Nhu cầu lớn dành cho xe điện đã khiến nhiều nhà sản xuất ô tô mới và truyền thống đều phải tích cực chuyển sang hướng kinh doanh cho loại phương tiện này để bắt kịp với tương lai của ngành.

Yêu cầu giảm phát thải khí và xanh hóa các loại phương tiện đang được đẩy mạnh trên hầu hết các thị trường ô tô lớn trên thế giới, đặc biệt đối với các mẫu ô tô du lịch. Điều này đang khiến toàn ngành dịch chuyển theo một hướng, đó là đầu tư phát triển các loại xe điện để đáp ứng nhu cầu của toàn cầu.

Số liệu từ EVVolumes cho thấy thị trường toàn cầu đã tiêu thụ tới 4,16 triệu chiếc xe điện các loại, tăng 64% so với cùng kỳ năm ngoái; và đang gần tiếp cận đến mốc 6,5 triệu chiếc trong toàn năm 2021.

Trong đó, lượng xe thuần điện (xe chạy điện hoàn toàn) lên tới 3,05 triệu chiếc, chiếm thị phần khoảng 8,8% doanh số ô tô trên toàn cầu trong khi xe Hybrid sạc ngoài (PHEV) chỉ đạt 1,11 triệu chiếc, chiếm khoảng 3,2% thị phần ô tô toàn cầu.

Ngoài việc nhu cầu tăng do sự thay đổi thị hiếu của người tiêu dùng, chính sách ưu tiên của các quốc gia dành cho xe xanh nhằm giảm mức phát thải khí độc hại cũng có đóng góp không nhỏ cho sự tăng trưởng và chuyển dịch sang các dòng xe điện trên toàn cầu.

Hiện tại, Trung Quốc vẫn là thị trường xe điện lớn nhất toàn cầu với 2,4 triệu chiếc xe điện bán ra trong nửa đầu năm 2022, chiếm khoảng 55% doanh số trên toàn cầu. Với mức tăng trưởng 118% hàng năm, Trung Quốc cũng là thị trường phát triển xe điện nhanh nhất và dự kiến đạt trên 5 triệu chiếc sau khi kết thúc năm 2022, nước này thậm chí nâng mức dự báo doanh số xe điện lên tới 6 triệu chiếc.

Trung Quốc hiện là thị trường xe điện lớn nhất toàn cầu (Ảnh CNC)

Tuy nhiên, các thị trường châu Âu và Mỹ cũng đang tăng tốc theo hướng điện hóa ô tô với những chính sách mới được áp dụng. Trong đó, châu Âu đang tăng tốc mạnh mẽ với việc toàn khối EU sẽ dừng bán xe chạy bằng nhiên liệu hóa thạch từ năm 2035.

Na Uy là quốc gia đi đầu về xe thuần điện hiện tại, và đặt mục tiêu kể từ 2025 sẽ chỉ toàn ô tô điện, và là xe thuần điện BEV chứ không phải là HEV, PHEV... Và thống kê trong năm 2021 vừa qua, Na Uy đã đạt 64,5% tổng số ô tô bán ra đều là xe điện.

Theo công ty chuyên về dữ liệu thị trường và người tiêu dùng Statista, vào năm 2020 Na Uy có 81 EV/1.000 cư dân. Con số này vượt xa Iceland, nước đứng thứ hai với 36,8 EV cho mỗi 1.000 cư dân và bỏ xa Mỹ - nước đứng thứ 8 với chỉ 5,2 EV cho mỗi 1.000 cư dân. Trong khi đó, tỷ lệ sở hữu ô tô chung của Việt Nam hiện khoảng 30 chiếc/1000 cư dân.

Thị trường Mỹ lớn thứ 2 thế giới cũng đang tích cực chuyển đổi sang xe điện với các chính sách hỗ trợ ngành công nghiệp này trong thời gian gần đây với mục tiêu 50% ô tô mới bán ra từ năm 2030 sẽ là xe thuần điện.

Thị trường Mỹ cũng đang tích cực chuyển đổi sang xe điện đứng thứ 2 thế giới (Ảnh Reuters)

Cùng với đó, hàng loạt nhà sản xuất đã và đang thành công với ô tô chạy nhiên liệu hóa thạch cũng bắt buộc phải chuyển sang đầu tư cho các mẫu xe mới chạy điện hoàn toàn. Tuy nhiên, hệ thống vận hành của các hãng này vốn quá lớn nên tốn nhiều thời gian và tiền bạc cho quá trình này.

Vào đầu năm nay, Ford đã công bố đầu tư lên tới 50 tỷ USD đến năm 2026 cho công cuộc phát triển xe điện, đồng thời, hãng cũng tách biệt riêng mảng kinh doanh dòng xe xanh này với xe sử dụng động cơ đốt trong truyền thống. CEO Jim Farley của hãng xe Mỹ đặt mục tiêu sản xuất hơn 2 triệu xe điện vào cuối kỳ của kế hoạch trên, bằng 1/3 sản lượng xe toàn cầu của Ford.

