Có vô số những rủi ro không lường trước khiến cuộc xung đột ở Ukraine leo thang thành một cuộc chiến trên quy mô lớn hay tệ hơn là một thảm họa với nhân loại nếu các vũ khí hạt nhân được kích hoạt.

Tom Schelling, một nhà kinh tế học, đồng thời là chiến lược gia về hạt nhân nhận định, khoảnh khắc bên bờ vực chiến tranh là điều không thể biết trước được. Khoảnh khắc đó "không phải khi bạn đứng ở vách đá dựng đứng, nhìn xuống và quyết định có nhảy xuống hay không mà là khi bạn đang ở trên một con dốc trơn trượt, nơi mà chính người đứng ở đó lẫn người quan sát bên ngoài đều không chắc chắn rủi ro của nó như thế nào".

Hầu như rất ít người cho rằng Mỹ sẽ can thiệp trực tiếp vào cuộc chiến ở Ukraine hay Nga sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, giữa bối cảnh nhiều yếu tố khó lường xảy ra có thể dẫn đến một cuộc chiến lớn ở châu Âu hoặc thậm chí là chiến tranh hạt nhân, các nhà quan sát có đầy đủ lý do để lo ngại về điều này.

Suy nghĩ phổ biến ở cả Washington và Moscow lúc này là việc giành được chiến thắng sẽ giúp họ quyết định các điều khoản của thỏa thuận hòa bình cuối cùng. Trên thực tế, sự thiếu vắng của giải pháp ngoại giao có thể gia tăng chất xúc tác khiến căng thẳng giữa các bên leo thang. Điều này có thể dẫn đến một kết cục thảm họa khi số người thương vong và mức độ phá hủy vượt quá tổn thất của Thế chiến II.

Để hiểu về động cơ dẫn đến leo thang căng thẳng ở Ukraine, cần bắt đầu từ mục tiêu của mỗi bên. Mục đích của Mỹ và đồng minh ban đầu khi ủng hộ Ukraine là ngăn cản Nga giành chiến thắng cũng như hỗ trợ đàm phán để chấm dứt giao tranh. Tuy nhiên, khi Ukraine cho thấy khả năng phản kháng mạnh mẽ trước các cuộc tiến công của Nga, đặc biệt tại Kiev, chính quyền Tổng thống Biden đã thay đổi lập trường và cam kết sẽ hỗ trợ Ukraine giành chiến thắng trong cuộc xung đột với Nga. Phương Tây cũng tìm cách gây tổn thất nặng nề cho nền kinh tế Nga bằng cách áp những biện pháp trừng phạt chưa từng có.

Trong khi đó, mục tiêu của Nga cũng đã mở rộng.

Ban đầu, Nga không tìm cách xâm chiếm lãnh thổ hay biến Ukraine trở thành một phần lãnh thổ của mình. Về nguyên tắc, Moscow quan tâm đến việc ngăn cản Ukraine trở thành bức tường thành của phương Tây ở biên giới Nga.

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov khẳng định trong một cuộc họp báo hồi giữa tháng 1/2022 rằng, "mục tiêu then chốt là đảm bảo NATO sẽ không mở rộng về phía Đông". Với các nhà lãnh đạo Nga, triển vọng Ukraine gia nhập NATO, như Tổng thống Putin nhận định, "chính là mối đe dọa trực tiếp với an ninh của Nga". Theo ông, mối đe dọa này chỉ có thể loại trừ bằng cách tiến hành một chiến dịch quân sự và biến Ukraine trở thành một quốc gia trung lập.

Dù vậy, dường như các mục tiêu của Nga đã mở rộng kể từ khi xung đột bùng nổ. Trước khi bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine, Nga đã cam kết sẽ thực hiện thỏa thuận Minsk II, theo đó xác định Donbass là một phần của Ukraine. Tuy nhiên, hiện nay, Nga kiểm soát một khu vực lãnh thổ rộng lớn ở phía Đông và phía Nam Ukraine. Phương Tây cho rằng Nga đang có kế hoạch sáp nhập hầu hết các vùng lãnh thổ này. Ngày 24/8, Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vasily Nebenzya cáo buộc Ukraine đi ngược với thỏa thuận Minsk, đồng thời nhận định trong cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc rằng: "Nếu các thỏa thuận Minsk được tuân thủ, sẽ không cần có chiến dịch quân sự đặc biệt nào, nhưng chính quyền Kiev lại quyết định điều ngược lại".

