“Mỹ hỗ trợ các nước trong quá trình đàm phán và ký kết Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982), kể từ thời Tổng thống Ronald Reagan đến nay, mọi chính quyền Mỹ đều coi UNCLOS 1982 là công cụ của luật pháp quốc tế giải quyết các vấn đề trên biển. Mỹ vẫn luôn tuân thủ UNCLOS 1982 mặc dù Thượng viện nước này chưa phê chuẩn để Mỹ trở thành thành viên chính thức của công ước.

Trong khi đó, Trung Quốc dù đã phê chuẩn công ước nhưng lại không tuân thủ. Vì thế Mỹ hoàn toàn có thể phê phán Trung Quốc dựa trên những điều khoản của công ước. Thực tế pháp lý là không thể thay đổi”, Giám đốc cơ quan Sáng kiến Minh bạch Hàng hải (AMTI) Greg Poling nhận định với VOV về tuyên bố của Ngoại trưởng Mike Pompeo liên quan đến ‘lập trường của Mỹ với các yêu sách hàng hải ở Biển Đông’ hôm 13/7.

Ngày 13/7, Bộ Ngoại giao Mỹ đăng trên website tuyên bố của Ngoại trưởng Mike Pompeo, bác bỏ hầu hết yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Washington khẳng định Bắc Kinh không có cơ sở pháp lý nào cho yêu sách "Đường 9 đoạn", cho rằng thế giới quan kiểu ức hiếp của Trung Quốc sẽ không có chỗ trong thế kỷ 21.

"Thế giới sẽ không cho phép Bắc Kinh coi Biển Đông là đế chế trên biển của mình. Washington sát cánh cùng các đồng minh và đối tác Đông Nam Á trong bảo vệ chủ quyền của họ với các tài nguyên ngoài khơi, phù hợp với quyền và nghĩa vụ theo luật quốc tế", tuyên bố có đoạn.

Nguồn: Reuters.

Trong Tuyên bố, Mỹ thể hiện lập trường đã nêu đối với các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông - có cùng quan điểm như phán quyết ngày 12/7/2016 của Tòa Trọng tài thành lập theo phụ lục VII của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982. Đáng chú ý, tuyên bố của Mỹ làm sáng tỏ 3 loại vùng biển mà Trung Quốc đang yêu sách bất hợp pháp theo phán quyết:

Bất kỳ yêu sách Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) nào từ bãi cạn Scarborough và quần đảo Trường Sa, bao gồm cả đá Vành Khăn và bãi Cỏ Mây là bất hợp pháp.

Bất kỳ yêu sách các vùng biển nào mà Trung Quốc đưa ra nằm ngoài phạm vi 12 hải lý tính từ các đảo tại quần đảo Trường Sa là bất hợp pháp. Quần đảo Trường Sa, dù xem xét dưới góc độ từng thực thể hay được coi là một đơn vị đất liền, đều không có quyền có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa riêng. Vì thế, mọi hoạt động quấy rối ngư dân, cản trở khai thác dầu khí của các quốc gia có yêu sách các vùng biển phù hợp với UNCLOS 1982 như các vùng biển xung quanh bãi Tư Chính (ngoài khơi Việt Nam), cụm bãi Luconia (ngoài khơi Malaysia), vùng biển thuộc EEZ của Brunei và Natuna Besar (ngoài khơi Indonesia) đều là bất hợp pháp.

Yêu sách bãi ngầm Tăng Mẫu, chìm dưới nước 20m và cách 1.000 hải lý như “lãnh thổ cực Nam của Trung Quốc” là vi phạm luật quốc tế.

Các vùng biển của một quốc gia theo quy định của luật pháp quốc tế. Đồ họa: Quang Huy.

Đại sứ - PGS.TS Nguyễn Hồng Thao - chuyên gia về công pháp quốc tế nhận định: “Tuyên bố của ông Pompeo hôm 13/7 là một bước dịch chuyển lớn trong lập trường của Mỹ. Các chính quyền Mỹ trong những phát biểu trước thường chỉ dừng lại tố cáo các hành vi khiêu khích, xâm lược, làm mất ổn định hay yêu sách quá mức. Mỹ đã chuyển từ ngôn từ ngoại giao, kiềm chế sang trực diện phê phán”.

Đồng ý với quan điểm của ông Nguyễn Hồng Thao, Đại sứ Nguyễn Quốc Cường, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao trả lời phỏng vấn của VOV cho rằng phát biểu của Ngoại trưởng Mike Pompeo đánh dấu một sự thay đổi quan trọng trong lập trường của Mỹ về vấn đề Biển Đông.

Đại sứ Nguyễn Quốc Cường nhấn mạnh: “Trước đây, Mỹ thường nói ‘không đứng về bên nào’ trong các đòi hỏi chủ quyền (và quyền chủ quyền) ở Biển Đông, điều duy nhất Mỹ quan tâm là làm sao có thể duy trì tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông. Chính vì thế, về công khai Mỹ hầu như không bao giờ lên tiếng phản đối đòi hỏi chủ quyền phi lý của Trung Quốc theo cái gọi là ‘đường 9 đoạn’”.

“Khi còn làm Đại sứ ở Mỹ, tôi đã nhiều lần trao đổi với các quan chức ở Washington rằng Mỹ biết yêu sách ‘đường 9 đoạn’ của Trung Quốc ở Biển Đông là hoàn toàn trái với Luật pháp quốc tế, trái với UNCLOS 1982, nhưng Mỹ cứ giữ lập trường ‘trung lập’ về yêu sách lãnh thổ của các nước, trong đó có cả các yêu sách hợp pháp của Việt Nam và các nước khác cũng như yêu sách không hợp pháp của Trung Quốc. Vậy phải chăng là Mỹ đang lẳng lặng để Trung Quốc ngày càng có các hành động lấn tới ở Biển Đông? Có thể thấy lập trường trước đây của Mỹ theo hướng ‘trung lập’ đối với các đòi hỏi chủ quyền ở Biển Đông, bất kể đó là đòi hỏi hợp pháp hay không hợp pháp, là chưa rõ ràng và chưa đủ mạnh”, Đại sứ Nguyễn Quốc Cường chia sẻ.

