Sau rất nhiều năm coi bóng đá Thái Lan là hình mẫu thành công, cuối cùng cũng tới thời điểm bóng đá Việt Nam mổ xẻ thất bại của đối thủ. Khủng hoảng sau thất bại ở vòng loại thứ ba World Cup 2018 khu vực châu Á là vết xe đổ của người Thái và cho bóng đá Việt Nam cơ hội xem xét những vấn đề của kình địch vì lợi ích thiết thân.

Năm 2007, Việt Nam và Thái Lan cùng tham dự Asian Cup với tư cách đồng chủ nhà. Cũng trong năm đó, học viện HAGL - Arsenal JMG được thành lập tại Việt Nam, còn bóng đá Thái Lan chào đón sự ra đời của Thai Premier League bằng việc hợp nhất Thai League và Pro League.

Thai Premier League phát triển, tạo môi trường hình thành “thế hệ vàng” của bóng đá Thái Lan với lứa cầu thủ 1990-1993 chủ yếu đến từ 3 câu lạc bộ Muangthong United, Buriram United và BEC Tero Sasana gồm: Kawin Thamsatchanan, Tanaboon Kesarat, Chanathip Songkrasin, Theerathon Bunmathan, Narubadin Weerawatnodom, Tristan Do, Adisak Kraisorn, Sarach Yooyen. Trong đó, tiền đạo Adisak Kraisorn từng khoác áo cả 3 đội.

Năm 2013, huấn luyện viên Kiatisuk Senamuang được bổ nhiệm dẫn dắt đội tuyển và bóng đá Thái Lan gặt hái thành công theo kịch bản mà Việt Nam sẽ trải qua sau đó: Một thế hệ cầu thủ trẻ gây tiếng vang ở giải châu lục, sau đó thống trị bóng đá Đông Nam Á rồi lọt vào vòng loại World Cup cuối cùng.

Vị trí hạng tư ASIAD Incheon 2014 là “kỳ tích Thường Châu” của bóng đá Thái Lan. Tới cuối năm, thầy trò Kiatisuk vô địch AFF Cup và chấm dứt 12 năm rời xa đỉnh cao bóng đá Đông Nam Á của Voi chiến.

(Ảnh: AFF, FAT)

So với Thái Lan, “thế hệ vàng” của bóng đá Việt Nam trẻ hơn, hình thành từ 2 lứa cầu thủ 1995-1997 và 1997-1999 sau khi các lò đào tạo mạnh như HAGL - Arsenal JMG, Hà Nội FC, PVF lần lượt xuất hiện vào cuối thập niên 2010.

Thời điểm 2014 – 2016, đội tuyển Việt Nam đang chuyển giao thế hệ và phải chịu núp bóng kình địch. Cuối năm 2015, Mỹ Đình trở thành sân khấu cho Theerathon và các đồng đội trình diễn lối chơi Thai Tik Tok. Đội tuyển Việt Nam thua 0-3. Vài tháng sau, huấn luyện viên Toshiya Miura bị sa thải.

Nhưng thời điểm huấn luyện viên Toshiya Miura mất việc ở Việt Nam, cũng là lúc bóng đá Thái Lan gặp biến cố, dù lúc đó họ vẫn chưa chính thức giành vé vào vòng loại thứ ba World Cup 2018 khu vực châu Á.

Số đầu tiên của năm 2016, chương trình Ấn tượng thể thao 7 ngày đã sang Bangkok phỏng vấn ông Worawi Makudi, người vươn tới vị trí cao nhất trong bộ máy điều hành bóng đá Thái Lan sau 20 năm hoạt động ở liên đoàn bóng đá (FAT).

Ông Worawi nhẹ nhàng chia sẻ về cách bóng bóng đá Thái Lan xây dựng một đội tuyển mạnh dựa trên một giải vô địch quốc gia mạnh, lối chơi đẹp mắt tự nhiên hình thành vì người hâm mộ thích thế và Thái Lan không đặt mình ở tâm thế lúc nào cũng phải thắng đội tuyển Việt Nam.

Vài tuần sau cuộc phỏng vấn, ông Worawi bị FIFA ra án phạt cấm hoạt động bóng đá 3 tháng do giả mạo giấy tờ và không chịu hợp tác điều tra. Đây là án phạt thứ hai dành cho người đứng đầu FAT, nối tiếp án phạt đầu tiên vào cuối năm 2015. Tới cuối năm 2016, ông Worawi bị FIFA cấm hoạt động bóng đá 5 năm (sau đó giảm xuống 3 năm rưỡi, rồi được Tòa án thể thao quốc tế CAS xử trắng án vào năm 2019).

