Thể thao Việt Nam thống trị khu vực tại SEA Games 32 với thành tích vô tiền khoáng hậu, nhưng ở đấu trường ASIAD, chúng ta lại thua xa Thái Lan, đứng sau những đoàn thể thao khác trong khu vực như Indonesia, Malaysia và Singapore. Đây không phải là vấn đề mới của Thể thao Việt Nam sau mỗi kỳ ASIAD và Olympic, nhưng tìm cách giải quyết vấn đề này vẫn là bài toán chưa có lời giải của những người làm thể thao.

Năm 2023 là năm bận rộn của Thể thao Việt Nam khi có 2 sự kiện lớn diễn ra đó là SEA Games 32 và ASIAD 19. Do đó, sự chuẩn bị của các vận động viên cũng như của ngành thể thao trong năm nay cũng được chuẩn bị hết sức chu đáo và kỹ lưỡng.

Sự chu đáo, kỹ lưỡng đó được đo bằng chính thành tích của các vận động viên tại SEA Games 32 tổ chức trên đất Campuchia. Kết thúc Đại hội thể thao khu vực Đông Nam Á, Đoàn Thể thao Việt Nam giành ngôi nhất toàn đoàn với 136 HCV, 105 HCB và 114 HCĐ.

Bơi lội và điền kinh Việt Nam có thành tích cao tại SEA Games 32

Bên cạnh thành tích ấn tượng của cả đoàn, ở khía cạnh cá nhân, các vận động viên của Thể thao Việt Nam cũng phá tới 14 kỷ lục. Trong đó, có 2 kỷ lục ấn tượng của Phạm Thanh Bảo khi giành 2 HCV, phá 2 kỷ lục ở các nội dung bơi 100m và 200m ếch nam.

Ngoài việc phá kỷ lục, các vận động viên của Việt Nam cũng cho thấy sự quyết tâm, ý chí kiên cường. Vận động viên được nhắc tới nhiều nhất ở SEA Games 32 của Thể thao Việt Nam là Nguyễn Thị Oanh khi giành tới 4 HCV ở các nội dung 1.500m, 3.000m vượt chướng ngại vật, 5.000m và 10.000m.

Nhưng điều ấn tượng ở Oanh không phải vì giành được 4 HCV mà là tinh thần vượt qua nghịch cảnh. Đó là trong chiều 9/5, cô giành cả hai huy chương vàng ở cự ly 1.500m và 3.000m vượt chướng ngại vật, khi 2 nội dung này thi đấu cách nhau đúng 20 phút, vận động viên quê Bắc Giang không có thời gian để nghỉ ngơi.

Với sự xuất sắc của Oanh và tinh thần chiến đấu không biết mệt mỏi của các vận động viên tại SEA Games 32, Đoàn Thể thao Việt Nam đã trở thành “ông vua” của khu vực Đông Nam Á ở kỳ đại hội trên đất Campuchia. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, Việt Nam đứng đầu bảng tổng sắp huy chương ở một kỳ đại hội tổ chức ngoài lãnh thổ.

Đội tuyển bóng chuyền nam Việt Nam nhận HCĐ SEA Games 32

Về lý thuyết, việc giành ngôi nhất toàn đoàn ở SEA Games 32 là bước đệm vô cùng tốt với Thể thao Việt Nam cũng như các đoàn thể thao trong khu vực Đông Nam Á tại ASIAD 19 tổ chức tại Hàng Châu (Trung Quốc). Tuy nhiên, trên thực tế, tại sân chơi châu lục, các đoàn thể thao ở Đông Nam Á đã gặp khó khăn và gặp khó trong việc cạnh tranh huy chương, đặc biệt là HCV.

Riêng Đoàn Thể thao Việt Nam, chúng ta phải chờ tới ngày thi đấu chính thức thứ 5 để giành được tấm HCV đầu tiên nhờ công xạ thủ Phạm Quang Huy (nội dung 10m súng ngắn hơi nam). Sau đó, tới ngày tranh tài thứ 11 mới có được tấm HCV thứ 2 ở nội dung cầu mây 4 người nữ.

Đánh giá về thành tích của Đoàn Thể thao Việt Nam tại ASIAD 19, ông Trần Đức Phấn, cựu Phó cục trưởng Cục TDTT cho biết: “Các vận động viên của Đoàn Thể thao Việt Nam thi đấu tốt và rất cố gắng. Về cơ bản duy trì được phong độ khi bước vào thi đấu chính thức. Tuy nhiên, chúng ta thấy rằng, đây là đấu trường khác xa với SEA Games nên đến với ASIAD tranh chấp huy chương là rất khó khăn”.

“Lần này số lượng huy chương của chúng ta giảm đi rất nhiều. Lần trước ASIAD 19, chúng ta 5 HCV, 15 HCB và 19 HCĐ, nhưng kỳ này chúng ta mới có hơn 20 huy chương các loại. Tất nhiên, đánh giá như vậy không nói nên điều, nhưng về cơ học thì số lượng huy chương của các nước đều giảm như vậy nên việc chúng ta giảm huy chương cũng là điều bình thường” - ông Trần Đức Phấn đánh giá.

