Việc Trung Quốc nổi lên trong 30 năm qua đã làm thay đổi cán cân quyền lực tồn tại trong thập niên 1990 giữa Trung Quốc với Ấn Độ và giữa Trung Quốc với Mỹ.

Vào năm 1990, GDP của Trung Quốc ở mức 360 tỷ USD (chỉ xấp xỉ mức của Ấn Độ khi ấy); ngày nay, con số này đã tăng khoảng 5 lần, ở mức trên 14.000 tỷ USD. So với Mỹ, GDP của Trung Quốc vào năm 1990 thấp hơn tới 20 lần, trong khi ngày nay khoảng cách đó đã thu hẹp xuống chỉ còn thấp hơn 1,5 lần.

Quân đội Trung Quốc. Ảnh: New York Times

Sự gia tăng đáng kể quy mô kinh tế Trung Quốc giúp nước này có thể phân bổ thêm ngân sách cho lực lượng vũ trang và tăng cường năng lực công nghệ của mình. Với mức chi khoảng 266,5 tỷ USD, ngân sách quốc phòng Trung Quốc cao gấp 4 lần mức của Ấn Độ và bằng gần 1/3 con số của Mỹ. Nhờ vậy, Lục quân của Quân giải phóng Trung Quốc (PLAGF) có thể xúc tiến chương trình hiện đại trên quy mô lớn của mình để chuyển đổi lực lượng này thành một “lực lượng lục quân hiện đại, cơ động và có sức sát thương cao”.

Trong khi đó, Hải quân Trung Quốc (PLAN) trở thành lực lượng hải quân lớn nhất thế giới với 350 tàu mặt nước và tàu ngầm. Không quân Trung Quốc (PLAAF) có khoảng 2.000 máy bay chiến đấu và nâng được số lượng phi cơ thế hệ thứ 4. Mới đây, PLAAF đã thử nghiệm phi cơ tiêm kích tàng hình thế hệ thứ 5. Sự thay đổi nói trên trong cán cân sức mạnh đã đẩy mối quan hệ của Trung Quốc với Ấn Độ và Mỹ sang một trạng thái mất thăng bằng. Trong chính trị quốc tế, do chưa có chính quyền thế giới nên mối quan hệ sức mạnh giữa 2 quốc gia bất kỳ sẽ quyết định kiểu quan hệ giữa 2 nước đó. Trung Quốc hiện nay không còn muốn duy trì các mẫu quan hệ trước đây với Ấn Độ và Mỹ vốn được xác lập khi sức mạnh của Trung Quốc tương đương với Ấn Độ và thấp hơn nhiều so với Mỹ. Ngày nay Trung Quốc mong muốn thiết lập (một cách hòa bình nếu có thể và bằng vũ lực nếu cần thiết) các kiểu quan hệ mới với Ấn Độ và Mỹ - những mối quan hệ phản ánh đúng thế cân bằng sức mạnh hiện hữu.

Sau khi có khoảng cách sức mạnh ngày càng nới rộng giữa Trung Quốc và Ấn Độ trong thập kỷ qua, Trung Quốc mong muốn chuyển đổi từ quan hệ ngang hàng trước đây sang quan hệ tôn ti trên dưới. Mục tiêu của Trung Quốc không chỉ dừng lại ở chỗ bó buộc Ấn Độ vào Nam Á thông qua việc ủng hộ Pakistan, họ còn quyết tâm thay thế Ấn Độ làm cường quốc dẫn đầu ở tiểu lục địa Ấn Độ cũng như trở thành thế lực áp đảo ở khu vực Ấn Độ Dương.

Bằng chứng cho biến chuyển này bao gồm các hoạt động sau:
1- Xây dựng các con đường và hải cảng chiến lược ở Bangladesh, Myanmar, Nepal và Sri Lanka – các cơ sở này có tiềm năng được sử dụng cho các mục đích của Trung Quốc...


2- Xây dựng Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan trên bộ từ Kashgar ở Tân Cương tới cảng Gwadar ở tỉnh Baluchistan của Pakistan, và việc giới phân tích Trung Quốc nói thẳng suy nghĩ của họ về bố trí một lực lượng đặc nhiệm của hải quân Trung Quốc ở Gwadar.


3- Tuyên bố chiến lược 2 đại dương của hải quân Trung Quốc bao gồm cả Ấn Độ Dương, lấy một căn cứ tại Djibouti, và tuyên bố khả năng thực tế về sở hữu “thêm các cơ sở hậu cần quân sự ở hải ngoại để hỗ trợ các lực lượng hải quân, không quân, và lục quân” ở một vài nước trong khu vực Ấn Độ Dương.

Khi đã trở thành một nước giàu mạnh với các lợi ích sống còn trên toàn cầu, Trung Quốc muốn Ấn Độ chấp nhận sự trỗi dậy của Trung Quốc trở thành một cường quốc đi đầu tại khu vực Nam Á và Ấn Độ Dương. Trung Quốc cũng muốn Ấn Độ đón nhận các dự án địa chính trị của họ như Sáng kiến Vành đai và Con đường, đồng thời tránh hợp tác an ninh với Mỹ. Trên thực tế, Trung Quốc thích Ấn Độ lựa chọn chính sách nhượng bộ Trung Quốc trong ngắn hạn và ngả hẳn về Trung Quốc trong dài hạn.

