Một tuần sau trận chung kết EURO, nước Anh lại thu hút sự chú ý của người hâm mộ bóng đá, với những trận giao hữu chuẩn bị cho mùa giải mới của MU, Arsenal, Chelsea. Đó không phải bữa tiệc thịnh soạn như trận chung kết Anh – Italia, nhưng là bữa ăn đúng lúc trong những ngày “đói” bóng đá. Đây cũng là những trận đấu báo hiệu guồng quay mùa giải 2021/2022 của bóng đá Anh đã khởi động, kéo theo hy vọng biến khẩu hiệu “Cúp đang về nhà” thành sự thật sau thất bại ở chung kết EURO trên sân Wembley.
Stuttgart năm 2006, David Beckham ghi bàn thắng cuối cùng trong màu áo tuyển Anh. Cú sút phạt tung lưới Ecuador ở vòng 1/8 World Cup cũng đánh dấu đỉnh cao của “thế hệ vàng” Tam sư.
Tất cả những gì “thế hệ vàng” làm được chỉ là 3 lần liên tiếp vào tứ kết World Cup 2002, EURO 2004 và World Cup 2006. Thành tích không xứng đáng với kỳ vọng sau khi những David Beckham, Michael Owen, Steven Gerrard, Ashley Cole, Rio Ferdinand… đè bẹp tuyển Đức 5-1 ngay tại Munich hồi năm 2001.
Và khi tuổi tác của những cầu thủ lừng danh thế giới càng cao, thành tích của tuyển Anh càng đi xuống. Suốt 12 năm sau trận thắng Ecuador, tuyển Anh không biết mùi chiến thắng ở các trận đấu knock-out.
Trớ trêu thay, tuyển Anh bắt đầu thoái trào đúng lúc Premier League bước vào giai đoạn phát triển bùng nổ.
Một tháng trước khi World Cup 2006 diễn ra tại Đức, mức giá bản quyền truyền hình quốc nội của Premier League lần đầu chạm ngưỡng 3 tỷ Bảng. Cộng thêm nguồn thu từ thị trường quốc tế là hơn 4,5 tỷ Bảng. Con số hấp dẫn ấy thu hút các nhà đầu tư có túi tiền không đáy đến với bóng đá Anh. Mà thực ra, những người đi tiên phong đã có mặt từ trước đó.
Năm 2003, Chủ tịch Roman Abramovich mua lại Chelsea và biến The Blues thành một trong những đội bóng giàu có nhất thế giới. Năm 2005, nhà Glazer thâu tóm MU. Năm 2007, tỷ phú người Mỹ Stan Kroenke và tỷ phú người Nga Alisher Usmanov bắt đầu cuộc đấu giành quyền kiểm soát Arsenal. Năm 2008, Hoàng thân Sheikh Mansour mua lại Man City. Năm 2010, bộ đôi John W. Henry và Tom Werner trở thành những ông chủ mới tại Liverpool.
Khi thập niên 2000 kết thúc thì các đội bóng ở Premier League xem như hoàn tất việc chuyển đổi từ các ông chủ địa phương giàu có sang những ông chủ siêu giàu có tới từ khắp nơi trên thế giới.
Premier League bước lên một tầm cao mới về sự thành công và tính hấp dẫn. Tuy nhiên, bóng đá Anh không có được một đội tuyển mạnh từ một giải VĐQG sang chảnh.
Thay vào đó, người Anh được chứng kiến 2 giải đấu kém ăn khách hơn là Bundesliga và La Liga trở thành nền tảng thành công cho tuyển Đức và tuyển Tây Ban Nha.
Xứ sở sương mù cũng trở thành phông nền hoàn hảo cho những cuộc “cách mạng bóng đá” của Đức và Tây Ban Nha. Các đội bóng Premier League giàu có thi nhau nhập khẩu những ngôi sao từ Bundesliga, La Liga và khắp nơi trên thế giới về chiếm cơ hội ra sân thi đấu của chính cầu thủ Anh.
