Quân đội và các phương tiện bọc thép của Ukraine đã tiến vào khu vực Kursk ở phía Tây nước Nga ngày 6/8, nhanh chóng xuyên thủng các phòng tuyến của Nga và chiếm được một số ngôi làng. Cuộc tấn công, được chuẩn bị một cách tuyệt mật, đã mở một mặt trận mới trong cuộc xung đột kéo dài 30 tháng qua, không chỉ khiến Nga mất cảnh giác mà một số binh lính Ukraine và quan chức Mỹ cũng nói rằng họ không được thông báo trước về chiến dịch này.

Các nhà phân tích và quan chức phương Tây ước tính Ukraine đã triển khai 1.000 binh lính trong giai đoạn đầu của cuộc đột kích. Sau đó, Kiev đã dồn thêm quân cho chiến dịch này để cố gắng kiểm soát cũng như mở rộng các vị trí của mình.

Tuần trước, Tổng tư lệnh Lực lượng Vũ trang Ukraine - Tướng Oleksandr Syrsky cho biết quân đội nước này hiện đã kiểm soát được hơn 80 khu định cư của Nga ở vùng Kursk, trong đó có Sudzha, một thị trấn với 6.000 dân sinh sống. Tuyên bố này chưa thể xác định độc lập mặc dù các nhà phân tích nói rằng nhiều khả năng Sudzha đã nằm dưới sự kiểm soát hoàn toàn của Ukraine.

Theo các bản đồ chiến trường nguồn mở dựa trên các đoạn video chiến đấu và hình ảnh vệ tinh, cuộc tiến công của Ukraine ở khu vực Kursk đã chậm lại trong những ngày gần đây khi Nga tăng cường lực lượng. Quân đội Ukraine dường như đang cố gắng đào chiến hào dọc khu vực biên giới thay vì tiến sâu vào lãnh thổ Nga.

Cuộc đột kích của Ukraine vào Kursk đã khiến Nga ngạc nhiên và cho thấy sự dịch chuyển về chiến thuật của Kiev sau hơn 2 năm xung đột nổ ra. Ukraine đã tăng cường tấn công vào lãnh thổ Nga ngày 18/8, giành thêm nhiều ngôi làng và thị trấn, gần 2 tuần kể từ khi cuộc đột kích này bắt đầu, Tuy nhiên, mặc dù quân đội Ukraine tiếp tục tiến công ở khu vực Kursk phía Tây nước Nga nhưng họ cũng đang mất dần lãnh thổ của mình. Các lực lượng của Nga đã tiến rất gần thị trấn Pokrovsk ở phía Đông Ukraine. Giành được thành trì này của Kiev sẽ giúp Moscow tiến gần hơn mục tiêu lâu dài của nước này, đó là chiếm trọn Donetsk.

Điều đó đã cho thấy ván cược của quân đội Ukraine khi tấn công qua biên giới Nga. Đó là đưa quân vào một cuộc tấn công mạo hiểm có nguy cơ làm suy yếu các vị trí của chính mình ở mặt trận phía Đông.

Các nhà phân tích nhân định, liệu chiến lược trên có mang đến lợi thế cho Ukraine hay không vẫn cần phải xem xét.

Mục tiêu chiến dịch đột kích đầy tham vọng của Ukraine vào Kursk vẫn chưa rõ ràng và là chủ đề của nhiều cuộc tranh luận nhưng quyết định của Kiev khi tấn công vào lãnh thổ Nga đã thách thức các lằn ranh đỏ mà Điện Kremlin đặt ra, cũng như hạ thấp nỗi lo sợ leo thang căng thẳng của phương Tây.

Cho đến nay, các nhà lãnh đạo quân sự và chính trị gia của Ukraine vẫn chưa tiết lộ nhiều về cuộc đột kích song có thể nó được tiến hành với một số mục tiêu như sau:

Mục tiêu rõ ràng nhất của Ukraine có lẽ là giảm sức ép quân sự ở phía Nam và phía Đông Ukraine, nơi Nga đang đạt được các bước tiến chậm mà chắc trong những tháng gần đây. Bằng cách tấn công vào khu vực biên giới được phòng thủ mỏng và chiếm lãnh thổ Nga, các chỉ huy Ukraine tin rằng họ có thể buộc Điện Kremlin rút quân khỏi các tiền tuyến ở Ukraine để bảo vệ các vùng lãnh thổ của mình.

