Kiểm soát quyền lực là một điều kiện bảo đảm hiệu lực, hiệu quả trong cơ chế vận hành của các thể chế chính trị nói chung, đồng thời cũng là một yếu tố có vai trò, ý nghĩa rất quan trọng trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng. GS.TS Tạ Ngọc Tấn – nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng lý luận Trung ương nhấn mạnh tại Hội thảo khoa học “Kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng – thực trạng và giải pháp” do Ban Nội chính Trung ương tổ chức hồi đầu năm rằng để chủ động phòng ngừa, không để xảy ra tham nhũng thì cần xây dựng cơ chế giám sát, kiểm soát việc thực thi quyền lực của người có chức vụ quyền hạn.
Nguyên tắc mọi quyền lực phải được kiểm soát chặt chẽ bằng các chế định pháp lý, quy định chặt chẽ, có tính hệ thống. Quyền lực phải được đảm bảo các điều kiện để thực thi hiệu quả, đồng thời cũng ràng buộc chặt chẽ bằng trách nhiệm: Quyền lực càng cao thì trách nhiệm càng nặng nề; hành vi lạm dụng, lợi dụng quyền lực để vụ lợi phải bị truy cứu trách nhiệm và xử lý nghiêm khắc. “Chưa bao giờ công tác phòng, chống tham nhũng được chỉ đạo mạnh mẽ, đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả như thời gian vừa qua; để lại dấu ấn nổi bật, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội” – ông Tạ Ngọc Tấn nói.
Thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều đổi mới nhận thức về kiểm soát quyền lực, đã rất chú trọng ban hành các quy định về kiểm soát quyền lực nói chung và kiểm soát quyền lực để phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng nói riêng. Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng đã được đây mạnh, từng bước hoàn thiện; đã hình thành một bước cơ chế phòng ngừa chặt chẽ theo hướng bảo đảm "không thể", "không dám", "không muốn", "không cần" tham nhũng.
Qua tổng kết công tác công tác phòng, chống tham nhũng trong 8 năm (2013-2020), có thể khẳng định rằng, chưa bao giờ công tác phòng, chống tham nhũng lại được chỉ đạo mạnh mẽ, đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả như thời gian vừa qua; để lại dấu ấn nổi bật, tạo sự đông thuận cao trong xã hội. Tham nhũng từng bước được kiếm chế, ngăn chặn, góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, chúng ta cũng phải thẳng thắn nhìn nhận công tác kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Đó là cơ chế kiểm soát quyền lực chậm được hoàn thiện, còn nhiều sơ hở. Tính công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình còn hạn chế. Một số quy định về quản lý kinh tế - xã hội còn sơ hở, chồng chéo, dễ bị lợi dụng để tham nhũng nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung, nhất là trên các lĩnh vực: Quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản; đấu thầu, đầu tư công, mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản công…
Chính vì vậy, trong 12 định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 – 2030, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh:Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ và vì sự phát triển của đất nước. Tăng cường công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình; kiểm soát quyền lực gắn với siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong hoạt động của Nhà nước và của cán bộ, công chức, viên chức. Tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tội phạm và tệ nạn xã hội.
Từ đó, một nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội XIII được xác định là “tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hệ thống chính trị toàn diện, trong sạch, vững mạnh”, “tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, "lợi ích nhóm", những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ”. Đây là cơ sở quan trọng để tiếp tục hoàn thiện “lồng nhốt quyền lực” và đưa công tác phòng, chống tham nhũng lên một mức độ mới.
Cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước ta trong phòng, chống tham nhũng đã được quy định và từng bước hoàn thiện trong Hiến pháp, Luật Phòng, chống tham nhũng và các văn bản pháp luật khác có liên quan. Tuy nhiên, tham nhũng ở Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Đình Quyền, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nó được phát sinh trong thể chế, trong cơ chế, chính sách, trong chỉ đạo, quản lý, điều hành, trong tổ chức thực hiện chính sách pháp luật, trong thực hiện trách nhiệm công vụ, trong cả các công cụ kiểm soát quyền lực nhà nước, phòng, chống tham nhũng, bảo vệ pháp luật như thanh tra, kiểm tra, kiểm toán điều tra, truy tố xét xử…
Do đó có thể nói toàn bộ thiết chế về tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị, bộ máy Nhà nước và hoạt động của công dân đều có liên quan mật thiết đến việc hoàn thiện thể chế về kiểm soát quyền lực trong phòng, chống tham nhũng ở nước ta. Vì vậy, nếu chỉ tập trung hoàn thiện Luật Phòng, chống tham nhũng mà không hoàn thiện, đồng bộ tất cả các thể chế pháp luật khác thì sẽ không thể chống tham nhũng được.
