Nhiều sự kiện liên tiếp xảy ra trên toàn cầu đã có ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường ô tô các quốc gia trên thế giới, Việt Nam cũng bị ảnh hưởng không nhỏ. Trong quý đầu năm 2022, nhiều sự kiện xảy ra ảnh hưởng đến toàn ngành như việc khan hàng đẩy giá bán lên cao nhưng doanh số ô tô đang dần tăng trưởng trở lại sau khi ảnh hưởng của dịch bệnh đang dần “phai mờ”.

Những tưởng dịch COVID-19 đã qua đi nhưng biến chủng Omicron tiếp tục gây ảnh hưởng đến thị trường ô tô Việt Nam khiến nhiều hãng xe lâm vào tình trạng thiếu hụt nguồn cung, không đủ linh kiện để lắp ráp. Tuy nhiên, về cơ bản các tác động trong 3 tháng đầu năm nay đã nhẹ hơn so với năm ngoái.

Đồng thời, trong quãng thời gian vừa qua, tình hình xung đột giữa Nga và Ukraine xảy ra khiến không ít nhà sản xuất bị ảnh hưởng do nguồn cung linh kiện bị gián đoạn. Các báo cáo trong tháng 3 cho thấy nhiều hãng xe Đức buộc phải dừng sản xuất do thiếu dây điện từ Ukraine để phục vụ quá trình lắp ráp ô tô.

Mặt khác, tình trạng khan hiếm chip bán dẫn trên toàn cầu cũng tiếp tục có những tác động không nhỏ đến thị trường ô tô. Nhiều nhà sản xuất cũng phải dừng hoạt động của các nhà máy và cắt giảm trang bị do thiếu linh kiện điện tử quan trọng, điển hình là Ford đã thông báo tạm thời loại bỏ chức năng chỉnh điều hòa cho hàng ghế sau trên Explorer và sẽ bổ sung vào năm sau khi có linh kiện lắp ráp.

Những cuộc khủng hoảng trong ngành ô tô trên toàn cầu đã gây tác động không nhỏ đến thị trường Việt Nam, khiến nhiều mẫu xe đang lâm vào tình trạng thiếu hụt linh kiện lắp ráp trong nước, trong khi xe nhập khẩu cũng không đủ cung cấp cho khách hàng.

Đó là lý do khiến dù các mẫu xe mới liên tục ra mắt trong 3 tháng đầu năm, nhưng chưa thể cung cấp đủ số lượng cho nhu cầu của khách hàng. Vấn đề này được cho sẽ còn tiếp tục trong quý II/2022 và chỉ tạm kết thúc đến khi các cuộc khủng khoảng trên toàn cầu giảm bớt ảnh hưởng.

Tuy nhiên, lượng xe bán ra trong quý I/2022 vẫn cho thấy sự phục hồi đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái. Theo công bố từ Hiệp hội các Nhà sản xuất Ô tô Việt Nam (VAMA), tổng doanh số bán ra của các thành viên dạt 90.506 xe trong 3 tháng đầu năm, tăng trưởng 27%.

Trong đó, ô tô du lịch đạt 71.311 xe, tăng 39%; xe thương mại đạt doanh số 17.753 xe, tăng 7%; và xe chuyên dụng đạt 1.442 xe, tăng 32% so với năm 2021.

Đối với các nhà sản xuất nằm ngoài VAMA, tình hình cũng khác biệt rất lớn. Trong khi VinFast giảm nhẹ 1,8% so với cùng kỳ năm ngoái vì chỉ bán được 6.728 chiếc; thì cộng dồn 3 tháng đầu năm, TC Motor đã bán được 18.670 xe Hyundai tại thị trường Việt Nam, tăng 17,5% so với cùng thời điểm năm ngoái.

Trong khoảng thời gian cuối Quý I/2022, nhiều hãng xe liên tiếp thông báo tăng giá đề xuất của nhiều ô tô khiến người tiêu dùng Việt Nam được một phen choáng váng. Lý do cho đợt tăng giá đa số đều liên quan đến việc tình trạng thiếu hụt và tăng giá linh kiện lắp ráp ô tô.