Cuộc tấn công này cũng tạo ra các cơ hội cho Ukraine để giành lại thế chủ động về mặt quân sự sau 1 năm thực hiện các hoạt động phòng thủ tốn kém và hao tổn tinh thần chiến đấu. Rõ ràng từ lâu khó có thể hy vọng rằng Ukraine giành chiến thắng trong cuộc xung đột tiêu hao với một đối thủ mạnh hơn về mọi mặt như Nga. Cơ hội thành công quân sự tốt nhất của Ukraine nằm ở việc quay trở lại cuộc giao tranh cơ động, cho phép các chỉ huy của Ukraine tận dụng sự nhanh nhẹn tương đối của họ trong khi khai thác các quy trình ra quyết định rườm rà của quân đội Nga. Đây chính xác là những gì chiến dịch tấn công vào Kursk đạt được.

Về mặt tâm lý, việc đưa xung đột vào lãnh thổ Nga cho phép Ukraine giáng đòn tấn công mạnh mẽ vào tinh thần của đối phương. Họ tin rằng các bước tiến công của quân đội Kiev ở Kursk sẽ gieo rắc sự hoảng sợ cho các khu vực xung quanh. Ở mặt trận Ukraine, cuộc tấn công này cũng thúc đẩy tinh thần chiến đấu và làm sống lại hy vọng rằng Kiev có thể đạt được thành quả ý nghĩa về mặt quân sự.

Cuối cùng, cuộc tấn công vào Kursk có lẽ là một phần trong sự chuẩn bị của Ukraine cho quy trình đàm phán hòa bình tương lai, với việc Kiev có mục tiêu chiếm được lãnh thổ Nga nhiều nhất có thể để sử dụng chúng như một quân bài mặc cả trong bất kỳ cuộc đàm phán nào với Điện Kremlin. Thực tế là, trong những ngày đầu của chiến dịch, đã có những suy đoán về việc mục tiêu chính của Ukraine là nhà máy điện hạt nhân Kursk, với lập luận rằng nó sẽ được mang ra để đổi lấy nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia ở phía Nam Ukraine mà Nga đang kiểm soát. Một cuộc trao đổi về lãnh thổ trên quy mô lớn có lẽ cũng là một phần trong tính toán của Kiev.

Cuộc đột kích của Ukraine cũng đặt ra những câu hỏi về sự tồn tại thực chất các lằn ranh đỏ của Nga và sự thận trọng của phương Tây về nguy cơ leo thang căng thẳng. Rõ ràng, cuộc tấn công xuyên biên giới này của Kiev là lằn ranh đỏ nhất trong tất cả các lằn ranh đỏ. Nếu Nga nghiêm túc với quyết định leo thang hạt nhân, đây sẽ là thời điểm để thực hiện nhiều lời đe dọa của mình. Trên thực tế, giới quan sát phương Tây cho rằng Tổng thống Putin đã phản ứng bằng cách tìm cách hạ thấp tầm quan trọng của cuộc đột kích trong khi giả vờ rằng mọi thứ vẫn đang diễn ra theo đúng kế hoạch.

Trong tuyên bố công khai đầu tiên sau khi cuộc đột kích của Ukraine bắt đầu, Tổng thống Putin đã gọi đây là "hành động khiêu khích trên quy mô lớn", một cụm từ dường như giảm bớt mức độ nghiêm trọng của tình hình. Sau đó, Điện Kremlin đã tuyên bố "tình trạng khẩn cấp" tại Kursk, sau đó nâng lên thành "chiến dịch chống khủng bố".

Theo các nhà quan sát phương Tây, những người tuyên truyền của Nga đã áp dụng một cách tiếp cận khiêm tốn. Không có lời kêu gọi nào đối với người dân Nga hoặc nỗ lực tập hợp đất nước chống lại bên gây hấn. Theo Atlantic Council, ngược lại, phương tiện truyền thông Điện Kremlin được cho là đã nhận được chỉ thị tránh "khuấy động tình hình", trong khi các quan chức Nga được yêu cầu không bình luận về các diễn biến ở khu vực Kursk.

Các nhà phân tích quân sự và quan chức Mỹ nhận định, cho tới nay, các chỉ huy của Nga triển khai các lực lượng tăng cường chủ yếu ở trong nước Nga để không làm hao hụt các đơn vị trên chiến trường Ukraine. Tướng Christopher G. Cavoli - Người đứng đầu Bộ Tư lệnh châu Âu của Mỹ cho rằng phản ứng của Nga "khá chậm chạp và phân tán" trong việc tổ chức các lực lượng quân đội và an ninh dẫn đầu.

Tuần trước, Tổng thống Putin đã chỉ trích phương Tây trong cuộc họp với các quan chức đứng đầu rằng: "Phương Tây đang mượn tay Ukraine chiến đấu với chúng ta". Ông nhiều lần cho rằng, cuộc xung đột ở Ukraine là một chiến dịch ủy nhiệm nhằm chống lại Nga của phương Tây.

Cuộc đột kích của Ukraine đã mang xung đột vào trong nước Nga theo một cách thức và mức độ chưa từng thấy trước đó. Hàng chục nghìn dân thường đã phải sơ tán khỏi khu vực biên giới.

