PV: Tình cảm của Giang Trịnh dành cho Hà Nội được thông qua ống kính máy ảnh bắt đầu từ khi nào?
Giang Trịnh: Tôi không sinh ra và lớn lên tại Hà Nội. Tính tới thời điểm hiện tại thì tôi có gần 30 năm sống tại Hà Nội rồi. Lúc mới ra Hà Nội, tôi được bố cho đi những con đường đặc trưng, thưởng thức những món ăn ngon. Càng lớn kỷ niệm gắn bó với Hà Nội càng nhiều. Vậy nên trong đầu tôi lúc nào cũng tìm 1 cái đẹp - đẹp ở đây không phải lung linh huyền ảo mà muốn tìm 1 cái gì đó dung dị, mang lại niềm vui cho bản thân khi đi ra ngoài đường.
Niềm vui ở đây là gì? Là phong cảnh đẹp, góc phố đẹp, loài cây đẹp hoặc 1 số loài hoa đẹp của Hà Nội. Ngoài tìm những vẻ đẹp đó thì tôi tìm vẻ đẹp trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của người dân Hà Nội. Hình ảnh 2 cụ già ngồi nói chuyện trong công viên, người phụ nữ gánh hàng rong, những đứa trẻ chạy chơi trong ngõ nhỏ. Bất kể ai tôi gặp trên đường đều xuất hiện trong ống kính của tôi.
PV: Vậy điều gì khiến Giang nuôi dưỡng được cảm xúc về Hà Nội một cách dài lâu như vậy?
Giang Trịnh: Nếu theo dõi các bức ảnh chụp về Hà Nội như hồ Hoàn Kiếm tôi chụp hàng ngàn bức trong 15 năm qua. Hay con đường Phan Đình Phùng, tôi có hẳn album tới vài ngàn bức. Mội người hay hỏi chụp mãi một nơi có nhàm chán không, tôi thì thấy không nhàm chán tý nào. Mỗi bức ảnh tôi khai thác vào 1 thời điểm, không gian và cả góc chụp khác nhau.
Đặc biệt ở Hà Nội diễn biến thời tiết thay đổi rất nhanh, mỗi mùa sẽ cho một khung cảnh khác nhau. Quan trọng chúng ta cảm nhận vẻ đẹp đó như nào. Ví dụ sáng sớm có sương mù, buổi chiều có nắng xiên, cảnh nhìn đã khác nhau rồi, hay khi đông người thì chụp con phố ồn ào, náo nhiệt, tấp nập, còn khi chụp vào buổi đêm muộn hoặc vào mùa đông thì thấy con phố đó rất buồn, cô đơn. Một bức ảnh phải đặc tả được khung cảnh và đem lại cảm xúc cho con người, đó là tiêu chí của tôi.
PV: Nếu ai theo dõi facebook của Giang Trịnh sẽ thấy rõ một điều, những bức ảnh về Hà Nội của anh đều truyền cho người xem một cảm hứng rất rõ nét đó là: Tình yêu về Hà Nội.
Giang Trịnh: Một trong những điểm mạnh của tôi là truyền cảm hứng cho mọi người. Mỗi dịp lễ Tết thì mọi người lại chờ mong Giang Trịnh sáng hôm sau sẽ có bộ ảnh cho họ xem. Nếu như không có việc gì quá bận thì tôi sẽ cố gắng dậy đi chụp sớm, đặc biệt sớm mùng 1 Tết, tôi hay dậy lúc 6-7h sáng và đến 9h mọi người đã có ảnh để xem. Mọi người luôn rất hào hứng khi xem ảnh của tôi và nhận ra Hà Nội hôm nay là như vậy.
Có lẽ vì tôi cũng hay là người “bắt trend” hoặc là người theo đuổi những gì cập nhật nhanh nhất. Tôi cũng muốn cho mọi người thấy Hà Nội của hiện tại là như thế. Xu hướng con người thay đổi rất nhiều, nếu chỉ nhìn vào những góc lãng mạn, đẹp của Hà Nội thì đó là một Hà Nội xưa cũ. Hàng ngày tôi đăng hình ảnh về một Hà Nội của hiện tại, nhịp, sống, hơi thở của mảnh đất này để mọi người nhìn thấy Hà Nội đang là như vậy. Và một điều dễ thấy, mọi người yêu thích ảnh của Giang Trịnh là vì hình ảnh luôn cập nhật, luôn mới và chất chứa nhiều tình cảm. Đó là lý do tại sao mọi người theo dõi ảnh của tôi từ rất lâu.
