Phố cổ - là nét đặc trưng, riêng biệt, độc đáo của Hà Nội, những con ngõ nhỏ sâu hun hút này được hình thành từ hàng trăm năm nay. Tại đây, có hàng nghìn người đang ngày ngày sống chung với bóng tối, với ẩm ướt trong những căn nhà siêu nhỏ, quanh năm không có nắng chiếu, có những con ngõ chỉ vừa đủ 1 người đi qua. Bước vào mỗi con ngõ nhỏ như bước vào đường hầm, mò mẫm mãi mà không thấy ánh sáng mặt trời.

Theo thống kê, tại khu vực quận Hoàn Kiếm có khoảng hơn 1.000 con ngõ, ngách nhỏ, có những con ngõ mà người đi qua phải lom khom, luồn lách rất khổ sở. Chính sự “độc đáo”, khác lạ này đã khiến nhiều du khách tò mò khi đặt chân đến Hà Nội du lịch, khám phá.

Tại phố Hàng Buồm, những con ngõ sâu, chật hẹp xen kẽ. Cách một nhà mặt tiền lớn lại tới một con ngõ. Chiều ngang đoạn hẹp nhất chỉ 50-60 cm. Cạnh đó là phố Ngõ Gạch, nơi đây được nhiều người biết đến với những con ngõ siêu nhỏ với chiều rộng chưa đầy 50 cm. Đi xuyên qua con ngõ sâu, dài này là những căn nhà cũng siêu bé với diện tích chỉ khoảng 15-20 m2.

Không ảnh khu phố cổ Hà Nội 1989 (Ảnh David Alan Harvey)

Chật hẹp, thiếu thốn là vậy nhưng người Hà Nội cũng đã quen với nếp sinh hoạt này. Nhiều người đã gắn bó vài chục năm nay với phố cổ, cả đại gia đình gồm 3 thế hệ cùng sống trong căn phòng chỉ 14-15m2 ấy mà họ vẫn lạc quan và quyết gắn bó với nơi này đến hết cuộc đời.

Bà Phạm Xuân Thu, 84 tuổi, sống ở phố hàng Buồm 60 năm nay, bà có “thâm niên” làm nghề cắt tóc tại phố cổ hơn 40 năm. Hơn một nửa thế kỷ gắn bó với phố cổ Hà Nội là từng ấy thời gian bà có nhiều hoài niệm với mảnh đất này.

Bà Thu kể, cách đây hơn 10 năm, đại gia đình bà gồm 3 thế hệ (10 người) sống trong căn nhà nhỏ chỉ 14 m2 tại một con ngõ nhỏ trên phố Buồm. Sau đó, vì không gian sống quá nhỏ hẹp nên các con bà lần lượt ra ở riêng, hiện chỉ có bà và gia đình người con trai (4 người) sinh sống. Cuộc sống trong con ngõ nhỏ cứ thế trôi đi bình lặng, yên ả, đối lập với sự xô bồ, đông đúc của phố xá bên ngoài.

Một ngày mới của bà Thu bắt đầu từ 5 giờ sáng, ngủ dậy, bà đi tập thể dục, ăn sáng sau đó ra vỉa hè ngồi hít khí trời. Tiện thể mua mớ rau, con cá của những gánh hàng rong đi qua và thi thoảng ngồi nhặt rau giúp một vài hộ hàng xóm.

Theo bà Thu, phố cổ hiện nay không còn nhiều người gốc Hà Nội, mà có rất nhiều người từ nơi khác đến ở. Sau từng ấy năm sinh sống tại đây, bà vẫn yêu từng con đường, góc phố cổ đến lạ kỳ, bởi bước chân ra khỏi nhà là đường phố đông đúc, “có chợ” luôn. Đồ ăn, thức uống trên trên những con phố này rất đa dạng và nhiều vô kể. 

Vừa ngồi nhặt rau bí giúp hàng xóm trên vỉa hè phố, bà Thu vừa kể, mặc dù không gian sống của gia đình bà chật chội, thiếu thốn và nóng nực nhưng bà luôn cảm thấy ấm cúng và muốn gắn bó với từng con đường, góc phố ấy đến hết cuộc đời.

Sống và mưu sinh cùng phố cổ đã tồn tại suốt nhiều đời của bao gia đình

Dòng đời cứ thế diễn ra, sống và mưu sinh cùng phố cổ đã tồn tại suốt nhiều đời của bao gia đình. Giống như nhiều con phố khác, ngõ Gạch hay phố Hàng Đường cũng được thương mại hóa tối đa, những người buôn bán nhỏ, lẻ đã tận dụng từng mét vuông trong ngõ để bày bán đầy đủ các loại hàng hóa, từ tạp phẩm, quần áo, giày dép hay trà đá.

Bà Hoa Thị Vượng, 75 tuổi, người ở chợ Mơ, bà lấy chồng ở phố cổ và đã gắn bó với nơi đây 40 năm nay. Hiện, hai ông bà sống trong căn nhà khoảng 20m2 tại một con ngõ nhỏ trên phố Hàng Đường. Ngôi nhà này có tuổi thọ 100 năm, được đời ông bà, bố mẹ chồng để lại.

