Năm 2021 Thể thao Việt Nam đã đạt được một số dấu mốc nổi bật, khi ĐT Futsal Việt Nam dự VCK Futsal World Cup, đồng thời lần thứ 2 liên tiếp vượt qua vòng đấu bảng và chỉ chịu nhận thất bại trước nhà đương kim vô địch ĐT Futsal Nga. Ở môn bóng đá 11 người, ĐT Việt Nam cũng lần đầu tiên trong lịch sử giành vé vào chơi ở vòng loại thứ 3 World Cup 2022.

Bên cạnh những thành công, năm 2021 cũng chứng kiến những thất bại đáng tiếc của Đoàn Thể thao Việt Nam. Điển hình nhất là ở sân chơi Olympic Tokyo 2020 (tổ chức trong năm 2021 vì dịch Covid-19). Đoàn Thể thao Việt Nam sang Nhật Bản gồm 43 thành viên trong đó có 25 cán bộ đoàn, huấn luyện viên, chuyên gia và 18 vận động viên của 11 môn thể thao.

Mặc dù các vận động viên đã thi đấu hết mình vì màu cờ sắc áo, nhưng Đoàn Thể thao Việt Nam không giành được huy chương nào ở kỳ đại hội trên đất Nhật Bản. Không những vậy, những niềm hy vọng như Hoàng Xuân Vinh, Hoàng Thị Duyên hay Nguyễn Thị Ánh Viên đều không vượt qua được chính bản thân. Điểm sáng hiếm hoi là Nguyễn Huy Hoàng (Bơi) dù không giành được huy chương, nhưng đã thi đấu tốt ở nội dung 800m và 1500m bơi tự do cá nhân nam.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn với VOV.VN về nguyên nhân thất bại của Đoàn Thể thao Việt Nam, chuyên gia Nguyễn Hồng Minh cho rằng: “Đầu tiên cần phải khẳng định là trình độ vận động viên của chúng ta chưa cao. Nhiều người sẽ hỏi là có những người đã từng vô địch Olympic, từng vô địch thế giới, có những người từng vô địch châu Á sao ông lại bảo chưa cao?

Tuy nhiên, cần phải nhìn nhận thực tế là những vận động viên giỏi của chúng ta rất ít. Và số lần đạt được huy chương vẫn ít, đặc biệt là khi đem so với sự ổn định của vận động viên các nước khác thì mình vẫn kém.

Trình độ vận động viên Việt Nam còn thấp, cách xa với tầm Olympic trong khi trình độ của vận động viên các nước đến Olympic đều là những nhà thể thao xuất sắc của thế giới. Họ là nhà vô địch thế giới nhiều lần, vô địch Olympic nhiều lần. Nghĩa là những người đến Olympic là những người trình độ cao nhất và chúng ta thua kém nhiều về trình độ nên việc trình độ thấp thì không thể thắng được những người trình độ cao là đương nhiên”.

Ngoài thất bại ở Olympic Tokyo thì cuối năm 2021, người hâm mộ bóng đá nước nhà cũng chứng kiến ĐT Việt Nam gục ngã trước ĐT Thái Lan ở bán kết AFF Cup 2020, qua đó trở thành nhà cựu vô địch. Trước khi ĐT Việt Nam sang Singapore tranh tài, ĐT Việt Nam được dự đoán sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc bảo vệ ngôi vương vì lực lượng bị chấn thương tàn phá, cầu thủ bị vắt kiệt sức ở vòng loại thứ 3 World Cup 2022 và chế độ dinh dưỡng không được đảm bảo trong suốt thời gian thi đấu. Tuy nhiên, cách mà chúng ta dừng bước trước đại kình địch Thái Lan khiến người hâm mộ cảm thất không thuyết phục.

“Thất bại là mẹ của thành công”, sau năm 2021 không mấy suôn sẻ của Thể thao Việt Nam, đặc biệt là thể thao thành tích cao, chúng ta không có nhiều thời gian để tiếc nuối mà các nhà làm thể thao, các HLV và vận động viên tiếp tục bắt tay vào công việc để chuẩn bị cho những nhiệm vụ quan trọng trong năm 2022.

Trong năm 2022, Việt Nam sẽ là nước chủ nhà của SEA Games 31, giải đấu đáng ra được tổ chức vào năm 2021, nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên Ban tổ chức quyết định lùi lịch sang năm 2022. Đại hội thể thao lớn nhất khu vực sẽ diễn ra từ ngày 5-23/5/2022 tại các địa điểm Hà Nội (là địa điểm trung tâm) và các địa phương lân cận gồm Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Phú Thọ và Bắc Giang.

Theo ông Trần Đức Phấn - Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục TDTT, SEA Games 31 tổ chức vào tháng 5/2022 là hợp lý nhất. Bởi ở thời điểm đó, đại hội sẽ không trùng với các sự kiện thể thao lớn khác trong năm như Olympic mùa Đông (tháng 2), ASIAD (tháng 9). Tổ chức SEA Games 31 vào tháng 5/2022 cũng tạo thuận lợi cho Campuchia đăng cai tổ chức SEA Games lần thứ 32 vào năm 2023.

