Tròn 10 năm làm việc tại Trạm xá Quân dân y kết hợp Thoọng Pẹ do Bộ đội Biên phòng Việt Nam và tỉnh Hà Tĩnh phối hợp xây dựng trên đất Lào, Trung tá - bác sĩ Nguyễn Việt Đức được người dân bản địa gọi với cái tên thân thương “Bố Đức”. Ngày đêm bám trạm, bám bản, thực hiện sứ mệnh của một lương y, bác sĩ Nguyễn Việt Đức được người dân Lào kính trọng, tin yêu.

Trạm xá Quân dân y kết hợp Thoọng Pẹ, huyện Khăm Cợt, tỉnh Bô Ly Khăm Xay, Lào nằm trên ngọn đồi cao hút gió, nhìn xuống là thung lũng - nơi người dân sinh sống quần tụ thành bản làng. Trạm xá có 10 giường bệnh, gần như quanh năm đều có bệnh nhân đến điều trị nội trú. Ông Sỉ Phông Xay Xụ Thị ở bản Na Pè, huyện Khăm Cợt bị tiểu đường, huyết áp cao, đến trạm xá thăm khám sức khỏe định kỳ nhiều đến mức thân thuộc như ở nhà. Năm ngoái, ông bị tai biến, liệt nửa người, được bác sĩ Đức điều trị gần 2 tháng, ông Sỉ Phông đã đi lại và sinh hoạt bình thường.

“Hoàn cảnh khó khăn, bác sĩ còn giảm viện phí cho. Ở đây chúng tôi có 9 bản, nhân dân đều đến khám ở trạm xá này. Nếu được hỏi - có muốn bác sĩ Việt Nam về nước hay không thì có lẽ tất cả chúng tôi đều đồng lòng nói rằng: không, chỉ muốn bác sĩ ở đây để chữa bệnh cho dân bản”.

Nhân dân tin tưởng vào chuyên môn của bác sĩ nên nhiều người ở địa bàn xa xôi như Viêng Chăn, Thà Khẹt... nghe tiếng lành về quân y biên phòng Việt Nam cũng tìm đến để được thăm khám, chữa bệnh. Kỷ lục có vợ chồng bệnh nhân vượt 170 km đường rừng mất 10 tiếng đồng hồ. Họ mang theo gạo, thực phẩm đến trạm xá cùng bộ đội, chuẩn bị cho những ngày dài điều trị sắp tới. 

“Trạm xá Thoọng Pẹ thực sự đã trở thành ngôi nhà chung bà con dân bản lúc nào không hay. Còn bác sĩ Nguyễn Việt Đức được người dân bản địa gọi với cái tên thân thương “Bố Đức”” - chia sẻ của ông U Đáy, Trưởng bản Thoọng Pẹ.

Vùng đất Khăm Cợt nằm ở phía Tây dãy Trường Sơn của nước bạn Lào, tiếp giáp với huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Nơi đây từng là những bản làng tiều tụy, nghèo xơ xác vì ma túy, nhân dân thiếu kiến thức chăm sóc sức khỏe, trong khi mạng lưới y tế cơ sở rất mỏng. Cả 9 bản biên giới tương đương với 9 xã ở Việt Nam mới có 1 trạm y tế. Đã có không ít trường hợp tử vong do không được chăm sóc sức khỏe kịp thời.

Năm 2007, Bộ đội Biên phòng Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Hà Tĩnh xây tặng nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào trạm xá Quân dân y kết hợp đặt tại bản Thoọng Pẹ, huyện Khăm Cợt, tỉnh Bô Ly Khăm Xay. Bác sĩ Nguyễn Việt Đức phụ trách trạm từ năm 2013 đến nay.

Ngày sang Lào nhận nhiệm vụ, bác sĩ Đức đã hình dung trọng trách đặt trên vai anh không dễ dàng; suốt quãng đường 14 km từ cửa khẩu đi sâu vào nội địa không thấy một mái nhà dân mà chỉ thấy bóng rừng cao hun hút, cơn gió nóng quất vào mặt ràn rạt. Đã quen với cuộc sống ở thành phố, thời gian đầu, anh phải tập thích nghi khi làm nhiệm vụ ở địa bàn xa xôi, cơ sở khám chữa bệnh còn nghèo nàn.