Về phần mình, Ukraine quyết tâm giành lại các vùng lãnh thổ do Nga kiểm soát, trong đó có Crimea và muốn Nga suy yếu tới mức ít có khả năng đe dọa đến nước này. Kiev cũng tự tin rằng nước này có thể giành chiến thắng khi Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov khẳng định hồi giữa tháng 7 rằng: "Nga chắc chắn sẽ bị đánh bại và Ukraine sẽ cho thấy điều đó".

Về bản chất, Ukraine, Mỹ và Nga đều khẳng định quyết tâm chiến thắng trước đối phương, do đó hầu như có rất ít không gian cho sự thỏa hiệp. Chẳng hạn, cả Ukraine và Mỹ đều không chấp nhận một Ukraine trung lập khi mà hiện nay Kiev đang trở nên ngày càng thân thiết với phương Tây. Trong khi đó, Nga cũng không chấp nhận trao trả toàn bộ hoặc hầu hết lãnh thổ mà nước này kiểm soát ở Ukraine, đặc biệt khi tình trạng thù địch được châm ngòi bởi những cuộc giao tranh ở Donbass giữa phe ly khai thân Nga và quân chính phủ Ukraine trong 8 năm qua ngày càng trở nên dữ dội.

Hiện nay, có 3 khả năng chính dẫn tới căng thẳng ngày càng tăng trong cuộc xung đột ở Ukraine: Thứ nhất là khi cả hai bên cố ý leo thang để giành chiến thắng, thứ hai là hai bên cố ý leo thang để tránh thất bại và thứ ba là xung đột leo thang nằm ngoài chủ ý của hai bên.

Mỗi khả năng này đều dẫn tới nguy cơ kéo Mỹ vào cuộc, hay Nga sử dụng vũ khí hạt nhân hoặc cả hai.

Khi chính quyền Tổng thống Biden đưa ra kết luận rằng Nga có thể bị đánh bại ở Ukraine, Washington đã gửi nhiều vũ khí mạnh hơn cho Kiev. Phương Tây bắt đầu hỗ trợ Ukraine tăng cường khả năng tấn công bằng cách cung cấp các vũ khí như hệ thống pháo phản lực HIMARS, bên cạnh các vũ khí phòng thủ như tên lửa chống tăng Javelin. Trong thời gian qua, cả số lượng vũ khí và mức độ sát thương của vũ khí mà phương Tây hỗ trợ cho Ukraine đều tăng lên.

Hồi tháng 3, Washington từng phủ quyết kế hoạch chuyển giao tiêm kích MiG-29 của Ba Lan cho Ukraine nhưng đến tháng 7, nước này đã không còn phản đối khi Slovakia thông báo sẽ cân nhắc chuyển các máy bay trên cho Kiev. Mỹ cũng đang thảo luận về việc cung cấp tiêm kích F-15 và F-16 cho Ukraine.

Mỹ và các đồng minh đang huấn luyện quân đội Ukraine và cung cấp cho họ những thông tin tình báo quan trọng để tiêu diệt các mục tiêu của Nga. Washington không trực tiếp tham chiến nhưng đã can thiệp rất sâu vào cuộc xung đột này.

Mỹ còn có thể can dự vào cuộc chiến ở Ukraine theo nhiều cách khác nhau. Nếu cuộc xung đột này kéo dài 1 năm hoặc hơn, sẽ không có giải pháp ngoại giao hay con đường khả thi nào cho chiến thắng của Ukraine. Trong khi đó, Mỹ cần tập trung kiềm chế Trung Quốc và đối mặt với cái giá về kinh tế cho việc ủng hộ Ukraine. Do vậy, để chấm dứt chiến tranh nhanh chóng, các nhà hoạch định chính sách Mỹ có thể sẽ cân nhắc đến những bước đi mạo hiểm hơn, chẳng hạn như áp đặt vùng cấm bay ở Ukraine hoặc đưa quân Mỹ tới hỗ trợ Ukraine đánh bại Nga.

Một kịch bản có khả năng xảy ra khiến Mỹ tham chiến ở Ukraine là trong trường hợp quân đội Ukraine bắt đầu sụp đổ và Nga sắp thắng lớn. Trong trường hợp đó, với cam kết mạnh mẽ nhằm ngăn kịch bản này xảy ra, Mỹ có thể sẽ nỗ lực đảo chiều cuộc chiến bằng cách can dự trực tiếp vào cuộc xung đột.

