Trong 2 tháng qua, Ukraine tuyên bố đã giành lại phần lớn lãnh thổ ở thành phố Kharkiv thuộc Đông Bắc Ukraine. Kiev cũng cho biết đang trong quá trình giành lại thành phố Kherson quan trọng ở phía Nam.

Nếu vụ tấn công cầu Crimea thực sự là do Ukraine tiến hành thì điều đó cho thấy Kiev đã không còn e ngại về việc tiến hành chiến dịch quân sự nhằm vào các vùng lãnh thổ do Nga kiểm soát. Với hệ thống pháo phản lực HIMARS cùng các vũ khí hiện đại có tầm bắn xa hơn do phương Tây cung cấp, Ukraine tuyên bố đã tấn công vào nhiều vị trí của Nga phía sau phòng tuyến.

Bên cạnh đó, Ukraine cũng đã mở rộng chiến dịch tiến công sang lãnh thổ của Nga. Vào tháng 8 và tháng 9, Ukraine đã tấn công các cơ sở quân sự của Nga ở khu vực Belgorod ở ngay biên giới. Thậm chí, New York Times đưa tin ngày 5/10 rằng, tình báo Mỹ tin rằng vụ đánh bom ô tô khiến nhà báo Nga Darya Dugina thiệt mạng hồi tháng 8 là do một số thành phần trong chính phủ Ukraine chỉ đạo thực hiện.

Trước những diễn biến trên, Nga đã có những phản ứng đáp trả. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra lệnh động viên một phần hàng trăm nghìn lính dự bị, thúc đẩy sáp nhập 4 vùng lãnh thổ ở Ukraine bao gồm: Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng (DPR), Cộng hòa Nhân dân Lugansk tự xưng (LPR), Kherson và Zaporizhzhia.

Nguồn ảnh: Reuters

Moscow cũng bắt đầu tiến hành hàng loạt cuộc không kích tên lửa và UAV nhằm vào các cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine ở Kiev và các thành phố lớn, phá hủy 1/3 cơ sở hạ tầng năng lượng của nước này. Sự thay đổi trong chiến thuật của Nga khiến các quan chức Ukraine và phương Tây lo ngại giữa bối cảnh mùa đông sắp đến gần. Các nhà quan sát cũng cho rằng một mục tiêu khác của Nga khi tấn công vào các cơ sở hạ tầng này là làm giảm khả năng của Ukraine trong việc hỗ trợ quân đội ở tiền tuyến.

Nga cũng tuyên bố sẽ sử dụng mọi phương tiện sẵn có, bao gồm cả vũ khí hạt nhân để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ và người dân của mình.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ban đầu tuyên bố sẽ đẩy lùi quân đội Nga và thiết lập lại tình trạng lãnh thổ như trước tháng 2/2022 nhưng mục tiêu này đã thay đổi sau cuộc phản công hồi mùa hè. Trở lại hồi tháng 5, cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger từng nhận định, Ukraine nên từ bỏ lãnh thổ để đổi lấy hòa bình. Nhà quan sát John Marks, người sáng lập tổ chức Search for Common Ground cũng có nhận định tương tự:

"Bất chấp quyết tâm của Ukraine và sự hỗ trợ của các nước NATO, giao tranh tiếp diễn có thể khiến Ukraine không thể tồn tại như một quốc gia. Cách duy nhất là tiến hành một thỏa thuận hòa bình mà theo đó Ukraine sẽ duy trì được sự độc lập với tư cách là một quốc gia trong khi Nga sẽ đạt được một vài mục tiêu của mình. Nếu không thì cả hai bên sẽ không thể đạt được thỏa thuận".

Dù vậy, hiện nhà lãnh đạo Ukraine muốn tiến xa hơn và đẩy lùi tất cả lực lượng của Nga khỏi khu vực Donbass và Crimea. Mục tiêu tham vọng này được cho là sẽ khiến cuộc xung đột diễn biến phức tạp hơn và thỏa thuận hòa bình ngày càng xa vời.

Vào mùa xuân năm 2018, 4 năm trước khi chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine diễn ra, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có một bài phát biểu đáng chú ý về sức mạnh của quân đội Nga, trong đó có đoạn:

"Tôi muốn nói với những người đang cố gắng leo thang cuộc chạy đua vũ trang trong 15 năm qua nhằm đạt được các lợi thế đơn phương trước Nga và áp các lệnh trừng phạt lên chúng tôi rằng, những nỗ lực nhằm kiềm chế Nga đã thất bại".