Loạt xe Toyota được thông báo sẽ tăng giá của hàng loạt mẫu xe đến vài chục triệu đồng từ tháng 5 tới. Trong đó, cao nhất là mức tăng lên tới 40 triệu đồng của các mẫu Land Cruiser, Land Cruiser Prado và Alphard. Mẫu xe bán chạy Corolla Cross cũng được thông báo tăng giá 2 lần trong quý I và đắt hơn khi ra mắt 36 triệu đồng.

Cùng với đó, thương hiệu xe sang Lexus của Toyota cũng được thông báo điều chỉnh tăng giá bán từ ngày 1/5 dành cho các mẫu xe bán tốt như: ES,  RX300, RX350, GX và LM. Dòng sedan ES được tăng giá ít nhất nhưng cũng đạt mức 40 triệu đồng trong khi MPV hạng sang LM còn tăng tới 70 triệu đồng.

Suzuki cũng tăng giá tất cả các dòng xe với mức dưới 10 triệu đồng nhưng lý do được hãng được ra là việc cập nhật động cơ lên tiêu chuẩn khí thải Euro 5. Swift và XL7 có mức tăng mạnh nhất với 10 triệu đồng trong khi Ciaz chỉ tăng 5,9 triệu đồng lên mức 534,9 triệu đồng.

Lý do cho đợt tăng giá đa số đều liên quan đến việc tình trạng thiếu hụt và tăng giá linh kiện lắp ráp ô tô.

Ngoài ra, một số mẫu xe được thông báo tăng giá ngay từ đầu Quý I/2022; trong đó, Ford là hãng sớm nhất tăng giá 2 mẫu xe chủ lực Ranger và Everest. Mẫu bán tải được tăng giá đồng loạt 12 triệu đồng cho tất cả các phiên bản và SUV cỡ trung cũng có mức tăng tương tự nhưng riêng phiên bản Titanium 4x4 tăng tới 13 triệu đồng.

Tiếp đến, Kia cũng thông báo điều chỉnh tăng giá đề xuất cho 3 mẫu xe bán chạy nhất của hãng gồm: Sonet, Seltos và K3. Cụ thể, Kia Sonet tăng giá 10 triệu đồng, Seltos tăng 5 triệu đồng và K3 tăng 5 triệu cho bản 1.6 Premium, 10 triệu cho bản 1.6 Luxury.

Không ít khách hàng bất ngờ về đợt tăng giá trong đầu năm 2022, anh Hoàng Xuân Nam (Mễ Trì, Hà Nội) bày tỏ: “Tôi thường xuyên theo dõi thị trường ô tô nhưng chưa thấy khoảng thời gian nào các mẫu xe lại liên tục tăng giá như thời gian vừa qua. Điều này có thể khiến nhiều khách hàng hạn chế mua ô tô trong giai đoạn này, khiến doanh số các hãng xe sụt giảm trong thời gian tới”.

Việc khan hiếm hàng tồn kho cho một số mẫu xe hot cũng khiến không ít đại lý tận dụng để ép khách hàng mua ô tô kèm phụ kiện (thường được gọi với tên “bia kèm lạc”) trong Quý I vừa qua để có thể nhận xe sớm. Đây là tình trạng từng xảy ra nhiều năm trước nhưng hiện lại nóng trở lại sau khi thị trường trong nước bị ảnh hưởng từ các cuộc khủng hoảng trên toàn cầu.

Trong đó, các mẫu xe Hyundai liên tục bị réo tên trong khoảng thời gian vừa qua, đặc biệt là các SUV Creta, Tucson và SantaFe. Cụ thể, Tucson là mẫu xe bị ảnh hưởng nặng nhất với thế hệ mới đã ra mắt từ cuối năm ngoái nhưng suốt khoảng thời gian 3 tháng đầu năm nay đều không đủ hàng để giao cho khách. Các đại lý đã chào bán mẫu xe này kèm hàng loạt phụ kiện với trị giá trên 100 triệu đồng/xe để được nhận hàng sớm hơn.

Cùng với đó là SantaFe với mức chênh cũng tới 100 triệu đồng/xe. Creta vừa ra mắt vào giữa tháng 3/2022 cũng rơi vào tình trạng này với loạt phụ kiện mua kèm trị giá hàng chục triệu đồng nhưng vấn đề nguồn cung cho mẫu SUV này cũng là một lý do khi xe được nhập khẩu nguyên chiếc từ Indonesia trong giai đoạn đầu bán ra.