Rào cản với bác sĩ Đức là không thông thạo tiếng bản địa. Để khắc phục, anh nghĩ cách kết thân với một số người Lào gốc Việt. Mỗi lần khám bệnh, anh gọi điện, mở loa ngoài nhờ bạn mình phiên dịch. Sau khoảng 6 tháng vừa làm, vừa học tiếng Lào, khi đã hiểu được những câu, từ cơ bản phục vụ việc khám, chữa bệnh, bác sĩ Đức không còn cần đến sự trợ giúp của “phiên dịch viên” đặc biệt và chiếc điện thoại làm cầu nối nữa.

Khác biệt về ngôn ngữ chưa phải là rào cản duy nhất. Ngày đó, đồng bào các dân tộc Lào khu vực biên giới còn sống chung với những hủ tục lạc hậu, mê tín. Các gia đình thường tổ chức cúng bái, xin “con ma rừng” tha cho khỏi bệnh. Vì những hủ tục tối tăm này mà không ít người bị chết oan uổng. Thương dân, bác sĩ Đức thường xuyên trực tiếp xuống từng nhà trong bản trò chuyện, thăm khám và cấp thuốc miễn phí.

Ròng rã như vậy, đến nay, trong đầu anh có hàng trăm hồ sơ bệnh án. Anh biết từng gia đình bệnh nhân ở bản nào. Mỗi khi gặp họ anh lại hỏi thăm tình hình sức khoẻ ra sao, ăn uống cần kiêng cữ gì, điều trị như thế nào?  

Có lần, một bệnh nhân rất trẻ lên cơn co giật được đưa đến trạm xá. Qua thăm khám, bác sĩ chẩn đoán người này có biểu hiện hạ canxi máu. Còn gia đình thì quả quyết do “ma nhập”, phải uống nước tiểu để đuổi tà ma ra khỏi cơ thể bệnh nhân. Bằng sự thân tình, bác sĩ Đức nhẹ nhàng giải thích, thuyết phục người nhà để các bác sĩ điều trị. Kết quả, bệnh nhân nhanh chóng hết các triệu chứng sau một thời gian ngắn.

Nhiều ca cấp cứu được thực hiện kịp thời, nhiều bệnh nan y được phát hiện để chuyển lên tuyến trên điều trị­­­­­­, dần dần người dân tự tìm đến bác sĩ Đức khi có bệnh, tin vào y thuật của anh để rồi tự bước qua những hủ tục, tập quán lạc hậu.

Chưa kể hết câu chuyện, nghe tin trong bản có người ốm nặng, bác sĩ Đức lại mang theo chiếc túi quân dụng đựng sẵn đồ nghề, tức tốc lên đường, khi trở về lưng áo đã ướt sũng: “Làm công việc này lúc nào cũng trong tư thế sẵn sàng. Nhiều hôm nửa đêm, vừa chợp mắt thiu thiu ngủ, nhận cuộc gọi khẩn cấp, chúng tôi lại bật dậy xử lý tình huống ngay”.

Từ đầu năm đến nay, Trạm xá Thoọng Pẹ đã khám chữa bệnh cho hơn 3.600 lượt người; trong đó khám và cáp phát thuốc miễn phí cho gần 1800 lượt người - với số tiền tương ứng 70 triệu đồng; cấp cứu cho hơn 100 lượt người; chuyển viện tuyến trên 9 người.

Không chỉ chữa bệnh cho người dân, Trạm xá quân dân y kết hợp Thoọng Pẹ cũng là địa chỉ tin cậy của những chiến sĩ biên phòng Đại đội 253 của huyện Khăm Cợt, tỉnh Bô Ly Khăm Xay.

