Máy bay cảnh báo sớm A-50U (mã danh NATO là Mainstay-D) có mái vòm bằng sợi thủy tinh với đường kính hơn 9m – nơi đặt ăng ten xoay của hệ thống radar Shmel. Máy bay này có thể phát hiện và xác định máy bay đối phương ở tầm xa hơn so với hệ thống radar của máy bay chiến đấu hoặc tổ hợp tên lửa đất đối không (SAM) của Nga, “bởi vì độ cao của máy bay cho phép nó quan sát xa hơn xung quanh đường cong của Trái Đất”.

Phiên bản nâng cấp của máy bay A-50U thay thế các thiết bị điện tử thế hệ cũ bằng bộ hệ thống điện tử hàng không kỹ thuật số hiện đại, giúp tăng tốc độ xử lý dữ liệu, tăng cường việc theo dõi tín hiệu và phát hiện mục tiêu. Tập đoàn nhà nước RosElectronica của Nga cho biết, máy bay A-50U có thể phát hiện nhiều loại máy bay hơn, đồng thời theo dõi số lượng mục tiêu và tên lửa dẫn đường nhiều hơn so với các biến thể của thế hệ trước.

Máy bay A-50U được mệnh danh là “mắt thần trên không”. Nguồn: Wikipedia

Kể từ khi xung đột tại Ukraine nổ ra, Nga chủ yếu sử dụng máy bay cảnh báo sớm trên không A-50U để quản lý hoạt động chiến đấu của lực lượng hàng không vũ trụ Nga, cũng như cung cấp tọa độ mục tiêu trên mặt đất cho tiêm kích đánh chặn MiG-31 mang tên lửa siêu thanh Kh-47M2 Kinzhal.

Nga đã sản xuất hơn 40 chiếc A-50 nhưng chỉ có 8 chiếc trong số này là phiên bản tiên tiến nhất. Trước đó, Nga thường triển khai máy bay một cách phù hợp, giữ chúng tránh xa các hệ thống phòng không của Ukraine bởi việc mất bất cứ chiếc nào trong số này cũng sẽ rất khó thay thế. Mối lo ngại ngày càng lớn hơn sau khi Ukraine tiến hành vụ tấn công bằng máy bay không người lái vào một chiếc A-50 đang đậu tại sân bay ở Belarus vào tháng 2/2023.

Nhưng trong thời gian gần đây, Nga được cho là đã triển khai các máy bay A-50U đến gần chiến tuyến, nhằm xác định các mục tiêu trên không ngay trong không phận Ukraine. Giới phân tích cho rằng, có nhiều lý do khiến Nga thực hiện hoạt động mạo hiểm này: thứ nhất là giảm thiểu tổn thất đối với máy bay chiến đấu lực lượng không quân, thứ hai là nhu cầu tối đa hóa hiệu quả của hệ thống phòng không S-400 và thứ ba, để chuẩn bị đối phó với những loại máy bay do phương Tây sản xuất sắp được đưa tới Ukraine. 

Một chuyên gia về tác chiến điện tử của Ukraine cho biết: “Khi hệ thống phòng không của Ukraine được cải thiện với sự xuất hiện các máy bay chiến đấu phương Tây, không quân Nga sẽ buộc phải đưa ra một số lựa chọn khó khăn. Họ sẽ phải chấp nhận mất một hay nhiều chiếc A-50 hoặc tiếp tục chứng kiến máy bay chiến đấu và các đơn vị S-400 ngày càng xuống cấp hoặc bị bắn hạ nhiều hơn”.

Tập đoàn nghiên cứu RAND cho rằng, Nga có thể đã bị mất từ 84 đến 130 máy bay kể từ khi xung đột nổ ra đến nay. Ngoài ra, các chiến đấu cơ của Nga cũng đang chịu tốc độ hao mòn lớn hơn do phải bay liên tục trong nhiều giờ với tốc độ tối ưu trong các cuộc giao tranh. Những tổn thất này buộc không quân Nga phải tiến hành hoạt động ở xa tiền tuyền để máy bay của họ không bị bắn hạ, trái ngược với chiến thuật mà Nga áp dụng ở giai đoạn đầu của cuộc xung đột”.

Tướng James Hecker, chỉ huy Lực lượng Không quân Mỹ ở Châu Âu và Châu Phi (USAFE) cho biết: “Ở giai đoạn đầu xung đột, các máy bay chiến đấu của Nga đã bay thẳng vào khu vực giao tranh với tên lửa đất đối không của Ukraine. Nhưng giờ đây chúng không bay vào khu vực nguy hiểm đó. Nếu có thì chỉ bay ở độ cao thấp, trong chốc lát và sau đó nhanh chóng quay trở lại. Chiến thuật này giúp Nga bảo vệ được máy bay nhưng lại không có lợi cho việc thả bom và giành ưu thế trên không”.

Hầu hết máy bay chiến đấu của Nga như Su-35 đều tăng cường hoạt động từ xa, nằm ngoài tầm bắn của lực lượng phòng không Ukraine. Đại tá Oleksandr Shtupun - người phát ngôn của quân đội Ukraine cho biết: “Trong 20 ngày qua, chúng tôi đã ghi nhận hơn 20 cuộc không kích như vậy của Su-35”.

