nhiều năm đã trôi qua, quá khứ đen tối là thứ không ai muốn nhắc tới. Nhưng nó cũng là những trải nghiệm cay đắng để họ hiểu hơn về lẽ được - mất ở đời, về chân lý “có làm thì mới có ăn”, về tình làng xóm, về nghĩa đồng bào...
Phóng viên Báo điện tử VOV đã thực hiện loạt bài viết với nhan đề “Những người lầm lỡ, quay đầu là bờ”.
Bài viết đầu tiên trong loạt bài đó có tên Ký ức buồn của người từng được Fulro dựng làm “Tỉnh trưởng Gia Lai” .
Jana là tên thường gọi của ông YBome, người đàn ông Ba Na 65 tuổi ở làng Rai, xã Hà Bầu, huyện Đắk Đoa, nằm ở phía Bắc của tỉnh Gia Lai. Jana hoạt động Fulro từ trước năm 1975. Sau khi Gia Lai được giải phóng, ông ta bị bắt đưa đi cải tạo. Năm 1991, Jana trốn trại, tiếp tục hoạt động Fulro cho đến năm 1999, bắt đầu nhận sự chỉ đạo từ đối tượng Ksor Kơk ở Mỹ (đã chết - PV), kêu gọi người dân trên địa bàn tỉnh Gia Lai tổ chức biểu tình tại Pleiku với số lượng rất đông.
Sau “sự kiện” ngày 2/2/2001, Jana bị bắt với tội danh “Phá rối an ninh”. Theo tài liệu của cơ quan chức năng, các tổ chức phản động đã dựng nhân vật này thành “Tỉnh trưởng Gia Lai” của cái gọi là “Nhà nước Đề Ga tự trị”.
Ngày 6/3/2012, sau hơn 11 năm chấp hành án, Jana trở về quê hương.
“Khi tôi trở về, cây cà phê già cỗi, thành thử phải nhổ đi trồng lại. Con không cha như nhà không nóc vậy. Một mình vợ đi làm để lấy tiền mua lúa, mua gạo nuôi con ăn học. Khi ra tù thì tôi trắng tay, chả có gì cả” - ông Jana kể.
Khi được hỏi, mỗi lần nhớ lại chuyện cũ, ông thường suy nghĩ gì?, Jana trầm ngâm nói: “Tất nhiên là tôi hối hận. Vì sao mình lại đi vào con đường đó, cuối cùng thì mình được gì? Thực sự con tôi rất thiệt thòi. Tôi bỏ rơi con cái từ khi đứa lớn mới 8 tuổi, đứa út mới sinh được vài tháng. 11 năm ở trại là quãng thời gian quá dài đối với cuộc đời của tôi. Giá như những năm tháng đó, tôi ở nhà làm kinh tế, dù khó khăn mấy thì vợ con mình cũng đỡ khổ hơn. 11 năm ấy là con số không, tất cả đều đi theo tôi hết. Cà phê, tiêu chết hết, không thu được gì hết. Đó là điều hối hận, là nỗi buồn lớn nhất mà tôi luôn mang theo”.
Năm 2012, khi Jana trở về địa phương, ông Đinh Ơng làm Chủ tịch UBND xã Hà Bầu và cũng là người cùng làng làng với ông Jana nên hiểu rất rõ hoàn cảnh của con người này.
Căn nhà ông Jana sinh sống tại làng Rai, xã Hà Bầu, huyện Đắk Đoa, tỉnh Gia Lai.
“Hơn ai hết, tôi hiểu được hoàn cảnh của ông ấy. Kinh tế nhà ông ấy rất khó khăn và đó cũng là lý do ông ấy nghe theo bọn xấu xúi giục, kích động. Chúng tôi hỗ trợ cho con cái ông ấy ăn học bằng cách giúp vay tiền ngân hàng. Hiện tại, ông ấy cũng đang vay vốn của ngân hàng chính sách với số vốn hơn 100 triệu để trồng cà phê, nuôi bò, chăn vịt, nuôi cá. So với người dân ở địa phương thì gia đình ông Jana tương đối ổn định. Từ thay đổi về kinh tế dẫn đến thay đổi về nhận thức”.