Là người nhiều lần được bác sĩ Nguyễn Việt Đức điều trị, Thiếu tá Khăm Pạ Sợt Luổng Lạt Pằn Đít, Chính trị viên phó, Đại đội 253 chia sẻ: “Sau khi bác sĩ Đức sang làm việc tại trạm xá đã tạo điều kiện thuận lợi trong việc khám, chữa bệnh. Bác sĩ là người tốt bụng, hỗ trợ bộ đội và người dân rất nhiều. Ngoài ra, bác sĩ Đức còn phối hợp trong việc tuần tra biên giới, vừa là người phiên dịch cho lực lượng bộ đội hai bên. Có bác sĩ Việt Nam sang làm việc tại đây, chúng tôi cảm thấy rất yên tâm. Bác sĩ Đức là một trong những tấm gương đối với chúng tôi trong việc giữ gìn và vun đắp mối quan hệ 2 nước Việt Nam - Lào; Lào - Việt Nam ngày thêm gắn bó, bền chặt”.

Ngoài việc thăm khám sức khỏe cho nhân dân, bác sĩ Đức cùng đồng nghiệp thường xuyên phối hợp cùng cán bộ y tế địa phương tuyên truyền, hướng dẫn người dân phòng tránh các bệnh thông thường, giữ vệ sinh môi trường; vận động xây dựng khu vệ sinh, chuồng trại chăn nuôi bảo đảm khoa học, không trồng cây thuốc phiện và hút thuốc phiện... 

10 năm sang Lào “cắm bản”, tậm tâm vì công tác chăm sóc sức khỏe cho người nghèo nơi biên giới cũng là chừng ấy năm bác sĩ Nguyễn Việt Đức xa gia đình. Anh nhận công tác khi 2 con còn nhỏ, lại rất ít khi có điều kiện về thăm nhà, mọi công việc nuôi dạy con, đối nội, đối ngoại đều dồn lên đôi vai người vợ hiền. Chị Đậu Thị Kim Quyên, giảng viên trường Đại học Hà Tĩnh, vợ bác sĩ Nguyễn Việt Đức chia sẻ, hiểu được nhiệm vụ của chồng và thấy được tình yêu, nhiệt huyết của anh với công việc nên chị luôn cố gắng gánh vác thay anh nuôi dạy con, chăm sóc cha mẹ già. Nỗi nhớ và niềm thương của anh chị chỉ được thể hiện mỗi tối qua các cuộc gọi điện thoại bằng hình ảnh, cả gia đình lại cùng vui cười, chia sẻ với nhau những khó khăn trong công việc và cuộc sống.

Mỗi dịp lễ Tết, không có chồng ở bên, chị Quyên cũng có chút chạnh lòng, nhưng chị luôn khắc phục khó khăn để chồng yên tâm làm nhiệm vụ.

“Những dịp lễ, Tết cũng mong muốn đoàn viên. Thế nhưng vì tính chất công việc của anh nên cũng phải gác lại niềm riêng. Ở nhà, gia đình cũng được anh em, đồng đội của anh Đức chia sẻ, giúp đỡ nên cũng được an ủi phần nào. Chỉ mong sao anh yên tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ, mọi công việc ở nhà đều đã có vợ và đồng đội lo chu toàn”.Chị Đậu Thị Kim Quyên chia sẻ thêm.

Gác lại niềm riêng mỗi dịp Tết đến, Xuân về, Bác sĩ Nguyễn Việt Đức tiếp tục có những đóng góp thầm lặng mà quý giá, làm đẹp thêm hình ảnh người chiến sĩ áo trắng trên mặt trận chăm sóc sức khỏe nhân dân, chẳng phân biệt người Việt Nam, hay người Lào. 10 năm gắn bó với Thoọng Pẹ cũng là chừng ấy thời gian mang đến cho bác sĩ Nguyễn Việt Đức bao kỷ niệm vui, buồn, như những sợi dây thắt chặt tình người, đó cũng là những thử thách, là sự động viên người bác sĩ quân y vượt khó, phát huy trách nhiệm trong nhiệm vụ “cứu người”.

Thứ Năm, 06:00, 28/12/2023