CEO Jim Farley của hãng Ford

Cuối năm ngoái, Toyota cũng công bố khoản đầu tư tới 70 tỷ USD dành cho phát triển các dòng xe thuần điện cho tới năm 2030, dù đi trước về xe Hybrid trước đây nhưng hiện hãng xe Nhật vẫn đang chậm trong quá trình chuyển đổi mới.

Cùng với Lexus, Toyota đã công bố 15 mẫu xe điện dự kiến sẽ ra mắt tron những năm tới, tất cả đều sử dụng nền tảng e-TNGA của hãng. Trong đó, những mẫu xe được hiện thực hóa thuộc dòng bZ của Toyota đã được bán ra thị trường.

Honda cũng mới công bố kế hoạch phát triển ô tô điện với 30 mẫu xe mới, dự kiến đến năm 2030 hãng sẽ xuất xưởng được khoảng 2 triệu xe điện, chiếm một nửa sản lượng. Cùng với đó, Honda cũng hợp tác với Sony nhằm tận dụng lợi thế để cạnh tranh trong ngành; Honda cũng lập liên minh với General Motors (GM) để phát triển pin điện từ vài năm trước.

Nhà sản xuất của Mỹ đương nhiên có kế hoạch của riêng mình trong ngành này, với khoản đầu tư tới 35 tỷ USD đến cuối thập kỷ này và cũng có danh mục sản phẩm mới tới 30 mẫu xe. Bên cạnh đó, một nhà sản xuất của Mỹ khác - Stellantis – cũng dự định chi 35,5 tỷ USD đến năm 2025 để ra mắt loạt xe điện mới.

Các nhà sản xuất xe sang và siêu sang cũng không muốn bị bỏ lại trong cuộc chơi xe điện. Theo đó, Mercedes-Benz đã có kế hoạch loại bỏ ô tô chạy nhiên liệu hóa thạch cho đến nửa cuối thập kỷ này; hãng sẽ không mở thêm nhà máy mới mà chuyển đổi các dây chuyền để lắp ráp xe điện. Dự kiến đến năm 2025, xe thuần điện và Hybrid sẽ chiếm 50% doanh số của hãng xe Đức.

Trong khi đó, đối thủ của Mercedes-Benz - BMW – chỉ đặt mục tiêu sản xuất 50% xe điện vào năm 2030 trong khi thương hiệu con Mini sẽ chuyển sang sản xuất xe điện hoàn toàn vào cuối thập kỷ này.

Rolls-Royce, thương hiệu xe siêu sang thuộc sở hữu của BMW, cho biết sẽ giới thiệu mẫu xe thuần điện đầu tiên mang tên Spectre vào cuối năm sau. Tiếp đó, tới năm 2030, hãng sẽ chỉ sản xuất xe điện.

Đối thủ của Rolls-Royce, hãng xe Bentley đã có kế hoạch tung ra mẫu xe điện đầu tiên vào năm 2025, và sẽ đầu tư 3,4 tỉ USD trong vòng 10 năm tới vào ngành này với dự định trở thành nhà sản xuất xe điện hoàn toàn vào năm 2030.

Tới năm 2030, hãng Roll Royce sẽ chỉ sản xuất xe điện

Dù đã phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây nhưng xe điện vẫn chỉ chiếm khoảng 3% trong doanh số ô tô toàn cầu. Lý giải cho điều này, các chuyên gia cho rằng còn rất nhiều khó khăn để thuyết phục người tiêu dùng phổ thông chuyển sang sử dụng dòng xe xanh này.

Một trong các chướng ngại lớn nhất chính là mức giá của xe điện vẫn còn cao so với xe sử dụng nhiên liệu hóa thạch truyền thống. Cùng với đó, sự tiện dụng và khả năng an toàn của xe điện vẫn bị nhiều người dùng đặt nghi vấn.

Hiện các quốc gia lớn trên thế giới đã đặt ra mốc thời gian ngừng bán xe sử dụng nhiên liệu hóa thạch và tung thêm những chính sách để thúc đẩy tiêu dùng xe điện như: Giảm thuế phí đăng ký, hỗ trợ tài chính cho xe điện... Tuy nhiên, những điều đó vẫn chưa đủ để xe điện có mức giá hợp lý với người dùng.

Sự tiện dụng và khả năng an toàn của xe điện vẫn bị nhiều người dùng đặt nghi vấn (Ảnh Getty Images)

Vấn đề chính vẫn là cụm pin điện, có thể chiếm tới hơn 30% giá trị toàn bộ chiếc xe; bộ phận này cũng dễ bị ảnh hưởng bởi các vấn đề gián đoạn nguồn cung khiến giá tăng cao trong khi pin điện Lithium-ion hiện sử dụng nhiều kim loại hiếm như: Lithium, Nickel và Cobalt.

