Không chỉ đóng vai trò quan trọng trong nghiên cứu kiểm soát khí hậu và hệ sinh thái, lý do khiến nhiều nước “để mắt” tới Bắc Cực chính là các nguồn tài nguyên chưa khai thác tại khu vực này. Hiện tượng Trái Đất ấm dần lên đã khiến việc tiếp cận Bắc Cực trở nên dễ dàng hơn và phần lớn khu vực có thể khai thác được nằm trong vùng Bắc Cực thuộc Nga.
Để khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên tiềm năng này, Nga đã tìm đến các nhà đầu tư và công nghệ nước ngoài, cả từ phương Tây cũng như Trung Quốc. Tuy nhiên, xung đột Nga-Ukraine khiến tất cả những vấn đề kể trên bị đẩy vào tình trạng lấp lửng.
Ảnh hưởng có thể thấy rõ nhất là hoạt động của Hội đồng Bắc Cực.
Tuyên bố Ottawa thành lập Hội đồng Bắc Cực được ký kết vào năm 1996 giữa 8 quốc gia Bắc Cực gồm Canada, Mỹ, Nga, Đan Mạch, Phần Lan, Iceland, Na Uy và Thụy Điển. Tiếp theo đó là 1/4 thế kỷ hợp tác chặt chẽ giữa các quốc gia về các vấn đề phát triển bền vững và bảo vệ môi trường.
Sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine, mọi công việc của Hội đồng Bắc Cực đã bị tạm dừng theo thỏa thuận của 7 thành viên ngoại trừ Nga. Quyết định này được đưa ra trong thời gian Nga giữ chức Chủ tịch luân phiên (2021-2023).
Khi nào và dưới hình thức nào Hội đồng Bắc Cực có thể nối lại hoạt động vẫn chưa rõ. Liệu đây chỉ là sự tạm dừng hay 7 quốc gia Bắc Cực còn lại sẽ khởi động cơ chế hợp tác thường xuyên khác mà không có Nga? Kịch bản mà nhiều người dự đoán là Hội đồng Bắc Cực sẽ không thể tiếp tục hoạt động với tư cách là một diễn đàn hợp tác liên chính phủ như trước đây.
Hợp tác khoa học ở Bắc Cực cũng bị đình chỉ. Lâu nay, tiến bộ khoa học là một trong những dấu hiệu nổi bật nhất của sự hợp tác ở Bắc Cực, nhưng khía cạnh này hiện đang bị ảnh hưởng đáng kể. Các nhà khoa học của chính phủ Nga và các nhà nghiên cứu thuộc các trường đại học của Nga đã bị cắt đứt khỏi gần như tất cả các hoạt động hợp tác khoa học ở Bắc Cực với phương Tây.
Việc khai thác tài nguyên thiên nhiên ở Bắc Cực - đặc biệt là các dự án ở vùng Bắc Cực thuộc Nga cũng không ngoại lệ. Các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Moscow và làn sóng các nhà đầu tư nước ngoài rút khỏi vùng Bắc Cực của Nga đã gây sức ép lên nền kinh tế Nga. Những thách thức này đã khiến Nga thúc đẩy liên minh kinh tế, chiến lược với Trung Quốc và các quốc gia khác.
Kể từ năm 2014, Nga đã xây dựng ít nhất 475 cơ sở quân sự dọc biên giới phía Bắc và bắt đầu tích cực phát triển cảng Severomorsk ở Biển Barents phía trên Vòng Bắc Cực (căn cứ chính của Hạm đội phương Bắc) và cảng Vladivostok.
NATO cho rằng, Nga đã mở lại 50 căn cứ quân sự bị bỏ hoang từ Chiến tranh Lạnh, bao gồm 13 căn cứ không quân và 10 trạm radar. Nga cũng thử nghiệm tên lửa hành trình siêu thanh và phương tiện không người lái dưới nước chạy bằng năng lượng hạt nhân ở Bắc Cực. Hạm đội phương Bắc của Nga, bao gồm tàu ngầm hạt nhân, tàu chiến, tàu đổ bộ, tàu phá băng và tàu hỗ trợ, đã được tăng cường đáng kể trong thập kỷ qua và Nga trở thành cường quốc hàng đầu ở phía Bắc.
