Giữa bối cảnh cuộc xung đột ở Ukraine chưa có dấu hiệu kết thúc, sự đoàn kết của NATO sẽ đứng trước phép thử mới trong Hội nghị Thượng đỉnh tuần này ở Vilnius, Litva.

NATO đang đối mặt với hàng loạt thách thức từ cố gắng đạt được thỏa thuận kết nạp Thụy Điển trở thành thành viên thứ 32 đến ngân sách quốc phòng của các nước thành viên đang ở mức thấp so với mục tiêu. Việc không thể đạt được nhất trí ai là nhà lãnh đạo NATO tiếp theo cũng buộc nhiệm kỳ của tổng thư ký hiện tại phải mở rộng thêm 1 năm nữa. Tuy nhiên, có lẽ vấn đề hóc búa nhất mà NATO đang đối mặt là Ukraine muốn gia nhập liên minh. Một số quan điểm cho rằng việc kết nạp Ukraine sẽ hoàn thành cam kết được đưa ra cách đây vài năm và là bước đi cần thiết để ngăn cản các hành động của Nga ở Đông Âu. Tuy nhiên, số khác thì lo ngại động thái trên có thể bị Nga coi là hành vi khiêu khích và châm ngòi cho một cuộc xung đột lớn hơn.

"Tôi không nghĩ Ukraine sẵn sàng trở thành thành viên NATO", Tổng thống Mỹ Joe Biden nhận định với CNN trong cuộc trả lời phỏng vấn ngày 9/7. Ông cho biết, việc gia nhập NATO yêu cầu các quốc gia phải "đáp ứng các tiêu chuẩn, từ dân chủ hóa đến một loạt vấn đề khác". Tổng thống Biden nhận định Mỹ sẽ cung cấp sự hỗ trợ an ninh dài hạn cho Ukraine - "khả năng tự vệ" tương tự như với Israel.

Về khả năng Ukraine gia nhập NATO, năm 2008, liên minh này cho biết Kiev cuối cùng sẽ trở thành thành viên, song kể từ đó, hầu như rất hành động được thực hiện để thúc đẩy mục tiêu đó.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã kêu gọi lập trường thống nhất từ NATO về việc kết nạp nước này.

"Đó sẽ là một thông điệp cho thấy NATO không sợ Nga. Ukraine nên nhận được những đảm bảo an ninh rõ ràng dù chưa ở trong NATO. Đây là một điểm rất quan trọng. Chỉ dưới các điều kiện này, cuộc họp của chúng ta mới có ý nghĩa. Nếu không thì nó chỉ là một quan điểm chính trị".

Nguồn ảnh: Reuters

Mỹ và Đức khẳng định trọng tâm nên hướng vào việc cung cấp vũ khí và đạn dược cho Ukraine thay vì tiến hành các động thái mạo hiểm hơn như đưa ra lời mời chính thức về việc gia nhập NATO. Các quốc gia ở sườn Đông NATO như Estonia, Latvia, Litva và Ba Lan muốn những đảm bảo chắc chắn cho việc kết nạp Ukraine trong tương lai.

Hơn 500 ngày kể từ khi xung đột ở Ukraine nổ ra, Kiev đã hối thúc một lộ trình cụ thể để trở thành thành viên chính thức của NATO - điều mà một số thành viên tỏ rõ sự e ngại.

Tổng thống Zelensky và lãnh đạo một số nước Đông Âu cho rằng các cam kết rõ ràng từ NATO có vai trò quan trọng để tăng cường tinh thần chiến đấu của binh lính Ukraine.

"Chúng tôi đã sẵn sàng cho việc trở thành thành viên NATO", Đại sứ Ukraine tại Mỹ Oksana Markarova khẳng định. Bà Markarova cho biết năm 2008, chính sách mở cửa đối với Ukraine đã được áp dụng và hiện nay "chúng tôi không chỉ muốn cánh cửa ấy mở ra mà chúng tôi còn muốn được mời vào trong".

Dù xung đột ở Ukraine kết thúc vào khi nào, thách thức đảm bảo an ninh cho Kiev chỉ mới bắt đầu. Phương Tây cho rằng trừ khi cuộc xung đột này kết thúc với một thỏa thuận hòa bình toàn diện - điều khó có thể xảy ra, nếu không thì Ukraine sẽ cần một vài phương tiện hiệu quả để ngăn Nga tiến hành các chiến dịch quân sự trong tương lai.

