Theo giới phân tích, chiến lược và yêu cầu của Ukraine đang gây ra rạn nứt trong quan hệ giữa nước này với Mỹ và châu Âu trong bối cảnh Kiev phụ thuộc phần lớn vào sự viện trợ của các đối tác phương Tây để có những thiết bị quân sự trị giá hàng tỷ USD cùng các hình thức hỗ trợ nhân đạo và tài chính khác. Ngoài ra, Ukraine cần nguồn cung cấp vũ khí liên tục để đối phó với các cuộc tấn công của Nga.

Ukraine từng nhiều lần khẳng định họ chiến đấu với Nga không chỉ vì sự sống còn của đất nước mà còn vì an ninh của phương Tây. Các nhà tài trợ lớn nhất của Ukraine như Mỹ và Anh đã cam kết hỗ trợ an ninh cho Kiev “đến tận cùng”. Cụm từ “hỗ trợ bằng bất cứ giá nào” đã trở thành khẩu hiệu được lặp đi lặp lại trong các cuộc họp công khai của NATO khi đánh giá về cuộc chiến và nhu cầu quân sự của Ukraine.

Nhiều quốc gia NATO đã cam kết hỗ trợ an ninh cho Kiev “đến tận cùng” (Ảnh Getty Image)

Tuy vậy, nhu cầu và đòi hỏi của Ukraine đôi khi mâu thuẫn với những cân nhắc về chính trị và quân sự của Mỹ cùng các nước châu Âu, gây ra nhiều rắc rối cho cả hai bên.

Gần đây nhất, căng thẳng đã phát sinh liên quan đến chiến lược quân sự của Ukraine và đòi hỏi mà nước này đưa ra đối với NATO. Tổng thống Zelensky được cho là đã khiến một số đối tác tức giận trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh NATO ở Vilnius hồi đầu tháng 7 khi ông chỉ trích NATO do dự trong việc cung cấp cho Kiev một con đường cụ thể để gia nhập khối trong thông cáo dự thảo của hội nghị. Ông Zelensky tỏ rõ thất vọng với liên minh, cho rằng việc không đưa ra mốc thời gian cụ thể để kết nạp Kiev là “chưa từng có và vô lý”.

Tổng thống Zelensky chỉ trích NATO trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh NATO ở Vilnius (Ảnh Afp)

Nhiều quan chức ở Washington và London cho rằng ông Zelensky đã “đi quá xa” với lời chỉ trích NATO không thể hiện đủ "sự tôn trọng" khi không sẵn sàng mời Kiev trở thành thành viên ngay lập tức.

Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace tỏ ra khó chịu trước bình luận của Tổng thống Zelesky, đồng thời nhấn mạnh, Ukraine cần phải lưu tâm đến sự mệt mỏi của các nước phương Tây đối với cuộc xung đột cùng những hoài nghi về số tiền viện trợ khổng lồ mà họ đã dành cho Kiev. Ông Ben Wallace cho rằng, Anh không phải là “kho hàng Amazon” để có thể đáp ứng nhu cầu về tất cả các loại vũ khí trong danh sách mà Ukraine đưa ra.

Chỉ trích của Tổng thống Zelensky cũng không nhận được sự ủng hộ của nhiều quốc gia phương Tây (Ảnh AP)

Bình luận của Tổng thống Zelensky cũng không nhận được sự ủng hộ ở Washington. Washington Post dẫn một số nguồn tin cho biết, các quan chức Mỹ tức giận đến mức họ đã xem xét cắt giảm viện trợ cho Ukraine.

“Phát biểu của ông Zelensky trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh NATO vừa qua không gây được ấn tượng tốt với Washington. Chính quyền Mỹ rất tức giận”, CNBC dẫn một nguồn thạo tin cho biết.

Theo nguồn tin này, Mỹ cũng không hài lòng với việc Ukraine từng nhiều lần phớt lờ lời khuyên của họ trong cuộc xung đột với Nga. “Mỹ đã khuyên Ukraine không nên thực hiện một số hành động, nhưng Kiev vẫn thực hiện chúng. Họ đã bỏ ngoài tai hoặc không giải quyết các mối lo ngại của Washington”.

Kiev đã bỏ ngoài tai hoặc không giải quyết các mối lo ngại của Washington (Ảnh Getty Images)

Mặc dù thượng đỉnh NATO kết thúc với cam kết thống nhất về ủng hộ Ukraine và hướng tới mục tiêu lớn hơn là đảm bảo Nga không thể giành chiến thắng trong cuộc chiến, nhưng những mâu thuẫn kể trên cho thấy, Ukraine cần phải hành động một cách thận trọng để cân bằng giữa nhu cầu của nước này với ưu tiên và lập trường chính trị của các đối phương Tây, nhằm đảm bảo duy trì sự ủng hộ lâu dài.

Ông Jamie Shea, cựu quan chức cấp cao của NATO và chuyên gia quốc phòng và an ninh quốc tế tại Viện nghiên cứu Chatham House cho rằng, Hội nghị Thượng đỉnh Vilnius đã nêu bật những vấn đề dễ mâu thuẫn giữa các bên, cũng như nhấn mạnh sự cần thiết của ngoại giao và thỏa hiệp.