Vào thời điểm đó, bài phát biểu này đã thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế chủ yếu vì những tiết lộ của Tổng thống Putin về các vũ khí siêu thanh mới được thiết kế để đối phó với hệ thống phòng không của Mỹ. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng bài phát biểu đó gửi đi một thông điệp sâu xa hơn bởi nó cho thấy sự tự tin và khả năng của Nga để đối phó với các địch thủ và có thể là theo đuổi các mục tiêu quốc gia mạnh mẽ hơn.

"Không ai muốn lắng nghe chúng tôi. Nhưng giờ thì họ sẽ phải lắng nghe", Tổng thống Putin tuyên bố.

Những cảnh báo của Tổng thống Putin đã khiến các nước châu Âu cũng như chính quyền Tổng thống Biden cảnh giác. Một số nhà quan sát cho rằng, việc Nga đặt cược vào sức mạnh quân sự không phải bắt đầu từ tháng 9/2022 hay khi tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine hồi cuối tháng 2 mà là từ năm 2018 trong bài phát biểu trên của Tổng thống Putin.

Trước khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine, Tổng thống Putin được cho là một người mạo hiểm thực tế. Từ chiến dịch quân sự của Nga ở Gruzia năm 2008 đến việc sáp nhập Crimea năm 2014, các lực lượng của Nga luôn mạnh hơn hẳn đối phương. Hay tại Syria vào đầu năm 2015, trong khi các lực lượng của Iran và Hezbollah tham chiến trên thực địa thì Nga chủ yếu chỉ cung cấp trang thiết bị, hỗ trợ trên không và trên biển. Tóm lại, cả 3 trường hợp trên đều là những tình huống rủi ro thấp nhưng lại đạt được kết quả cao với thương vong hạn chế. Vậy câu hỏi được các nhà quan sát đặt ra là tại sao Tổng thống Putin lại quyết định tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine, đưa 180.000 binh lính lên chiến trường và ra lệnh động viên một phần 300.000 lính dự bị?

Nguồn ảnh: Reuters

Câu trả lời chính là các lợi ích an ninh quốc gia - cánh cửa mở ra những mục tiêu địa chiến lược rộng hơn.

Moscow chỉ rõ an ninh quốc gia là động lực cơ bản đằng sau quyết định tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ngày 24/2 giữa bối cảnh Nga cho rằng Ukraine ngày càng trượt vào quỹ đạo của NATO mà minh chứng là sự hỗ trợ quân sự của phương Tây cũng như những tuyên bố công khai của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky về việc gia nhập NATO.

Tuy nhiên, theo một số nhà quan sát, Tổng thống Putin có lẽ đã đánh giá được một số yếu tố địa chính trị có thể mang đến cánh cửa hẹp để phá vỡ tình trạng bế tắc kéo dài suốt 7 năm qua ở phía Đông Ukraine. Theo đó, Mỹ đang phân cực về chính trị và người dân nước này không quan tâm quá nhiều đến cuộc xung đột ở Ukraine cũng như thận trọng với các cuộc chiến mới ở nước ngoài, đặc biệt sau khi Mỹ rút khỏi Afghanistan. Trong khi đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel sắp rời nhiệm sở, thế giới vẫn chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và châu Âu ngày càng phụ thuộc vào dầu mỏ và khí đốt Nga. Hơn nữa, các nhân tố khác như tình hình Trung Đông nói chung và Syria nói riêng cũng tạo điều kiện cho Nga chuyển hướng chiến lược để tập trung hơn vào Ukraine.

Phương Tây luôn "canh cánh" lo ngại Nga sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Ukraine trong bối cảnh căng thẳng giữa Moscow và phương Tây ngày càng leo thang.

Ngày 27/10, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã bày tỏ thái độ hoài nghi về tuyên bố của Tổng thống Nga Vladimir Putin rằng ông Putin không có ý định sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine. Trước đó, cùng ngày, Tổng thống Putin đã hạ thấp nguy cơ xung đột hạt nhân với phương Tây, khẳng định rằng Nga không đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân và chỉ phản ứng trước động thái "tống tiền" hạt nhân từ các nhà lãnh đạo phương Tây.

