Chỉ còn chưa đầy 10 ngày nữa Tổng thống đắc cử Joe Biden chính thức nhậm chức, nước Mỹ đang ở một ranh giới nguy hiểm với những lo ngại liệu có còn vòng xoáy bạo động nào nữa hay không và Tổng thống sắp mãn nhiệm Donald Trump có thể sẽ làm những gì.
Sau cuộc bạo động chết người ở Điện Capitol ngày 6/1, các thành viên đảng Dân chủ tại Hạ viện muốn luận tội và bãi nhiệm Tổng thống Trump. Một số thành viên đảng Cộng hòa (GOP) cũng cho rằng, Tổng thống Trump nên từ chức. Tuy nhiên, cả đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đều có những tính toán chính trị riêng, và bầu không khí bất ổn hiện nay đang đặt nước Mỹ trước một “ngã rẽ” nguy hiểm.
Các cuộc thăm dò dư luận sau cuộc bạo loạn tại Điện Capitol hôm 6/1 cho thấy, tỷ lệ người dân Mỹ muốn bãi nhiệm Tổng thống Donald Trump đang ở mức cao chưa từng thấy, cho dù chỉ còn vài ngày nữa nhiệm kỳ của ông cũng chính thức kết thúc.
Theo cuộc thăm dò của ABC News/Ipsos được công bố ngày 10/1, có tới 56% số người được hỏi cho rằng ông Trump nên bị bãi nhiệm, trong khi chỉ 43% tin rằng ông không nên bị bãi nhiệm.
Khi đảng Dân chủ bắt đầu cuộc điều tra luận tội ông Trump vào tháng 9/2019, tỷ lệ ủng hộ bãi nhiệm ông không cao tới vậy. Trước khi Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi chính thức tuyên bố điều tra luận tội vào thời điểm đó, chỉ có khoảng 40% người Mỹ muốn luận tội và bãi nhiệm ông Trump. Trong khi khoảng 50% số người được hỏi phản đối điều này.
Tỷ lệ ủng hộ luận tội và bãi nhiệm ông Trump hiện nay cũng cao hơn so với những người tiền nhiệm như Bill Clinton và Richard Nixon.
Năm 1998, tỷ lệ người Mỹ muốn Tổng thống Bill Clinton bị luận tội sau vụ bê bối tình cảm với thực tập sinh Nhà Trắng Monica Lewinsky chưa bao giờ vượt con số 40%.
Tương tự như vậy, năm 1974, tỷ lệ người Mỹ cho rằng Tổng thống Richard Nixon nên bị bãi nhiệm hoặc nên từ chức cũng chỉ ở mức 40% khi Hạ viện bỏ phiếu chính thức bắt đầu cuộc điều tra luận tội ông vào tháng 2/1974.
Việc ông Trump sắp rời nhiệm sở có thể khiến người Mỹ muốn lãng quên vấn đề luận tội. Dù vậy, tỷ lệ ủng hộ việc luận tội và bãi nhiệm ông Trump cao như hiện nay rõ ràng cho thấy người Mỹ đã rất thất vọng về ông sau cuộc bạo loạn ngày 6/1.
Năm 2019, ông Trump bị luận tội ở Hạ viện, nhưng lại được Thượng viện do đảng Cộng hòa chiếm đa số miễn tội vào tháng 2/2020. Giống như lần trước, lần này các thành viên đảng Cộng hòa cũng không ủng hộ việc bãi nhiệm ông Trump.
Trong cuộc thăm dò của ABC News/Ipsos, tỷ lệ của các thành viên đảng Cộng hòa ủng hộ luận tội và bãi nhiệm Tổng thống Trump chỉ ở mức 13%. Tỷ lệ trung bình của các cuộc thăm dò về vấn đề này kể từ ngày 6/1 cũng chỉ ở mức 15%. Khoảng 10-15% số thành viên đảng Cộng hòa ủng hộ việc luận tội và/hoặc bãi nhiệm ông Trump trong thủ tục luận tội cuối cùng.
Ông Biden sẽ trở thành tổng thống thứ 46 của nước Mỹ sau khi tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20/1 tới. Đó cũng là thời điểm ông Trump sẽ rời nhiệm sở. Khi đó, một phiên bỏ phiếu về bất kỳ điều khoản luận tội nào đối với ông Trump có thể vẫn chưa diễn ra. Trong khi đó, các học giả cũng có nhiều quan điểm khác biệt về việc có thể luận tội và bãi nhiệm một tổng thông không còn đương nhiệm hay không.
CNN dẫn một nguồn thạo tin cho cho biết, Phó Tổng thống Mike Pence không loại trừ khả năng dùng tới Tu chính án thứ 25 để luận tội và bãi nhiệm Tổng thống Trump.
Nếu việc luận tội được thúc đẩy, đảng Cộng hòa một lần nữa có thể phải đối mặt với “phép thử” công khai về lòng trung thành của mình. Có vẻ như sẽ rất ít người công khai bày tỏ quan điểm, chứ chưa nói đến việc cam kết hành động chống lại Tổng thống.