Một kịch bản nữa cho việc Mỹ can thiệp vào cuộc chiến có thể xuất phát từ sự leo thang căng thẳng ngoài ý muốn. Chẳng hạn tiêm kích Nga và Mỹ đụng độ nhau trên Biển Baltic. Sự cố này có thể dễ dàng leo thang nghiêm trọng nếu hai bên thiếu sự trao đổi với nhau.

Hoặc có lẽ trong trường hợp Litva ngăn cản việc vận chuyển hàng hóa bị trừng phạt qua lãnh thổ nước này từ Nga tới Kaliningrad khiến Moscow thực hiện các biện pháp đáp trả mạnh tay. Litva từng có động thái trên vào giữa tháng 6, song đã dừng lại vào giữa tháng 7 sau khi Nga cảnh báo sẽ thực hiện các biện pháp cứng rắn để chấm dứt sự phong tỏa mà nước này cho là bất hợp pháp. Do Litva là một thành viên NATO nên Mỹ gần như chắc chắn sẽ tham chiến theo điều 5 Hiến chương NATO nếu quốc gia này bị tấn công.

Mỹ cũng có thể tham chiến trong trường hợp Nga không kích vào một tòa nhà ở Kiev hay một địa điểm huấn luyện nào đó ở Ukraine khiến số lượng đáng kể người Mỹ thiệt mạng, trong đó có các nhân viên cứu trợ, sĩ quan tình báo hay các cố vấn quân sự. Khi đó, trước dư luận trong nước, chính quyền Tổng thống Biden có thể sẽ đáp trả bằng cách không kích các mục tiêu của Nga.

Những kịch bản trên chỉ là một vài trong số những kịch bản có thể khiến xung đột khu vực lan rộng thành một cuộc chiến lớn hơn và nguy hiểm hơn.

Ảnh: Reuters

Mặc dù Nga khiến Ukraine đối mặt với nhiều tổn thất nhưng Moscow vẫn do dự đi xa hơn để giành chiến thắng. Cho tới nay, Nga vẫn chưa ra lệnh tổng động viên. Moscow cũng không nhắm vào mạng lưới điện của Ukraine, vốn tương đối dễ thực hiện nhưng lại có thể gây tổn thất lớn cho nước này. Tổng thống Putin thậm chí thừa nhận rằng: "Chúng tôi thậm chí còn chưa thực sự bắt đầu cuộc chiến này", đồng thời cho biết Nga có thể và sẽ có nhiều động thái hơn nếu tình hình quân sự xấu đi.

Nga có khả năng sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân nếu Mỹ và NATO tham gia vào cuộc chiến ở Ukraine. Điều này không chỉ làm thay đổi sự cân bằng quân sự ở Ukraine mà còn đồng nghĩa với việc chiến tranh dễ lan tới lãnh thổ Nga.

Ngày 22/3, Người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov đã khẳng định rằng, Tổng thống Putin chỉ sử dụng vũ khí hạt nhân nếu nhà lãnh đạo này cảm thấy sự tồn tại của nước Nga đang bị đe dọa.

Mới đây, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cũng tuyên bố, Nga chỉ sử dụng vũ khí hạt nhân trong 4 kịch bản, tất cả đều là mối đe dọa hiện hữu đối với nhà nước Nga.

“Đó là phóng tên lửa hạt nhân, sử dụng vũ khí hạt nhân, tấn công vào cơ sở hạ tầng quan trọng kiểm soát vũ khí hạt nhân, hoặc các hành động khác đe dọa sự tồn tại của nhà nước [Nga]”, ông Medvedev cho biết, đồng thời nói thêm rằng cho đến nay vẫn chưa có trường hợp nào nêu trên xảy ra.

Một điều cần phải thừa nhận là mặc dù những kịch bản trên về lý thuyết có thể xảy ra nhưng khả năng chúng xảy ra là rất thấp. Cho tới nay, lãnh đạo các bên đều có những biện pháp mạnh mẽ để ngăn Mỹ can dự vào cuộc chiến và tránh nguy cơ phải sử dụng tới vũ khí hạt nhân, thậm chí tránh đề cập một cuộc chiến hạt nhân thực sự./.

Kiều Anh/VOV.VN (Tổng hợp)

Thứ Ba, 06:12, 30/08/2022