Điều này khiến giá mua xe điện mới tại Mỹ tăng lên mức 54.000 USD trong khi giá trung bình của các loại ô tô chạy xăng/dầu chỉ ở mức 44.000 USD.

Hay tại Việt Nam, có thể thấy, cùng phân khúc SUV 5 chỗ nhưng VinFast VF 8 hiện có giá hơn 1 tỷ đồng chưa tính chi phí pin điện trong khi các mẫu xe khác như Hyundai Tucson, KIA Sportage, Mazda CX-5 có giá rẻ hơn; thậm chí các mẫu crossover 7 chỗ như Hyundai Santa Fe hay Kia Sorento cũng không đắt hơn quá nhiều.

VinFast VF 8 hiện có giá cao hơni các mẫu xe khác như Hyundai Tucson, KIA Sportage, Mazda CX-5

Cùng với đó, trải nghiệm sử dụng xe điện hiện này với việc cắm sạc và đợi một thời gian dài hơn khá nhiều so với đổ xăng cho ô tô không hấp dẫn nhiều người dùng. Lượng trạm sạc được thiết lập vẫn còn ít so với trạm xăng, đặc biệt ở các nước đang phát triển, trong khi chuẩn cổng sạc không đồng nhất cũng là vấn đề lớn với nhiều chủ xe khi phải tìm đúng trụ sạc mới cắm được.

Xe điện vẫn còn là loại phương tiện mới, chưa tạo được độ tin cậy cho người dùng, đặc biệt với nhiều vụ việc bị hỏng hóc hoặc gặp sự cố bất ngờ. Trên thế giới, không ít lần xe điện cũng tự bốc cháy do vấn đề từ cụm pin điện khi bị va chạm hoặc tác động vật lý có thể gây nên tai nạn nghiêm trọng.

Hay chi phí bảo dưỡng cũng là vấn đề mà nhiều người tiêu dùng băn khoăn vì lo sợ quá cao.

Như mới đây, một đại lý Roger Dean Chevrolet ở Florida (Mỹ) báo giá thay bộ pin mới cho chiếc Volt 2012 đã chạy hơn 70.000 dặm (113.000km) là 26.853,99 USD. Ngoài ra, khách hàng sẽ cần phải trả 1.200 USD tiền công và 33,98 USD dầu tản nhiệt. Tổng chi phí sẽ là 30.842,15 USD để thay pin cho một chiếc xe hybrid hiện có giá trị chỉ còn 9.000 USD trên thị trường xe cũ.

Chính những băn khoăn đó khiến cho nhiều người trong đó có nhiều người Việt Nam đang rất thích xe điện nhưng vẫn chưa dám chuyển đổi.

Anh Nguyễn Tuấn Nam (Mễ Trì, Hà Nội) chia sẻ, dù biết xe điện sẽ là xu hướng của tương lai, nhưng vẫn chưa dám mua vì còn quá nhiều điều mới mẻ, chưa có trải nghiệm: Hệ thống sạc, bảo trì, thay thế… Vì vậy, anh vẫn quyết định sử dụng  xe động cơ truyền thống.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận lợi ích xe điện có thể mang lại trong tương lai. Đó là việc không phát thải khí độc hại ra môi trường trong quá trình vận hành, các công nghệ được trang bị ngày càng nhiều như: Xe tự lái, xe kết nối… để biến ô tô không chỉ là các phương tiện di chuyển mà còn trở thành trung tâm giải trí và cung cấp đầy đủ mọi nhu cầu. Không bị phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.

Như anh Nguyễn Tiến Thọ, (Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Nội), đã mạnh dạn lựa chọn xe điện khi mua xe ô tô.

“Sau một thời gian tìm hiểu tôi đã quyết định mua xe ô tô điện thay vì xe động cơ đốt trong vì những lợi ích của nó như: Bảo vệ môi trường, chi phí sử dụng hàng tháng rẻ hơn so với xe xăng trong lúc giá xăng dầu biến động liên tục… quan trọng là nó rất thông minh” – anh Thọ chia sẻ.

Thị trường thế giới trong những năm tới sẽ chứng kiến bước chuyển đổi cực lớn của các hãng ô tô, tạo ra hàng loạt mẫu xe điện mới để phục vụ cho công cuộc xanh hóa các phương tiện. Người tiêu dùng hoàn toàn có thể mong đợi giá xe sẽ giảm xuống mức thấp ngang ô tô chạy nhiên liệu hiện nay hệ thống trạm sạc mở rộng và công nghệ cao hơn để xe điện thực sự mang lại lợi ích hoàn toàn cho tất cả các bên./.

Thứ Hai, 07:00, 05/09/2022