Nếu có cơ hội được quay ngược thời gian, em sẽ không bao giờ động vào ma túy nữa” – Đây là lần thứ 3 Trần Xuân Hòa (SN 1991, quê Nghệ An) quay trở lại trại cai nghiện. Lần đầu tiên đi cai nghiện là năm Hòa bước sang tuổi 18.

Hòa là một trong 278 học viên tại Cơ sở cai nghiện số 6 (xã Tân Minh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội).

- Bạn có chắc chắn mình bỏ được ma túy không?
- Em không dám hứa nhưng sẽ cố gắng hết sức.
- Khi vướng vào ma túy, bạn đã mất những gì?
- Gia đình, bạn bè và chính bản thân mình. – Hòa đáp gọn.

Sau 17 năm công tác tại Cơ sở cai nghiện số 6, ông Phí Anh Hoàng, Giám đốc cơ sở cho biết câu chuyện của Hòa chỉ là một trong hàng trăm câu chuyện khác của những người nghiện ma túy đang có xu hướng ngày càng gia tăng và ngày càng trẻ hóa trong xã hội.

Ông Hoàng cho rằng, trẻ hóa đối tượng nghiện ma túy là một hiện tượng đau lòng và đầy đáng tiếc: “Khi nghiện ma túy rồi, các bạn ấy đâu làm được việc gì lớn, vừa không tạo ra của cải vật chất cho xã hội, vừa thâm hụt tích lũy của bản thân, gia đình hơn xa hơn là quốc gia, vừa ảnh hưởng tới nòi giống sau này,… Người trẻ là lực lượng lao động quan trọng nhất của xã hội, tương lai sẽ là chủ nhân của đất nước. Ấy vậy mà họ lại dính vào vòng xoáy của ma túy ngày càng nhiều. Điều này gây ra những thiệt hại nặng nề trên các góc độ vĩ mô của đất nước như: xây dựng các giá trị đạo đức trong xã hội, phát triển kinh tế thậm chí là thu hút đầu tư nước ngoài,...”

Lý giải về nguyên nhân hiện tượng trẻ hóa đối tượng nghiện ma túy, Giám đốc Cơ sở cai nghiện số 6 nói: “Vì họ không hiểu về ma túy, không hiểu về những hậu quả khủng khiếp mà ma túy có thể gây ra”.

Vào tháng 3/2021, Quốc hội đã thông qua Luật Phòng chống ma túy 2021 (sửa đổi). Theo đó, Điều 33 Luật này nêu rõ, người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi bị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc với một số trường hợp và quy định cụ thể. Luật này sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2022.

Cơ sở cai nghiện ma túy số 6 - Hà Nội (Ảnh: PV)

Trước đây, ma túy thường được hiểu đơn thuần là các loại thuốc phiện, heroin,… đắt đỏ và khan hiến. Nhưng sau khi ngành “công nghiệp ma túy” ra đời, bất kỳ ai cũng có thể mua ma túy với nguồn cung lớn và giá thành rẻ hơn rất nhiều.

Trần Xuân Hòa, học viên tại Cơ sở cai nghiện số 6 cho biết khi mới nghiện, chi phí cho tiền thuốc chỉ 100-200.000 đồng/ngày, rồi đội dần lên 300-400.000 đồng/ngày. “Một khi đã dùng ma túy, phải có thuốc mới đi làm được”. Người nghiện rơi vào vòng luẩn quẩn, phải có thuốc mới đi làm được, tiền kiếm về cũng chỉ để đi mua thuốc. Sau 2 tháng dùng thuốc thì Hòa chính thức nghiện.

Trước sự xuất hiện ồ ạt của các loại ma túy mới, Giám đốc Cơ sở cai nghiện số 6  Phí Anh Hoàng cho biết, hiện nay chưa có phác đồ điều trị cho loại ma túy này. Đây chính là điều nguy hiểm nhất mà người nghiện trẻ tuổi không lường đến được.

Các loại ma túy tổng hợp khiến não bộ của người dùng bị tổn thương nặng nề. Ma túy tổng hợp là chất gây ảo giác: ảo thanh, ảo thính, ảo ảnh,… “Nghiện ma túy giống như mắc bệnh tâm thần vậy. Thời gian đầu phải chấp nhận sống chung, dùng thuốc khi bệnh có diễn biến phức tạp. Để chuyển lại trạng thái hoạt động bình thường, người nghiện cần cả một quá trình lâu dài, có thể là 1-2 năm, có thể là cả chục năm” – Ông Hoàng giải thích.

