Bộ Công an vừa hoàn thành dự thảo Luật Căn cước công dân (sửa đổi) để lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Dự thảo lần này đề ra nhiều quy định về Căn cước công dân (CCCD), đề xuất thay đổi một số thông tin trên mặt trước và mặt sau của thẻ căn cước, đề xuất cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam… Xung quanh về vấn đề này, Thiếu tướng Phạm Công Nguyên- Cục trưởng Cục pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an có những chia sẻ cụ thể.
PV: Thiếu tướng có thể cho biết, xuất phát từ những yêu cầu thực tiễn nào Bộ Công an đề xuất xây dựng Dự thảo Luật CCCD sửa đổi?
Thiếu tướng Phạm Công Nguyên: Việc sửa đổi Luật Căn cước công dân năm 2014 xuất phát từ các yêu cầu thực tiễn sau:
Một là, hiện nay công dân có nhiều loại giấy tờ tùy thân khác nhau như thẻ Căn cước công dân, thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội, giấy khai sinh, giấy phép lái xe... Việc có quá nhiều loại giấy tờ khác nhau được cơ quan có thẩm quyền cấp cho công dân gây ra khó khăn nhất định cho công dân trong lưu trữ, sử dụng, nhất là trong việc thực hiện các thủ tục hành chính, sử dụng các tiện ích, dịch vụ công; không phù hợp với xu hướng chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý nhà nước, hoạt động xã hội đang ngày càng phát triển ở nước ta. Do vậy, cần sửa đổi, quy định việc tích hợp thông tin vào thẻ Căn cước công dân để tạo thuận lợi hơn cho công dân.
Hai là, cần mở rộng các thông tin được thu thập, cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân để phục vụ công tác chuyển đổi số.
Ba là, cần mở rộng đối tượng được cấp thẻ Căn cước công dân và cấp giấy chứng nhận căn cước (người gốc Việt Nam không có quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam) để bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của công dân và tăng cường công tác quản lý dân cư đang thực tế sinh sống ở nước ta.
Bốn là, để nhằm tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc khác trong thi hành Luật Căn cước công dân năm 2014 liên quan đến kết nối, chia sẻ, khai thác, sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân, tài khoản định danh điện tử; đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xác định cụ thể trong triển khai thực hiện Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
PV: So với Luật CCCD hiện hành, Dự thảo Luật CCCD sửa đổi có những điểm mới cụ thể nào?
Thiếu tướng Phạm Công Nguyên: Để đáp ứng các yêu cầu thực tiễn nêu trên, so với Luật Căn cước công dân hiện hành thì dự thảo Luật Căn cước công dân (sửa đổi) tập trung sửa đổi, bổ sung 4 vấn đề lớn sau:
Quy định việc tích hợp thông tin khác ngoài thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước công dân vào thẻ Căn cước công dân; thẻ Căn cước công dân có giá trị sử dụng để cung cấp thông tin về công dân và tương đương việc xuất trình các giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền cấp có thông tin đã được in hoặc tích hợp trong thẻ Căn cước công dân.
Bổ sung thông tin lưu trữ trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân.
Bổ sung đối tượng được cấp thẻ Căn cước công dân và đối tượng được cấp giấy chứng nhận căn cước.
Hoàn thiện quy định về quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân; tài khoản định danh điện tử (căn cước điện tử) và việc sử dụng tài khoản định danh điện tử; cấp, xác lập lại số định danh cá nhân; quy định về việc sử dụng thống nhất thẻ Căn cước công dân và việc hạn chế phát sinh thủ tục hành chính có liên quan.
PV: Trong dự thảo luật Căn cước công dân (sửa đổi), Bộ Công an đưa ra nhiều điểm mới liên quan đến đối tượng được cấp, quy trình, giá trị của thẻ CCCD gắn chip. Đáng chú ý, cơ quan này đề xuất sửa đổi một số thông tin thể hiện trên mặt thẻ CCCD. Cục trưởng có thế cho biết, việc sửa đổi này có tác động thế nào? Và lý do vì sao mình sửa đổi?
