-Hành trình của ĐT Việt Nam trong lần đầu tiên lọt vào vòng loại cuối cùng của World Cup đã kết thúc. Nhìn lại chặng đường vừa qua, anh thấy ĐT Việt Nam và bóng đá Việt Nam đã được gì, mất gì? Đâu là điểm mà lẽ ra chúng ta có thể làm tốt hơn?
PV Trần Tiến: Đây là lần đầu tiên ĐT Việt Nam được tham dự một sân chơi lớn như vậy. Tất nhiên không tránh khỏi sai sót, thiếu kinh nghiệm. Nhưng theo mình thì ĐT Việt Nam được nhiều hơn là mất.
Chúng ta được cọ xát với những đội hàng đầu châu lục. Nếu không có giải đấu này, hầu như chẳng bao giờ được gặp những đối thủ như vậy. Ví dụ như Nhật Bản, Saudi Arabia, Australia chẳng hạn. Nếu không tham dự giải đấu này, thì có mời họ đá giao hữu chắc gì họ đã nhận lời. Và họ cử đội hình B, đội hình C sang thì mình vẫn phải chấp nhận. Còn ở giải này họ tung ra đội hình mạnh nhất, đây là cơ hội hiếm có. Những trận đấu ở giải này rất bổ ích cho các cầu thủ.
Theo quan điểm cá nhân, mình hơi tiếc vì các cầu thủ trẻ ít được sử dụng tại giải lần này. Ví dụ có những trận đấu khi biết chắc không thể lật ngược tình thế thì sao chúng ta không mạnh dạn trao cơ hội cho các cầu thủ trẻ. Đây là cơ hội khó kiếm, nên nếu có nhiều cầu thủ trẻ được trải nghiệm thì rất tốt.
BLV Thành Lương: Tất nhiên tôi hiểu HLV Park Hang Seo cũng chịu áp lực thành tích nên có xu hướng sử dụng các cầu thủ quen thuộc hơn là những nhân tố mới. Khát khao chiến thắng của bóng đá Việt Nam là rất lớn. Thế nhưng, trình độ của chúng ta có giới hạn, chúng ta đã có cơ hội nhưng không dứt điểm thành bàn được thì phải chấp nhận thôi. Chúng ta có thể nhìn nhận rằng mình không đủ may mắn hoặc không đủ sắc bén.
Việc chúng ta vào đến vòng loại cuối cùng của World Cup 2022 là một cột mốc, một mỏ neo để lần sau chúng ta đề ra mục tiêu là không chỉ vào đến vòng loại cuối để cọ xát, tích luỹ kinh nghiệm nữa. Mà mục tiêu sẽ là giành 4 điểm, 6 điểm, 7 điểm hoặc hơn thế.
-Vì sao bóng đá Việt Nam sẽ rất ít va chạm với những đối thủ hàng đầu châu Á, nếu không vào tới vòng loại cuối của World Cup?
PV Trần Tiến: Có nhiều yếu tố khiến bóng đá Việt Nam ít va với những đội hàng đầu châu lục. Thứ nhất là do định hướng của VFF. Bây giờ cũng đã khác nhiều rồi, nhưng từ trước đến nay ĐT Việt Nam ít chủ động mời giao hữu hoặc đi thi đấu nước ngoài. Ví dụ 5-6 năm gần đây, chỉ khi nào có giải chính thức của FIFA thì mình mới tham dự, còn những ngày không có giải thì rất ít đá giao hữu. Sự chuẩn bị thì theo từng giải thôi, chứ ít khi chuẩn dài hơi theo kiểu không có giải vẫn đi đá giao hữu, vẫn tập trung.
-Nhìn vào nội lực của bóng đá Việt Nam, chúng ta còn thiếu điều gì để biến giấc mơ World Cup thành sự thật?
BLV Thành Lương: Chúng ta còn thiếu rất nhiều, còn nhiều những sai sót không đáng có. Cầu thủ vẫn còn nạn bạo lực sân cỏ. Trọng tài vẫn còn những sai lầm thô thiển. Quản lý CLB thì vẫn còn hiện tượng mặc kệ quy định của BTC, trên sân nhà tôi thích làm gì là việc của tôi. Có nền bóng đá nào trên thế giới như vậy không? Chừng nào chúng ta chưa đi vào quy củ, còn kiểu “phép vua thua lệ làng” thì bóng đá Việt Nam vẫn chưa thể chính quy tiến lên được.