Trong khi có nhiều giải pháp được đưa ra thì 2 lựa chọn nổi bật trong các cuộc tranh luận trước thềm Thượng đỉnh NATO ở Litva là trao cho Ukraine tư cách thành viên NATO chính thức và thứ hai là lựa chọn Israel - tức là phương Tây sẽ hỗ trợ xây dựng khả năng quân sự và kho vũ khí cho Ukraine giúp nước này đủ mạnh để tự đối phó với Nga.

Với giới lãnh đạo Ukraine, sự sắp xếp an ninh hậu xung đột tối ưu nhất rất đơn giản: Đó là trở thành thành viên NATO. Tuy nhiên, có những câu hỏi được đặt ra, trong đó có việc tư cách thành viên của Ukraine trong NATO sẽ khiến liên minh này ổn định hơn hay bất ổn hơn. Trên thực tế, ngay từ đầu đã không có sự thống nhất giữa các nước thành viên NATO về việc kết nạp Ukraine và như bài học Thụy Điển đã rút ra, việc gia nhập có thể bị phủ quyết vô thời hạn, thậm chí cả với một quốc gia dễ dàng đáp ứng các tiêu chuẩn như nước này.

Ngoài ra, câu hỏi về thời điểm cũng được nêu ra. Nhà quan sát Peter Feaver - Giáo sư khoa học chính trị và chính sách công tại Đại học Duke cho rằng, nếu tư cách thành viên NATO chỉ sẵn sàng khi xung đột ở Ukraine kết thúc thì điều đó sẽ khiến Nga muốn duy trì vô thời hạn tình trạng giao tranh hiện nay. Nhưng nếu Ukraine trở thành thành viên NATO trước khi xung đột chấm dứt, điều đó có thể khiến NATO phải “viết lại” Hiến chương, theo đó chấm dứt chính sách từ chối kết nạp các quốc gia đang trong tình trạng xung đột quân sự. Vấn đề biên giới của Ukraine được áp dụng thế nào theo Điều 5 Hiến chương NATO cũng dẫn đến nhiều băn khoăn. Liệu các thành viên sẽ đưa ra cam kết với biên giới của Ukraien bao gồm cả các vùng lãnh thổ Nga kiểm soát năm 2014, hay sẽ chỉ áp dụng với biên giới Ukraine trước tháng 2/2022, hoặc là các vùng lãnh thổ mà Ukraine kiểm soát sau khi xung đột kết thúc?

Nguồn ảnh: Reuters

Việc kết nạp Ukraine vào NATO trong khi xung đột vẫn đang diễn ra có thể kích hoạt Điều 5 Hiến chương NATO ngay lập tức. Điều khoản này yêu cầu mỗi nước thành viên NATO, đáng chú ý nhất là Mỹ, phải chấp nhận rủi ro mà Tổng thống Biden luôn muốn tránh: Đó là xung đột trực tiếp với Nga. Việc kết nạp Ukraine trước khi xung đột kết thúc không đồng nghĩa tuyên chiến với Nga nhưng nó sẽ đặt câu hỏi về việc thực hiện Điều 5. Nếu NATO từ chối kích hoạt Điều 5, vậy Ukraine sẽ nhận được gì sau khi trở thành thành viên?

Một vấn đề khác được đặt ra với tư cách thành viên của Ukraine là: Có bao nhiêu quân đội NATO cần được triển khai trên lãnh thổ Ukraine và đâu là bên sẽ điều động quân đội? Những diễn biến trong nội bộ chính trường Mỹ là một minh chứng cho thấy việc đáp ứng các cam kết của NATO với Ukraine không dễ dàng. Mặc dù lưỡng đảng Mỹ đều nhất trí sẽ tiếp tục ủng hộ Ukraine và thậm chí gây sức ép lên chính quyền Tổng thống Biden để tăng cường hỗ trợ thì họ cũng có cùng quan điểm về việc phản đối Mỹ đưa quân tới Ukraine.

Những hạn chế của việc trở thành thành viên NATO đã khiến một số nhà phân tích an ninh đề xuất một giải pháp thay thế gọi là lựa chọn Israel, theo đó, tăng cường lực lượng của Ukraine đến thời điểm Kiev đủ mạnh để tự vệ trước các chiến dịch quân sự trong tương lai của Nga, nhưng không đưa ra các đảm bảo cụ thể rằng phương Tây sẽ thay mặt Ukraine tham chiến.

