Thị trường ô tô bước vào một năm 2021 với những khó khăn từ tác động của dịch COVID-19 xảy ra trong từ đầu năm 2020. Một trong số đó là sự gia tăng sử dụng các sản phẩm công nghệ phục vụ cho làm việc và học tập trực tuyến như: Máy tính bàn, máy tính xách tay, máy tính bảng, điện thoại thông minh, máy chơi game… khiến các công ty sản xuất chip điện tử phải “căng mình” hoạt động, đơn hàng chất bán dẫn cũng tăng vọt, dẫn đến thị trường ô tô bị ảnh hưởng nặng nề.

Hàng loạt nhà sản xuất đã phải cắt giảm sản lượng ô tô từ đầu năm 2021 do thiếu nguồn cung chất bán dẫn sử dụng trong các linh kiện điện tử. Theo đó, các hãng xe lớn của Nhật Bản như Honda và Nissan đã phải giảm rất mạnh lượng ô tô xuất xưởng trong thời điểm hiện tại, Toyota cũng quyết định hạ thấp sản lượng xe bán tải Tundra lắp ráp ở nhà máy Texas (Mỹ) do tình trạng trên.

Vào đầu tháng 2 vừa qua, nguồn tin của Reuters khẳng định, Mazda đang cân nhắc cắt giảm sản xuất các mẫu xe CX-5, CX-30 và Mazda 3 do thiếu hụt lượng lớn chip điện tử sử dụng cho hệ thống phanh và các bộ phận an toàn. Trong đó, riêng mẫu CX-5 dự kiến có thể bị cắt giảm lên tới hàng nghìn chiếc riêng ở các nhà máy nội địa của Mazda.

Trong khi đó, Ford thông báo rằng sự thiếu hụt chất bán dẫn có thể khiến nhà sản xuất này giảm 20% sản lượng ô tô xuất xưởng dự kiến trong quý I năm 2021. Đồng thời, General Motors cho biết, hãng sẽ tiếp tục tạm ngừng hoạt động của một số nhà máy do thiếu nguồn cung chất bán dẫn, và sẽ cân nhắc khả năng mở cửa trở lại vào giữa tháng 3.

Volkswagen, nhà sản xuất ô tô lớn thứ hai thế giới về sản lượng, đã cảnh báo về việc hãng sẽ giảm tới 100.000 ô tô trong 3 tháng đầu năm 2021 do vấn đề chất bán dẫn. Thậm chí, một số nhà phân tích dự đoán con số này có thể còn lên tới 400.000 chiếc.

Volkswagen thông báo rằng, họ sẽ cắt giảm sản lượng ở Trung Quốc, Bắc Mỹ và châu Âu. Đồng thời, hãng xe Seat (thuộc tập đoàn Volkswagen) của Tây Ban Nha, cũng thông báo cắt giảm sản lượng ô tô từ cuối tháng 1 đến khoảng tháng 4/2021.

Nhà sản xuất Renault của Pháp cũng cảnh báo về tình trạng thiếu hụt có thể sẽ lên đến đỉnh điểm trong những tháng tới, và dự kiến ​​họ sẽ giảm sản lượng ít nhất 100.000 chiếc trong năm nay, đồng thời cho biết sẽ cố gắng hạn chế thiệt hại ở mức thấp nhất.

Đó chỉ là một số nhà sản xuất có sản lượng ô tô lớn bị ảnh hưởng nặng nề từ việc thiết hụt chất bán dẫn. Trên thực tế, vấn đề này đã khiến cả thị trường rơi vào tình trạng lao đao, dự kiến ít nhất còn kéo dài đến hết quý II năm nay.

Các nhà sản xuất đã bắt đầu sử dụng thiết bị điện tử để điều khiển ô tô từ những năm 1970, thay thế cho các bộ điều khiển cơ khí cũ kỹ. Dần dần, số lượng chip điều khiển ngày càng tăng bên trong ô tô. Mỗi chiếc ô tô hiện đại chứa hàng chục vi mạch tích hợp, bộ điều khiển túi khí, cửa sổ điện, màn hình…

Theo công ty nghiên cứu IHS Markit, chỉ tính riêng một chiếc Audi Q7 đã có tới 38 bộ vi mạch điều khiển, đến từ 8 nhà cung cấp khác nhau.

Hiện nay, TSMC – công ty của Đài Loan – đang là nhà sản xuất chip hàng đầu của thế giới, chiếm 70% nguồn cung dành cho ngành công nghiệp ô tô toàn cầu. Bất cứ sự thay đổi về năng lực sản xuất nào của công ty này đều có thể ảnh hưởng đến toàn bộ thị trường xe.

Nguồn cung cấp chất bán dẫn đã có ảnh hưởng đặc biệt đến các nhà sản xuất ô tô trong bối cảnh họ đang sử dụng chip được thiết kế từ nhiều năm trước, đây vốn là các sản phẩm được ưu tiên thấp của những công ty làm chip. Đồng thời, chúng cũng mang lại tỷ suất lợi nhuận thấp hơn so với các loại chip sử dụng cho điện thoại thông minh 5G và máy chơi game vốn đang có nhu cầu cao trên toàn thế giới.