Các thành viên hàng đầu của đảng Cộng hòa có những quan điểm khác biệt nhau. Một số người cho rằng, các kế hoạch luận tội Tổng thống Trump một lần nữa và thậm chí cả việc khóa vĩnh viễn tài khoản Twitter của Tổng thống Trump là một “trò lừa đảo” chính trị.
Hạ nghị sỹ bang Texas Kevin Brady đã bác bỏ việc luận tội và bãi nhiệm Tổng thống theo Tu chính án thứ 25. Ông cho rằng, điều này không khác gì những lời lẽ kích động của Tổng thống Trump. Việc luận tội và bãi nhiệm tổng thống là hành động vô trách nhiệm và có thể sẽ kích động một vòng xoáy bạo động khác.
Cả Thượng nghị sỹ Hawley và Ted Cruz – những đồng minh quan trọng của ông Trump trong kế hoạch “lật kèo” bầu cử tại Quốc hội, đều đang tìm cách “né tránh” vấn đề này. Ban lãnh đạo đảng Cộng hòa chủ yếu im lặng, dù có lên án bạo lực nhưng lại không đưa ra tuyên bố rõ ràng về bất cứ hành động cụ thể nào.
Thượng nghị sỹ sắp nghỉ hưu Pat Toomey, một thành viên đảng Cộng hòa tại Pennsylvania và là người đã chỉ trích nỗ lực cản trở quá trình đếm phiếu đại cử tri đoàn, nói với Fox News ngày 9/1 rằng ông Trump đã “phạm phải những điều đáng bị luận tội”. Tuy nhiên, ông Toomey cũng “chùn bước” khi nói đến việc thúc đẩy tiến trình này.
“Về mặt logic điều này có thể không khả thi hay không thực tế và tôi không chắc việc tìm cách bãi nhiệm Tổng thống là điều đáng làm ở thời điểm này, khi chỉ còn vài ngày nữa là nhiệm kỳ của ông ấy sẽ thực sự kết thúc. Tôi không nghĩ đó là cách giải quyết phù hợp”, ông Toomey nói.
Tuy nhiên, một ngày sau đó, ông Toomey nói trong một chương trình của CNN rằng Tổng thống Trump nên từ chức và có thể phải đối mặt với “trách nhiệm hình sự” sau cuộc bạo động ở Capitol. Ông Toomey là Thượng nghị sĩ thứ 2 của đảng Cộng hòa kêu gọi Tổng thốngTrump từ chức.
Sự việc ở Điện Capitol hôm 6/1 rõ ràng đã khiến đảng Dân chủ giận dữ, muốn luận tội và bãi nhiệm Tổng thống Trump. Tuy nhiên, họ cũng có những yếu tố chính trị cần phải cân nhắc.
Tổng thống đắc cử Joe Biden đã tỏ ra không mấy hào hứng với việc luận tội Tổng thống Trump, vì một phiên xét xử ở Thượng viện sẽ thu hút mọi sự chú ý của dư luận khỏi những ngày đầu tiên ông nắm quyền, đồng thời đem lại cho GOP một “diễn đàn” để chỉ trích ông rằng những lời kêu gọi đoàn kết và cam kết xoa dịu sự chia rẽ đảng phái của ông chỉ là những lời “chót lưỡi đầu môi” khi vận động tranh cử.
“Tôi tập trung vào dịch Covid-19, vaccine và tăng trưởng kinh tế. Những gì Quốc hội quyết định làm là tùy thuộc vào chính họ”, ông Biden nói khi được hỏi về việc luận tội Tổng thống Trump hôm 8/1.
Dù vậy, mối lo ngại việc luận tội Tổng thống Trump ở thời điểm này sẽ có những tác động nhất định đến những ngày đầu nhiệm kỳ tổng thống của ông Biden đã được lãnh đạo đa số tại Hạ viện James Clyburn “trấn an” ngày 10/1.
Ông Clyburn nói rằng, các thành viên đảng Dân chủ tại Hạ viện có thể đợi cho đến sau 100 ngày đầu tiên trong nhiệm kỳ của ông Biden mới gửi bất kỳ điều khoản luận tội nào lên Thượng viện.
Trong khi đó, theo CNN, các trợ lý của ông Biden đang làm việc ở hậu trường để tìm ra cách ngăn cản việc luận tội diễn ra ngay sau khi ông Biden nhậm chức.
Theo các nguồn tin, Tổng thống đắc cử sẽ không “cản đường” Hạ viện thúc đẩy các điều khoản luận tội, nhưng các cố vấn của ông đang đề xuất các giải pháp khác để “trừng phạt” ông Trump mà không ảnh hưởng tới thời điểm bắt đầu nhiệm kỳ của ông. Việc trì hoãn gửi các điều khoản luận tội lên Thượng viện là một lựa chọn, và một lựa chọn khác là chỉ trích ông Trump - một động thái có thể thu hút nhiều sự ủng hộ của lưỡng đảng hơn là luận tội.
Bầu không khí ở Nhà Trắng cũng ảm đạm không kém. Tổng thống Trump đã mất đi sự ủng hộ của nhiều người trung thành trước đây trong chính quyền của ông sau cuộc bạo loạn tại Điện Capitol. Một loạt quan chức và trợ lý xung quanh ông từ chức. Các nhân viên còn lại đang đếm ngược những ngày cuối cùng trong nhiệm kỳ của ông.