Dù Đoàn Thể thao Việt Nam đã hoàn thành được mục tiêu trước ngày lên đường là giành 2-5 HCV, nhưng như thường lệ, sau mỗi kỳ ASIAD và Olympic, người hâm mộ Việt Nam vẫn đặt ra câu hỏi. Tại sao Việt Nam giành rất nhiều HCV ở SEA Games, nhưng ra sân chơi ASIAD lại đứng sau Thái Lan, Indonesia, Malaysia và Singapore?

Đội tuyển cầu mây 4 nữ Việt Nam xuất sắc giành tấm HCV tại ASIAD 19

Về vấn đề này, ông Trần Đức Phấn phân tích: “Thể thao Việt Nam ở đấu trường khu vực thường xuyên tốp đầu, nhưng ở ASIAD hay Olympic khi so sánh với các đối thủ trong khu vực Đông Nam Á thì chúng ta thường xuyên đứng 5 hoặc 6.

Lý do là nguồn lực đầu tư cho thể thao còn hạn chế, nhất là cơ sở vật chất kỹ thuật cũng như trang thiết bị. Ở đây, việc đầu tư trang thiết bị dụng cụ cũng phải chuẩn so với đấu trường cao từ ASIAD tới Olympic thì mới có cơ hội cạnh tranh huy chương. Hiện tại, những mục đầu tư này của Việt Nam chưa bằng được các đại diện Đông Nam Á, chưa kể còn thua kém về mặt khoa học dinh dưỡng.

Về cơ bản, đấu trường khu vực là phù hợp với thể chất của người Việt Nam. Yếu tố thứ 2, nó phù hợp với mức đầu tư thực tế cho thể thao thành tích cao và chuyên nghiệp. Muốn lên tới tầm ASIAD và Olympic phải có bài toán và giải phải đầu tư khác. Do đó, với những gì đang diễn ra thì đấu trường SEA Games phù hợp với Việt Nam còn ASIAD và Olympic là chưa phù hợp”.

Nguyễn Thị Phương, Lưu Thị Thu Uyên và Nguyễn Ngọc Trâm đánh bại các vận động viên của Malaysia ở môn karate, qua đó giành tấm HCV thứ 3 cho Đoàn Thể thao Việt Nam tại ASIAD 19.

Cũng liên quan tới câu hỏi vì sao Việt Nam lại khó khăn trong việc giành HCV ở đấu trường ASIAD và Olympic, nhà báo Đặng Việt Cường cho rằng: “Tại ASIAD 19, Việt Nam có hơn 300 vận động viên tranh tài, nhưng chỉ có 10 vận động viên là niềm hy vọng và trên thực tế là chỉ có đội cầu mây 4 nữ là ứng cử viên vô địch và họ đã giành được HCV. Tấm HCV của Phạm Quang Huy là nỗ lực và dấu ấn cá nhân rất lớn của vận động viên này. Có thể nói rằng, Thể thao Việt Nam giữ vị thế tốp 3 ở khu vực, nhưng ở châu lục sự cạnh là khốc liệt hơn rất nhiều. Chúng ta đang đầu tư bề rộng hướng tới SEA Games chứ chưa có chiều sâu để hướng tới sân chơi ASIAD và Olympic”.

“Trong chiến lược trình Thủ tướng cách đây 2 năm mà chưa được phê duyệt, phải chờ nghị quyết quyết. Khi tôi còn công tác trong ngành, chúng tôi xác định rằng, lấy đấu trường châu lục là trung tâm để vươn cánh chứ không sẽ rất khó. Chiến lược đầu tư là rất quan trọng, chúng ta phải đầu tư về khoa học, dinh dưỡng thể thao thì mới có thể vươn tầm được. Tất nhiên, không phải đầu tư dàn trải mà chỉ đầu tư ở một số môn, một số nội dung thế mạnh” - ông Trần Đức Phấn nêu quan điểm.

Ông Trần Đức Phấn là người có nhiều năm trong ngành Thể thao nên quan điểm mà ông nêu ra là hoàn toàn có cơ sở. Trên thực tế, vấn đề đầu tư cho Thể thao Việt Nam cũng được nhiều chuyên gia đề cập nhiều trên truyền thông. Nó cũng là vấn đề mà nhiều người biết rồi, nhiều người nói rồi, nhưng để thay đổi thì vẫn chưa, nếu có thì sự chuyển mình cũng khá chậm chập.

Ở những cường quốc thể thao hàng đầu châu lục cũng như thế giới, xã hội hóa thể thao góp phần rất quan trọng trong việc phát triển thể thao thành tích cao cũng như chuyên nghiệp. Tuy nhiên, ở Việt Nam nguồn lực đầu tư cho thể thao chủ yếu là nhà nước. Do đó, ông Trần Đức Phấn cho rằng, Thể thao Việt Nam muốn phát triển thì cần có sự song hành của cả nguồn lực xã hội và cả nguồn lực nhà nước.