Phân tích sâu hơn ở một số khía cạnh, như để “không thể” tham nhũng, ông Nguyễn Đình Quyền cho rằng hệ thống pháp luật của chúng ta tương đối đầy đủ, các văn bản trình Quốc hội được kiểm soát quyền lực tương đối tốt theo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, hoạt động làm việc tập thể của Chính phủ, hoạt động thẩm tra của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, hoạt động cho ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội vào cuối cùng là hoạt động của Quốc hội. Tuy nhiên, điều ông băn khoăn chính là vấn đề giám sát văn bản quy phạm pháp luật để kiểm soát quyền lực vì “bây giờ có trên dưới hàng chục nghìn văn bản dưới luật mà không được kiểm soát quyền lực”, đây là nguy cơ tham nhũng chính sách lớn nhất, là lỗ hổng trong kiểm soát quyền lực. Do đó nếu chúng ta làm tốt thì đối tượng không thể dễ dàng tham nhũng được.
Cũng theo ông Nguyễn Đình Quyền, trên thế giới rất ít nước ban hành Luật phòng, chống tham nhũng nhưng nhiều nước có luật kiểm soát tài sản, thu nhập từ một người dân bình thường cho đến Tổng thống. Kiểm soát tài sản thu nhập không những phục vụ phòng, chống tham nhũng mà còn phục vụ chống trốn thuế, rửa tiền, gian lận thương mại, buôn lậu, tín dụng đen… “Nếu kiểm soát được thì chúng ta sẽ làm được rất nhiều việc về quản lý nhà nước. Không làm được cái đó thì kiểm soát với cán bộ, công chức, người có chức vụ quyền hạn là rất khó” – ông Quyền nói.
Cùng với "nhốt" quyền lực vào trong "lồng" thể chế, công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình là điều kiện đầu tiên để kiểm soát quyền lực, bảo đảm quyền lực được vận hành đúng đắn, không bị "tha hoá". Theo ông Nguyễn Đình Quyền, đây là tiêu chí quan trọng của Nhà nước pháp quyền và cũng là một trong những hạt nhân của phòng, chống tham nhũng. Quá trình giám sát của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho thấy những địa phương công khai minh bạch tốt thì đều hạn chế tham nhũng hoặc có điều kiện để phát hiện ra hành vi tham nhũng. Công khai minh bạch là để cho tất cả thiết chế phòng, chống tham nhũng tiếp cận được thông tin, vì nếu không như vậy thì lấy đâu ra thông tin mà phát hiện tham nhũng.
“Công khai minh bạch hiện nay của chúng ta hoàn toàn phụ thuộc vào người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Làm cũng được mà chẳng làm cũng được, trách nhiệm chả ai kiểm soát cả. Thiếu hành lang pháp lý một cách cụ thể, chặt chẽ cho công khai, minh bạch như nội hàm công khai, minh bạch như thế nào; tần suất công khai, minh bạch ra làm sao; kiểm soát việc công khai minh bạch; xác định trách nhiệm… đều “lửng lơ” – TS Nguyễn Đình Quyền nhấn mạnh và cho rằng cần làm tốt 3 vấn đề liên quan "không thể" nêu trên.
Hay về “không dám” tham nhũng, theo nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, kiểm soát quyền lực có 3 phương diện: Kiểm soát trong nội bộ từng nhánh quyền lực lập pháp, hành pháp, tư pháp. Kiểm soát giữa các nhánh quyền lực với nhau. Kiểm soát của các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội, báo chí, người dân... Tuy nhiên, chúng ta nói kiểm soát quyền lực 20 năm nay rồi nhưng chưa có một đề tài cấp nhà nước nào về kiểm soát quyền lực được nghiệm thu. Về mặt chính quyền chưa nhận diện hết được các phương diện quản lý quyền lực. Làm tốt thì mấy ai dám tham nhũng!
“Công ước của Liên Hợp Quốc về chống tham nhũng khuyến cáo các quốc gia thành viên cần nghiên cứu để hình sự hóa hành vi làm giàu bất hợp pháp và hành vi không giải trình được nguồn gốc của tài sản tăng bất thường. Ta chưa làm nên mới có giải trình cán bộ bán chổi đót, nuôi lợn xây biệt phủ. Nếu hình sự hóa thì mấy ai còn dám” – ông Nguyễn Đình Quyền nói và cho rằng tội phạm tham nhũng liên quan chủ thể đặc biệt, khách thể đặc biệt, hậu quả pháp lý đặc biệt, hành vi đặc biệt nên cần phương thức phòng, chống hiệu quả hơn để đảm bảo “không dám” tham nhũng.
Và để “không cần, không muốn” tham nhũng, chúng ta cũng phải cải cách tiền lương, đảm bảo thu nhập để cán bộ toàn tâm, toàn ý, khách quan thực hiện nhiệm vụ được giao. Cùng với vấn đề cơ chế được nhấn mạnh trong Văn kiện và Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII để bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung, mỗi cán bộ sẽ vững tâm hơn để cống hiến.
Và như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, từ những kinh nghiệm, kết quả đạt được trong thời gian qua, chúng ta vững tin rằng, với sự quyết tâm chính trị cao của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc tích cực, đồng bộ của các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, công tác phòng, chống tham nhũng trong nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng tới đây sẽ có bước tiến mới, mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn và hiệu quả hơn. Tham nhũng nhất định sẽ được ngăn chặn và đẩy lùi, góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cách mạng và niềm tin yêu, mong đợi của Nhân dân./.