Khi đảng Dân chủ muốn luận tội ông Trump, nhiều nhân viên Nhà Trắng tỏ ra khó chịu và xấu hổ. Những người này cho biết, họ đã phải đối mặt với những lời chỉ trích từ các đồng nghiệp, đồng thời lo lắng về danh tiếng và triển vọng công việc của bản thân.
Một số nhân viên Nhà Trắng đã cân nhắc từ chức trong vài ngày qua. Tuy nhiên, họ đã quyết định ở lại để giúp đảm bảo quá trình chuyển giao quyền lực suôn sẻ và, để bảo vệ [đất nước] trước các động thái hấp tấp của Tổng thống hoặc những quan chức thân cận còn lại của ông.
“Ông ấy đã để mất lòng tin của chúng tôi. Nhiều người trong chúng tôi cảm thấy bị phản bội. Tôi nghĩ rằng tất cả chúng tôi đều không muốn thực hiện các yêu cầu chính sách hay bất kỳ thay đổi nào vào phút chót”, một quan chức cấp cao cho biết.
Trong toàn bộ chính phủ Mỹ, các quan chức đang đếm ngược từng ngày cho đến khi nhiệm kỳ của Tổng thống Trump kết thúc vào ngày 20/1.
“Tất cả những gì tôi nghe được là Nhà Trắng đang khủng hoảng. Nhưng Tổng thống không lùi bước”, một cựu quan chức Nhà Trắng cho biết.
Trong một đoạn video hôm 7/1, ông Trump đã gọi cuộc tấn công vào Quốc hội là “ghê tởm” và cam kết chuyển giao quyền lực suôn sẻ cho chính quyền tiếp theo. Dù vậy cho tới nay, ông Trump vẫn chưa nhận thua trong cuộc bầu cử, từ bỏ các tuyên bố vô căn cứ về gian lận bầu cử hay đề cập đến tên Tổng thống đắc cử Joe Biden.
Ông Trump và những nhân vật thân cận đang gắng “bẻ hướng” sự chú ý khỏi cuộc bạo loạn ở Điện Capitol và thay vào đó tập trung vào các di sản chính sách của ông trong những ngày cuối cùng của nhiệm kỳ tổng thống.
Ông Trump lên kế hoạch tới thăm biên giới Mỹ-Mexico trong một chuyến đi đến Texas để quảng bá các chính sách nhập cư của mình, thăm một phần của bức tường biên giới mà ông đã xây dựng để ngăn người di cư bất hợp pháp tràn vào nước Mỹ. Ông cũng sẽ chủ trì các buổi lễ trao Huân chương Tự do tại Nhà Trắng.
Trong một động thái thúc đẩy chính sách cuối cùng, ông Trump và các đồng minh đang chống lại quyết định của Twitter khóa vĩnh viễn tài khoản cá nhân của ông vào ngày 8/1 vì tội kích động bạo lực.
Jason Miller, một cố vấn cấp cao trong chiến dịch tái tranh cử năm 2020 của ông Trump cho biết: “Nhiều khả năng chúng ta sẽ chứng kiến một số hành động bổ sung liên quan đến các công ty công nghệ lớn trong tương lai gần, cũng như những gợi nhớ đến các dấu ấn chính sách mà ông Trump đem lại trong nhiệm kỳ Tổng thống”.
Một số người trong Nhà Trắng cho rằng, những động thái nhằm làm nổi bật những thành tựu chính sách của Tổng thống Trump sẽ chẳng thể “cứu vãn” tình thế hiện nay.
“Chẳng có ai quan tâm. Mọi người đều cảm thấy chán nản và thành thật mà nói là chỉ muốn những ngày cuối cùng này trôi qua thật nhanh”, một quan chức đương nhiệm của Nhà Trắng cho biết.
Bầu không khí trong nội bộ chính quyền càng trở nên tồi tệ hơn bởi sự đổ vỡ trong mối quan hệ giữa Tổng thống Trump và Phó Tổng thống Mike Pence.
Ông Trump chỉ trích Phó Tổng thống Pence vì không tìm ra cách ngăn Quốc hội chứng nhận kết quả bầu cử - điều mà Phó Tổng thống không có quyền thực hiện. Ông Trump cũng không nói chuyện và hỏi thăm ông Pence sau vụ bạo động tại Quốc hội ngày 6/1. Khi đó Phó Tổng thống được sơ tán cùng với các nghị sỹ.
Sự im lặng giữa 2 người là cái kết bất ngờ sau 4 năm làm việc chung ăn ý tại Nhà Trắng. Ông Pence thường được coi chiến binh trung thành của ông Trump trong nhiều cuộc khủng hoảng.
Cuộc trò chuyện trở lại giữa Tổng thống Trump và Phó Tổng thống Pence tối 11/1 dường như cũng chỉ vì lý do công việc, để “cam kết tiếp tục công việc đại diện cho đất nước trong những ngày còn lại của nhiệm kỳ”./.