Chúng ta cần một giải VĐQG chất lượng. Chúng ta cần các CLB đủ sức tiến xa ở AFC Cup và AFC Champions League. Chúng ta cần một làn sóng cầu thủ chất lượng 5-10 người ra nước ngoài thi đấu và khẳng định mình. Lúc bấy giờ chúng ta sẽ có một ĐTQG chất lượng, từ đó thực hiện mục tiêu top 10 châu Á. Từ top 10 có thể cạnh tranh 8 vé dự World Cup khi FIFA mở rộng giải đấu từ 32 lên thành 48 đội.
Còn như hiện tại, khi châu Á chỉ có 4 suất thì Nhật Bản, Hàn Quốc, Iran, Saudi Arabia, Australia là những đại diện bền vững, thường xuyên dự World Cup rồi.
-Kể từ World Cup 2026, FIFA sẽ tăng số đội tham dự VCK từ 32 lên thành 48 và châu Á sẽ có 8 suất thay vì 4 suất. Bóng đá Việt Nam liệu có đủ sức tận dụng thời cơ này?
PV Trần Tiến: Tăng thêm thành 8 đội thì đương nhiên là cơ hội lớn hơn rồi. Nhưng cơ hội lớn như thế nào thì còn phải xem xét. Hiện tại, chúng ta đang đứng khoảng top 20, có lúc vào top 15-16, nhưng nhìn chung là khoảng top 20. Như vậy, khoảng cách tới top 8 là tương đối xa. Hiện tại top 8 chính là Oman. Chúng ta đã gặp họ 2 trận và đều thua. Tất nhiên khoảng cách giữa ĐT Việt Nam và Oman không xa như với Nhật Bản. Nhưng vẫn có khoảng cách nhất định và san lấp không phải điều đơn giản.
Gần đây chúng ta cũng đầu tư hơn vào bóng đá trẻ. Ví dụ đội U17 Việt Nam đang tập huấn tại Đức hay trước đây U19 Việt Nam từng được dẫn dắt bởi HLV Philippe Troussier. Tuy nhiên, các đội bóng khác ở châu Á cũng đang ráo riết chuẩn bị. Ví dụ như Uzbekistan, UAE, Iraq.
Theo quan điểm của mình, nếu ĐT Việt Nam có thể tiếp tục vào đến vòng loại cuối tại World Cup 2026 thì đó là một thành công. Và từ đó chúng ta sẽ chờ đợi những câu chuyện tiếp theo. Còn để giành vé tham dự VCK World Cup 2026 thì rất khó.
-Thất bại ở AFF Cup 2020 giữa các trận đấu tại Vòng loại thứ ba World Cup 2022 khu vực châu Á đã khiến ĐT Việt Nam đứng trước nguy cơ khủng hoảng. Áp lực thành tích ở khu vực Đông Nam Á có phải trở ngại của chúng ta khi hướng tới mục tiêu vươn ra châu lục hay tham dự World Cup?
BLV Thành Lương: Đây là đặc thù chung của mọi nền bóng đá trên thế giới. Hãy nhìn vào câu chuyện của Italia. Năm ngoái họ vừa vô địch EURO nhưng bây giờ mọi thứ bẽ bàng ra sao khi họ không thể giành vé dự World Cup. Niềm vui vô địch EURO còn đâu, thay vào đó là đắng cay chứ. Đây là lần thứ 2 liên tiếp họ không được dự World Cup rồi, nghĩa là 8 năm đấy.
Nếu chúng ta không thắng ổn định ở khu vực, không đánh bại Thái Lan một cách bình thản thì chưa thể có một chân đế vững chắc để vươn ra châu lục. Nếu chúng ta vẫn còn một bóng ma tâm lý ở AFF Cup thì làm sao có thể mơ đến World Cup được?
PV Trần Tiến: Mình nghĩ rằng nếu bóng đá Việt Nam muốn tiến lên thì cũng phải tìm cách để cả khu vực Đông Nam Á tiến lên. Bởi chúng ta sống trong không gian bóng đá Đông Nam Á. Đó chính là cái gần gũi với mình nhất. Và khi hệ thống xung quanh tốt lên thì mình cũng được lợi.
Liên đoàn bóng đá Đông Nam Á cần tính toán để thời điểm tổ chức phù hợp hoặc điều chỉnh thể thức thi đấu phù hợp hơn với guồng quay của bóng đá thế giới. Ví dụ tính toán để tổ chức vào FIFA Days hoặc cố gắng xin để AFF Cup trở thành giải đấu chính thức của FIFA. Một cách nữa là tính toán để giai đoạn hấp dẫn nhất của AFF Cup trùng với FIFA Days. Ví dụ như các ngôi sao xuất ngoại sẽ về đá vòng knock-out còn trước đó thì là cơ hội của những cầu thủ khác. Như vậy, chúng ta sẽ bớt lăn tăn về việc những ngôi sao sáng nhất sang châu Âu chơi bóng thì về đá AFF Cup được hay không?
