Nhân dịp đầu xuân mới Quý Mão 2023, phóng viên Báo Điện tử VOV có cuộc trao đổi với ông Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Bộ Tài chính cùng nhìn lại thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp năm 2022 và mục tiêu năm 2023.

PV: Thưa Bộ trưởng, sự phát triển nóng của thị trường chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua đã bộc lộ nhiều rủi ro, gây mất an toàn cho thị trường vốn. Bộ trưởng đánh giá như thế nào về thị trường này trong năm 2022?

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Những năm vừa qua, Bộ Tài chính đã tích cực triển khai các giải pháp thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về phát triển thị trường vốn nhằm khơi thông nguồn vốn trung và dài hạn cho đầu tư và phát triển. Nhờ đó, thị trường vốn và các dịch vụ tài chính ngày càng hoàn thiện về cấu trúc và quy mô, đóng vai trò quan trọng trong việc huy động các nguồn lực, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Đối với thị trường chứng khoán, tính đến cuối tháng 11/2022, thị trường có 757 cổ phiếu, chứng chỉ quỹ niêm yết trên 2 Sở Giao dịch Chứng khoán và 859 cổ phiếu đăng ký giao dịch (ĐKGD) trên sàn UPCOM với tổng giá trị niêm yết, ĐKGD đạt 1.970 nghìn tỷ đồng, tăng 13,3% với cuối năm 2021. Thị trường chứng khoán tiếp tục thu hút các nhà đầu tư tham gia với số lượng tài khoản nhà đầu tư tính đến cuối tháng 11/2022 đạt gần 6,8 triệu tài khoản, tăng 57,7% so với cuối năm 2021. Riêng trong tháng 11/2022, số lượng tài khoản mở mới đạt trên 88.600 tài khoản. Nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 15.878 tỷ đồng cổ phiếu, chứng chỉ quỹ và bán ròng 7.591 tỷ đồng trái phiếu trong 11 tháng của năm 2022.

Thị trường trái phiếu ngày càng có vai trò quan trọng đối với việc huy động vốn trung và dài hạn của Chính phủ, các ngân hàng chính sách và các doanh nghiệp với tổng khối lượng vốn huy động lũy kế 11 tháng đạt trên 537.100 tỷ đồng.

Qua đánh giá tình hình, có thể thấy, nguyên nhân chủ yếu từ vấn đề niềm tin của nhà đầu tư trước các sự việc cơ quan quản lý, cơ quan bảo vệ pháp luật xử lý sai phạm về thao túng, làm giá, chất lượng công bố thông tin, các vụ việc sai phạm trên thị trường TPDN có liên quan đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, ngân hàng SCB, Công ty Tân Hoàng Minh. Ngoài ra, việc một số phương tiện đưa tin không chính thống, đưa tin thất thiệt về một số doanh nghiệp cũng gây tác động tâm lý xấu cho nhà đầu tư và thị trường.

Bộ Tài chính đã và đang chỉ đạo các đơn vị và phối hợp với các Bộ, ngành tập trung triển khai các giải pháp để phát triển thị trường minh bạch, bền vững và hiệu quả. Trong đó, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục nhiệm vụ hoàn thiện cơ chế chính sách, Luật và các văn bản hướng dẫn để khắc phục kịp thời những bất cập, vướng mắc, từ đó khôi phục niềm tin, đảm bảo sự phát triển lành mạnh của thị trường. Bộ Tài chính phối hợp với các Bộ, ngành báo cáo Chính phủ việc sửa đổi Nghị định số 65/2022/NĐ-CP để có sự điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện hiện nay cũng như khó khăn hiện tại của thị trường trái phiếu. UBCKNN, các Sở Giao dịch Chứng khoán, Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán sẽ đẩy nhanh tiến độ vận hành hệ thống công nghệ thông tin đồng bộ trên thị trường chứng khoán (TTCK) và hệ thống lưu ký, giao dịch TPDN nhằm phát triển thị trường minh bạch, an toàn, tăng cường khả năng quản lý, giám sát, giảm thiểu rủi ro.

PV: Những biến động trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ hiện nay đang ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường chứng khoán, Bộ trưởng có lưu ý gì với các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ, chưa chuyên nghiệp?

