Các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 xuất hiện đe dọa sức khỏe toàn nhân loại (Ảnh: Reuters)
Năm 2021 là năm thứ hai đại dịch COVID-19 hoành hành, thế giới đối mặt với những làn sóng lây nhiễm nghiêm trọng hơn, gây nhiều tổn thất hơn khi một loạt biến thể mới của virus SARS-CoV-2 như Delta plus, Lambda, Mu và Omicron xuất hiện. Những ngày cuối cùng của tháng 12/2021, đã có gần 280 triệu người trên thế giới nhiễm bệnh, gần 5 triệu 500 nghìn người tử vong.
Với sự giúp sức của vaccine, nhiều nước đã từng bước thích ứng an toàn, linh hoạt để vừa kiềm chế dịch, vừa mở cửa trở lại, khôi phục kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, “những đợt sóng dữ mang tên biến thể” mà mới nhất là biến thể Omicron tiếp tục đặt thế giới trước những thách thức to lớn buộc các nước phải điều chỉnh biện pháp phòng chống dịch trong đó có việc đẩy nhanh tiêm liều vaccine thứ 3.
Tăng trưởng 5-6% - đó là bước chuyển tích cực của kinh tế thế giới nếu so với con số âm 4,4% của năm 2020. Tuy nhiên, với con số thiệt hại khoảng 3,3 nghìn tỷ USD, với hàng chục triệu việc làm bị mất và chuỗi cung ứng bị gián đoạn của nền kinh tế thế giới khiến cho vận động của nền kinh tế thế giới trong năm 2022 tới vẫn sẽ phụ thuộc rất lớn vào tình hình dịch bệnh COVID-19.
Việc bao phủ vaccine nhanh chóng và các gói kích thích kinh tế khổng lồ, nhất là tại các “đầu tàu kinh tế” như Mỹ, châu Âu và Trung Quốc vẫn đang là động lực chính cho quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, tâm lý lo ngại vẫn bao trùm bởi những nhân tố tiêu cực như lạm phát phi mã, giá năng lượng tăng cao, tốc độ tăng trưởng giữa các nước và các khu vực không đồng đều.
Ngày 13/11/2021, 197 quốc gia tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu đã thông qua “Hiệp ước khí hậu Glasgow” tại hội nghị COP26. Bản Hiệp ước này sẽ hoàn thiện các phần chưa được thống nhất của Thỏa thuận Paris 2015.
197 quốc gia đã thông qua “Hiệp ước khí hậu Glasgow” tại hội nghị COP26 (Ảnh: Reuters)
100 quốc gia trên thế giới đã cam kết chấm dứt nạn phá rừng, cắt giảm 30% lượng phát thải khí mê-tan vào năm 2030. Mỹ và Trung Quốc - hai quốc gia phát thải lớn nhất thế giới đã ra Tuyên bố chung, cam kết hợp tác xây dựng chiến lược dài hạn chống biến đổi khí hậu, nhằm đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0. Kết quả Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) đem lại hy vọng cho cộng đồng quốc tế về việc ngăn chặn những tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu.
Thời điểm chiếc máy bay C-17 sơ tán công dân Mỹ cuối cùng rời sân bay gần Kabul, Afghanistan vào ngày 30/8/2021 đã trở thành dấu mốc mang tính biểu tượng khép lại cuộc chiến dài nhất trong lịch sử nước Mỹ. 20 năm qua, con số 3.500 binh sĩ Mỹ và đồng minh cùng hàng chục nghìn quân nhân và dân thường đã thiệt mạng tại Afghanistan, trở thành nỗi ám ảnh lớn đối với nước Mỹ.
Việc lực lượng Taliban trở lại nắm quyền ngày 15/8/2021 khiến tương lai của Afghanistan trở nên bấp bênh và đáng lo ngại. Nguy cơ xuất khẩu chủ nghĩa khủng bố, xung đột và bạo lực được cho là sẽ tác động đến tương lai của khu vực Nam Á và an ninh toàn cầu.
Cảnh hỗn loạn tại Kabul (Afghanistan) khi quân đội Mỹ rút quân khỏi nước này và Taliban tiến vào Thủ đô (Ảnh: Getty Images)
Ngày 20/1/2021, ông Joseph Robinette Biden Jr chính thức trở thành Tổng thống Mỹ sau một cuộc bầu cử đầy kịch tính. Gần một năm lãnh đạo nước Mỹ, Tổng thống Biden luôn duy trì chính sách tái cân bằng quan hệ với các đồng minh, từ đó xây dựng mặt trận liên minh mới chống Trung Quốc, trái ngược với cách làm của người tiền nhiệm. Dưới thời Tổng thống Biden, cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung đã trở thành một cuộc đối đầu tổng lực, toàn diện, gay gắt hơn.
Mỹ luôn muốn Trung Quốc phải nhượng bộ trong vấn đề Đài Bắc-Trung Hoa, Biển Đông, Biển Hoa Đông, dân chủ, nhân quyền….Trung Quốc không nhượng bộ, ngược lại còn vượt Mỹ trở thành quốc gia giàu nhất thế giới với tài sản ròng ước tính 120.000 tỷ USD, sắp đạt mục tiêu trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, Mỹ và Trung Quốc vẫn phát đi tín hiệu sẵn sàng đối thoại, dù chưa nhượng bộ và thoả hiệp nhưng không để căng thẳng và đối đầu vượt ra ngoài tầm kiểm soát.
