Đến ĐBSCL, đến Trà Vinh, nhất định phải đi thăm các ngôi chùa Khmer bởi đó là nơi lắng đọng những giá trị văn hóa, kết tinh đời sống tinh thần của người Khmer

Là một trong 54 dân tộc thuộc cộng đồng các dân tộc Việt Nam, người Khmer sinh sống lâu đời ở đồng bằng sông Cửu Long. Người Khmer có tiếng nói và chữ viết riêng, nhưng cùng chung một nền văn hoá, một lịch sử bảo vệ và xây dựng Tổ quốc Việt Nam. Đồng bào Khmer sống xen kẽ với đồng bào Kinh, Hoa trong các phum, sóc, ấp.

Tại tỉnh Trà Vinh, từ năm 2011 đến nay, địa phương này đã ban hành 04 Nghị quyết chuyên đề về phát triển toàn diện vùng đồng bào Khmer đồng thời đưa nội dung công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc vào văn kiện đại hội Đảng qua các kỳ Đại hội đảng bộ tỉnh.

Trong chuyến công tác nhiều ngày tại tỉnh Trà Vinh, nhà báo Hương Giang- Báo điện tử VOV đã có dịp gặp gỡ rất nhiều nhân vật, đi đến các phum sóc, các xã, huyện để gặp gỡ, ghi chép, cảm nhận đời sống của đồng bào Khmer ở Trà Vinh nói riêng và ĐBSCL nói chung thông qua loạt 3 bài viết có chủ đề PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN VÙNG ĐỒNG BÀO KHMER- HIỆN THỰC SINH ĐỘNG TỪ MỘT CHỦ TRƯƠNG ĐÚNG.

Trà Vinh là nơi có nhiều chùa Khmer nhất với 143 ngôi chùa

Trà Vinh có gần 390.000 người dân tộc Khmer sinh sống (chiếm khoảng 31% dân số). Tuy không phải là nơi có đông người Khmer nhất trong 13 tỉnh vùng ĐBSCL nhưng đây là nơi có nhiều chùa Khmer nhất Việt Nam với 143 ngôi chùa. Những ngôi chùa Khmer với kiến trúc độc đáo không chỉ là nơi sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo của tín đồ Phật giáo Nam tông Khmer mà còn là nơi gắn kết giữa đạo và đời, là nơi mà các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến được với người dân nhanh nhất, cũng là nơi thể hiện sinh động chính sách tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng và Nhà nước.

Mùa hè năm nay, chùa Ô Đùng tọa lạc tại xã Hiếu Từ, huyện Tiểu Cần – cách trung tâm thành phố Trà Vinh khoảng 20km, lại đón gần 230 em học sinh ở mọi lứa tuổi. Suốt 2 tháng hè, ngày nào các em cũng đến chùa để học tiếng nói và chữ viết của người Khmer. Khác với vẻ thanh tịnh thường thấy ở các cơ sở thờ tự, bên trong khuôn viên chùa Ô Đùng, khách thập phương ngỡ như lạc vào một trường học. Ngoài 2 lớp học với hàng trăm em học sinh đang cùng thày đánh vần rộn rã là dãy nhà ngang với vài chục tăng sinh đang học giáo lý.

Suốt 2 tháng hè, ngày nào các em cũng đến chùa để học tiếng nói và chữ viết của người Khmer

“Chùa ở đây là nơi phát triển văn hóa tâm linh, là trung tâm giáo dục. Chùa cũng là nơi sinh hoạt văn hóa xã hội và là nơi lan tỏa lòng từ bi. Hầu hết chùa Khmer đều thể hiện sự gắn bó giữa đạo với đời, cũng là nơi lưu giữ rõ nhất những nét văn hóa đặc sắc của người Khmer” – Thượng tọa Kim Mạnh – Phó trụ trì chùa Ô Đùng, xã Hiếu Từ, huyện Tiểu Cần chia sẻ.

Việc tổ chức dạy chữ Khmer cho học sinh trong chùa là chuyện hết sức bình thường ở Trà Vinh. Hơn 140 ngôi chùa hiện diện khắp thành thị và các phum, sóc đều giữ nét đẹp truyền thống này. Không chỉ học chữ viết, các em còn được học đạo đức, lễ nghĩa, học kinh kệ, học về sự tích của đức Phật… 

Được biết, tài liệu ngữ văn tiếng Khmer được giảng dạy tại các ngôi chùa ở đây được Bộ Giáo dục và đào tạo biên soạn và phần kinh phí đứng lớp cho các giáo viên từ lớp 1 đến lớp 5 cũng được Nhà nước hỗ trợ.