Thiếu tướng Phạm Công Nguyên: Trong dự thảo Luật Căn cước công dân (sửa đổi), Bộ Công an đề xuất bổ sung quy định giải quyết vướng mắc trong cấp thẻ Căn cước công dân cho công dân trong một số trường hợp như người không có nơi thường trú, không đầy đủ một số thông tin cá nhân khác như ngày, tháng sinh, quê quán (theo 3 cấp hành chính), có thông tin kê khai về dân tộc, tôn giáo khác không nằm trong danh mục quy định của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành… quy định này là nhằm giải quyết vướng mắc trong thời gian vừa qua khi thực hiện cấp thẻ Căn cước công dân; giúp bảo đảm cho công dân được cấp thẻ Căn cước công dân thuận lợi hơn, hạn chế việc phải cấp đổi, cấp lại hoặc không cấp được thẻ Căn cước công dân khi không có nơi thường trú, bị thiếu hoặc thay đổi một số thông tin liên quan đến hộ tịch như nêu trên.
Trên thẻ CCCD chỉ in một số thông tin cơ bản có tính ổn định cao của công dân, còn nhiều thông tin khác sẽ được tích hợp vào trong chíp trên thẻ Căn cước công dân để bảo đảm tính riêng tư. Quy định này cũng không tác động đến thẻ Căn cước công dân đã được cấp trước đây, công dân đã được cấp thẻ vẫn được sử dụng bình thường.
PV: Trong Dự thảo lần này, Bộ Công an đề xuất nhiều điểm mới như cấp CCCD cho người dưới 14 tuổi, hay cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam… theo Cục trưởng việc này có giá trị và tác động thế nào đối với người được cấp?
Thiếu tướng Phạm Công Nguyên: Luật Căn cước công dân năm 2014 không quy định về cấp thẻ Căn cước công dân cho toàn bộ công dân Việt Nam (loại trừ đối tượng là công dân dưới 14 tuổi) và cấp số định danh cá nhân, giấy chứng nhận căn cước cho trường hợp người gốc Việt Nam là người không quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam.
Tuy nhiên, để bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng cho công dân Việt Nam liên quan đến cấp, sử dụng thẻ Căn cước công dân (nhất là đối với công dân dưới 14 tuổi) và giải quyết các vấn đề còn tồn tại liên quan đến yếu tố lịch sử, chiến tranh, cần phải có chính sách, quy định pháp luật để quản lý, giải quyết bất cập trong công tác quản lý dân cư; bảo đảm cơ chế để họ có thể tham gia vào các giao dịch dân sự, dịch vụ công, nhất là các dịch vụ thiết yếu bảo đảm cuộc sống; dự thảo Luật Căn cước công dân (sửa đổi) bổ sung quy định về việc cấp thẻ Căn cước công dân cho cả công dân dưới 14 tuổi và cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam là người không quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam.
Theo đó, đối với công dân dưới 14 tuổi được quyền yêu cầu cơ quan quản lý căn cước cấp thẻ Căn cước công dân để có thể khai thác, sử dụng nhiều giải pháp, tiện ích từ thẻ Căn cước công dân gắn chíp.
Công dân là trẻ em dưới 14 tuổi có thể sử dụng thẻ Căn cước công dân (hoặc sử dụng thông qua bố, mẹ, người giám hộ) trong rất nhiều dịch vụ, tiện ích như tiêm chủng, khám, chữa bệnh, giáo dục, đi lại… Trẻ em và gia đình giảm được các chi phí trong mua, in sổ tiêm chủng, sổ khám chữa bệnh, thẻ bảo hiểm y tế, thẻ học sinh và nhiều chi phí khác liên quan đến việc sao y, chứng thực giấy tờ này… Với số công dân dưới 14 tuổi hiện nay là 19 triệu người thì ước tính số tiền mà Nhà nước và xã hội phải chi để cấp các giấy tờ trên là rất lớn. Như vậy, nếu cấp thẻ Căn cước công dân cho toàn bộ công dân (bao gồm cả người dưới 14 tuổi) thì sẽ tiết kiệm được chi phí cho nhà nước và nhân dân.
