Chánh văn phòng Tổng thư ký NATO - ông Stian Jenssen gần đây đã đưa ra những đánh giá gây tranh cãi khi bình luận về các lựa chọn khả thi để chấm dứt cuộc xung đột ở Ukraine.

"Tôi không nói là Ukraine phải làm thế này nhưng tôi nghĩ một giải pháp khả thi cho Kiev là từ bỏ lãnh thổ và đổi lấy tư cách thành viên NATO", ông Jenssen nhận định, đồng thời cho biết các cuộc thảo luận về tình trạng hậu xung đột của Ukraine vẫn đang diễn ra trong giới ngoại giao. Ông nhấn mạnh, ông chỉ đơn giản nêu ý tưởng và "việc quyết định khi nào hay những điều khoản nào sẽ được đàm phán là phụ thuộc vào Ukraine". Theo quan chức cấp cao NATO, điều đó phản ánh lập trường của liên minh này, rằng không có thỏa thuận hòa bình nào với Ukraine được chấp nhận nếu không được Kiev nhất trí.

Tuy nhiên, bình luận trên đã làm dấy lên làn sóng chỉ trích giận dữ từ giới chức Ukraine, khiến Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg phải làm rõ lập trường và cuối cùng ông Jenssen phải xin lỗi, cho rằng ông lẽ ra không nên nói về việc này một cách đơn giản như vậy.

Theo một số nhà phân tích, sự việc trên sẽ khép lại những cuộc thảo luận công khai về những lựa chọn cho Ukraine ngay giữa thời điểm nỗ lực ngoại giao trở nên cần thiết nhất.

Những điều kiện trên chiến trường cũng gây lo ngại về một kết cục khó đoán khi các nhà phân tích cho rằng cả Nga và Ukraine dường như đều không sẵn sàng đàm phán ở thời điểm này. Một số nhà quan sát phương Tây lo ngại một cuộc thảo luận quá cởi mở có thể được Moscow hiểu là sự ủng hộ của các nước này cho Ukraine đang suy yếu.

Ông Samuel Charap, nhà khoa học chính trị cấp cao tại Tập đoàn RAND tin rằng: "Có một cảm nhận phổ biến và ngày càng mở rộng là những gì chúng ta đang tiến hành hiện nay không hiệu quả nhưng không có nhiều ý tưởng về những gì phải làm tiếp theo và không có sự cởi mở để thảo luận về điều đó”.

Vào giữa tháng 8, một bài báo của Washington Post tiết lộ, giới tình báo Mỹ nhận định Ukraine không thể tiến tới thành phố chiến lược Melitopol trong cuộc phản công này và Politico dẫn lời một quan chức Mỹ đặt câu hỏi liệu Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Mark Milley có phải đã đúng khi đề xuất vào tháng 11 năm ngoái rằng có lẽ đã đến lúc tìm kiếm một giải pháp ngoại giao.

Lập trường của Mỹ chia ra làm hai quan điểm trái ngược nhau. Một bên là những người cho rằng có một cách để đưa mọi thứ đi đến hồi kết, đó là đóng băng xung đột và nỗ lực hợp tác để đảm bảo các vùng lãnh thổ rộng lớn của Ukraine sẽ không nằm dưới sự kiểm soát của Nga. Bên còn lại thì nhận định, đây không phải là giải pháp và xung đột chỉ được giải quyết cho đến khi Nga bị đánh bại.

Chuyên gia Charap nhận định: "Hầu hết mọi người đều công nhận kế hoạch A không hiệu quả. Nhưng điều đó không có nghĩa là họ sẵn sàng thảo luận kế hoạch B. Kế hoạch B sẽ thế nào? Đó là một chiến lược ngoại giao".

Theo ông: "Ngoại giao không đối lập với sự ép buộc. Nó là công cụ để đạt cùng mục tiêu như khi sử dụng các phương tiện ép buộc. Nhiều cuộc đàm phán chấm dứt chiến tranh đã diễn ra vào thời điểm giao tranh dữ dội nhất". Ông cũng dẫn ra Hiệp định đình chiến Triều Tiên năm 1953 khi không bên nào thừa nhận các điều khoản của nhau nhưng họ đã nhất trí ngừng giao tranh để đạt được một thỏa thuận hòa bình. Thỏa thuận hòa bình dù vẫn chưa đạt được nhưng sau 70 năm, giao tranh chưa xảy ra. Hiệp định này đã cần tới hơn 500 phiên đàm phán. Nói cách khác, theo ông Charap, sẽ tốt hơn khi hai bên bắt đầu trao đổi với nhau.

