Với tư cách là nước chủ nhà, Việt Nam đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, chiến thắng cả đại dịch Covid-19 để tổ chức thành công SEA Games 31, nhưng sau thành công này, Thể thao Việt Nam vẫn còn đó những nỗi lo, những trăn trở trong việc nâng tầm, nâng cao vị thế trên đấu trường khu vực.

SEA Games 31 lẽ ra được tổ chức vào năm 2021, nhưng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên đã được lùi lịch sang năm 2022. Mặc dù lùi lịch tổ chức 1 năm, nhưng những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 có tác động không nhỏ tới sự chuẩn bị cũng như khâu tổ chức của chủ nhà Việt Nam.

Tuy nhiên, với sự quyết tâm, đồng lòng của ngành thể dục thể thao và các bên liên quan, SEA Games 31 vẫn được tổ chức thành công và chúng ta nhận được sự ủng hộ, đánh giá rất cao của bạn bè trong khu vực.

Không chỉ thành công trong công tác tổ chức, các vận động viên Việt Nam cũng có một kỳ đại hội thành công rực rỡ. Đoàn Thể thao Việt Nam đã lập kỷ lục về số HCV giành được ở một kỳ SEA Games, khi đoạt tới 205 HCV, hơn đoàn thứ 2 là Thái Lan tới 13 HCV.

Trước khi đại hội diễn ra, mục tiêu của Thể thao Việt Nam là giành 140 HCV, nhưng các vận động viên đã thi đấu thành công ngoài mong đợi. Trong số 205 HCV tại SEA Games 31, có đến 119 HCV ở các môn/nội dung có trong chương trình thi đấu Olympic Paris 2024 chiếm tỉ lệ 58%.

Thể thao Việt Nam ngày càng khẳng định được sức mạnh của mình ở các môn như Điền kinh (22 HCV), Bơi (11 HCV), Judo (9 HCV), Rowing (8 HCV), Canoeing (8 HCV) hay TDDC (7 HCV). Trong số này, Điền kinh tiếp tục đóng góp nhiều HCV nhất và bỏ xa ông kẹ Thái Lan tới 10 HCV.

Đặc biệt hơn, bóng đá nam và bóng đá nữ của Việt Nam tiếp tục thể hiện được sức mạnh của mình ở sân chơi khu vực. Nếu như bóng đá nam của chúng ta lần đầu tiên bảo vệ thành công tấm HCV SEA Games thì bóng đá nữ có lần thứ 3 liên tiếp và lần thứ 7 giành HCV ở sân chơi khu vực.

Ông Trần Đức Phấn - Trưởng Đoàn Thể thao Việt Nam tại SEA Games 31 khẳng định: “446 huy chương TTVN giành được tại SEA Games lần này đều thi đấu cạnh tranh sòng phẳng, công bằng. Các VĐV phát huy hết năng lực để giành được chứ không hề có tác động gì liên quan tới việc ta là chủ nhà.

Chúng ta đã khẳng định được vị thế trên đấu trường khu vực ở những môn thể thao Olympic như điền kinh (22 HCV, dẫn đầu toàn đoàn hơn Thái Lan được 10 HCV), bơi lội (11 HCV, xếp thứ 2 toàn đoàn sau Singapore - 21 HCV). Đặc biệt, chúng ta bảo vệ được cả 2 HCV bóng đá nam, nữ làm nức lòng người hâm mộ”.

Rõ ràng những thành công ở SEA Games 31 ít nhiều sẽ tạo ra cú hích cho Thể thao thành tích cao của Việt Nam khi bước vào năm 2023. Trong năm 2023, Thể thao Việt Nam sẽ tranh tài ở hai đấu trường đó là SEA Games 32 và ASIAD 19 tổ chức tại Hàng Châu (Trung Quốc).

ASIAD 19 lẽ ra tổ chức trong năm 2022 nhưng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên nước chủ nhà Trung Quốc đã dời thời gian tổ chức sang năm 2023. Do đó, việc phải chuẩn bị cho 2 kỳ đại hội là SEA Games 32 và ASIAD sẽ đặt ra nhiều thử thách cho Thể thao Việt Nam.

Mặc dù vậy, sau thành công của SEA Games 31 và việc tổ chức thành công Đại hội Thể thao toàn quốc 2022, Việt Nam về cơ bản đã có sự chuẩn bị tốt cho việc thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2023. Ông Trần Đức Phấn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT cho biết: “Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc là dịp để các bộ môn rà soát lực lượng chuẩn bị cho SEA Games cũng như ASIAD. Thông qua kết quả thi đấu của đại hội, thành tích của các vận động viên tại các môn trọng điểm cơ bản đáp ứng được yêu cầu về chuyên môn”.