Ông Đinh Ơng giờ làm Chủ tịch MTTQ huyện Đắk Đoa. Trong mắt ông thì Jana là người có uy tín trong cộng đồng, hiểu biết và quyết đoán, nắm rõ chủ trương, chính sách của Nhà nước nên nói bà con nghe.
“Ông ấy chịu khó làm ăn, vận động bà con nhân dân tham gia các công việc chung như làm đường xá, chấp hành tốt chủ trương của Đảng và Nhà nước, tham gia hội họp...Tôi không còn thấy sự mặc cảm đối với ông ấy. Ngay khi ông ấy trở về, chúng tôi đã làm mâm cơm, gặp gỡ, trao đổi để nghe ông ấy nói những khó khăn mà ông ấy gặp phải” - Chủ tịch MTTQ huyện Đắk Đoa chia sẻ.
Làm lại cuộc đời sau nhiều năm sống chui lủi trong rừng, sau những trải nghiệm đầy khó khăn vì mất tự do, “thủ lĩnh một thời” Jana xác định, không có cách nào khác là phải bắt tay vào cải tạo ruộng vườn, cất lại mái nhà dột nát, mua thêm con lợn, con bò... Với ông bây giờ, chẳng mong gì hơn là con cái trưởng thành. Khoản nợ ngân hàng thì dần dần sẽ trả được hết nếu có kế sinh nhai. Ông tâm sự: “Nhà tôi có 3 đứa con. Đứa lớn làm giáo viên, đứa thứ hai làm công nhân bốc vác. Đứa út đi làm thực tập sinh ở Nhật Bản và đều đã có gia đình riêng. Lâu lâu con tôi ở xã bên lại sang chơi. Nói chung là chúng ổn định”.
Jana từng được hứa hẹn nhiều thứ như quyền lực, nhà cửa, ruộng vườn nếu tiến hành vụ bạo động thành công.
“Họ còn nói rằng, nếu có chuyện gì xảy ra thì sẽ có cách giải quyết. Liên Hợp Quốc sẽ cứu giúp. Nhưng giờ thì tôi biết chắc những điều đó là lừa phỉnh. Mỗi quốc gia là một chính thể khác nhau, không thể có chuyện LHQ cứu giúp. Giờ ngần này tuổi, tôi càng hiểu rõ điều đó. Việc họ hứa hẹn cho chức này, chức kia cũng là giả dối. Thời gian càng lùi xa, tôi càng hối hận và đó là sự hối hận quá muộn màng. Giờ tôi chẳng thể làm gì được nữa vì tôi đã già, chỉ mong làm sao tạo dựng cho con cái cuộc sống ổn định. Thực tế thì từ khi trở về, cá nhân tôi và nhiều người khác được tạo điều kiện để phát triển kinh tế. Giờ, nhiều người ở Mỹ vẫn nghĩ, chúng tôi khó khăn như thời bao cấp trước đây, đó là suy nghĩ lệch lạc”, người đàn ông có đôi mắt thẳm sâu chiêm nghiệm.
Sẵn dòng tâm trạng đó, khi được hỏi về “Nhà nước tự trị” mà ông từng theo đuổi một thời, Jana không ngần ngại trả lời: “Thành lập nhà nước tự trị à? Tôi cho đó là sự mơ hồ. Trước đây, họ nói rằng, phải thành lập một quốc gia riêng, lấy tiếng Ê-đê làm tiếng phổ thông, đặt thủ đô ở Buôn Ma Thuột. Thời gian trôi đi, những năm tháng bị tù tội, tôi càng suy nghĩ nhiều hơn về điều này và thấy rằng, tất cả những điều đó là giả dối, là mơ hồ, không có gì bảo đảm. Các dân tộc ở Tây Nguyên nói riêng và Việt Nam nói chung, nếu 54 dân tộc, ai cũng muốn xé đất nước ra để thành lập nhà nước riêng thì làm sao có đất để ở. Tranh giành nhau đất đai thôi cũng sẽ bất ổn, đất nước không thể phát triển. Tốt hơn hết là đừng nghe những điều họ nói. Những lời nói đó chỉ làm cho bà con, nhất là những người nhẹ dạ cả tin đi vào con đường tù tội”.