Những ngôi chùa Khmer với kiến trúc độc đáo không chỉ là nơi sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo của tín đồ Phật giáo Nam tông Khmer mà còn là nơi gắn kết giữa đạo và đời

Đợt dịch Covid-19 bùng phát, chùa không chỉ là nơi phát tâm công đức, cung cấp nhiều lương thực, thực phẩm cho các tín đồ mà còn là nơi tá túc của con em người địa phương đi làm ăn xa. Họ trở về từ các thành phố lớn, đến chùa để cách ly.

Đối với phật tử Nam tông Khmer, trong một tháng, họ thường đến chùa 4 ngày là mùng 8, 15, 23 và 30 âm lịch. Nhưng với nhiều phật tử ở đây, không nhất thiết lên chùa những ngày cố định.

“Tuần nào chúng tôi cũng lên chùa. Sư cả ở đây giúp đỡ chúng tôi rất nhiều. Ông vận động được nhiều nguồn tài trợ, giúp người nghèo, người khó khăn, tàn tật. Ổng giúp gạo, tiền, mắm muối, mì tôm, thuốc men. Trong đợt Covid-19, thực hiện giãn cách, chính quyền hỗ trợ chúng tôi, sư cả cũng hỗ trợ nên chúng tôi thấy bớt đi nhiều khó khăn“ – một phật tử chùa Long Trường, huyện Trà Cú cho hay. 

Đối với phật tử Nam tông Khmer, trong một tháng, họ thường đến chùa 4 ngày là mùng 8, 15, 23 và 30 âm lịch

“Chùa có sư cả, xã có bí thư” là câu nói vui của người dân ở Trà Vinh nhưng nó cũng phản ánh một thực tế: Các sư trụ trì chùa Khmer rất có uy tín và tiếng nói với người dân Khmer bởi phần lớn người Khmer theo đạo Phật và đến sinh hoạt tại chùa. Nhiều chủ trương, chính sách đến được với người dân cũng thông qua các Sư cả trụ trì.

Hiện ở Trà Vinh trên 3200 tu sĩ Phật giáo Nam tông Khmer. Cùng với sư cả, những tu sĩ này có vai trò và ảnh hưởng to lớn đối với đời sống, sinh hoạt của đồng bào Khmer.

Các sư trụ trì chùa Khmer rất có uy tín và tiếng nói với người dân Khmer

Tại huyện Trà Cú - cách trung tâm thành phố Trà Vinh khoảng 50 km có 17 đơn vị cấp xã nhưng có đến 37 ngôi chùa Khmer. 10 năm nay, Đại đức Thạch Sa Vane - Sư cả chùa Long Trường, huyện Trà Cú đã vận động, quyên góp xây dựng 70 căn nhà cho người nghèo. Mỗi căn nhà như vậy trị giá khoảng 50 triệu đồng. Hàng tháng, chùa đều tổ chức thăm hỏi đồng bào phật tử khó khăn.

Ở các ngôi chùa Khmer, sư cả trụ trì không chỉ chăm lo phật pháp mà còn cùng với chính quyền tham gia giải quyết nhiều vụ tranh chấp, khiếu kiện tại địa phương, vận động các cơ sở thờ tự trên địa bàn treo cờ Tổ quốc vào các ngày lễ, Tết, kỷ niệm trọng đại của đất nước. Sư cả cũng vận động thanh niên lên đường nhập ngũ, không tham gia đua xe và các tệ nạn xã hội. Các vị chức sắc phật giáo tham gia tổ cảm hóa giáo dục cộng đồng, hoà giải bất đồng trong đời sống của phật tử, cùng với địa phương vận động đối ứng mặt bằng xây dựng đường giao thông nông thôn, vệ sinh cảnh quan môi trường, góp phần xây dựng nông thôn mới...

Ông Thạch Thanh Hải, năm nay 60 tuổi ở ấp Cầu Tre, xã Long Thới, huyện Tiểu Cần từng có 5 năm làm Phó Bí thư Đảng ủy xã. Dù nay đã nghỉ hưu nhưng ông vẫn tham gia các công việc chung của ấp, của xã.

“Khi còn làm lãnh đạo, chúng tôi thường nhờ uy tín của các sư trong các cơ sở thờ tự. Ở đây, người ta vẫn thường nói vui “chùa có sư cả, xã có bí thư”. Chúng tôi thường gần gũi họ, thăm nom họ. Các sư cả cũng rất đồng tình, kể cả các chú, các anh trong ban quản trị chùa. Vào những ngày bà con lên chùa, các sư thường tuyên truyền những chủ trương mới của Đảng, Nhà nước để bà con dễ tiếp nhận. Gần đây, dịch bệnh diễn biến phức tạp, chính các sư là người đi đầu tuyên truyền chủ trương tiêm vaccine của Chính phủ”.