Nga đã mở lại 50 căn cứ quân sự bị bỏ hoang từ Chiến tranh Lạnh, bao gồm 13 căn cứ không quân và 10 trạm radar (Ảnh Rosoboronexport)
Việc Nga xây dựng lực lượng quân sự ở Bắc Cực trước và cả trong giai đoạn tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine đã khiến NATO và các quốc gia Bắc Cực khác phải tìm cách cải thiện khả năng quân sự của họ ở khu vực này.
Kể từ sau khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát, các nước NATO đã tiến hành tập trận quân sự ở Bắc Cực, điều chưa từng thấy kể từ Chiến tranh Lạnh. Gần đây cả Canada và Na Uy gần đây đã bắt đầu tái vũ trang và tiến hành các cuộc tập trận quân sự thường xuyên hơn trong khu vực. Mỹ cũng đã bắt đầu dành nhiều ưu tiên chiến lược hơn cho Bắc Cực.
Trong lịch sử gần đây, NATO không quá quan tâm đến việc bảo vệ khu vực Bắc Cực vì quân đội Mỹ chủ yếu tham gia vào xung đột ở Trung Đông. Điều này đang thay đổi do đầu tư quân sự gần đây của Nga trong khu vực, và đặc biệt là khi tình hình địa chính trị thay đổi do hậu quả của xung đột Nga-Ukraine.
NATO nhận thức rõ Bắc Cực có tầm quan trọng chiến lược với liên minh quân sự này, là “mắt xích liên kết quan trọng nhất giữa Bắc Mỹ và châu Âu”. Tổng thư ký Jens Stoltenberg cho biết, NATO đã và đang đầu tư vào các máy bay trinh sát biển “để có được bức tranh rõ hơn” về những gì đang diễn ra tại Bắc Cực.
Phần Lan và Thụy Điển chính thức gia nhập NATO, 7 trong số 8 thành viên của Hội đồng Bắc Cực đều sẽ là thành viên của NATO (Ảnh US Military)
Theo ông Stoltenberg, việc Nga đã gia tăng các hoạt động tại Bắc Cực trong khi Trung Quốc - một quốc gia “xa xôi” cũng ngày càng quan tâm tới Bắc Cực là lý do khiến “NATO phải tăng cường sự hiện diện tại Bắc Cực”.
Mặt khác, theo ông Stoltenberg, một khi Phần Lan và Thụy Điển chính thức gia nhập NATO, 7 trong số 8 thành viên của Hội đồng Bắc Cực đều sẽ là thành viên của liên minh quân sự. Hai quốc gia Bắc Âu này nộp đơn xin gia nhập NATO hồi tháng 5 vừa qua.
Theo ông, tư cách thành viên của Phần Lan và Thụy Điển “sẽ giúp củng cố đáng kể” vị thế của NATO tại Bắc Cực. Khi Helsinki và Stockholm trở thành thành viên chính thức, Moscow sẽ phải ngồi vào “bàn thảo luận về Bắc Cực” trong tương lai với 7 quốc gia còn lại đều là thành viên NATO.
Sự phức tạp và bất ổn đang bao trùm Bắc Cực. Xung đột Nga-Ukraine khiến cho hợp tác giữa Nga với các quốc gia khác trong khu vực trong ngắn hạn là bất khả thi. 7 trong số các quốc gia Bắc Cực hiện nay đều là những nước ủng hộ Ukraine.
Tuy nhiên, có một thực tế không thể phủ nhận: Nếu không có Nga, sẽ rất khó kiểm soát vùng Bắc Cực, vì Moscow sở hữu 60% đường bờ biển và một nửa dân số trong khu vực. Việc tiếp cận khu vực Bắc Cực thuộc Nga để quan sát và tìm hiểu hệ thống tự nhiên của Bắc Cực là điều cần thiết để có được góc nhìn toàn cảnh về biến đổi khí hậu.
Trong khi Bắc Cực và Nam Cực vẫn là những nơi yên bình nhất trên Trái Đất, thế giới đang chứng kiến sự đảo ngược trong hợp tác và lòng tin ở các vùng cực của hành tinh. Thách thức hiện nay là các bên cần có các chiến lược thực tế và hiệu quả để thỏa thuận với Nga với tư cách là một quốc gia Bắc Cực./.