Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định điều này khi trao đổi với báo chí nhân dịp Tết Nguyên đán năm 2024, về những dấu ấn đổi mới và kết quả hoạt động của Quốc hội thời gian qua, nhất là hàng loạt quyết sách “lần đầu tiên” trong năm 2023.

Quốc hội trong năm qua tiếp tục tinh thần lập pháp chủ động, kiến tạo phát triển và tầm nhìn dài hạn. Năm 2023, Quốc hội thông qua và cho ý kiến với 46 dự án luật và nghị quyết, trong đó thông qua 15 dự án luật, 12 nghị quyết và cho ý kiến 19 dự án luật khác. Tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5 đầu năm 2024, Quốc hội cũng đã thông qua 2 dự án luật rất quan trọng là Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Đây là số lượng kỷ lục về dự án luật trong 2 kỳ họp thường xuyên và 1 kỳ họp bất thường từ trước đến nay, nhất là ưu tiên các đạo luật ở các lĩnh vực trọng điểm có ý nghĩa then chốt, có tính khả thi cao, tạo sự bứt phá về phát triển kinh tế-xã hội, giải quyết, tháo gỡ các khó khăn ngay trước mắt, tạo điều kiện cho đất nước phát triển bền vững, hội nhập quốc tế sâu rộng.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, lần đầu tiên, Đảng đoàn Quốc hội ngay đầu khóa đã chủ động trình Bộ Chính trị ban hành Kết luận về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh cả nhiệm kỳ. Trên cơ sở đó Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Kế hoạch 81 triển khai thực hiện, trong đó xác định rõ làm cái gì, ai làm, làm khi nào nên có sự chủ động nghiên cứu từ sớm, từ xa; khắc phục được tình trạng cái cần thì chưa có mà cái có chưa chắc cần thiết lắm, hoặc tình trạng “bắc nước chờ gạo người” hay thiếu tính định hướng dài hạn.

Quá trình thực hiện, căn cứ thực tiễn, có việc được bổ sung, có nội dung được rút khỏi chương trình nhưng về bao quát đã có kế hoạch. Đây là kinh nghiệm rất quý được đúc kết từ các khóa và có lẽ sẽ tiếp tục được áp dụng cả cho khoá sau. Chính vì vậy, dù mới là năm giữa nhiệm kỳ nhưng tính đến hêt Kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã hoàn thành 114/137 nhiệm vụ, đạt 83,21% theo Kế hoạch 81.

Thực hiện yêu cầu “gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật với thực hiện pháp luật, bảo đảm pháp luật được thực hiện công bằng, nghiêm minh, nhất quán, kịp thời, hiệu lực, hiệu quả”, lần đầu tiên Quốc hội tổ chức hội nghị triển khai các luật và nghị quyết do Quốc hội ban hành từ đầu khóa đến hết kỳ họp thứ 5. Từ sau Kỳ họp thứ 6, việc quán triệt này được thực hiện thường niên vì “khi trở thành nền nếp thì mới thúc được”, góp phần khắc phục tình trạng khâu còn yếu là thực hiện.

Cũng theo Chủ tịch Quốc hội, một trong những điểm nhấn nữa trong năm qua là việc tổng ra soát hệ thống pháp luật. Việc chồng chéo, mâu thuẫn, bất cập trong một số quy định là có thật, song mức độ đến đâu và như thế nào thì phải tường minh, không phải cái gì không làm được, không dám làm cũng đổ cho pháp luật. Qua Nghị quyết số 101/2023/QH15, Quốc hội giao Chính phủ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật (từ luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, UBTVQH, nghị định, thông tư…), tập trung vào 22 lĩnh vực trọng tâm và các lĩnh vực khác có nhiều vướng mắc được các địa phương, người dân, doanh nghiệp kiến nghị.

Kết quả báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 cho thấy các văn bản quy phạm pháp luật được rà soát cơ bản đều phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, quy định của Hiến pháp, tương thích với điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Quan trọng hơn, những điểm vướng mắc, bất cập được phát hiện đều có trong chương trình công tác của nhiệm kỳ để xử lý, như trong Luật Đấu giá tài sản, Luật Nhà ở, Luật Đất đai…; các văn bản dưới luật được yêu cầu khắc phục ngay.