Đối với người Việt Nam là người không quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam thì được Nhà nước bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng khi được cấp, sử dụng thẻ Căn cước công dân; thuận lợi hơn khi tham gia các giao dịch dân sự, nhất là các giao dịch thiết yếu phục vụ cuộc sống và thực hiện thủ tục hành chính có yêu cầu phải xuất trình giấy tờ chứng minh thông tin cá nhân.
Đối với cơ quan nhà nước thì chính sách này sẽ giúp quản lý được toàn bộ công dân và người gốc Việt Nam là người không quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam; tạo thuận lợi cho công tác hoạch định chính sách phát triển xã hội; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội (Nếu không quy định chính sách này thì không có điều kiện để quản lý được toàn bộ dân cư sinh sống ở nước ta; gây khó khăn cho công tác hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội. Trường hợp người gốc Việt Nam không được thu thập thông tin, dữ liệu và quản lý mà vi phạm pháp luật thì cơ quan nhà nước sẽ không có thông tin để tra cứu, xác minh, nhất là thông tin sinh trắc học về vân tay, ảnh chân dung, gây khó khăn cho việc bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội).
PV: Việc Bộ Công an đề xuất chỉnh lý quy định về có sở dữ liệu (CSDL) CCCD và bổ sung các nhóm thông tin vào CSDL quốc gia về dân cư, CSDL CCCD gồm: thông tin sinh trắc học (mống mắt, ADN, giọng nói)… Điều này có khả thi hay không? Tác động của việc này như thế nào?
Thiếu tướng Phạm Công Nguyên: Dự thảo Luật Căn cước công dân (sửa đổi) đã chỉnh lý, bổ sung một số nhóm thông tin vào Cơ sở dữ liệu căn cước gồm: Một số thông tin sinh trắc học (mống mắt, ADN, giọng nói); thông tin về người gốc Việt Nam; tài khoản định danh điện tử của công dân Việt Nam.
Theo đó, việc thu thập thông tin sinh trắc học về mống mắt, ADN, giọng nói chỉ áp dụng đối với một số người có tiền án, tiền sự phục vụ công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật (quy định này tương đồng với quy định của nhiều nước trên thế giới như Trung Quốc, Mỹ, Anh, Pháp, Singapore, Hàn Quốc…); những thông tin này do các cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan quản lý người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính (đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở cai nghiện bắt buộc…) thu thập trong quá trình xử lý vi phạm pháp luật và được chuyển cho cơ quan quản lý Căn cước công dân để cập nhật vào Cơ sở dữ liệu căn cước công dân; không làm phát sinh thêm chi phí cho nhà nước mà đồng thời các thông tin sinh trắc học đã được thu thập sẽ tiếp tục được lưu trữ, bảo quản và khai thác, sử dụng hiệu quả.
PV: Luật CCCD sửa đổi, sẽ giải quyết được những tồn tại, vướng mắc gì của Luật CCCD cũ.
Thiếu tướng Phạm Công Nguyên: Như nhiều nội dung đã phân tích nêu trên, Luật Căn cước công dân (sửa đổi) sẽ giúp giải quyết được nhiều khó khăn, vướng mắc của Luật Căn cước công dân năm 2014 như:
Một là, hoàn thiện, bổ sung quy định về quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân; tài khoản định danh điện tử (căn cước điện tử) và việc sử dụng tài khoản định danh điện tử; cấp, xác lập lại số định danh cá nhân; quy định về việc sử dụng thống nhất thẻ Căn cước công dân và việc hạn chế phát sinh thủ tục hành chính có liên quan.
Hai là, cập nhật, giải quyết khó khăn trong việc cấp thẻ Căn cước công dân đối với nhiều trường hợp như không có nơi thường trú, thiếu một số thông tin liên quan đến hộ tịch…
Ba là, nâng cao hiệu quả, giá trị sử dụng của thẻ Căn cước công dân, tăng cường tích hợp thông tin vào thẻ Căn cước công dân để giảm thiểu việc sử dụng, cấp các giấy tờ tùy thân khác.
Bốn là, tăng cường làm giàu dữ liệu dân cư, dữ liệu căn cước để phục vụ việc phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số ở nước ta.
PV: Trân trọng cảm ơn Thiếu tướng!./.