Mặc dù vậy, việc tổ chức SEA Games 31 vào năm 2022 cũng đặt ra những thách thức không nhỏ, chia sẻ với VOV.VN, ông Trần Đức Phấn cho biết: “Việt Nam tổ chức SEA Games 31 xong lại tham dự ASIAD là bài toán khó về mặt chuyên môn vì hai sự kiện quan trọng của Thể thao Việt Nam diễn ra cách nhau không xa. Công tác chuẩn bị cũng gặp khó khăn và chúng ta cần tính toán kỹ để các vận động viên có thể đạt đỉnh của SEA Games cũng như tại ASIAD để hướng tới việc giành huy chương”.

Theo ông Trần Đức Phấn khó khăn lớn nhất của các vận động viên là do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên thời gian qua chỉ tập luyện mà không được thi đấu cọ xát. Các giải vô địch quốc gia như bơi hay điền kinh và một số khác được tổ chức cuối năm 2021 cũng chưa giải quyết được hết những khó khăn nêu trên. Do đó, đầu năm 2022, các bộ phận chuyên môn phải tính toán cho các vận động viên vừa được tập luyện vừa được thi đấu.

Khó khăn của Đoàn Thể thao Việt Nam gặp phải do dịch Covid-19 trong 2 năm trở lại đây đã được nhắc đến nhiều, khi mà nhiều giải đấu, nhiều đợt tập huấn dành cho các vận động viên không diễn ra theo kế hoạch. Thất bại của chúng ta ở Olympic Tokyo cũng một phần nguyên nhân do dịch bệnh. Tuy nhiên, đây cũng là khó khăn chung của các Đoàn Thể thao khác trong khu vực.

Tại SEA Games 31, chủ nhà Việt Nam sẽ có những cải tiến mang bước đột phá ở khâu tổ chức để tạo tiền đề cho các giải kế tiếp nhằm nâng cao trình độ chuyên môn của giải đấu, thúc đẩy các Đoàn Thể thao đầu tư, phát triển những môn thể thao trọng tâm, trọng điểm để thi đấu ở ASIAD cũng như Olympic.

Ông Trần Đức Phấn cho biết: “Tổ chức SEA Games 31 khác hoàn toàn so với các kỳ đại hội trước đó. Bởi vì những lần tổ chức trước chưa lần nào Đông Nam Á tổ chức tất cả các môn Olympic, tổ chức hết nội dung, nhưng lần này Việt Nam tổ chức hết. Do đó sẽ không có chuyện nước chủ nhà mạnh nội dung nào thì đưa vào thi đấu và cắt bỏ thế mạnh của các đoàn thể thao khác. Ở kỳ đại hội này, các đoàn sẽ thi đấu sòng phẳng ở tất cả các nội dung. Do đó, việc cạnh tranh giành huy chương và thứ hạng trên bảng tổng sắp sẽ rất quyết liệt. Không có chuyện nước chủ nhà hơn các nước khác hơn tới 70-80 HCV”.

Khi đưa các môn thể thao Olympic phổ cập ở SEA Games, Đoàn Thể thao Việt Nam sẽ có lợi thế để phát huy và gặt huy chương ở các môn điền kinh, bơi hay đấu kiếm. Tuy nhiên, nước chủ nhà cũng sẽ gặp thách thức lớn trong việc giành ngôi nhất toàn đoàn ở đại hội năm nay. Bởi vì những nền thể thao mạnh ở khu vực như Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines hay Singapore cũng có nhiều môn Olympic ở đẳng cấp châu lục, thế giới. Do đó, ông Trần Đức Phấn chia sẻ rằng, mục tiêu của Việt Nam là nằm trong tốp đầu.

Những năm trở lại đây, Thể thao Việt Nam dần đầu tư trọng điểm hơn cho các môn thể thao thành tích cao thi đấu Olympic, ASIAD nên việc tổ chức SEA Games 31 theo cách đặc biệt nhất từ trước tới nay được coi là bàn đạp để Đoàn Thể thao Việt Nam cũng như các nước khu vực lựa chọn những vận động viên tốt nhất, xuất sắc nhất tranh tài ở ASIAD.

Tất nhiên, việc cạnh tranh huy chương ở đấu trường châu lục sẽ rất khó khăn, nhưng với thông điệp “Vì một Đông Nam Á mạnh mẽ  hơn” thì thông qua SEA Games 31, có thể nói rằng, Việt Nam và các nước Đông Nam Á có sự chuẩn bị không thể tốt hơn để đón nhận những thử thách lớn tại ASIAD tổ chức tại Hàng Châu (Trung Quốc) vào tháng 9/2022./.

Thứ Bảy, 06:00, 01/01/2022