Từ quan điểm của Mỹ và đồng minh, có một số khía cạnh thuyết phục không thể phủ nhận đối với lựa chọn này. Lựa chọn Israel đã tối đa hóa vai trò mà phương Tây muốn thực hiện nhất: Đó là trang bị, huấn luyện và ủng hộ ngoại giao cho một Ukraine có thể tự chiến đấu. Tuy nhiên, nó cũng tối thiểu hóa vai trò mà phương Tây lo ngại nhất: Đó là binh lính NATO phải chiến đấu và hy sinh ở Ukraine.

Dù vậy, giải pháp này không phải không có hạn chế. Để Israel cảm thấy an tâm, Mỹ phải trao lợi thế quân sự về mặt chất lượng (qualitative military edge) nhằm mang đến cho Tel Aviv ưu thế leo thang trên không, trên biển và trên đất liền. Ukraine hiện vẫn chưa được hưởng lợi thế trên và để đạt được điều đó, nước này sẽ cần một khoản đầu tư lớn về trang thiết bị. Ngân sách cho kế hoạch này sẽ vô cùng đắt đỏ, có thể lớn hơn cả ngân sách cho tư cách thành viên NATO.

Thậm chí cả khi các nhà lãnh đạo phương Tây có thể thuyết phục công chúng đáp ứng khoản chi phí trên thì Mỹ và đồng minh vẫn do dự trong việc cung cấp cho Ukraine một lựa chọn Israel thực sự bởi việc này yêu cầu trang bị cho Kiev những vũ khí mà cho đến nay NATO vẫn từ chối cung cấp. Israel hưởng ưu thế trên không so với các đối thủ trong khu vực và có khả năng tấn công sâu, bao quát toàn bộ lãnh thổ của mọi đối thủ. Nếu lựa chọn Israel được áp dụng, Ukraine có thể sở hữu các vũ khí tiên tiến hơn nhiều so với các phương tiện hiện nay, đủ khả năng để tấn công vào sâu trong lãnh thổ Nga. Dĩ nhiên, Nga sẽ không ngồi yên để điều đó xảy ra. Nếu như Moscow từng đặt ra các mối lo ngại an ninh về quân đội NATO ở sát biên giới của mình thì nước này thậm chí còn có nhiều lý do hơn để ngăn chặn việc Ukraine sở hữu các khả năng như Israel.

Nguồn ảnh: Reuters

Lựa chọn Israel cũng yêu cầu một cam kết dài hạn và điều đó phụ thuộc vào ai là người lãnh đạo ở Washington và Kiev. Israel phụ thuộc vào hàng thập kỷ hỗ trợ đáng kể từ Mỹ và sự ủng hộ đó vẫn được duy trì bất kể đảng nào kiểm soát Nhà Trắng hay đảng nào cầm quyền ở Israel. Mức độ ủng hộ chính trị của Mỹ cho Ukraine vẫn ở mức cao nhưng ngay cả khi ở mức cao nhất hậu xung đột thì sự ủng hộ đó vẫn không bằng sự ủng hộ cho Israel trong nhiều thập kỷ qua. Trên thực tế, không ít câu hỏi đã được đặt ra. Liệu lựa chọn Israel cho Ukraine có thể thực hiện nếu cựu Tổng thống Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống 2024 hay không? Hoặc liệu Tổng thống Zelensky có bị thay thế bởi một nhà lãnh đạo khác hay không? Hoặc liệu những nỗ lực của Ukraine nhằm hạn chế tham nhũng có suy giảm hay không?

Mong muốn gia nhập NATO của Ukraine là điều dễ hiểu nhưng rõ ràng nó khó có khả năng xảy ra ở thời điểm hiện tại. Các quan chức NATO nhiều lần tuyên bố xung đột ở Ukraine là cuộc xung đột giữa Kiev và Moscow, trong khi Tổng thống Biden khẳng định ông sẽ không kéo liên minh vào xung đột lớn hơn vì Ukraine. Ngoài ra, với sức ép trong nước, thách thức to lớn của việc xoay trục sang châu Á và nguy cơ leo thang căng thẳng với Moscow, việc Ukraine không gia nhập NATO dường như có lợi hơn cho Mỹ. Với những lý do trên, thay vì mở ra, phải chăng cánh cửa gia nhập NATO thực sự đang đóng lại với Ukraine và giải pháp đảm bảo an ninh cho Kiev có lẽ vẫn là một câu hỏi bỏ ngỏ?

Kiều Anh/VOV.VN (Tổng hợp)

Theo: Washington Post, Foreign Policy

Thứ Ba, 06:14, 11/07/2023