Gần 10 năm qua, có khi nào ông bị lôi kéo, dụ dỗ nữa không?
Người đàn ông Ba Na dướn đôi mắt lên, nói dõng dạc: “Họ lôi kéo tôi làm gì nữa vì họ nghĩ tôi bây giờ không như trước đây nữa (cười)”.
Bí thư Huyện ủy Đắk Đoa Nguyễn Ngọc Thọ nói rằng, những người như ông Jana thường mặc cảm, tự ti. Điều quan trọng nhất là xóa đi mặc cảm đó để họ hòa nhập cộng đồng thoải mái hơn. Dần dần họ sẽ thấy được, sẽ so sánh được đâu là cái cần cho họ.
“Thực tế thì ông Jana cũng nhìn thấy những sai sót của mình trước đây nên có thái độ rất hòa đồng, tích cực với những công việc của địa phương. Tuy chỉ học hết lớp 9 nhưng tôi nghĩ, ông là một người thông minh”.
Đắk Đoa được tỉnh đánh giá cao trong việc triển khai chủ trương giáo dục, giúp đỡ người lầm đường, lạc lối
Người lãnh đạo cao nhất ở Đắk Đoa chia sẻ như vậy và cho biết, với vị trí chiến lược của địa phương, địa bàn này luôn bị các thế lực phản động lợi dụng để lôi kéo, gây dựng lực lượng. Chính vì vậy, đối tượng tham gia Fulro qua các thời kỳ rất lớn. Giai đoạn 2001, Đắk Đoa có trên 500 đối tượng. Qua đấu tranh, tuyên truyền, thuyết phục, hiện chỉ con 26 đối tượng quản lý tại cộng đồng. Hầu hết có thái độ tích cực, không cực đoan. Họ cũng nhận thức được rằng, đi theo con đường Fulro là sai trái. Những đối tượng Fulro lưu vong trước đây thường xuyên có sự câu móc vào bên trong nhưng cũng không lôi kéo thêm được người tham gia.
Ông Đinh Ơng, Chủ tịch MTTQ huyện Đăk Đoa cho rằng, cái quan trọng nhất để giúp những người như ông Jana trở về với cộng đồng chính là việc hiểu được hoàn cảnh cụ thể của họ, hỗ trợ phải thiết thực, đúng nhu cầu. Chính bởi vậy, Đắk Đoa được tỉnh đánh giá cao trong việc triển khai chủ trương giáo dục, giúp đỡ người lầm đường, lạc lối. Còn 26 người trong diện quản lý hiện nay thì đều được xếp vào loại A, nghĩa là tư tưởng tốt, chấp hành chủ trương pháp luật tốt, quan hệ tốt với chính quyền địa phương.
Ông Đinh Ơng cho biết: “Nhiều người có thân nhân ở Mỹ. Khi thân nhân của họ về, chúng tôi cũng thăm hỏi, chuyện trò như những người anh em, tạo cho họ sự gần gũi. Bây giờ, thông tin đại chúng rất thuận lợi. Chúng tôi hỏi thăm họ công việc làm ăn bên đó. Sau khi về nước thì họ mời chúng tôi đến nhà chơi. Một số người đi bằng con đường bất hợp pháp nhưng nay, họ trở về, chúng tôi vẫn đón tiếp họ như những người bà con. Nhiều người cũng tâm sự thật rằng, sang bên kia, cuộc sống không hẳn là sung sướng hết cả. Và cũng chính họ nói với bà con rằng: Không ở đâu sướng bằng ở đất nước mình. Ở đâu cũng phải “có làm thì mới có ăn”, không ai mang cho mình cả. Chính những câu chuyện như vậy tác động rất lớn đến tư tưởng của bà con”./.