Chuyên gia này tin rằng cả Nga và Ukraine đều không có đủ nguồn lực để hạ gục hoàn toàn đối phương trong một cuộc giao tranh. Ông cũng thừa nhận sáng kiến ngoại giao có thể thất bại nhưng cách duy nhất để chúng ta biết được chúng có hiệu quả hay không là phải thử và theo ông, rủi ro của việc không thử sẽ lớn hơn rủi ro của việc thử.

Dù vậy, chuyên gia Constanze Stelzenmüller thuộc Viện Brookings đánh giá, còn quá sớm để thảo luận về kế hoạch B. Một số luồng quan điểm cũng cho rằng nếu có đủ thời gian, vũ khí và sự huấn luyện, Ukraine có thể giành lại số lượng đáng kể nếu không phải là tất cả lãnh thổ, đồng thời chia cắt hành lang đất liền của Nga nối với Crimea và tiến đến bán đảo này đủ gần để ngăn cản bất kỳ chiến dịch quân sự nào của Moscow trong tương lai.

Emma Ashford, một học giả cấp cao tại Trung tâm Stimson bình luận, những cảm xúc mạnh mẽ về cuộc xung đột ở Ukraine có thể chi phối lập trường của những người có quan điểm cứng rắn và là một cách hiệu quả để "chấm dứt những cuộc thảo luận về đàm phán với lập luận rằng đó là sự phản bội Ukraine và là điều Nga mong muốn".

Vào một thời điểm nào đó, cuộc phản công của Ukraine sẽ kết thúc. Câu hỏi đặt ra là liệu bên nào sẽ sẵn sàng bước vào đàm phán. Nga khẳng định trong nhiều tháng qua rằng nước này cởi mở với việc đàm phán nhưng hiện không rõ Moscow có chấp nhận bất kỳ thỏa hiệp nào hay không. Đáng chú ý, Nga cho biết sẽ không rút lại tuyên bố sáp nhập 4 vùng lãnh thổ ở Ukraine vào tháng 9/2022. Trong khi đó, Kiev nhấn mạnh, nước này cần tiếp tục chiến đấu cho đến khi có thể đẩy lùi các lực lượng của đối phương khỏi các vùng lãnh thổ mà nước này tuyên bố chủ quyền, đồng thời đảm bảo rằng Nga sẽ không bao giờ đe dọa Ukraine.

Tuy nhiên, thậm chí cả những bên có thái độ lạc quan nhất cũng dự đoàn Ukraine khó có thể đẩy lùi toàn bộ các lực lượng của Nga khỏi lãnh thổ - một kết quả dường như ngày càng xa vời hiện nay khi xem xét đến những thành quả khiêm tốn Ukraine đạt được trong cuộc phản công.

Giữa bối cảnh chiến dịch của Ukraine diễn ra với nhịp độ chậm, trong khi giới tình báo và quốc phòng Mỹ bắt đầu đổ lỗi cho Kiev, các nước phương Tây ngày càng cảm thấy dễ tổn thương sau khi cung cấp quá nhiều thiết bị và đặt quá nhiều hy vọng, giáo sư Charles A. Kupchan tại Đại học Georgetown, đồng thời là một cựu quan chức Mỹ đánh giá.

Ông cho biết Mỹ hy vọng cuộc phản công sẽ thành công trong việc đe dọa vị trí của Nga ở Crimea, đặt Ukraine vào vị thế đàm phán mạnh hơn. Dù vậy, điều đó đã không xảy ra. Nếu cuộc phản công không diễn ra thuận lợi, đã đến lúc để tìm kiếm những giải pháp thay thế, chuyên gia này nhận định.

Đàm phán cần hai bên tham gia nhưng hiện nay cả Tổng thống Vladimir Putin và Tổng thống Volodymyr Zelensky đều chưa sẵn sàng thảo luận về bất kỳ điều gì. Các lực lượng của Nga dường như đang củng cố phòng tuyến và tin là vào một thời điểm nào đó, phương Tây sẽ mệt mỏi vì ủng hộ Ukraine. Ngoài ra, cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào năm sau cũng có thể tạo nên những thay đổi khó đoán.

Các quan chức Đức cũng mong muốn một giải pháp ngoại giao nhưng chỉ tiến hành thảo luận một cách kín đáo. Họ hiểu dù thế nào họ cũng sẽ không trực tiếp thúc đẩy Ukraine đi theo lập trường đó bởi họ không muốn bị Nga coi là yếu đuối.

Dù vậy, có một mong muốn chung ở Berlin và Washington là cuộc xung đột sẽ không kéo dài mãi mãi, một phần là bởi ý chí chính trị cũng như khả năng hỗ trợ quân sự và tài chính cho Ukraine bắt đầu suy giảm, đặc biệt là phe cánh hữu và cực hữu đang chiếm ưu thế.

Kiều Anh/VOV.VN (Tổng hợp)

Ảnh: Reuters

Thứ Hai, 06:30, 04/09/2023