Việc khan hiếm hàng tồn kho cho một số mẫu xe hot cũng khiến không ít đại lý tận dụng để ép khách hàng mua ô tô kèm phụ kiện

Ford Ranger cũng bị đội giá thông qua phụ kiện với mức từ 20 - 90 triệu đồng do vấn đề khan hàng nhập khẩu. Thậm chí, mẫu xe này đang được nhận đặt cọc cho thế hệ mới dự kiến giao hàng trong nửa cuối năm nay.

Các mẫu xe mới và bán chạy của Toyota cũng đang được bán kèm lạc trị giá hàng chục triệu đồng, đó là Veloz Cross và Raize. Trong đó, Raize vốn ra mắt vào cuối năm ngoái nhưng đã được thông báo sẽ thiếu hàng giao cho khách tới tháng 4 năm nay; Veloz Cross nhận được sự quan tâm quá lớn của người tiêu dùng Việt Nam, vượt qua dự đoán của hãng.

Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến danh tiếng của hãng xe Nhật Bản, buộc hãng phải thông báo cụ thể trên Facebook chính thức: “Chúng tôi không có chủ trương này [ép khách mua xe kèm phụ kiện] Chính sách của Toyota luôn nhất quán: Khách hàng đến trước được phục vụ trước. Chúng tôi yêu cầu tất cả các đại lý tuân thủ chính sách trên để bảo vệ quyền lợi của khách hàng”.

Đồng thời, Toyota cũng đề nghị khách hàng gặp phải tình trạng bán ô tô kiểu “bia kèm lạc” liên hệ với tổng đài thông qua đường dây nóng để được xử lý. Có thể nói, việc bán xe kèm phụ kiện là điều quen thuộc với người tiêu dùng Việt Nam và dự kiến còn tiếp tục do lượng xe hạn chế.

Theo thống kê từ Tổng Cục Hải quan, trong quý I/2022, lượng ô tô nguyên chiếc nhập khẩu vào Việt Nam đã đạt 23.992 xe, với tổng giá trị đạt 572,5 triệu USD; giảm 31,9% về lượng và 29,5% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngoài việc nguồn cung từ nước ngoài khan hiếm, giai đoạn đầu năm nay thị trường ô tô Việt Nam vẫn đang được áp dụng mức hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ từ Chính phủ, thúc đẩy không nhỏ cho việc tiêu thụ ô tô lắp ráp nội địa.

Mitsubishi Xpander, Ford Ranger đang giảm doanh số

Điều này thể hiện bằng doanh số xe của VAMA; trong đó, xe lắp ráp trong nước tăng 34% đạt 54.173 chiếc trong khi xe nhập khẩu tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt mức 36.333 chiếc.

Trong số các mẫu xe bán chạy nhất thị trường Việt Nam, một số được nhập khẩu từ nước ngoài nhưng cũng đang giảm doanh số so với trước đây như: Ford Ranger, Mitsubishi Xpander. Mặt khác, các mẫu xe mới như Hyundai Creta, Toyota Veloz Cross hay Toyota Raize đều được nhập khẩu nguyên chiếc nhưng chưa đạt được doanh số quá nổi bật trong thị trường.

Nhiều khách hàng cũng than phiên về việc họ phải đợi hàng tháng trời để nhận những chiếc xe mới ra mắt thị trường, anh Nam Hải (Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi phải đợi 2-3 tháng mới được được nhận xe Toyota Raize dù đặt cọc từ trước Tết. Theo các đại lý giải thích, do lượng hàng nhập khẩu về ít nên khó được giao hàng sớm”.

Trong 3 tháng đầu năm 2022, thị trường ô tô Việt Nam liên tục đón nhận các mẫu xe mới phục vụ nhu cầu khách hàng. Hầu hết trong số đó đều được nhập khẩu nguyên chiếc từ nước ngoài nên lượng xe bán ra vẫn chưa quá nhiều do vấn đề nguồn cung bị ảnh hưởng.

Ngay trong tháng 1, Ford Explorer thế hệ mới đã được giới thiệu cho thị trường Việt Nam với mức giá 2,366 tỷ đồng và nhập khẩu nguyên chiếc từ Mỹ. Sang tháng 2, Honda Civic thế hệ mới cũng chào hàng với nhiều thay đổi về thiết kế và được giảm giá khá nhiều so với trước đây và được nhập khẩu từ Thái Lan.