Trong mối quan hệ với Mỹ, sự thay đổi thế cân bằng sức mạnh đã dẫn Trung Quốc tới chỗ khẳng định rõ nhu cầu về một mối quan hệ đại cường quốc kiểu mới, trong đó có sự tôn trọng các lợi ích cốt lõi của nước kia ở khu vực ảnh hưởng của họ. Nghĩa là, Trung Quốc tôn trọng các lợi ích của Mỹ ở châu Mỹ và Đông Thái Bình Dương, còn Mỹ phải tôn trọng các lợi ích của Trung Quốc ở Tây Thái Bình Dương và châu Á. Trên thực tế, Trung Quốc sẽ tránh can thiệp vào châu Mỹ và Đông Thái Bình Dương để đổi lại việc Mỹ từ bỏ các cam kết an ninh với các nước Đông Á và Đông Nam Á cũng như chấp nhận cái gọi là chủ quyền (phi pháp) của Trung Quốc đối với khoảng 80% diện tích Biển Đông (đường lưỡi bò phi pháp của Trung Quốc). Nói cách khác, để đổi lại việc Trung Quốc thừa nhận sự áp đảo của Mỹ ở Tây Bán cầu và Đông Thái Bình Dương, thì Mỹ phải nhượng bộ Trung Quốc vùng ảnh hưởng ở châu Á-Thái Bình Dương mà Ngoại trưởng Vương Nghị tự coi là “quê hương và nguồn gốc của dân tộc Trung Quốc trong hàng ngàn năm”.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và giấc mộng Trung Hoa. Ảnh: Washington Times

Trong bối cảnh đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đưa ra lời kêu gọi “châu Á dành cho người châu Á” từ đầu nhiệm kỳ của mình, theo đó người châu Á sẽ tự quản lý các công việc của châu lục này, giải quyết các vấn đề của mình và lo an ninh châu Á. Để đảm bảo Mỹ không nghĩ đến chuyện can thiệp quân sự ở châu Á, Trung Quốc đã phát triển chiến lược chống tiếp cận và chống xâm nhập khu vực dựa trên một mạng lưới các tên lửa, cảm biến, và công nghệ dẫn đường. Nếu Mỹ rút khỏi Đông Guam và Ấn Độ chấp nhận vai trò lãnh đạo của Trung Quốc ở Nam Á và khu vực Ấn Độ Dương thì hậu quả sẽ là việc Trung Quốc đạt được ưu thế lớn ở khu vực trải dài từ Tây Thái Bình Dương tới bờ biển châu Phi. Nếu Nga nhượng bộ vai trò lãnh đạo chính trị-quân sự ở Trung Á cho Trung Quốc (điều này có thể xảy ra do mối quan hệ sức mạnh bất đối xứng ngày càng tăng giữa hai nước), thế áp đảo của Trung Quốc sẽ phủ xuống cả khu vực lục địa Á-Âu và vùng biển Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Tuy nhiên Ấn Độ và Mỹ không sẵn lòng chấp nhận định nghĩa lại mối quan hệ giữa họ và Trung Quốc kéo theo việc từ bỏ các lợi ích quốc gia lâu dài tương ứng với mỗi nước. Hệ thống chính trị quốc tế không có cơ chế pháp lý để tác động lên việc xác định lại các mối quan hệ liên quốc gia cùng với những thay đổi trong cân bằng quyền lực giữa các nước này.

Những tái định nghĩa đó, nếu không phải là tình nguyện, sẽ được thực hiện thông qua thắng bại trong chiến tranh. Tuy nhiên chiến tranh không phải là giải pháp hợp lý và hiệu quả để giải quyết các tranh chấp giữa các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân vì vũ khí hạt nhân có thể xóa nhòa ranh giới giữa chiến thắng và bảo tồn bản thân. Thế bế tắc này có ý nghĩa thế nào đối với quan hệ Trung-Ấn và Trung-Mỹ, và rộng ra là cả trật tự quốc tế tại châu Á?

Tàu chiến Mỹ triển khai ở Biển Đông để ứng phó với Trung Quốc. Ảnh: Financial Tiimes

Kinh nghiệm lịch sử duy nhất liên quan đến việc này là Chiến tranh Lạnh giữa Mỹ và Liên Xô. Xung đột đó kết thúc khi giới lãnh đạo Liên Xô nhận ra thế kém của hệ thống kinh tế-chính trị của mình trong việc huy động nguồn lực tinh thần và vật chất cho cuộc canh tranh sức mạnh và ý thức hệ trên toàn cầu.