Cuộc bầu cử Chủ tịch FAT, tìm người thay thế ông Worawi hồi tháng 2/2016 trở thành mâu thuẫn sâu sắc của bóng đá Thái Lan. Người chịu trách nhiệm điều hành cuộc bầu cử, ông Surawut Maharom thừa nhận chua chát: “Đây là một cuộc nội chiến, là tình huống khó khăn nhất mà tôi từng đối mặt.”

2 ứng viên thực sự trên đường đua là cựu tướng cảnh sát Somyot Poompanmuong và cựu huấn luyện viên Charnwit Phalajivin, cánh tay phải của Worawi. Kênh ESPN bình luận, cả hai đều nhận được sự hậu thuẫn lớn và bóng đá Thái Lan chia thành hai phe rõ rệt.

2 câu lạc bộ hùng mạnh nhất Thái Lan đứng về hai chiến tuyến. Buriram United ủng hộ Somyot còn Muangthong United ủng hộ Charnwit.

Ông Charnwit, ông Worawi và ông Somyot (Ảnh: ESPN,FIFA)

Kết quả, ông Somyot trở thành Chủ tịch FAT và bóng đá Thái Lan lựa chọn thay đổi định hướng phát triển thay vì tiếp tục mở rộng mô hình thời ông Worawi.

Vòng loại thứ ba World Cup 2018 (bắt đầu tháng 9/2016) sẽ là xoáy nước kéo bóng đá Thái Lan vào khủng hoảng, nhưng con tàu của họ đã bốc cháy từ trước đó. Và chức vô địch AFF Cup 2016 hóa ra không phải chiếc bình cứu hỏa, mà như thêm dầu vào lửa.

“Chúng ta có nên thỏa mãn với chức danh hiệu AFF Cup và SEA Games? Sau đó, thua 0-3 hay 0-4 trước những đội bóng hàng đầu châu Á? Ai chịu được chứ tôi thì không. Đã đến lúc cần thay đổi.” - Chủ tịch Somyot chỉ trích khi huấn luyện viên Kiatisuk xin từ chức sau thảm bại dưới tay Saudi Arabia và Nhật Bản.

Bóng đá Việt Nam đi sau Thái Lan trên hành trình từ ao làng ra biển lớn, nhưng lại đi trước kình địch trong việc vượt qua khủng hoảng nội bộ.

Giai đoạn đỉnh cao của Thái Lan dưới sự dẫn dắt của Kiatisuk là lúc bóng đá Việt Nam khủng hoảng trầm trọng cả trên sân cỏ lẫn trong bộ máy điều hành. Sự ngột ngạt phủ khắp các mặt báo thể thao trong thời gian ấy.

Năm 2018 bóng đá Việt Nam trở mình và liên tục đi lên. Ekip thực hiện chương trình Ấn tượng thể thao 7 ngày có lẽ là những người cảm nhận rõ nhất cú trở mình ấy, mọi thứ thay đổi chỉ trong vài tiếng đồng hồ.

Ngày 14/1/2018, toàn bộ thời lượng chương trình được sử dụng để phân tích và bình luận buổi đối thoại "Vì sự phát triển Bóng đá Việt Nam" do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Ngọc Thiện và Thứ trưởng Lê Khánh Hải chủ trì, diễn ra trước đó 1 ngày – thứ Bảy, 13/1/2018.

Buổi đối thoại kéo dài gần 5 tiếng, xoáy vào những vấn đề nhức nhối của bóng đá Việt Nam như hiện tượng tiêu cực tại V-League, vấn đề nội bộ tại Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF), tình hình thực hiện Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030…

Phó Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn đã lần lượt trả lời “Dạ, đúng” và “Dạ, kiên quyết” khi Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đặt câu hỏi trong tiếng vỗ tay của hội trường: “Có rất nhiều nguyên nhân (khiến khán giả không tới sân) nhưng một trong những nguyên nhân chính là không sạch, không đẹp, không trung thực. Các đồng chí có đồng ý không? Tới đây có quyết tâm làm sạch không?”