“Việt Nam là một nước đang phát triển, nhu cầu phải sửa đổi bổ sung hệ thống pháp luật để đáp ứng thực tiễn là điều hết sức bình thường. Nhưng không thể chồng chéo, mâu thuẫn, sơ hở pháp luật đến mức khiến cho cán bộ không làm được”- ông Vương Đình Huệ nhấn mạnh và cho biết năm 2024 sẽ tổng rà soát về thủ tục hành chính để xem “giấy phép con” thế nào, mức độ ra sao.

“Hoàn thiện hệ thống pháp luật, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Đây chính là những quyết sách thể hiện việc lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm”, theo Chủ tịch Quốc hội.

Công tác giám sát vẫn xuyên suốt đúng như tinh thần Tổng Bí thư giao nhiệm vụ từ phiên khai mạc kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XV rằng lấy đổi mới công tác giám sát làm khâu trọng tâm, then chốt để đổi mới hoạt động của Quốc hội.

Quan tâm đầu tiên đến việc hoàn thiện thể chế cho giám sát, Quốc hội đã dành rất nhiều tâm huyết, tâm sức để quyết tâm sửa sớm Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND sát với thực tế, khả thi, thực chất hơn, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả. Ủy ban Thường vụ Quốc hội có nghị quyết hướng dẫn công tác giám sát của HĐND và được đánh giá như là một cẩm nang, giải tỏa được nhiều vướng mắc ở địa phương.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội hiện xây dựng nghị quyết hướng dẫn việc thực hiện các phiên giải trình tại HĐDT và các cơ quan của Quốc hội. “Tăng cường giải trình thì mới linh hoạt, mới sát với thực tiễn cuộc sống, nhất là những vấn đề nổi cộm, nhưng hiện chưa có hướng dẫn nào, nhiều cuộc giải trình xong không có kết luận, không có nghị quyết thì tính hiệu lực không có. Thế nên lần này Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết tâm ban hành, tạo ra sức mạnh cho HĐDT và các cơ quan của Quốc hội” – ông Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đang tập trung phối hợp để sửa đổi nghị quyết về tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND cho thực chất hơn, sâu sát, sát hơn với yêu cầu cuộc sống.

Cơ quan dân cử là của dân, đại diện cho dân nên tinh thần đặt chữ Dân là yếu tố then chốt, cốt lõi. Quốc hội khóa XV tạo đột phá khi đưa công tác dân nguyện xem xét hằng tháng. Năm 2023, lần đầu tiên Quốc hộ thảo luận tại hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri. Tinh thần này ở địa phương cũng tạo ra một làn gió mới. Có như vậy người dân mới đặt niềm tin vào cơ quan dân cử.

“Cũng có báo hỏi rằng, lúc tuyên thệ nhậm chức, Chủ tịch Quốc hội nói rằng mọi quyết sách phải đặt người dân, doanh nghiệp làm trung tâm thì đến nay Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội có làm thế không? Tôi xin báo cáo rằng, tất cả những điều đã nói ở trên đều hướng về người dân, doanh nghiệp” – ông Vương Đình Huệ bày tỏ.

Rồi các hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn ngày càng có những tìm tòi, đổi mới. Phiên chất vấn và trả lời chất tại Kỳ họp thứ 6 được đánh giá là “đổi mới”, “đặc biệt”, thậm chí “chưa có tiền lệ” khi xét về phạm vi chất vấn, cách thức tiến hành, với tính chất nhìn lại hơn nửa nhiệm kỳ.

Đối với giám sát chuyên đề vẫn là một điểm sáng, rõ hơn quan điểm giám sát cũng phải kiến tạo phát triển, chú trọng giám sát những gì đang diễn ra chứ không phải “hậu kiểm”. Ngay trong quá trình giám sát đã tạo chuyển biến và kết thúc giám sát còn đẩy mạnh hơn, ví dụ như Quốc hội đã thông qua một số cơ chế, chính sách đặc thù đẩy nhanh tiến độ 3 Chương trình mục tiêu quốc gia.