Tuy nhiên, máy bay cảnh báo sớm Beriev A-50U dường như đang phá vỡ thông lệ, ngày càng tiến gần hơn đến tiền tuyến thay vì hoạt động ở phía sau. Chúng không chỉ định vị và theo dõi máy bay Ukraine, mà còn thông tin cho các lực lượng không quân nước này tránh chúng. Ngoài ra, A-50U cũng có nhiệm vụ xác định và đánh dấu các khu vực được Ukraine bảo vệ bằng mạng lưới tên lửa đất đối không.

Vai trò thứ hai mà máy bay A-50U đảm nhiệm là hỗ trợ hoạt động của hệ thống phòng không S-400. Máy bay sẽ chia sẻ dữ liệu hình ảnh trên không từ radar tới hệ thống phòng không S-400 thông qua mạng lưới liên kết dữ liệu.

Hệ thống phòng không S-400. Nguồn: Sputnik

Quân đội Nga có thể tối đa hóa hiệu quả của S-400 bằng cách sử dụng radar của máy bay A-50U để mở rộng phạm vi tiếp cận mục tiêu. Trong bài bình luận do hãng thông tấn TASS của Nga đăng tải, một trong những chuyên gia cấp cao của lực lượng phòng không Nga đã giải thích về sự phối hợp này. Theo chuyên gia này, kíp chiến đấu sẽ khóa đầu dò tìm kiếm mục tiêu chủ động của tên lửa S-400 sau khi phóng, buộc tên lửa phải phụ thuộc vào nguôn cung cấp dữ liệu radar ở giữa hành trình. Dữ liệu sẽ được truyền trực tiếp từ hệ thống radar trên máy bay A-50U tới tên lửa thay vì thông qua trạm chỉ huy của S-400.

Một phương pháp khác là để các phi hành đoàn A-50U và trung tâm chỉ huy S-400 chia sẻ dữ liệu và tải thông tin mục tiêu lên hệ thống dẫn đường của tên lửa trước khi phóng. Nhưng điều đó vẫn yêu cầu radar của S-400 và radar của A-50U phải liên kết dữ liệu tới thiết bị tìm kiếm của tên lửa. Trong trường hợp này, S-400 có thể che giấu được tín hiệu radar để không làm nhiễu máy thu cảnh báo radar của đối phương. Đáng chú ý, các chuyên gia Nga không tiết lộ có bao nhiều mục tiêu mà S-400 có thể theo dõi và tấn công khi được sự hỗ trợ của máy bay A-50U.

Ảnh: Tass, Sputnik, Airforce Technology

Bộ Quốc phòng Anh cho biết, lý do thứ ba khiến Nga tăng cường sử dụng máy bay cảnh báo sớm trên không A-50U là lo ngại trước việc phương Tây sẽ cung cấp cho Ukraine những máy bay chiến đấu hiện đại theo tiêu chuẩn NATO. Nếu Kiev tiếp nhận tiêm kích F-16 của Mỹ hoặc AS-39 Gripen của Thụy Điển và triển khai trong chiến đấu thì Nga có thể mất thêm chiến đấu cơ hơn nữa. Chưa kể, các hệ thống S-400 mà Moscow sử dụng để vô hiệu hóa máy bay phương Tây sẽ dễ bị tấn công từ trên không.

Tiêm kích F-16. Ảnh: Reuters

Số lượng tổ hợp S-400 bị mất do các cuộc tấn công trên không và tấn công bằng tên lửa, ở một khía cạnh nào đó, đã trở thành vấn đề nghiêm trọng đối với quân đội Nga. Ngoài ra, cũng cần phải kể đến mối đe dọa từ máy bay không người lái. Hồi cuối tháng 10 vừa qua, Ukraine cho biết UAV do tình báo nước này vận hành đã phá hủy một tổ hợp phòng không S-400 của Nga ở tỉnh Belgorod. Trước đó vào tháng 8, Kiev tuyên bố sử dụng phiên bản phóng từ đất liền của tên lửa chống hạm Neptune tấn công tổ hợp S-400 tại bán đảo Crimea.

Giới phân tích cho rằng, Nga khó có khả năng thay thế những tổ hợp S-400 bị mất trong chiến đấu do thiếu linh kiện điện tử hiện đại và quân đội nước này dường như có ít hệ thống S-400 hơn mức cần thiết để bảo vệ hiệu quả căn cứ không quân, trung tâm chỉ huy.

Theo đánh giá của cơ quan tình báo Anh việc mạo hiểm sử dụng máy bay A-50U gần tiền tuyến cũng như sẵn sàng chấp nhận rủi ro đối với phương tiện này cho thấy “áp lực lớn mà cuộc xung đột gây ra đối với một số năng lực hiện đại, chủ chốt của Nga”.

Tác giả: Hồng Anh - Trình bày: Kiều Anh

Thứ Tư, 06:30, 06/12/2023