Đại hội Thể thao toàn quốc 2022 có tới 53 kỷ lục quốc gia mới và 96 kỷ lục Đại hội mới. Trong số này, môn điền kinh ghi nhận tín hiệu tích cực với 5 kỷ lục quốc gia và 15 kỷ lục Đại hội được phá nhiều vận động viên trẻ tiềm năng xuất hiện. Tuy nhiên, thành tích ở Đại hội Thể thao toàn quốc 2022 hay tại SEA Games vẫn còn kém rất xa với thành tích cạnh tranh huy chương ở đấu trường ASIAD hay Olympic.

Ông Trần Đức Phấn chia sẻ: “Mục tiêu của Thể thao Việt Nam là tập trung vào các môn trọng điểm và Olympic vì trong tương lai, định hướng chiến lược của Thể thao Việt Nam là phấn đấu vào đấu trường ASIDAD và giành huy chương ở Olympic. Để làm được điều này, chúng ta phải tập trung cao độ, ngoài nguồn lực của nhà nước thì chúng ta cần có nguồn lực xã hội từ đó phát triển các lứa vận động viên, đặc biệt là các vận động viên trẻ có triển vọng, có thể tiến đến ASIAD và Olympic”.

Định hướng, chiến lược và tầm nhìn của Thể thao Việt Nam năm 2023 cũng như giai đoạn tiếp theo là như vậy, nhưng việc thực hiện và hoàn thành được mục tiêu không phải dễ. Bởi Thể thao Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, đặc biệt là nguồn lực tài chính. Bởi vậy, chúng ta chỉ có thể đầu tư trọng tâm, trọng điểm, có chọn lọc nên xác suất bỏ qua những vận động viên tiềm năng là khá cao.

“Khó khăn và hạn chế lớn nhất của Thể thao Việt Nam vẫn là nguồn lực đầu tư, trong đó đầu tư về cơ sở vật chất kỹ thuật. Thứ hai là nguồn lực đầu tư về tài chính để giúp các vận động viên có thể được huấn luyện bởi các chuyên gia nước ngoài có trình độ cao.

Đặc biệt là vấn đề được thi đấu, tập huấn nước ngoài. Điều này giúp chúng ta vừa nắm bắt được thông tin của đối thủ, đồng thời phát triển cho vận động viên về kinh nghiệm, bản lĩnh thi đấu, để đáp ứng được yêu cầu. Do khó khăn về tài chính nên chúng ta không thể tập trung đầu tư nhiều cơ sở vật chất, tập trung đầu tư nhiều vận động viên mà phải đầu tư chọn lọc” - ông Trần Đức Phấn cho biết.

Mặc dù gặp khó khăn như vậy, nhưng trên thực tế, ở nhiều kỳ SEA Games trở lại đây, Việt Nam luôn nằm trong tốp những đoàn Thể thao có thành tích tốt nhất. Tốc độ phát triển của Thể thao Việt Nam là điều chúng ta có thể nhìn thấy rõ. Những tấm huy chương ở các môn thể thao ASIAD và Olympic tại sân chơi khu vực ngày một nhiều, chiếm tỉ lệ lớn dần đều trong thành tích chung.

Tuy nhiên, cũng cần thẳng thắn nhìn nhận rằng, thành tích của các vận động viên ở đấu trường SEA Games vẫn còn khoảng cách xa với sân chơi ASIAD và Olympic nên để tấn công được vào 2 đấu trường này, giành được huy chương là điều không hề dễ, nếu không có kế hoạch, lộ trình bài bản.

Ông Trần Đức Phấn khẳng định: “Chúng ta không thể lấy thành tích ở SEA Games để so sánh với thành tích ở ASIAD, đặc biệt là Olympic được. Mặc dù những môn thể thao ở các đấu trường không thay đổi, nhưng chọn được các vận động viên tốt, đầu tư và giành thành tích là điều rất khó. Tựu chung, chúng ta phải có nhiều vận động viên tốt để chọn lọc, có nhiều nguồn lực, đặc biệt là tài chính để đầu tư. Đó là mấu chốt của vấn đề mà chúng ta cần thực hiện”.

Trong năm 2023, Thể thao Việt Nam sẽ thực hiện mục tiêu kép. Đó là tranh tài tại SEA Games 32 và ASIAD 19, thời gian 2 kỳ đại hội cách nhau không dài nên lãnh đạo ngành thể thao cần có tính toán hợp lý để Thể thao Việt Nam có thể hoàn thành mục tiêu nằm trong tốp 3 ở SEA Games 32 và giành từ 1 đến 2 ở ASIAD 19./.

Chủ Nhật, 07:00, 01/01/2023