Cho tới một ngày, các nhà quản lý bóng đá Anh chịu hết nổi và quyết tâm thực hiện những thay đổi chiến lược để phá bỏ nghịch lý.
Lợi thế của người đi sau cho phép Anh học hỏi những thành công trong công tác đào tạo trẻ của bóng đá Đức và Tây Ban Nha. Kết quả, chương trình phát triển cầu thủ trẻ - Elite Player Performance Plan (EPPP) bắt đầu áp dụng ở Premier League từ năm 2012.
Liên đoàn bóng đá Anh (FA) bỏ ra 100 triệu Bảng để xây dựng trung tâm bóng đá quốc gia St George's Park, khánh thành năm 2012, biến đây thành trái tim của trong hệ thống đào tạo trẻ ở xứ sở sương mù, giống như Clairefontaine ở Pháp.
Tới năm 2014, chương trình England DNA – Triết lý thi đấu và huấn luyện của các cấp độ tuyển Anh được Giám đốc kỹ thuật FA Dan Ashworth cùng hai HLV Matt Crocker và Gareth Southgate công bố.
Có ý tưởng, có kế hoạch, có nhân lực và có rất nhiều tiền, bóng đá Anh bắt đầu một chương mới.
Leicester năm 2013, Harry Kane ngồi thất thần trong căn hộ nhỏ. Tiền đạo tuổi đôi mươi không kiếm nổi suất ở Championship, không dám tin vào ngày trở về Tottenham đá Premier League và tính bỏ nghề.
Premier League không giống như một giấc mơ, mà giống môi trường thiên nhiên hoang dã, nơi các cầu thủ buộc phải cạnh tranh với nhau như sư tử. Và hàng năm, người ta lại bỏ thêm hàng núi tiền để nhập khẩu thêm hổ, báo về nữa.
Harry Kane quyết trở thành sư tử đích thực, chiến đấu với những hậu vệ dữ dằn ở Championship trước khi lấy đất diễn của tuyển thủ Tây Ban Nha Roberto Soldado, rồi tiễn một tuyển thủ Tây Ban Nha có biệt danh “Vua sư tử” là Fernando Llorente rời khỏi Tottenham.
Các tuyển thủ Anh dự EURO vừa qua, hầu hết đều có câu chuyện na ná Harry Kane. John Stones đã đánh bật nguyên cặp trung vệ tuyển Tây Ban Nha là Aymeric Laporte – Eric Garcia để đá chính ở Man City. Luke Shaw lần lượt đẩy Daley Blind, Matteo Darmian, Marcos Rojo rời khỏi MU và buộc Alex Telles yên phận ngồi dự bị. Mason Mount vượt mặt Kai Havertz, Christian Pulisic, Hakim Ziyech để có suất chính ở Chelsea…
Chất lượng Premier League ngày càng cao. Hảo thủ từ khắp nơi trên thế giới đổ về. Tỷ lệ nội binh của giải đấu chỉ trên dưới 30%. Môi trường khắc nghiệt buộc các cầu thủ Anh phải tìm cách thích nghi và sinh tồn.
Sau nhiều năm các ông chủ không ngừng chi tiền, các nhà quản lý theo đuổi kế hoạch dài hơi, các cầu thủ miệt mài chiến đấu và giới truyền thông liên tục kêu gào về tỷ lệ cầu thủ nội ít ỏi tại Premier League, người Anh bỗng dưng thấy mình “đổi đời”.
“Giống như Chelsea, Man City thừa tiền bạc tiêu không hết, trong tay Gareth Southgate là hàng đống tài năng dùng không xuể.” – Cây viết Martin Samuel ngạo nghễ trên tờ Daily Mail trước trận chung kết EURO, đồng thời ca ngợi chiều sâu đội hình Anh hiện tại vượt xa thế hệ vàng của David Beckham.
