Khoảng ba thập kỷ kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, trật tự thế giới đang trải qua quá trình chuyển đổi. Trọng tâm của nó là thách thức đặt ra đối với sự chi phối của Mỹ. Quá trình này chủ yếu được dẫn dắt bởi Nga và Trung Quốc, những nước không hài lòng với ảnh hưởng lớn của Washington trên phạm vi toàn cầu.

Lục địa châu Phi rõ ràng là một “miền đất hứa” để các cường quốc cạnh tranh quyền lực khi quá trình tái cơ cấu trật tự thế giới diễn ra.

Có ít nhất bốn lý do. Thứ nhất, châu Phi là khối khu vực lớn nhất tại Liên Hợp Quốc, chiếm khoảng 28% tổng số phiếu bầu trong Đại hội đồng. Thứ hai, châu Phi sở hữu một số khoáng chất thô quan trọng chỉ có thể tìm thấy ở lục địa này.

Thứ ba, châu Phi sở hữu một số tuyến đường thương mại đường biển quan trọng, đặc biệt là ở Đông Phi. Lý do thứ tư, lục địa này là nơi có dân số trẻ tăng trưởng nhanh nhất và sẽ chiếm khoảng 42% thanh niên thế giới vào năm 2030.

Giữa vòng xoáy cạnh tranh ảnh hưởng của các nước lớn, châu Phi cũng đứng trước sức ép sẽ phải chọn “phe”. Nhìn vào mối quan hệ thương mại giữa lục địa này với các cường quốc trên thế giới, lựa chọn tốt nhất không phải là “chọn bên”.

Tiếng nói của châu Phi tại các diễn đàn toàn cầu ngày càng có ý nghĩa quan trọng. 54 quốc gia châu Phi cũng chính là 54 lá phiếu tại Liên Hợp Quốc, tương đương tới 28% số phiếu tại tổ chức quốc tế lớn nhất thế giới này.

Trong Liên Hợp Quốc, việc có một nhóm lớn đứng về phía mình sẽ giúp ích rất nhiều cho các quốc gia khi thông qua hoặc hủy bỏ các nghị quyết. Với việc Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đang bế tắc vì 5 thành viên thường trực (Trung Quốc, Pháp, Nga, Anh và Mỹ) có quyền phủ quyết, đã có sự chuyển hướng sang Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, hoạt động theo cơ chế một thành viên một phiếu bầu.

Phiếu bầu của Đại hội đồng chủ yếu mang tính biểu tượng. Nhưng đó là dấu hiệu hữu ích cho biết quan điểm của cộng đồng quốc tế và là vũ khí đạo đức mạnh mẽ đối với bất kỳ cường quốc nào.

Ngoài ra, theo thông lệ, châu Phi có 3 trong số 15 ghế không thường trực tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Trữ lượng dầu mỏ của Algeria, Angola và Nigeria sẽ ngày càng trở nên quan trọng khi các quốc gia tìm cách đa dạng hóa nguồn cung khí đốt tự nhiên ngoài Nga và rộng hơn là từ nhiên liệu hóa thạch.

Tiếp đó là các tuyến đường thương mại. Tuyến đường Biển Đỏ, chạy qua phía Đông Bắc châu Phi và nối liền với Ấn Độ Dương, chiếm 10% thương mại toàn cầu hàng năm. Tuyến đường Biển Đỏ đi qua các quốc gia như Eritrea và Somalia. Nga đang tích cực tạo ảnh hưởng tại cả 2 quốc gia này.

Trung Quốc đã “đánh dấu” tuyến đường này thông qua sáng kiến Con đường tơ lụa trên biển. Mục đích của sáng kiến này là tăng cường cơ sở hạ tầng cảng giữa các quốc gia có bờ biển Ấn Độ Dương.

Cuối cùng, châu Phi là nơi có dân số trẻ tăng nhanh nhất. Điều này sẽ rất quan trọng trong việc tìm kiếm thị trường trong tương lai, đặc biệt là trong các lĩnh vực như công nghệ và giáo dục.

Mỹ và Châu Âu cũng mong muốn khai thác năng lực con người ở châu Phi khi dân số của họ đang già đi trên mức trung bình toàn cầu.

Với tiềm năng, lợi thế trên nhiều lĩnh vực, châu Phi là nơi diễn ra sự cạnh tranh ảnh hưởng quyết liệt giữa các cường quốc trong thế kỷ XXI. Điều đó được thể hiện rõ trong sự điều chỉnh chiến lược của các nước lớn những năm gần đây.

Hiện nay, các nước lớn đang lấy kinh tế làm “mũi nhọn” trong triển khai chiến lược cạnh tranh ảnh hưởng tại châu Phi.

Năm 2022, toàn lục địa châu Phi đã xuất khẩu hàng hóa trị giá 43,1 tỷ USD sang Mỹ và nhập khẩu hàng hóa trị giá 30,6 tỷ USD. Để so sánh, Trung Quốc đã xuất khẩu 164,1 tỷ USD hàng hóa sang châu Phi và nhập khẩu 117,5 tỷ USD hàng hóa từ lục địa này trong cùng năm. Với tổng kim ngạch xuất khẩu của châu Phi là 661,4 tỷ USD, Mỹ chiếm 6,5%, Trung Quốc chiếm 17,7%.

Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của lục địa châu Phi, mặc dù sức mạnh tổng hợp của khối thương mại của Liên minh châu Âu (EU) gồm 27 thành viên vẫn dẫn đầu.

Mối quan hệ của Trung Quốc với châu Phi là kết quả của nhiều thập kỷ nỗ lực ngoại giao và thương mại nhằm thu hút lục địa này thông qua Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc – châu Phi. Một phần của sự hợp tác này được thúc đẩy bởi mong muốn đối trọng với Mỹ. Động lực còn lại là duy trì nền kinh tế nhờ tiềm năng chưa được khai thác của châu Phi.

Nga theo đuổi một chiến lược khác. Khi mà thương mại của nước này với châu Phi vẫn ở mức tối thiểu, xuất khẩu và nhập khẩu đạt khoảng 18 tỷ USD vào năm 2021, Moscow đang tìm cách trở thành một đối tác an ninh, dựa trên mối quan hệ lịch sử giữa lục địa này với Liên Xô.

Trước sự gia tăng ảnh hưởng của Nga, Trung Quốc tại châu Phi, Mỹ cũng nỗ lực tìm lại vị thế tại khu vực này. Công cụ chính của Washington để phát triển thương mại ở Châu Phi là Đạo luật Cơ hội và Tăng trưởng Châu Phi. Khuôn khổ này là một đòn bẩy. Từ năm 2021, Mỹ đã ký kết hơn 800 thỏa thuận thương mại - đầu tư với 47 quốc gia châu Phi với tổng giá trị hơn 18 tỷ USD.

Một số quốc gia châu Phi có mối quan hệ gắn bó sâu sắc với Mỹ hơn những quốc gia khác. Ví dụ, Djibouti có căn cứ quân sự của Mỹ (cùng với các quốc gia khác, mặc dù chưa có Nga vào thời điểm này). Ai Cập, Nigeria và Nam Phi cũng nằm trong số những nước nhận đầu tư trực tiếp nhiều nhất của Mỹ.

Thế giới có mối liên hệ sâu sắc với nhau và ngay cả giữa các cường quốc cạnh tranh cũng có sự phụ thuộc lẫn nhau. Mỹ và Trung Quốc, bất chấp chiến tranh thương mại, vẫn không thể tách rời nhau, điều này được thể hiện ở việc thương mại song phương đã đạt đến những tầm cao mới, gần đây nhất là năm 2022.

Trong bối cảnh thương mại Mỹ - châu Phi giảm sút, Mỹ có thể đang tìm cách tận dụng các bên thứ ba. Washington có khả năng gây ảnh hưởng đến EU để từ đó tác động đến châu Phi. Vấn đề của Huawei là một bằng chứng.

Hội nghị Thượng đỉnh các nhà lãnh đạo Mỹ - châu Phi ở thủ đô Washington năm 2022. Ảnh: Reuters

Mỹ đã gây áp lực thành công với khá nhiều đồng minh để họ ngừng hợp tác kinh doanh với gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc.

Theo dữ liệu của Unctad, Pháp (60 tỷ USD) và Anh (65 tỷ USD) là những chủ sở hữu chính các tài sản châu Phi. Khi các quốc gia này và các quốc gia châu Âu khác tìm cách “giảm thiểu rủi ro” từ Trung Quốc, có thể sẽ có những tác động gián tiếp đối với châu Phi, bao gồm những áp lực không đáng có lên lục địa đen để buộc họ hành xử theo những cách nhất định đối với Trung Quốc và Nga.

Trong cuộc cạnh tranh chiến lược toàn cầu hiện nay, châu Phi đang ngày càng chứng tỏ là khu vực quan trọng trong cán cân quyền lực toàn cầu.  Cuộc cạnh tranh chiến lược đem lại cơ hội phát triển, nhưng cũng tạo ra nhiều thách thức, trong đó có cả bài toán “chọn bên”.

Nghiên cứu gần đây, bao gồm cả nghiên cứu về cạnh tranh thương mại Mỹ-Trung ở châu Phi, cho thấy quan điểm phổ biến cho rằng các nước nhỏ hơn cần “chọn bên” trong bối cảnh toàn cầu phân cực là sai lầm. Châu Phi sẽ được hưởng lợi nhất khi giao thương với càng nhiều đối tác càng tốt.

Thực tế như đã thấy, các đối thủ chính đang thực hiện hoạt động thương mại kỷ lục với nhau. Trong suốt thời gian qua, châu Âu vẫn tiếp tục tiến hành thương mại với Nga sau khi Moscow phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine. Thực tế, một số khía cạnh còn đang gia tăng.

Do đó, lựa chọn tốt nhất của châu Phi là giữ thái độ trung lập. Việc chọn phe và loại trừ bất kỳ quan hệ đối tác nào sẽ đặt lục địa này vào tình thế khó khăn hơn nhiều. Trong trật tự đa cực sắp tới, châu Phi không có lý do gì để chọn bên. Tất cả các lựa chọn đều có thể đem ra thảo luận.

Nội dung: Hoàng Phạm - Trình bày: Kiều Anh

Theo: Conversation, Global Compliance

Thứ Tư, 06:00, 30/08/2023