Thỏa thuận An ninh ba bên giữa Mỹ, Anh và Australia, còn gọi là AUKUS ra đời ngày 15/9/2021 - gây bất ngờ cho thế giới, đánh dấu bước đi mới của Mỹ trong chiến lược xoay trục về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đồng thời tạo nên những thay đổi trong cán cân chiến lược của khu vực. Cơ chế AUKUS giúp thắt chặt quan hệ 3 bên Mỹ, Anh và Australia, song lại làm gia tăng sự nghi kỵ và căng thẳng trong quan hệ Mỹ-Trung, đồng thời làm rạn nứt quan hệ của Mỹ với các đồng minh bên kia bờ Đại Tây Dương, đặc biệt là với Pháp.
Năm 2021, sự ra đời của AUKUS và việc Liên minh châu Âu EU công bố chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương ngày 16/9 và Mỹ công bố chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương ngày 14/12 ở Jakarta, phản ánh rõ nét xu hướng tập hợp lực lượng và tầm quan trọng địa chính trị của khu vực này.
AUKUS phản ánh tầm quan trọng địa chính trị của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Ảnh: Reuters)
Bà Merkel đã có 16 năm cầm quyền, dẫn dắt không chỉ nước Đức mà còn cả Liên minh Châu Âu (Ảnh: Reuters)
Kỷ nguyên cầm quyền của cựu Thủ tướng Angela Merkel đã khép lại khi ông Olaf Schozl chính được Hạ viện Đức phê chuẩn vào cương vị Thủ tướng Đức ngày 8/12. Trong 16 năm cầm quyền, bà Merkel đã dẫn dắt nước Đức và Liên minh châu Âu (EU) vượt qua nhiều cuộc khủng hoảng lớn như khủng hoảng tài chính năm 2008, khủng hoảng di cư năm 2015, khủng hoảng nợ công năm 2010, tiến trình Brexit… đưa nước Đức thực sự trở thành một “đầu tàu châu Âu” đồng thời thúc đẩy nhanh tiến trình “nhất thể hoá” châu Âu.
Việc bà Merkel rút khỏi chính trường làm dấy lên lo ngại về một khoảng trống để lại cho nước Đức và EU, nhưng cũng nhen nhóm hy vọng về một làn gió thay đổi diễn ra khi ông Olaf Scholz trở thành người kế nhiệm bà Merkel trong 5 năm tới.
Chính biến tại Myanmar ngày 1/2/2021 đã khiến thế giới bất ngờ. Liên minh Quốc gia vì Dân chủ, thuộc chính phủ dân sự Myanmar bị tước quyền và quyền lực được trao cho chính quyền quân sự. Tại châu Phi, ngày 25/10/2021, Sudan đã rơi vào khủng hoảng chính trị sau khi quân đội giải tán chính phủ chia sẻ quyền lực Sudan và ban bố tình trạng khẩn cấp. Năm 2021, châu Phi cũng đã chứng kiến nhiều cuộc đảo chính khác ở Mali, Guinea….Những diễn biến chính trị phức tạp này phản ánh xu thế bất ổn chính trị, xã hội ở nhiều quốc gia.
Những diễn biến chính trị phức tạp này phản ánh xu thế bất ổn chính trị, xã hội ở nhiều quốc gia (Ảnh: Reuters)
Năm 2021, quan hệ Nga - Ukraine đột ngột căng thẳng với việc các bên và cả Mỹ tăng cường triển khai lực lượng quân sự tới khu vực biên giới hai nước. Từ biển Baltic tới Biển Đen đến khủng hoảng di cư ở biên giới Balan - Belarus, nguy cơ xung đột giữa phương Tây và Nga đang ở mức cao nhất kể từ thời Chiến tranh Lạnh.
Sau nhiều tháng căng thẳng với Ukraine, phương Tây, đặc biệt là Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), hôm 17/12, lần đầu tiên Nga nêu bản dự thảo Hiệp ước 8 điểm mong muốn phương Tây chấp thuận, nhằm giảm căng thẳng ở châu Âu và xoa dịu cuộc khủng hoảng Ukraine. Nếu không sớm đạt được những thỏa thuận mới, quan hệ Nga – phương Tây có thể bị đẩy đến bờ vực đổ vỡ.
Năm 2021 chứng kiến sự nở rộ của ngành công nghiệp vũ trụ thương mại với các chuyến bay đưa hành khách vào vũ trụ. Tối 15/9/2021 (theo giờ Mỹ), Tập đoàn công nghệ SpaceX đã phóng thành công tàu vũ trụ đưa các “phi hành gia nghiệp dư” đầu tiên trên thế giới trong một chuyến bay tư nhân đi vào quỹ đạo Trái Đất. Đây là sự kiện đánh dấu bước nhảy vọt tham vọng nhất của ngành du lịch vũ trụ thế giới. Ngoài SpaceX, các công ty vũ trụ hàng đầu thế giới như Virgin Galactic, Blue Origin cũng đã thử nghiệm các chuyến bay tư nhân đưa hành khách lên vũ trụ mở đường cho ngành du lịch không gian phát triển./.
Trong tương lai, con người sẽ ngày càng dễ dàng bay vào không gian hơn (Ảnh: Reuters)