Bên cạnh đó chúng ta cũng cần phải chấp nhận quy chuẩn chung của FIFA, cầu thủ về ĐTQG vào FIFA Days và hết FIFA Days thì về CLB. Điều này có thể tạo ra thiệt thòi một chút, nhưng chúng ta cần phải thích nghi. Dù chịu áp lực thành tích, nhưng chúng ta cũng cần phải có sự cân bằng với thế giới.
-Theo các anh, đâu là hình mẫu để bóng đá Việt Nam tham khảo nếu phóng tầm mắt ra ngoài khu vực Đông Nam Á?
PV Trần Tiến:Theo mình, bóng đá Việt Nam có thể tham khảo trường hợp của Uzbekistan. Họ vừa cho cầu thủ ra nước ngoài từ nhỏ, vừa phát triển tốt các cầu thủ thi đấu trong nước. Công tác đào tạo trẻ của họ rất bài bản. Thông thường, các cầu thủ ra nước ngoài lâu năm sẽ trở về giải quốc nội khi đến giai đoạn cuối của sự nghiệp và góp phần phát triển các đàn em.
BLV Thành Lương: Tôi cho rằng, không phải vô cớ mà VFF lựa chọn Bundesliga để ký thoả thuận hợp tác mới đây. Bóng đá Đức có sự chính xác, tính kỷ luật, phương pháp huấn luyện, kiến thức toàn diện và quan trọng nhất là thành tích ổn định. Trước đây chúng ta học mô hình Nhật Bản, bây giờ học theo mô hình Đức thì đều tốt cả. Cái gì hay của họ thì chúng ta học hỏi, nhưng trong quá trình áp dụng cần có những điều chỉnh linh hoạt vì nền tảng tài chính, mức độ đầu tư, thậm chí văn hoá giữa ta và họ có khác biệt.
-Bóng đá Nhật Bản và Hàn Quốc đã không ngừng đưa cầu thủ sang châu Âu để nâng cao trình độ. Ngược lại, Saudi Arabia hay Qatar không quá chú trọng tới vấn đề cầu thủ xuất ngoại nhưng vẫn trở thành nền bóng đá hàng đầu châu lục. Theo các anh, hướng đi nào phù hợp hơn với bóng đá Việt Nam?
BLV Thành Lương: Tôi thực sự cũng không biết nhiều thông tin về các nền bóng đá ở khu vực Trung Đông. Tuy nhiên, chúng ta cần cân nhắc một số yếu tố. Thứ nhất là mặt bằng thu nhập, lương thưởng cho cầu thủ ở Trung Đông có chênh lệch thế nào với các giải châu Âu? Thứ hai, nếu đến với các CLB châu Âu thì họ có được ra sân thường xuyên không? Thứ ba là yếu tố văn hoá, tôn giáo, lối sống thì họ có thích nghi không? Nếu họ ra nước ngoài ngồi dự bị, mà lương thưởng chỉ bằng một nửa trong nước và khó thích nghi với môi trường sống, thì họ sang châu Âu làm gì?
Quay về trường hợp Việt Nam, bên cạnh yếu tố chuyên môn thì chúng ta cần lưu ý rằng mặt bằng lương thưởng tại V-League thấp hơn nước ngoài, cầu thủ của chúng ta cũng muốn cải thiện tư duy chơi bóng. Vậy thì chúng ta ra nước ngoài sẽ được nhiều hơn mất chứ.
Saudi Arabia hay Qatar để lại nhiều dấu ấn trong việc đưa cầu thủ xuất ngoại nhưng vẫn trở thành nền bóng đá hàng đầu châu lục (Ảnh AFC)
PV Trần Tiến: Cầu thủ xuất ngoại thì tốt nhưng nếu cái gốc ở trong nước chưa tốt thì chúng ta vẫn chưa giải quyết triệt để vấn đề. Chúng ta cần làm sao giải quyết gọn gàng giải VĐQG, có biện pháp để giải VĐQG phát triển đồng bộ với việc đưa cầu thủ ra nước ngoài. Việc dung hoà giữa 2 hướng đi có lẽ là giải pháp tốt nhất với bóng đá Việt Nam.
-Bóng đá Trung Quốc vừa có những cầu thủ thành danh tại châu Âu, vừa có giải VĐQG đáng nể, nhưng lại đang gặp khủng hoảng. Đâu là vấn đề chúng ta cần tránh từ trường hợp này?
PV Trần Tiến: Bóng đá Trung Quốc không có được sự ổn định từ định hướng ban đầu và cũng không có sự kiên nhẫn. Trong khi đó, sự kiên nhẫn là điều rất cần thiết để phát triển công tác đào tạo trẻ cũng như giải VĐQG.