"Nếu ông ấy không có ý định, tại sao ông ấy lại liên tục nói về điều đó? Tại sao ông ấy lại nói về khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật?", Tổng thống Biden nhận định trong một cuộc trả lời phỏng vấn với NewsNation.

Theo nhà quan sát Samuel Charap - học giả khoa học chính trị cấp cao tại Tập đoàn RAND và nhà quan sát Miranda Priebe - học giả khoa học chính trị cấp cao, đồng thời là Giám đốc Trung tâm Phân tích Đại chiến lược của Mỹ tại Tập đoàn RAND, thay vì sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine, Nga sẽ thử hoặc sử dụng vũ khí hạt nhân ở một địa điểm cách xa chiến trường để phô trương sức mạnh và chứng tỏ việc Moscow sẵn sàng sử dụng chúng trong tương lai.

Ảnh minh họa: Getty

Dù vậy, ngay cả khi nguy cơ tấn công hạt nhân khó có năng xảy ra thì rủi ro xung đột trực tiếp giữa NATO và Nga vẫn rất cao và có thể khiến cuộc xung đột tiếp tục kéo dài. Theo đó, phương Tây cho rằng Nga có thể nỗ lực đảo chiều cuộc giao tranh bằng cách cố gắng ngăn chặn dòng chảy vũ khí từ phương Tây để Ukraine giảm khả năng chiến đầu.

Trên thực tế, cuộc đối đầu quân sự trực tiếp Nga - NATO không có lợi cho bất kỳ bên nào và cả hai bên hiểu rõ điều đó.

Cụ thể, mặc dù đe dọa tấn công các đoàn vận chuyển vũ khí từ phương Tây nhưng cho đến nay Nga vẫn chưa tấn công bất kỳ trung tâm hậu cần nào.

Trong khi đó, một số quan chức phương Tây rõ ràng cảm thấy không hài lòng trước những nỗ lực của Ukraine khi tấn công trực tiếp lên lãnh thổ Nga. Đó là lý do tại sao họ tiết lộ thông tin tình báo về sự liên quan của Ukraine trong nỗ lực ám sát nhà báo Dugin. Tuy phương Tây đang hỗ trợ Ukraine đáng kể về công nghệ và thông tin tình báo để hỗ trợ nhắm vào các mục tiêu của Nga nhưng các nước này vẫn cố gắng bám vào lằn ranh mong manh: Đó là gây tổn thất cho Nga nhưng không gây ra đối đầu quân sự trực tiếp. Phương Tây vẫn từ chối áp đặt vùng cấm bay ở Ukraine. Mỹ cũng chưa đáp ứng yêu cầu của Ukraine về việc cung cấp hệ thống vũ khí tầm xa ATACMS và máy bay chiến đấu.

Nguồn ảnh: Reuters

Xung đột kéo dài ở Ukraine sẽ tiếp tục tiêu tốn các nguồn lực quân sự và tài chính cũng như thời gian và công sức của các nhà hoạch định chính sách Mỹ, làm giảm khả năng của Washington trong cuộc cạnh tranh chiến lược dài hạn với Trung Quốc. Một cuộc xung đột kéo dài cũng sẽ làm "đóng băng" quan hệ Nga - Mỹ, làm giảm sự hợp tác giữa 2 cường quốc trong các vấn đề toàn cầu quan trọng, chẳng hạn như kiểm soát vũ khí.

Xung đột kéo dài ở Ukraine cũng làm gián đoạn nền kinh tế toàn cầu. Các đối tác thương mại và đồng minh quan trọng nhất của Mỹ ở châu Âu là những bên chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, chủ yếu do giá năng lượng tăng cao. Nga cũng chịu tác động nhất định từ các lệnh trừng phạt cứng rắn của phương Tây và chi phí chiến tranh. Dĩ nhiên, quốc gia chịu tổn thất lớn nhất chính là Ukraine. Thậm chí cả khi cuộc xung đột tiếp tục diễn ra ở cường độ thấp thì điều đó cũng sẽ làm gián đoạn nền kinh tế và giảm đầu tư vào Ukraine, khiến cho quá trình phục hồi trở nên khó khăn hơn./.

Kiều Anh/VOV.VN (Tổng hợp)

Thứ Tư, 06:16, 02/11/2022