Tuy nhiên, các nhà phân tích quân sự đã đặt câu hỏi về việc liệu cuộc tấn công xuyên biên giới vào Kursk có đáng để chấp nhận rủi ro hay không giữa bối cảnh các lực lượng của Ukraine đang bị kéo căng trên tiền tuyến ở chính nước mình.

Các lực lượng của Nga đã tấn công như vũ bão vào Ukraine ở phía Đông ngay cả khi Moscow đang bận phản ứng trước cuộc đột kích vào Kursk. Theo một số nhà phân tích, quan chức phương Tây và binh lính Ukraine, Nga đã bắt đầu rút số lượng nhỏ binh lính khỏi Ukraine để đẩy lùi các cuộc tấn công của Kiev vào Kursk song số lượng trên không đủ để tác động đáng kể đến tình hình chiến trường nói chung.

Một số quan chức cấp cao Mỹ kín đáo bình luận rằng họ hiểu Kiev cần thay đổi cục diện xung đột nhưng họ hoài nghi về việc Ukraine có thể chiếm các vùng lãnh thổ đủ lâu để buộc Nga chuyển hướng đáng kể các nguồn lực khỏi các chiến tuyến ở phía Đông và phía Nam Ukraine.

Trong khi các đồng minh của Kiev từng thận trọng cho rằng, các cuộc đột kích của Ukraine vào Nga có thể dẫn đến leo thang căng thẳng thì tuần trước, Cao ủy EU về chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell tuyên bố Ukraine nhận được "sự ủng hộ hoàn toàn từ khối này".

Có một số dấu hiệu cho thấy thái độ giữa các đồng minh phương Tây của Ukraine cuối cùng đã thay đổi. Người phát ngôn của Ủy ban châu Âu Peter Thano phản ứng trước cuộc tấn công xuyên biên giới của Ukraine vào Kursk bằng cách nói rằng Ukraine có "quyền hợp pháp" để tự vệ, kể cả bên trong nước Nga. Berlin cũng phản ứng theo cách tương tự khi Bộ Ngoại giao Đức ra tuyên bố xác nhận rằng quyền tự vệ của Ukraine "không chỉ giới hạn ở lãnh thổ của mình". Trong khi đó, các quan chức Mỹ cũng đã ra tín hiệu chấp thuận.

"Ukraine đang làm những gì cần làm để thành công trên chiến trường", một quan chức Lầu Năm Góc bình luận.

Phản ứng quốc tế ủng hộ rộng rãi này là tin mừng đối với Ukraine, nhưng các quan chức ở Kiev cũng nhận thức rõ rằng cần phải có thêm các bước đi nữa để tạo tiền đề cho thất bại cuối cùng của Nga. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã nhấn mạnh điểm này trong bài phát biểu tối ngày 11/8, khi ông một lần nữa kêu gọi dỡ bỏ mọi hạn chế của phương Tây đối với các cuộc tấn công tầm xa nhằm vào các mục tiêu quân sự ở Nga. Theo ông, cho đến khi điều đó xảy ra, Moscow sẽ vẫn có khả năng tấn công các thành phố của Ukraine theo ý muốn và Tổng thống Putin sẽ có rất ít lý do để chấm dứt chiến dịch quân sự.

Khi cuộc đột kích của Ukraine tròn 2 tuần, các nhà phân tích nói rằng Kiev có một vài lựa chọn và mỗi lựa chọn lại đi cùng những thách thức riêng.

Các lực lượng của Ukraine có thể sẽ cố gắng tiến xa hơn vào lãnh thổ Nga nhưng điều này sẽ ngày càng khó khăn bởi các lực lượng tăng cường của Nga đã đến và các tuyến tiếp tế của Ukraine bị kéo căng.

Kiev có thể sẽ tiếp tục đào chiến hào và củng cố các vùng lãnh thổ họ đang chiếm giữ nhưng diều đó nhiều khả năng sẽ khiến các vị trí cố định của Ukraine trở thành mục tiêu cho các cuộc không kích dữ dội của Nga.

Hoặc một kịch bản khác, đối mặt với tổn thất liên tục ở miền Đông, Ukraine có thể sẽ quyết định đã đến lúc họ phải rút lui. Thibault Fouillet - Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Quốc phòng và Chiến lược - một trung tâm nghiên cứu của Pháp nhận định, động thái tiếp theo của Ukraine sẽ phụ thuộc vào cách phản ứng của Nga.

"Tuần tới sẽ đóng vai trò quyết định", chuyên gia này cho hay.

Tác giả: Kiều Anh

Theo: Atlantic Council, New York Times - Ảnh: Reuters

Thứ Tư, 12:40, 21/08/2024