Các loại ma túy tổng hợp khiến não bộ của người dùng bị tổn thương nặng nề. Ma túy tổng hợp là chất gây ảo giác: ảo thanh, ảo thính, ảo ảnh,… “Nghiện ma túy giống như mắc bệnh tâm thần vậy. Thời gian đầu phải chấp nhận sống chung, dùng thuốc khi bệnh có diễn biến phức tạp. Để chuyển lại trạng thái hoạt động bình thường, người nghiện cần cả một quá trình lâu dài, có thể là 1-2 năm, có thể là cả chục năm” – Ông Hoàng giải thích.

Giống như Hòa, Phạm Thanh Bình (SN 1990, quê Lai Châu) cũng là đối tượng đi cai nghiện bắt buộc. Bình bắt đầu dùng ma túy đá khi còn là sinh viên tại TP.HCM: “Hồi đó em đi làm thêm tại một quán bar để kiếm tiền trang trải sinh hoạt hoạt phí, và rồi trở thành con nghiện”. Bình trầm ngâm một lúc: “Vợ em giờ làm giáo viên ở Lai Châu. Cô ấy vào Đảng rồi. Em sợ, mình sẽ làm ảnh hưởng tới sự nghiệp của cô ấy”.

Xưởng lao động tại Cơ sở cai nghiện ma túy số 6 - Hà Nội (Ảnh: PV)

Khi được hỏi tại sao vẫn đi vào con đường ma túy dù biết là sai, Bình trả lời, ma túy khiến Bình thoát ra khỏi những chán chường, bế tắc của cuộc sống thực tại: “Khi em sử dụng ma túy, em thấy mình được đi siêu xe, được làm thầy giáo, được làm vua một cõi có người phục tùng…. Sau khi sử dụng, hai ba ngày em không cần ngủ, không cần ăn, có thể làm việc, đi chơi thâu đêm, thâu ngày”.

Trong quá trình cai nghiện, người nghiện cũng phải chịu rất nhiều áp lực, cám dỗ. “Ma lực của ma túy rất lớn và không trừ một ai cả. Một khi họ đã rơi vào vòng xoáy ma túy, ít ai có đủ sức để tự thoát ra khỏi vòng xoáy đó. Họ bị ruồng bỏ, bị tư ti, họ cho rằng: cuộc đời này coi như bỏ. Nhiều người nghĩ đến chuyện tự sát. Nếu nhìn ở góc độ bao dung hơn, người nghiện cũng là nạn nhân trong vòng xoáy của xã hội, vòng xoáy của bạo nạn ma túy. Suy cho cùng họ đáng trách nhưng cũng đáng thương” – Giám đốc Cơ sở cai nghiện số 6 trầm ngâm.

Kể lại câu chuyện một học viên bôi hết chất thải lên người sau khi đi vệ sinh vì “thấy rất thơm, bôi lên để làm trang sức” ông Phí Anh Hoàng cho biết,  não bộ của người nghiện ma túy bị phá hủy rất nhiều.

Hiện, quy trình cai nghiện ma túy gồm 5 giai đoạn: Một là, tiếp nhận, phân loại; Hai là, điều trị cắt cơn, giải độc, điều trị các rối loạn tâm thần, điều trị các bệnh lý khác; Ba là, giáo dục, tư vấn, phục hồi hành vi, nhân cách; Bốn là, lao động trị liệu, học nghề; Năm là, chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng.

Trong đó, theo ông Hoàng quá trình khó khăn nhất nằm ở chỗ làm sao để giữ người nghiện không tái nghiện sau khi trở về cộng đồng: “Ma túy giống như một vết gấp trên não, khi trở về cộng đồng, người nghiện sẽ nhớ lại những nơi, những người bạn từng dùng ma túy. Họ sẽ nhớ lại và thèm muốn. Nếu không chống lại được, họ sẽ tiếp tục trở thành con nghiện”.

Vậy làm thế nào để giữ người nghiện không tái nghiện? Không ai muốn một cuộc sống nghiện ngập. Ông Hoàng cho rằng, để giữ người nghiện không rơi tiếp tục rơi vào vòng xoáy ma túy, bên cạnh các can thiệp y tế, giáo dục, họ cần có một điểm tựa niềm tin: “Niềm tin ở đây là niềm tin của gia đình, người thân và chính niềm tin của người nghiện. Họ phải có đủ tự tin, kỷ luật để vượt qua cám dỗ. Ngoài ra, các liệu pháp điều trị tâm lý là rất cần thiết để người nghiện thoát khỏi cảm giác tự ti trống vắng, bứt rứt khi không có chất kích thích. Ma túy khó bỏ, nhưng làm được. Trong đó tình thương từ gia đình, xã hội là yếu tố quan trọng nhất để giữ họ ở lại”./.

Thứ Sáu, 06:00, 12/11/2021