“Với tinh thần trên, năm 2024, Quốc hội giám sát tối cao về bất động sản, nhà ở xã hội. Thị trường đóng băng như thế thì mới phải giám sát chứ, còn khi nó đang vận hành bình thường thì chả cần phải làm thế. Tinh thần là giám sát để kiến tạo phát triển. Như dân gian vẫn thường nói, giám là phải sát, sát là phải giám” – Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Việc Quốc hội vừa qua cho phép số vốn ngân sách nhà nước năm 2022 (bao gồm cả vốn năm 2021 được chuyển nguồn sang năm 2022) chưa thực hiện giải ngân hết trong năm 2023 được kéo dài thực hiện sang năm 2024 để tiếp tục thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia cũng là chưa có tiền lệ.

Lý giải điều này, ông cho rằng một mặt siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, không phải việc đã rồi nên đành phải theo, mà cảm thấy việc cho kéo dài để phân bổ sẽ tốt hơn nhiều việc hủy dự toán rồi tìm nguồn khác để bố trí, có khi còn ách tắc nhiều hơn nữa. Tương tự như vậy, với 4 dự án quan trọng quốc gia, nếu nói cứng nhắc hủy dự toán, bố trí vốn khác thì cũng được song dự toán có khi mất một vài năm, rồi xác định nguồn đầu tư thì tiền đâu… 

Quốc hội vừa qua quyết nghị từ ngày 1/7/2024, thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương. Nhấn mạnh ý nghĩa của quyết sách này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, nguyên tắc người dân phải tham gia thì sự nghiệp đổi mới mới thành công và người dân không được thụ hưởng thành quả của sự nghiệp đổi mới thì ý nghĩa của đổi mới cũng giảm đi, chưa kể sau đại dịch sức khỏe của người dân, doanh nghiêp bị bào mòn. Chi cho con người cũng là chi cho đầu tư phát triển.

“Khi mình nói có nguồn 560.000 tỷ đồng chuẩn bị cho cải cách tiền lương từ 2024 đến 2026 thì nhiều nước cũng rất ngạc nhiên. Người ta nói rằng tưởng Việt Nam có được đồng nào mang đi làm đường cao tốc hết rồi. Nhưng không phải, việc nào ra việc đấy. Tăng thu ngân sách Trung ương phải dành 40% để cải cách tiền lương, còn tăng thu ngân sách địa phương cứ 50-50, phải để ra một nửa cho cải cách tiền lương. Nghị quyết Trung ương ghi thẳng thế, không cựa quậy được, kiên trì như thế mới có nguồn để làm” – Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết thêm.

Hay ngay khi Kỳ họp thứ 6 đang diễn ra, Quốc hội quyết định điều chỉnh và bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 hai dự thảo nghị quyết để xem xét theo quy trình tại một kỳ họp và Quốc hội làm việc thêm nửa ngày. Trong đó, nhằm “khoan thư sức dân”, trên cơ sở Chính phủ trình, Quốc hội quyết định việc tiếp tục thực hiện giảm thuế giá trị gia tăng để kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.

“Quốc hội bây giờ theo tinh thần cái gì cần cho quốc kế dân sinh, cấp bách thì chung tay tháo gỡ, trên cơ sở tờ trình của Chính phủ hoặc chủ động bàn với Chính phủ để đưa ra quyết sách cho kịp thời. Vừa rồi các địa phương, bộ ngành dùng từ nhà Phật là “hoan hỉ” khi Quốc hội vừa rồi giải quyết việc rất đúng và trúng” – Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói.

Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, bên cạnh tập trung tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt trước mắt thì phải luôn nhìn vấn đề căn cơ, lâu dài. Xây dựng thể chế, chính sách phải tuân theo chủ trương, nghị quyết của Đảng. Vấn đề cấp bách, đã chín, đã đủ rõ và nhận được sự đồng thuận cao thì luật hoá để tổ chức thực hiện; cái gì cấp bách mà chưa đủ chín, chưa đủ rõ và chưa đồng thuận thì tiếp tục nghiên cứu. Cái nào được cơ quan có thẩm quyền cho phép thì làm thí điểm nhưng có phạm vi, địa chỉ, thời gian cụ thể.

Thành tựu đạt được là không nhỏ, song khó khăn, thách thức phía trước vẫn còn nhiều. Tuy nhiên, theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, cơ hội luôn có, nhất là với nền tảng đã tạo lập trong những năm qua và đôi khi phải biến “nguy” thành “cơ”, rồi “hết mưa trời lại sáng thôi!”


Chủ Nhật, 07:00, 11/02/2024