Theo Đại sứ Nguyễn Quốc Cường, với những tuyên bố mạnh mẽ như vậy [tuyên bố ngày 13/7 của ông Pompeo-PV], Mỹ đã có sự thay đổi quan trọng trong lập trường về vấn đề Biển Đông. Có thể hiểu là Mỹ không còn hoàn toàn “trung lập” được nữa trong lập trường của mình. Yêu sách chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán cũng như hành động trên thực tế của mọi quốc gia có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông đều phải phù hợp với luật pháp quốc tế, với UNCLOS 1982, không có ngoại lệ. Có như vậy mới có thể duy trì và củng cố được hoà bình, ổn định, tự do an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông và khu vực.

Đại sứ Nguyễn Quốc Cường nói: “Tôi cũng chú ý tới phát biểu của Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ David Stilwell ngay sau đó là Mỹ để ngỏ khả năng trừng phạt các quan chức và công ty Trung Quốc liên quan đến các hành vi phi pháp tại Biển Đông. Như vậy, ngoài các tuyên bố cứng rắn, Mỹ hàm ý sẵn sàng có cả các hành động mạnh mẽ hơn nhằm đáp trả các hành vi vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc ở Biển Đông”.

Nói là làm, đến ngày 26/8, Bộ Ngoại giao và Bộ Thương mại Mỹ đã công bố lệnh trừng phạt 24 công ty và hàng chục cá nhân Trung Quốc liên quan hoạt động cải tạo và quân sự hóa trái phép các thực thể trên Biển Đông. Phía Mỹ cho rằng, không chỉ tàn phá môi trường Biển Đông, các công ty này còn hỗ trợ đắc lực cho các chiến lược mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc. Gọi những công ty bị trừng phạt là công cụ trong "chiến thuật săn mồi" của Trung Quốc, Bộ Ngoại giao Mỹ kêu gọi các nước xem xét lại mối quan hệ và đánh giá rủi ro khi giao dịch với các công ty này.

Cùng với Mỹ, ngày 24/7, trong một động thái được đánh giá là mạnh mẽ nhất từ trước đến nay, Australia đã gửi công hàm lên Liên Hợp Quốc phản đối các yêu sách của Trung Quốc về “quyền lịch sử” hoặc “quyền và lợi ích biển” được thiết lập thông qua (cái gọi là) “thực tiễn lịch sử lâu dài” ở Biển Đông.

Công hàm khẳng định không có cơ sở pháp lý cho việc Trung Quốc vẽ đường cơ sở thẳng nối các điểm ngoài cùng của các thực thể hoặc nhóm đảo ở Biển Đông, bao gồm “Tứ Sa” hoặc “lục địa” hoặc “các quần đảo xa bờ”. Australia bác bỏ yêu sách đối với vùng nội thủy, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa dựa trên các đường cơ sở thẳng này.

Australia cũng phản đối yêu sách của Trung Quốc đối với vùng biển được tạo ra bởi các thực thể chìm hoặc các thực thể nửa chìm, nửa nổi không phù hợp với UNCLOS 1982. Các hoạt động bồi đắp hoặc bất kỳ các hoạt động xây đảo nhân tạo nào không làm thay đổi phân loại của thực thể đó theo quy định của UNCLOS 1982. Không có căn cứ pháp lý để thực thể có thể đòi hỏi nhiều quyền hơn quy định của UNCLOS 1982 đối với trạng thái tự nhiên của nó.

Vì lý do này, Australia không chấp nhận các thực thể được thay đổi một cách nhân tạo được hưởng quy chế áp dụng cho một hòn đảo theo Điều 121, khoản 1 của UNCLOS 1982. Hơn nữa, Điều 60, khoản 8 của UNCLOS 1982 quy định các đảo nhân tạo không được hưởng quy chế đảo. Đảo nhân tạo không có lãnh hải riêng và sự hiện diện của nó không ảnh hưởng đến việc phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế hoặc thềm lục địa.

Chính phủ Australia bày tỏ sự quan ngại sâu sắc liên quan đến yêu sách của Trung Quốc đối với việc thực thi chủ quyền “liên tục và thực tế” đối với các thực thể nửa chìm, nửa nổi do chúng không tạo thành một phần của lãnh thổ đất liền của một quốc gia.

Cũng trong khoảng thời gian tháng 6 và tháng 7/2020, Indonesia và Malaysia đã có những công hàm với nội dung phản đối yêu sách phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông. Thậm chí, Brunei – quốc gia im hơi lặng tiếng nhất trong số "5 nước, 6 bên" tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông trong tháng 7/2020 cũng đã lên tiếng nhấn mạnh rằng các cuộc đàm phán về Biển Đông cần được giải quyết theo UNCLOS 1982 và các quy tắc, nguyên tắc của luật pháp quốc tế.

Vì sao 4 năm sau phán quyết của Tòa trọng tài Quốc tế, câu chuyện pháp lý ở Biển Đông đột ngột “tăng nhiệt” như vậy? Đây có phải ngẫu nhiên hay là hệ quả tất yếu khi một bên có lòng tham quá lớn đối với vùng biển này./.



Tác giả: Hùng Cường | Thiết kế: Hà Phương

Thứ Sáu, 06:27, 04/09/2020