Chương trình Ấn tượng thể thao 7 ngày phát sóng buổi trưa. Buổi chiều 14/1/2018, U23 Việt Nam thắng U23 Australia 1-0 nhờ pha ghi bàn của Quang Hải và mở rộng cánh cửa vượt qua vòng bảng giải U23 châu Á tại Trung Quốc.

Ngày 13/1/2018 là thứ Bảy cuối cùng trong một giai đoạn đầy biến động của bóng đá Việt Nam. Một tuần sau, U23 Việt Nam thắng U23 Iraq ở tứ kết U23 châu Á và phần còn lại là lịch sử.

Sau thành tích á quân U23 châu Á, thầy trò huấn luyện viên Park Hang Seo lần lượt đứng hạng tư ASIAD, vô địch AFF Cup, vào tứ kết Asian Cup, á quân King’s Cup, giành huy chương vàng SEA Games rồi lần đầu tiên lọt vào vòng loại World Cup cuối cùng.

Hôm 8/6 vừa qua, bên cạnh lời chúc mừng chiến thắng 4-0 trước Indonesia ở vòng loại World Cup 2022 gửi đến đội tuyển Việt Nam, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng biểu dương VFF đã chỉ đạo và chuẩn bị những gì tốt nhất cho đội tuyển Việt Nam.

(Ảnh: Vy Vũ, Ngọc Duy, Thành Lương, CTV Yểu Mai)

Bóng đá Thái Lan xuất hiện thế hệ vàng trước, sau đó khủng hoảng. Việt Nam ngược lại, vượt qua khủng hoảng đúng lúc xuất hiện thế hệ vàng.

Dư âm cuộc nội chiến của bóng đá Thái Lan vang vọng trong đội hình sang UAE dự vòng loại World Cup 2022 vừa qua. Những ngôi sao đã lần lượt rời khỏi Muangthong United. Đội bóng ủng hộ ông Charnwit chỉ còn 3 cái tên trong danh sách 39 cầu thủ được huấn luyện viên Akira Nishino triệu tập và không được sử dụng.

Đội bóng ủng hộ Chủ tịch Somyot, Buriram United đóng góp 8 tuyển thủ và đều là trụ cột trong đội hình Voi chiến. Thủ môn Siwarak còn đeo băng đội trưởng.

Vận đen của bóng đá Thái Lan là vận son của đội tuyển Việt Nam. Khi đối thủ không đầu tư đúng đắn ở AFF Cup 2018, SEA Games 2019 và không thể phát huy sức mạnh tối đa ở King’s Cup 2019, vòng loại World Cup 2022, bóng đá Việt Nam đã không bỏ lỡ thời cơ.

Thế hệ vàng của bóng đá Việt Nam với 2 lứa cầu thủ 1995-1997 và 1997-1999 cung cấp cho đội tuyển quân số dày dạn hơn, so với Thái Lan thời Kiatisuk chỉ có 1 lứa 1990-1993 và đồng đều hơn so với nhiệm vụ kết hợp các cựu binh với những tài năng trẻ như Supachok (1998), Supachai (1998), Ekanit (1999), Suphanat (2002) dành cho ông Nishino.

Bóng đá Việt Nam bây giờ lại có những yếu tố mà Thái Lan đánh mất: sự khởi sắc và ổn định trong công tác quản lý, một nhà cầm quân phù hợp, giải vô địch quốc gia có chiều hướng đi lên, chính Kiatisuk cũng đang ở Việt Nam giúp HAGL dẫn đầu V-League và mài giũa một loạt tuyển thủ Việt Nam.

Khả năng dồn nguồn lực đầu tư cho đội tuyển và một chút may mắn giúp bóng đá Việt Nam có “duyên” thể hiện tốt hơn Thái Lan khi tham dự các đấu trường châu lục. Asian Cup 2007: Việt Nam vào tứ kết, Thái Lan không vượt qua vòng bảng. Asian Cup 2019: Việt Nam vào tứ kết, Thái Lan dừng bước ở vòng 1/8. U23 Việt Nam từng giành ngôi á quân U23 châu Á, U23 Thái Lan chưa thắng được trận knock-out nào.

Vòng loại thứ ba World Cup 2022 khu vực châu Á sắp tới, đội tuyển Việt Nam sẽ làm tốt hơn so với Thái Lan ở Vòng loại thứ ba World Cup 2018 khu vực châu Á?./.


Chủ Nhật, 20:00, 27/06/2021