NATO không thể đáp ứng yêu cầu của Ukraine về việc đưa ra lịch trình cụ thể để gia nhập khối khi nước này đang có xung đột (Ảnh AP)

“Cần phải phân biệt giữa cấp độ chiến lược và chiến thuật. Ở cấp độ chiến lược và địa chính trị, sự ủng hộ của phương Tây dành cho Ukraine rất vững chắc. Nhưng ở cấp độ chiến thuật, sẽ có những vấn đề nảy sinh tại thời điểm hiện tại. Tổng thống Zelensky biết rõ rằng NATO không thể đáp ứng yêu cầu của Ukraine về việc đưa ra lịch trình cụ thể để gia nhập khối khi nước này đang có xung đột. Vì thế, bằng cách đe dọa tẩy chay hội nghị thượng đỉnh, ông Zelensky đang thực hiện chiến lược mạo hiểm”, nhà phân tích Jamie Shea nhận định.

Chuyên gia này cho rằng, Ukraine hiện đang ở một tình thế rất khó khăn và chắc chắn sẽ có khoảng cách giữa những gì họ muốn với những gì phương Tây có thể cung cấp. “Đôi khi điều này sẽ dẫn đến sự thất vọng. Nhưng quan trọng hơn là phải quản lý sự khác biệt đó để tránh rủi ro về lâu dài”.

Không chỉ chiến lược ngoại giao, mà cả chiến lược quân sự Ukraine đang theo đuổi cũng mâu thuẫn với lập trường và toan tính của phương Tây.

Kiev được cho là đã khiến Mỹ khó chịu khi tiếp tục chiến đấu tại thành phố Bakhmut ở miền Đông– nơi đã trở thành tâm điểm của các cuộc giao tranh ác liệt giữa lực lượng Nga và Ukraine trong hơn một năm qua. Nga tuyên bố giành quyền kiểm soát toàn bộ thành phố này vào tháng 5/2023 nhưng Kiev vẫn nỗ lực đẩy lùi đối phương ra khỏi khu vực.

Nhiều nhà phân tích quân sự đã đặt câu hỏi liệu Ukraine có nên đổ thêm nguồn lực để giành lại một thành phố có rất ít giá trị chiến lược hay không. Ông Konrad Muzyka, chuyên gia tình báo quân sự kiêm Chủ tịch công ty tư vấn Rochan Consulting ở Ba Lan cho rằng, việc Ukraine tiếp tục chiến đấu tại Bakhmut đã khiến Washington bất ngờ.

Kiev được cho là đã khiến Mỹ khó chịu khi tiếp tục chiến đấu tại thành phố Bakhmut

“Mỹ đã can ngăn Ukraine không nên sa lầy vào các cuộc giao tranh với Nga tại Bakhmut vì lo ngại điều đó có thể khiến Kiev tổn thất lớn về nhân lực và vũ khí. Nhưng đối với Kiev, Bakhmut không chỉ là một thành phố mà còn là biểu tượng của sự kháng cự ngoan cường, mặc dù giá trị chiến lược của khu vực này vẫn còn nhiều nghi vấn”, chuyên gia Konrad Muzyka lưu ý.

Kết quả là Ukraine đã mất rất nhiều binh sỹ giàu kinh nghiệm, tiêu tốn một số lượng lớn đạn pháo và không thể hỗ trợ đầy đủ cho các lực lượng ở những nơi khác.

Trái với quan điểm này, cựu Tướng Richard Barrons của Anh cho rằng, việc chiến đấu đến cùng tại Bakhmut có thể là một phần trong chiến lược của Ukraine nhằm làm suy yếu và phân tán các lực lượng Nga, khiến họ khó dồn lực cho các nơi khác.

Ukraine và các quốc gia phương Tây có nhiều điểm không đồng thuận trong chiến lược quân sự (Ảnh Getty Images)

Hiện đang có nhiều suy đoán về việc Ukraine sắp tung “cú đòn chính” trong cuộc phản công, trong đó có việc huy động một loạt lữ đoàn mới do NATO huấn luyện được trang bị vũ khí phương Tây, nhằm phá vỡ các hệ thống phòng thủ của Nga ở miền Nam.

Nhà phân tích Barron suy đoán: “Cuộc giao tranh dữ dội nhất từ trước đến nay có lẽ sắp xảy ra khi Ukraine cam kết sẽ giáng đòn quyết định đáp trả Nga”. Theo ông Barron, Ukraine đang chịu sức ép từ những người ủng hộ phương Tây vì thế họ buộc phải làm mọi cách để đạt được bước tiến lớn trong cuộc phản công. “Nhưng Ukraine cần phải lựa chọn thời điểm thích hợp để hành động. Nếu Kiev thất bại trong việc phá hủy phòng tuyến của Nga dù họ đã huy động tất cả các lực lượng dự trữ thì đây sẽ là bi kịch đối với cuộc phản công của họ và cũng là bi kịch với các nước phương Tây đã viện trợ cho họ trong hơn một năm qua”./. 

Thứ Bảy, 06:30, 05/08/2023