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Nhờ sự phát triển của công nghệ, đặc biệt là sự phát triển mạnh mẽ của các trang mạng xã hội, giúp nhanh chóng đưa thông tin về thị trường chứng khoán tới các nhà đầu tư, giúp nhà đầu tư có thêm kênh tiếp cận thông tin, cập nhật, nắm bắt đầy đủ thông tin về thị trường, các cơ chế chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đối với cơ quan quản lý, công nghệ đã hỗ trợ rất tích cực trong công tác giám sát trên thị trường chứng khoán. Những thông tin phản ánh, khiếu nại, tố cáo trên các trang mạng xã hội là một trong những nguồn thông tin hỗ trợ cho cơ quan quản lý trong việc kịp thời phát hiện hành vi vi phạm trên thị trường chứng khoán.

Năm 2022, số tài khoản mở mới tăng kỷ lục, Việt Nam cán mốc 5% dân số đầu tư chứng khoán

Bên cạnh đó, thời gian qua, có hiện tượng lợi dụng các diễn đàn, nhóm mạng xã hội Zalo, Facebook, Telegram… để tung tin đồn, phát tán tài liệu giả mạo, thông tin không đúng sự thật làm ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán. Các hành vi tung tin đồn sai sự thật, cấu kết, lôi kéo người khác mua, bán để thao túng giá chứng khoán là các hành vi bị cấm theo quy định tại Luật Chứng khoán. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã và đang tiếp tục tăng cường giám sát, xử lý thông tin trên không gian mạng; khuyến nghị nhà đầu tư khi tìm hiểu thông tin và trao đổi thông tin liên quan đến TTCK cần lưu ý việc tham khảo, kiểm chứng dựa trên các kênh chính thống của các cơ quan, đơn vị chức năng, đồng thời, UBCKNN đã tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng trong phát hiện và xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật.

Trong thời gian tới, UBCKNN, Bộ Tài chính tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, cung cấp thông tin chính thống, chính xác về chủ trương, định hướng điều hành và tình hình kinh tế vĩ mô, thị trường chứng khoán để ổn định tâm lý nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác thanh tra, giám sát nhằm chấn chỉnh và xử lý nghiêm các vi phạm, bảo đảm thị trường hoạt động an toàn, minh bạch, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư. Đồng thời, tiếp tục phối hợp với cơ quan điều tra trong xác minh, điều tra, truy vết và xử lý các tin đồn thất thiệt thu lợi bất chính trên thị trường chứng khoán nhằm trấn an tâm lý nhà đầu tư, thể hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và các cơ quan quản lý trong việc phát triển thị trường minh bạch, an toàn, hiệu quả.

Bộ Tài chính cũng tiến hành rà soát tổng thể các quy định tại Luật Chứng khoán, các văn bản hướng dẫn nhằm khắc phục ngay những bất cập, vướng mắc đảm bảo sự phát triển lành mạnh, minh bạch, bền vững của thị trường chứng khoán.

PV: Thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ triển khai các giải pháp như thế nào để chấn chỉnh và củng cố chất lượng phát triển của thị trường chứng khoán, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Trong những tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023, trước việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ và nhiều ngân hàng Trung ương trên thế giới tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ nhằm đưa lạm phát về mức kiểm soát, kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng được dự báo có thể tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Việc các nước đối tác kinh tế lớn của Việt Nam như Mỹ, EU tiếp tục chính sách tiền tệ thắt chặt, tăng lãi suất có thể tạo áp lực kéo dòng vốn đầu tư ra khỏi các thị trường mới nổi, đang phát triển, trong đó có Việt Nam, để quay lại thị trường Mỹ và một số thị trường phát triển khác. Trong bối cảnh căng thẳng quốc tế và áp lực lạm phát gia tăng, nhà đầu tư chuyển sang tâm lý thận trọng hơn trong đầu tư. Việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát các hoạt động phát hành trái phiếu riêng lẻ cũng ảnh hưởng đến dòng tiền đầu tư vào thị trường trái phiếu nói riêng và thị trường chứng khoán nói chung trong ngắn hạn. Những yếu tố này đều có khả năng tác động đến dòng tiền và thanh khoản trên TTCK Việt Nam.