Cách đây 3 năm, sau khi Đoàn Thể thao Việt Nam thất bại toàn tập, không giành được huy chương nào tại Olympic Tokyo 2020, trong cuộc trả lời phỏng vấn với VOV.VN, chuyên gia Nguyễn Hồng Minh đã nhấn mạnh về vai trò và tầm quan trọng của việc xã hội hóa thể thao.

Ông Minh phân tích: “Sự việc này là tổng hòa của nhiều vấn đề mà trong đó vẫn là tổ chức huấn luyện. Vấn đề nữa là xã hội hóa, bởi tiền để đầu tư cho thể thao thành tích cao của Việt Nam là tiền từ Chính phủ. Ở đây bao gồm Chính phủ Trung ương và chính quyền các địa phương. Ngân sách cho thể thao bao giờ cũng rất thấp.

Trong khi đó, các nước khác xã hội hóa thể thao, huy động nguồn lực của xã hội. Các Liên đoàn lấy tiền của xã hội để làm và trở thành hệ thống từ nhiều năm, thậm chí có nước hàng trăm năm, họ tập trung đầu tư chứ không phụ thuộc Chính phủ. Đầu tư ngân sách không đủ, vì tiền của Chính phủ còn phải lo những vấn đề quan trọng hơn của đất nước thì không thể nào có tiền đủ cho thể thao. Do đó phải xã hội hóa thể thao”.

Chuyên gia Nguyễn Hồng Minh khẳng định: “Thể thao phải huy động được nguồn lực của xã hội, chứ không chỉ dựa vào số tiền của Chính phủ mỗi năm mấy trăm tỷ rất hạn hẹp. Nó không thể đủ sức để đầu tư cho thể thao thành tích cao được, tất cả các nước khác đều như vậy. Những nước xung quanh mình như Philippines, Indonesia, Thái Lan hoàn toàn là kinh phí do tư nhân xã hội hóa chứ không phải do Chính phủ”.

Ngoài việc huy động cả nguồn lực của nhà nước và nguồn lực xã hội, nhà báo Đặng Việt Cường cho rằng, ngành thể thao cần phải vào cuộc một cách quyết liệt hơn nữa để có thêm sự đầu tư về mặt khoa học kỹ thuật, dinh dưỡng thể thao, từ đó đào tạo ra những vận động viên cấp cao.

“Tôi theo thể thao Việt Nam 20 năm qua, có thể thấy rằng, chế độ dinh dưỡng dành cho các vận động viên đã ngày một tốt hơn, nhưng nó còn thua kém rất nhiều so với các nước khác. Ngay cả khi so sánh với những quốc gia trong khu vực Đông Nam Á thì thậm chí chúng ta chỉ bằng một nửa của họ” – nhà báo Đặng Việt Cường chia sẻ.

Nhà báo Đặng Việt Cường khẳng định: “Chế độ dinh dưỡng dành cho các vận động viên của Việt Nam đang thực sự là vấn đề. Từ vụ bữa ăn 800.000 đồng của các tuyển thủ bóng bàn trẻ, chúng ta chưa nó tới việc có bớt xén hay không, nhưng rõ ràng ‘cách thực hiện’ của chúng ta chưa tốt. Chúng ta chưa có chế độ ăn buffet cho các vận động viên. Những vận động viên ở các môn khác nhau phải có chế độ dinh dưỡng khác nhau, một vận động viên của môn vật thì chế độ ăn không thể giống vận động viên bắn súng được”.

Thể thao Việt Nam là thế lực ở khu vực Đông Nam Á, nhưng việc cạnh tranh huy chương, đặc biệt là HCV cực kỳ khó khăn ở đấu trường ASIAD và Olympic.

Theo ông Trần Đức Phấn, ngay cả khi kết hợp được giữa nguồn lực xã hội và nguồn lực nhà nước thì cũng không có mẫu số chung hay công thức nào để chắc chắn thành công, bởi mỗi quốc gia và khu vực đều có những đặc thù khác nhau. Đây là nhận định không sai, bởi thể thao còn tùy thuộc vào thể chất và nhiều yếu tố liên quan mới có thể hướng tới thành tích cao.

Trên thực tế, nếu muốn có một nền thể thao mạnh thì cần sự chung tay của toàn xã hội, chứ nó không phải nhiệm vụ của riêng ai. Chỉ khi nào chúng ta có được chiến lược đúng đắn, đầu tư bài bản và khi nào các vận động viên không phải sáng đi tập, tối đi chạy grab để lo cơm áo gạo tiền thì khi đó thành tích thể thao Việt Nam mới có thể tiến bộ được. Bằng không cứ sau mỗi kỳ đại hội ASIAD hay Olympic, chúng ta vẫn mang chuyện cũ ra để mổ xẻ, phân tích với điệp khúc “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” mà chưa giải quyết được vấn đề.


Chủ Nhật, 06:14, 08/10/2023