Tuy nhiên, căn nguyên của vấn đề nằm ở những tuần đầu của đại dịch COVID-19 năm 2020, khi các nhà máy ô tô trên thế giới phải ngừng hoạt động đột ngột, đồng thời, doanh số xe toàn cầu giảm gần một nửa trong khoảng thời gian từ tháng 2 đến tháng 4/2020. Do đó, các công ty ô tô và nhà cung cấp linh kiện, phụ tùng đã cắt giảm mạnh lượng mua hàng liên quan đến chất bán dẫn.

Trong khi đó, nhu cầu về máy tính cá nhân và các sản phẩm điện tử khác tăng cao vì người dân đang thích ứng với lối sống mới (học tập và làm việc tại nhà) nên nhiều nhà sản xuất các mặt hàng này đã tăng cường mua chip điện tử, khiến lượng chất bán dẫn tập trung cung cấp cho ngành này.

Mặt khác, doanh số ô tô tại thị trường lớn nhất thế giới – Trung Quốc đã hồi phục sớm hơn dự kiến, đến tháng 9/2020, doanh số đã đạt 97% so với trước đại dịch, khiến các nhà máy hoạt động mạnh trở lại để cung cấp cho người tiêu dùng tại đây. Nhưng khi đặt hàng chip điện tử trở lại, các nhà cung cấp lại bận rộn xử lý lượng chip đã được đặt trước cho các công ty điện tử.

Trong khi đó, những tác động khác từ môi trường cũng khiến tình hình trở nên phức tạp hơn. Cụ thể, hai trong số đó là vụ hỏa hoạn ngày 21/10/2020 ở nhà sản xuất chip Asahi Kasei tại Nhật bản và thời tiết lạnh giá đột ngột ở Texas đã khiến hai nhà máy sản xuất linh kiện bán dẫn ở thành phố Austin phải dừng hoạt động.

Theo công ty tư vấn AlixPartners, ngành công nghiệp ô tô toàn cầu có thể sẽ thâm hụt sản lượng xe xuất xưởng từ 1,5 - 5 triệu chiếc trong năm nay so với kế hoạch ban đầu. Một số nhà phân tích dự đoán rằng điều đó có thể khiến chi phí sản xuất ô tô tăng mạnh, ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng.

Thị trường ô tô Việt Nam đã vươn lên xếp thứ tư Đông Nam Á về số lượng ô tô bán ra trong năm 2020, đồng thời có mức giảm doanh số thấp nhất trong số các thị trường lớn trong khu vực.

So với các quốc gia trên thế giới, thị trường ô tô Việt Nam vẫn khá nhỏ về cả lượng tiêu thụ ô tô lẫn sản lượng xe sản xuất nên chưa chịu quá nhiều ảnh hưởng từ sự thiếu hụt chất bán dẫn, với chỉ 296.634 chiếc bán ra trong năm 2020 (theo Hiệp hội các Nhà sản xuất ô tô Việt Nam - VAMA) và 407.487 chiếc nếu gộp cả doanh số xe Hyundai và VinFast. Trong khi đó, lượng xe xuất xưởng cũng chỉ đạt 165.568 xe, giảm 6% so với năm trước đó, theo báo cáo từ Hiệp hội Ô tô Đông Nam Á (AAF).

Cũng theo báo cáo từ VAMA, các hãng xe thành viên của Hiệp hội đã bán được 26.432 chiếc trong tháng đầu năm 2021 dù tăng 69% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng đã giảm 45% so với tháng 12/2020.

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn là một điểm sáng để các hãng xe tập trung khai thác thị trường, đặc biệt là việc lắp ráp ô tô trong nước. Theo AAF, nước ta đã xuất xưởng 19.284 chiếc ô tô trong tháng 1 vừa qua, tăng 81,7% so với cùng kỳ năm ngoái, là quốc gia duy nhất trong khu vực có mức tăng trưởng dương về sản lượng ô tô sản xuất. Trong khi đó, toàn bộ số xe của các nước ASEAN sản xuất chỉ đạt 288.784 chiếc, giảm 13,8% so với cùng kỳ năm 2020.

Do đó, những tác động của việc thiếu hụt chất bán dẫn chưa có tác động quá rõ ràng tại thị trường Việt Nam với lượng ô tô mới được sản xuất ra chủ yếu phục vụ cho nhu cầu tiêu thụ trong nước.

Vấn đề về chất bán dẫn đang được chính phủ các quốc gia lớn trên thế giới tập trung khắc phục. Mỹ đang tích cực hối thúc Đài Loan và nhà sản xuất TSMC đẩy mạnh sản lượng chip điện tử. Nhiều nhà phân tích dự đoán việc thiếu chất bán dẫn sẽ được giải quyết sớm trong năm nay./.

Thứ Năm, 12:00, 04/03/2021