Thực ra, tỷ lệ cầu thủ Anh ở Premier League vẫn chỉ 32,9% thấp nhất trong số 5 giải VĐQG hàng đầu châu Âu và vẫn giống những gì báo chí xứ sở sương mù quan ngại trước đây. Tuy nhiên, chất lượng cầu thủ Anh đã tăng lên một cách ngoạn mục để tạo ra sự “thừa mứa” cho bản danh sách 26 người tham dự EURO.
Khi hai chương trình England DNA và EPPP có đủ thời gian phát huy hiệu quả, giới truyền thông Anh cũng đổi từ việc chê bai sang ca ngợi lối chơi của đội tuyển.
“Đội bóng của Gareth Southgate sở hữu những tinh hoa quốc tế trong lối chơi: Cầu thủ chuyền bóng kỹ thuật như Tây Ban Nha, pressing như Đức, di chuyển không bóng như Pháp và chiến thuật linh hoạt như Italia.” – Tác giả Melissa Reddy viết trên tờ Independent.
Porto năm 2021, Kai Havertz ghi bàn giúp Chelsea thắng Man City ở chung kết Champions League. Đó là trận chung kết toàn Anh thứ 3 trong lịch sử giải đấu.
Mười một năm sau trận chung kết 2008 giữa MU và Chelsea, Premier League mới lại có cặp đấu nội bộ trên đỉnh châu Âu giữa Liverpool và Tottenham. Nhưng bóng đá Anh chỉ cần thêm 2 năm để tái lập thành tích, với trận chung kết giữa Chelsea và Man City.
Premier League trở thành giải VĐQG có số đội vào chung kết Champions League nhiều nhất trong vòng 10 năm qua.
Điều này phản ánh xu thế khác biệt của Premier League so với các giải VĐQG hàng đầu châu Âu nếu nhìn lại thập niên 2010: Premier League mở rộng hàng ngũ “đại gia” trong khi Ligue 1, Bundesliga, Serie A phát triển theo chiều hướng “giải đấu 1 đội” còn La Liga là “giải đấu 2 đội”.
Khái niệm Big Four trong thập niên 2000 đã nâng lên thành Big Six trong thập niên 2010, khi MU, Arsenal, Chelsea, Liverpool “kết nạp” thêm Man City và Tottenham vào hàng ngũ ông lớn Premier League. Và chưa biết chừng, đội ngũ này có thể mở rộng hơn nữa bởi Leicester đã vô địch năm 2016 và liên tục đua top 4 trong 2 mùa gần nhất.
Điều này đồng nghĩa với việc, bóng đá Anh có “thao trường” lớn hơn để rèn luyện những cầu thủ giỏi nhất của mình. Đội quân tinh nhuệ ấy được huấn luyện bởi những nhà cầm quân hàng đầu thế giới.
Pep Guardiola, Thomas Tuchel, Jurgen Klopp, Marcelo Bielsa đang làm việc ở Premier League. Jose Mourinho, Carlo Ancelotti, Mauricio Pochettino, Antonio Conte, Maurizio Sarri mới chỉ rời đi ít lâu và có thể trở lại bất cứ lúc nào.
Sau EURO 2021, các trụ cột tuyển Anh sẽ trở lại những trung tâm bóng đá, những HLV, những trận đấu đẳng cấp hàng đầu thế giới. Họ cũng từng như vậy sau khi kết thúc World Cup 2018 ở vị trí hạng tư và trước khi vào chung kết EURO 2021.
Premier League sẽ là khối động cơ thúc đẩy đà đi lên của tuyển Anh. Đà đi lên khá giống với Đức trong quá khứ. Cỗ xe tăng đã vào bán kết World Cup 2006, vào chung kết EURO 2008, vào bán kết World Cup 2010, vào bán kết EURO 2012 trước khi bước lên đỉnh cao với chức vô địch World Cup 2014.
Premier League cũng sẽ giúp tuyển Anh mang cúp về nhà, giống như Bundesliga từng giúp tuyển Đức bước lên đỉnh cao? Và biết đâu cúp sẽ về nhà từ World Cup 2022 ở Qatar?./.