Một cuộc Chiến tranh Lạnh mới có thể sẽ nổ ra giữa Trung Quốc và Mỹ với động cơ là các lợi ích không thể hòa giải đã được nêu chi tiết ở trên. Trong khoảng 10 năm qua, Mỹ đã chuẩn bị để ứng phó với thách thức từ Trung Quốc. Mỹ đã tái cân bằng sức mạnh quân sự của mình hướng về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, tái khẳng định các cam kết an ninh với các đồng minh châu Á, xây dựng các mối quan hệ đối tác chiến lược mới bao gồm quan hệ với Ấn Độ, Indonesia, và một nước Đông Nam Á nữa, tuyên bố ý đồ bảo vệ tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông và không phận trên đó, công nhận Trung Quốc là một đối thủ đại cường quốc đang tạo ra thách thức địa chính trị cho các lợi ích của mình cũng như thách thức về hệ tư tưởng đối với các giá trị của mình. Sau đại dịch Covid-19, Mỹ đã khởi động các biện pháp tách nền kinh tế của mình ra khỏi nền kinh tế Trung Quốc, từ đó giảm mức độ phụ thuộc và dễ tổn thương của mình.

>> Xem thêm: Đối đầu Mỹ-Trung Quốc có nguồn gốc sâu xa

Một bộ phận trí thức và chính trị gia Ấn Độ cảnh báo rằng nước này không nên ngả về phe nào trong cuộc Chiến tranh Lạnh nói trên. Họ cổ xúy mặt tích cực của cách tiếp cận không liên kết và nhấn mạnh sự khôn ngoan của việc lặp lại chính sách này dưới một hình thức khác. Tuy nhiên họ quên mất một thực tế là Ấn Độ và Trung Quốc vẫn đang có tranh chấp gay gắt về lãnh thổ trong hơn 50 năm qua. Chính nhà lãnh đạo Ấn Độ Jawaharlal Nehru, người mở đầu phong trào không liên kết, cũng phải thừa nhận thực tế nghiệt ngã này khi tuyên bố sau cuộc Chiến tranh năm 1962 rằng đối mặt với Trung Quốc thì không có chuyện không liên kết. Thủ tướng Nehru đã tìm kiếm sự hỗ trợ quân sự của Mỹ trong cuộc chiến đó, không những vậy, ông còn xem Liên Xô là mặt trận thứ 2 của Ấn Độ và Ấn Độ là mặt trận thứ 2 của Liên Xô trong trường hợp một trong 2 nước rơi vào chiến tranh với Trung Quốc. Trong vòng 1 thập kỷ từ khi Nehru đưa ra tuyên bố trên, Ấn Độ đã bước vào liên minh với Liên Xô nhằm kiềm chế Trung Quốc khỏi can thiệp vào Cuộc chiến Ấn Độ-Pakistan năm 1971.

Ấn Độ điều quân tới vùng biên giới để ứng phó với Trung Quốc. Ảnh: APA

Nga xem Trung Quốc là một đối tác và do vậy có khả năng sẽ thuyết phục Trung Quốc tránh xung đột công khai với Ấn Độ. Nhưng dù vậy, Ấn Độ vẫn đang xây dựng hợp tác an ninh với Mỹ và các đồng minh châu Á nhằm ở thế tốt hơn khi xử lý các thách thức do Trung Quốc đặt ra. Đối đầu căng thẳng ở biên giới Trung-Ấn từ tháng 4/2020 có thể sẽ thúc đẩy hơn nữa các hợp tác nói trên cũng như kích thích việc tách kinh tế Ấn Độ khỏi kinh tế Trung Quốc.

Tóm lại, sự thay đổi cán cân sức mạnh giữa Ấn Độ và Trung Quốc đã tạo ra một sự mất cân bằng trong quan hệ Ấn-Trung. Chuỗi các cuộc khủng hoảng giữa 2 nước kể từ năm 2013 là kết quả của sự mất cân bằng này. Có khả năng nhiều cuộc khủng hoảng như thế sẽ nổ ra không chỉ trong vấn đề biên giới lãnh thổ mà còn cả do sự xung đột lợi ích giữa Trung Quốc và Ấn Độ ở Nam Á và khu vực Ấn Độ Dương.

Tương tự, khi sức mạnh của Trung Quốc ngang hoặc vượt Mỹ trong thập niên 2020, quan hệ Trung-Mỹ có thể bị giáng thêm những đòn mạnh nữa từ các cuộc khủng hoảng ở biển Hoa Đông, Biển Đông, và Tây Thái Bình Dương. Các hành động đối nghịch nhau giữa Trung Quốc, Ấn Độ, và Mỹ - ba nhân tố chính tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, có khả năng sẽ quyết định cấu trúc của tân Chiến tranh Lạnh. Phía Mỹ và Ấn Độ nếu muốn giành chiến thắng thì phải xây dựng và thực thi được chiến lược huy động nguồn lực quốc gia, nuôi dưỡng được các mối quan hệ ngoại giao và quân sự, và tập hợp được công luận quốc tế./.

>> Xem thêm: Mỹ đang muốn áp đảo Trung Quốc về hỏa lực ở Ấn Độ-Thái Bình Dương


Tác giả: Trung Hiếu (biên dịch)

Nguồn: Viện nghiên cứu và phân tích quốc phòng Manohar Parrikar (MP-IDSA)

Thiết kế ảnh: Kiều Anh

Thứ Năm, 06:40, 24/09/2020