Trong tháng 3, Toyota Corolla Altis thế hệ mới được giới thiệu tại Việt Nam và chuyển sang nhập khẩu nguyên chiếc từ Thái Lan. Nâng cấp nổi bật nhất của xe nằm ở thiết kế mới và hệ thống an toàn Toyota Safety Sense được trang bị sẵn.

Hyundai Creta là một trường hợp đặc biệt khi từng xuất hiện trước đây tại thị trường Việt Nam nhưng đã bị khai tử. Trong tháng 3, mẫu xe này quay trở lại với định vị phân khúc thấp hơn và giá bán hợp lý hơn (từ 620 đến 730 triệu đồng).

Các mẫu xe khác đều hoàn toàn mới và xuất hiện lần đầu tại thị trường Việt Nam. Trong đó, bộ đôi Avanza Premio và Veloz Cross được Toyota giới thiệu gần đây nhất tham gia vào phân khúc MPV và nhập khẩu chính hãng từ Indonesia. Giá bán dành cho Veloz Cross là 648 và 688 triệu đồng trong khi Avanza Premio có giá bán 548 và 588 triệu đồng.

MG 5 là mẫu sedan hoàn toàn mới hiếm hoi xuất hiện tại thị trường Việt Nam trong thời gian gần đây. Xe được nhập khẩu từ Thái Lan với duy nhất 1 phiên bản có giá bán 579 triệu đồng, rất thấp đối với phân khúc C mà xe gia nhập để cạnh tranh.

Trong khuôn khổ triển lãm CES 2022 đầu năm nay, VinFast đã giới thiệu cùng lúc 5 mẫu SUV thuần điện với kích cỡ từ bé đến lớn và tuyên bố ngừng hoàn toàn việc sản xuất ô tô sử dụng động cơ đốt trong sau năm 2022. Điều này gây bất ngờ đặc biệt với thị trường Việt Nam khi xe điện vẫn còn khá mới mẻ trong khi VinFast đang gặt hái những thành công bước đầu ở nội địa với những dòng xe Fadil và Lux.

Tuyên bố này được bà Lê Thị Thu Thủy - Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup kiêm Tổng Giám đốc VinFast Toàn cầu chia sẻ: “Chúng tôi còn khao khát vươn tới những thành tựu cao hơn nữa - trở thành một trong những hãng xe điện hàng đầu trên thế giới, đồng thời truyền cảm hứng cho khách hàng cùng bứt phá giới hạn và chung tay kiến tạo một tương lai xanh bền vững cho tất cả mọi người”.

Hãng xe Việt Nam thực sự đang thực hiện việc này bằng việc giao những chiếc xe điện VF e34 đầu tiên cho khách hàng trong nước cũng như thông báo đặt cọc trước dành cho VF 8 và VF 9 ngay trong quý đầu tiên của năm nay cùng chính sách thuê pin độc đáo. Tính đến hết tháng 3, VinFast đã giao tổng cộng 505 chiếc xe điện VF e34 đến tay khách hàng Việt Nam.

Trong khi đó, công cuộc mở rộng thị trường sang Mỹ đang được tiến hành nhanh chóng khi liên tục các thông tin xuất hiện về việc VinFast mở nhà máy với khoản đầu tư hàng tỷ USD tại Mỹ cũng như sớm phát hành cổ phiếu lần đầu (IPO) ở đây.

Thị trường ô tô Việt Nam đang có sự vận động mạnh mẽ trong 3 tháng đầu năm với nhiều hệ quả dự kiến sẽ còn kéo dài trong thời gian tới. Tuy nhiên, có một điều không thể phủ nhận chính là việc khách hàng Việt Nam đang được cập nhật sát với xu hướng phát triển trong ngành ô tô toàn cầu và ô tô điện sẽ xuất hiện nhiều hơn trên đường phố trong thời gian tới.

Ngoài ra, các hãng xe khác như – Hyundai, Mercede-Benz, Kia…cũng đã công bố những kế hoạch cho việc giới thiệu các mẫu ô tô điện tại thị trường Việt Nam./.

Thứ Ba, 07:30, 03/05/2022