Định hướng của bóng đá Trung Quốc trong giai đoạn 2000-2005 tương đối tốt và họ đã giành vé tham dự World Cup 2002. Nhưng không hiểu vì sao họ lại không tiếp tục áp dụng chính sách đó, mà lại phá đi xây lại. Điều này rất mất thời gian và cả tiền bạc, nhưng hiệu quả lại không được như ý. Bóng đá Trung Quốc không có sự ổn định, không có ý định và thiếu kiên nhẫn.
Có thể bóng đá Trung Quốc không hài lòng với việc chỉ đứng trong top 10 châu Á và muốn nhanh chóng tiến lên top 5. Tuy nhiên, các nước ở top 5 châu Á đâu có đứng chờ bóng đá Trung Quốc.
Nếu nhìn vào trường hợp của bóng đá Trung Quốc, chúng ta có thể thấy họ không có sự ổn định xuyên suốt. Bóng đá Việt Nam cần tránh điều đó.
-Hợp đồng hiện tại giữa HLV Park Hang Seo và VFF chỉ còn hạn tới năm 2023. Phải chăng đã đến lúc chúng ta tính toán cho thời “hậu Park Hang Seo”?
PV Trần Tiến: Tương lai HLV Park Hang Seo chia tay ĐT Việt Nam có lẽ đã đến gần. Thực tế cũng không có HLV nào gắn bó với một ĐTQG mãi. Theo mình quan sát thì gần đây có những lúc HLV Park Hang Seo không có trạng thái tốt nhất vì chịu nhiều áp lực, lại không có lực lượng mạnh nhất nên không giải toả được. Hiện tại, chúng ta vẫn còn gần 1 năm đến khi hợp đồng hiện tại của thầy Park hết hạn. Rất có thể những người làm bóng đá đã tính toán đến vấn đề tìm người kế nhiệm HLV Park Hang Seo rồi.
-HLV Park Hang Seo cũng nói rằng ông sẽ không phải người dẫn dắt ĐT Việt Nam tới World Cup. Vậy nhà cầm quân có thể đưa ĐT Việt Nam tới World Cup sẽ là mẫu HLV như thế nào?
PV Trần Tiến: Theo quan điểm của mình, vị HLV có thể đưa Việt Nam tới World Cup có lẽ sẽ có 3 điểm đáng chú ý. Thứ nhất là phù hợp với định hướng mà chúng ta đề ra, thứ hai kế thừa được những di sản HLV Park Hang Seo để lại và thứ ba là có thể đề ra những kế hoạch dài hơi.
BLV Thành Lương: Tôi nghĩ đây là một câu hỏi khó với chính những lãnh đạo VFF. Bởi chúng ta khó lòng tìm ra một mẫu số chung cho một HLV thành công với ĐT Việt Nam. Nguyên nhân còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, đặc biệt là chất lượng cầu thủ. Có thể lứa cầu thủ sau không có Quang Hải, Hùng Dũng, Hoàng Đức, Tiến Linh, Văn Lâm… thì chúng ta có thể phải chấp nhận đầu tư vừa phải, không đặt nặng thành tích, nhặt lấy các nhân tố phù hợp chờ một lứa sau nữa vượt lên. Điểm mấu chốt là chân đế của nền bóng đá rộng đến mức nào, nguồn cung cầu thủ dồi dào ra sao. Còn HLV thì cũng phải có bột mới gột nên hồ.
-Đỗ Hùng Dũng đã nói rằng hy vọng ĐT Việt Nam sẽ có thêm 1 lần được trải nghiệm vòng loại cuối World Cup. Anh nghĩ sao về khả năng chúng ta làm được điều này ở Vòng loại World Cup 2026?
BLV Thành Lương: Tôi hoàn toàn tin tưởng rằng ĐT Việt Nam đủ sức vào đến Vòng loại cuối ở World Cup 2026. Hãy nhớ rằng sau khi vô địch AFF Cup 2018, chúng ta đã nói rằng lứa cầu thủ này có thể đá thêm 10 năm nữa. Chúng ta có thể sẽ vào vòng loại cuối thêm 1-2 lần nữa trong tương lai. Mục tiêu khi đó cũng sẽ thay đổi, không còn là chót bảng mà là áp chót bảng hoặc thứ hạng cao hơn nữa.
-Vậy khả năng ĐT Việt Nam tham dự VCK World Cup 2026 hoặc 2030 thì sao? Những người làm bóng đá Việt Nam đã có phát biểu khẳng định tham vọng này.
BLV Thành Lương: Có ai đánh thuế giấc mơ đâu. Nếu làm được thì đó là thành tích. Nếu không làm được thì chúng ta sẽ có những lý do để giải thích./.