Nhiều ngân hàng Trung ương trên thế giới tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ nhằm đưa lạm phát về mức kiểm soát, kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng được dự báo có thể tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức

Tuy nhiên, về dài hạn, TTCK Việt Nam vẫn có tiềm năng tăng trưởng khi một số yếu tố tích cực tiếp tục được duy trì. Dịch bệnh được kiểm soát tốt, các yếu tố nền tảng vĩ mô và cân đối lớn cơ bản được giữ vững, trong tầm kiểm soát, các hoạt động kinh tế được khôi phục, tiêu dùng nội địa phục hồi, hoạt động du lịch quốc tế cũng được mở cửa trở lại. Hoạt động doanh nghiệp dù khó khăn hơn trong bối cảnh chung của nền kinh tế thế giới nhưng vẫn khả quan. Nhiều tổ chức quốc tế vẫn đánh giá cao kết quả và triển vọng phát triển kinh tế Việt Nam trong thời gian tới. Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự báo tăng trưởng GDP thực của Việt Nam cao nhất trong ASEAN, đạt 7-7,5% trong năm 2022 và 5,8% trong năm 2023. Ngoài ra, chỉ số P/E của TTCK Việt Nam hiện đang ở mức 10,2 và được đánh giá ở mức hấp dẫn, thấp hơn so với hầu hết các thị trường khác trên thế giới.

Với những dự báo trên, hoạt động của TTCK, thị trường TPDN trong năm 2023 sẽ vẫn có nhiều cơ hội và thách thức, trong đó thách thức từ những yếu tố nội tại của nền kinh tế và thị trường sẽ đóng vai trò chủ yếu. Do đó, Bộ Tài chính xác định nhiệm vụ trọng tâm trong điều hành thị trường chứng khoán, TPDN trong năm 2023 và các năm tiếp theo là đảm bảo ổn định, minh bạch hoạt động thị trường, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư và các chủ thể tham gia trên thị trường.

Cụ thể, Bộ Tài chính đang phối hợp với Bộ KH&ĐT rà soát tổng thể các quy định tại Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn nhằm khắc phục ngay những bất cập, vướng mắc trên TTCK. Đồng thời, phối hợp với các Bộ, ngành báo cáo Chính phủ việc sửa đổi Nghị định số 65/2022/NĐ-CP để có sự điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện hiện nay cũng như khó khăn hiện tại của thị trường trái phiếu.

Bộ Tài chính tiếp tục đẩy mạnh công tác giám sát hoạt động giao dịch trên TTCK cơ sở, TTCK phái sinh, thị trường TPDN. Kịp thời chia sẻ cung cấp thông tin và báo cáo các cơ quan có thẩm quyền khẩn trương xử lý, ngăn chặn các hành vi thao túng, tăng cường kỷ luật trên thị trường. Kiểm tra, giám sát hoạt động cung cấp dịch vụ của các công ty chứng khoán; theo dõi sát diễn biến của TTCK trong nước và quốc tế để có cảnh báo sớm đối với nhà đầu tư về các rủi ro (nếu có) của TTCK.

Tăng cường thông tin đầy đủ, chính thống và kịp thời tới công chúng đầu tư, giúp các doanh nghiệp, nhà đầu tư an tâm tham gia huy động và đầu tư trên thị trường vốn, đồng thời, tăng cường sự tham gia của các định chế, nhà đầu tư chuyên nghiệp, ưu tiên phát triển nhà đầu tư dài hạn như các quỹ đầu tư, quỹ hưu trí tự nguyện, doanh nghiệp bảo hiểm...

Tăng cường thông tin đầy đủ, chính thống và kịp thời tới công chúng đầu tư, giúp các doanh nghiệp, nhà đầu tư an tâm tham gia huy động và đầu tư trên thị trường vốn

Bộ Tài chính sẽ phát triển thị trường trái phiếu đồng bộ theo hai phương thức phát hành trái phiếu ra công chúng và phát hành riêng lẻ. Đối với kênh phát hành ra công chúng, Bộ Tài chính sẽ cố gắng tạo các điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát hành. Đối với kênh phát hành riêng lẻ, Bộ Tài chính đã có các chỉ đạo về giải pháp bình ổn thị trường; yêu cầu các doanh nghiệp phải bố trí mọi nguồn lực để thanh toán gốc và lãi trái phiếu đến hạn theo đúng quy định của pháp luật, bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư. Đề nghị các doanh nghiệp trong trường hợp có khó khăn, vướng mắc về thanh toán thì phải làm việc, đàm phán với các nhà đầu tư để thống nhất phương án cơ cấu lại trái phiếu đó. Đồng thời, chỉ đạo các Sở GDCK chuẩn bị nền tảng giao dịch TPDN riêng lẻ nhằm phát triển thị trường thứ cấp minh bạch, an toàn, tăng cường khả năng quản lý, giám sát, giảm thiểu rủi ro.

Ngoài ra,tích cực phối hợp với các tổ chức quốc tế triển khai các giải pháp để sớm nâng hạng TTCK Việt Nam theo lộ trình đã đặt ra nhằm thu hút sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài tại thị trường Việt Nam./.

Thứ Hai, 06:30, 23/01/2023