Ông Thạch Thanh Hải

Tháng 8 đang là mùa mưa ở Trà Vinh, không phải mùa lễ hội. Cũng vì vậy, rất nhiều ngôi chùa ở đây tranh thủ sửa chữa, trùng tu.

Tháng 8 đang là mùa mưa ở Trà Vinh, không phải mùa lễ hội, vì vậy, nhiều ngôi chùa ở đây tranh thủ sửa chữa, trùng tu.

Hòa thượng Thạch Oai – Phó Chủ tịch thường trực Hội đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Trà Vinh cho biết: Mỗi năm, chính quyền đều có sự hỗ trợ kinh phí cho các chùa. Đối với việc trùng tu, sửa chữa, ngoài kinh phí do các phật tử đóng góp, Nhà nước ưu tiên cấp kinh phí cho các chùa có thành tích trong đấu tranh giải phóng dân tộc, chùa có đông đồng bào khó khăn. Mỗi chùa được hỗ trợ kinh phí từ 100-200 triệu đồng. Cá biệt, có những chùa gặp sự cố sạt lở bờ kè, Nhà nước hỗ trợ cả tỷ đồng để khắc phục.

“Sinh hoạt tôn giáo không có gì bị cản trở cả, được chính quyền địa phương rất quan tâm. Các lễ hội lớn của người Khmer như Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây, Lễ Sen Đôlta, Ok – Om - Bok, chúng tôi được chính quyền đảm bảo an ninh trật tự, phân luồng giao thông, được hỗ trợ kinh phí tổ chức …Đó chính là tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Có vấn đề gì khúc mắc thì chúng tôi trao đổi để giải quyết ngay. Chính quyền chỉ yêu cầu hoạt động trong khuôn khổ pháp luật” - Hòa thượng Thạch Oai cho hay. 

Cũng theo Hòa thượng Thạch Oai, các sư trụ trì thường xuyên tuyên truyền cho bà con phật tử, cái gì được phép và cái gì không. Cái không được phép là lợi dụng tôn giáo để vi phạm pháp luật.

Chia sẻ quan điểm này, Thượng tọa Thạch Út, Trụ trì chùa Ô Chhúc (ấp Ngãi Hòa, xã Tập Ngãi, huyện Tiểu Cần) cho biết, trên địa bàn huyện cũng từng xử lý một số trường hợp sư sãi và các phật tử trẻ thông qua mạng xã hội để tuyên truyền những nội dung gây chia rẽ dân tôc, chia rẽ tôn giáo. Với những người như vậy, ông thường gặp gỡ, tiếp xúc, giảng giải cho họ về lịch sử vùng đất Nam bộ, góp phần ổn định đời sống tín ngưỡng tôn giáo.

“Tôi sống ngần này tuổi đầu, trực tiếp nghe kể và tự mình trải nghiệm. Từ thời kháng chiến chống Pháp cho đến thời chống Mỹ, người ta vẫn thường lợi dụng tôn giáo để chia rẽ dân tộc, chia rẽ tôn giáo. Và thời nay cũng vậy. Tuy nhiên, những kẻ rắp tâm làm điều đó thường ở nước ngoài, tác động vào sư sãi và các phật tử trẻ trong nước. Tôi nói với họ về những trải nghiệm của mình, nhất là từ khi đất nước giải phóng, thống nhất một nhà, giúp họ có những nhận thức đúng đắn”.

Các ngôi chùa ở Khmer ở Trà Vinh có lịch sử lâu đời, chùa sớm nhất hiện diện ở đây từ thế kỷ thứ 4. Nhiều chùa từng là di tích cách mạng trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Hầu hết chùa Khmer ở đây đều có diện tích rộng lớn. Không chỉ được sửa chữa, trùng tu, nhiều ngôi chùa còn được xây mới như 2 chùa được xây mới hoàn toàn là chùa Ô Tà Pậu, xã Đa Lộc và chùa Ô Kà Đa, xã Phước Hảo, huyện Châu Thành.

Thượng tọa Thạch Út, Trụ trì chùa Ô Chhúc (ấp Ngãi Hòa, xã Tập Ngãi, huyện Tiểu Cần)

Đến ĐBSCL, đến Trà Vinh, nhất định phải đi thăm các ngôi chùa Khmer bởi đó là nơi lắng đọng những giá trị văn hóa, kết tinh đời sống tinh thần của người Khmer. Chính sự hiện diện của các ngôi chùa Khmer tạo nên sự đa dạng về bản sắc văn hóa của 54 dân tộc anh em trên dải đất hình chữ S. Chăm lo đời sống vật chất, đời sống tinh thần, bảo đảm tự do tín ngưỡng, tôn giáo chính là chủ trương nhất quán, xuyên suốt của Đảng và Nhà nước Việt Nam./.

Thứ Hai, 05:35, 29/08/2022