Căn nhà nhỏ chất đầy đồ đạc, chỉ chừa lại một lối đi nhỏ, ẩm thấp, cũ kỹ và xuống cấp, tuy vậy, nơi đây là tổ ấm, là nơi chất chứa bao kỷ niệm của đôi vợ chồng từng có 40 năm gắn bó bên nhau.

Bà Vượng cho biết, trước đây, ông bà từng bán tạp phẩm, tạp hóa, sau này tuổi cao mở quán trà đá ở vỉa hè đầu ngõ, túc tắc kiếm đồng ra đồng vào. Hàng ngày, 5 giờ sáng, ông bà dậy tập thể dục, sau đó đun nước, 7h dọn hàng ra ngõ, bán đến 12h trưa thì dọn hàng rồi nghỉ ngơi. Chỉ vào những ngày cuối tuần, có chợ đêm, ông bà mới bán tiếp từ 4h chiều đến 10h đêm…

Những con ngõ nhỏ sâu hun hút, chỉ vừa 1 người đi qua

40 năm gắn bó, hình ảnh phố cổ đông vui đã in dấu ấn sâu đậm trong tâm trí bà Vượng. Những con phố nhỏ “liêu xiêu”, lúc đông đúc, lúc yên bình, luôn khiến bà nhớ đến quay quắt mỗi khi phải đi đâu xa lâu ngày.

“Mặc dù cuộc sống còn khó khăn, thiếu thốn, không gian sống nhỏ hẹp nhưng tôi vẫn rất yêu phố cổ, yêu từng góc phố, yêu những con người nơi đây. Vợ chồng tôi muốn gắn bó với nơi này đến hết đời, không muốn chuyển đi nơi khác sinh sống.  Đi qua hơn nửa đời người, với tôi, cuộc sống như vậy là đủ rồi, chẳng muốn thay đổi nữa”, bà Vượng nói.

Người dân sống lâu năm ở phố cổ cho hay, những con ngõ, ngách nhỏ trên phố cổ đã tồn tại hàng trăm năm nay, việc cải tạo gần như là không thể, thế nên chỉ biết làm quen, thích nghi rồi sống qua ngày.

Chật chội, nhỏ hẹp là vậy, phố cổ có lực hút gì mà vẫn “níu chân” nhiều người đến vậy?  

Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội cũng như từng dành rất nhiều thời gian để quan sát và cảm nhận hơi thở cuộc sống nơi phố cổ, nhà báo, nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến cho hay, theo thời gian, trong một gia đình, con cái lớn dần lên, dựng vợ gả chồng, sinh con đẻ cái, không gian sống rất chật hẹp, thế nhưng, nhiều người dân vẫn cứ ở lại phố cổ mà không muốn chuyển đi nơi khác, mặc dù nơi ở vô cùng bất tiện, thiếu thốn. Câu trả lời là, phố cổ là nơi mà người dân dễ kiếm sống nhất.

Phố cổ là nơi mà người dân dễ kiếm sống nhất.

Một người về hưu không có nghề hoặc không đi làm ở đâu đó thì chỉ cần bán nước, bán một vài mặt hàng nhỏ lặt vặt ở vỉa hè là họ có thể kiếm được tiền để trang trải cuộc sống hàng ngày. Nếu chuyển đi nơi khác, mở các dịch vụ khác như ở phố cổ thì chắc chắn, không thể có thu nhập tốt như vậy.

Mặt khác, người dân phố cổ đã quen với nhịp sống ồn ã, sầm uất và quen với cả sự khó khăn, bất tiện trong sinh hoạt, họ không muốn chuyển đi nơi khác để sinh sống nữa. Vậy nên phố cổ đã chật chội thì nay lại càng chật chội thêm…

“Lịch sử về ẩm thực, giao tiếp và kể cả phong cách ăn mặc thì phố cổ vẫn là nơi trung tâm văn hóa của Hà Nội cho đến ngày hôm nay. Trong một mạch ngầm chiến đấu của cuộc sống thì phong cách sống cổ xưa của người dân phố cổ vẫn hiện hữu. Người dân phố cổ vẫn đi lại bằng xích lô, trong giao tiếp thì vẫn rất ý nhị, nền nã, cách ăn mặc vẫn giản dị, kín đáo và thanh lịch”, nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến nói.

“Nơi tôi sinh Hà Nội, ngày tôi sinh, một ngày bỏng cháy. Ngõ nhỏ, phố nhỏ, nhà tôi ở đó…”, câu hát trong bài hát “Hà Nội và tôi” của nhạc sĩ Lê Vinh từng làm day dứt, xúc động, gợi nhớ da diết đối với những người đang xa Hà Nội và những người đã nặng lòng yêu Hà Nội. Ngõ nhỏ Hà thành là thế, ngõ nhỏ nhưng lại mang đầy đủ đặc trưng mà chỉ riêng thành phố này mới có. Nơi ấy vẫn tồn tại, lưu giữ từng nét văn hóa nghìn năm của người dân mà chẳng thể đổi thay theo dòng chảy thời gian. Có thể nói, đó là niềm tự hào của mỗi người con đất Hà Thành khi đi xa và mỗi khi nhắc tới nơi “chôn rau, cắt rốn” của mình./.

Thứ Năm, 06:00, 11/05/2023