PV: Hà Nội thay đổi rất nhiều, đô thị hóa quá nhanh khiến cho nhiều góc phố, con đường, hàng cây không còn nữa. Điều đó cũng khiến cho những người yêu Hà Nội như Giang Trịnh cảm thấy nuối tiếc?
Giang Trịnh: Thực ra có nhiều nuối tiếc. Tôi nghĩ, nếu không có những bức ảnh thì chúng ta không biết Hà Nội thay đổi như thế nào. Chính xác là từ năm 2021, tôi có làm tổng kết khoảng gần 20 bức ảnh ghép, cùng con phố ấy của 10 năm trước và 10 năm sau đã thay đổi rất nhiều. Đơn cử như phố Lý Quốc Sư. Ngày xưa lúc tôi đạt giải nhất cuộc thi Canon marathon, có chụp 1 bức tường rêu phong cổ kính. Đến bây giờ họ đã tu sửa và không còn như ngày xưa, cảm thấy rất tiếc.
Hay bức ảnh tôi chụp về ngôi nhà cổ ở phố hàng Bạc, đây là ngôi nhà làm hoàn toàn bằng gỗ và rất cổ kính. Nhưng 3 năm sau khi tôi chụp, ngôi nhà bị phá dỡ và bây giờ không còn ngôi nhà nào đẹp như vậy. Hay có con đường mà trước đây có những hàng cây rất thẳng, như đường Kim Mã có những cây cổ thụ rất to 1 người ôm không xuể. Đến giờ thay bằng tuyến đường sắt nên họ phá hết cây. Qua những bức ảnh ghi lại trước đó giờ nhìn lại thấy tiếc nuối vì mọi thứ không còn như xưa, thay vào đó là bê tông và gạch ngói, cũng có 1 chút thoáng buồn. Chính những bức ảnh đó làm chứng nhân để thấy Hà Nội từng có 1 thời kỳ rất đẹp, trầm lắng, mộc mạc.
PV: Giang Trịnh thuộc Hà Nội như lòng bàn tay?
Giang Trịnh: Tôi là người thích di chuyển, đam mê ẩm thực, cà phê và thích chụp ảnh. Cho nên những con đường, các vị trí đẹp ở Hà Nội tôi nhớ như lòng bàn tay. Không chỉ vậy, tôi còn thuộc cả những khoảnh khắc đã chụp đến mức độ vào mùa này ở đấy có gì đẹp hoặc tháng sau có những gì đẹp. Tôi có thể hình dung ra từng góc phố mình từng chụp ảnh.
Khi bước ra khỏi nhà vào sáng sớm, nếu như trời hôm đó sương mù thì tôi sẽ đi qua hồ Tây, hồ Gươm; hoặc nếu trời hơi sương nhưng vẫn có nắng thì chắc chắn sẽ đi đến đường Phan Đình Phùng. Nhiều người bảo tôi như máy dự báo thời tiết, bởi khi chụp tấm ảnh nào đăng lên mạng xã hội thì mọi người đều cảm nhận đúng như vậy. Hay tôi cũng hay chụp theo sự kiện. Ví dụ như ngày 30/4, 2/9, tôi sẽ đi dọc các con phố để tìm những hàng cờ đỏ sao vàng hoặc những khoảnh khắc sự kiện trọng đại. Ngày 2/9/2015 tôi thực hiện 1 bộ ảnh được mấy chục nghìn người like và gần trăm tờ báo lấy hình ảnh của tôi. Vì mình truyền tải được cho mọi người thấy được không khí của buổi diễu binh hoành tráng, trang nghiêm. Có những khoảnh khắc mà các phóng viên bảo rằng nhiều người ở quảng trường Ba Đình chụp không đẹp bằng Giang Trịnh vì tôi chụp nhiều góc, góc ở dưới thấp, góc chụp ngang và đặc biệt góc chụp trên cao xuống.
PV: “Nhiếp ảnh là đam mê” của Giang Trịnh?
Giang Trịnh: Ngày xưa có nhiếp ảnh gia Đỗ Bảo, có thể nói là chụp ảnh Hà Nội rất lâu, phải nói khi xem ảnh thì biết đó là tư liệu quý. Phong cách chụp của tôi với bác thì cũng khác nhau khá nhiều. Điểm mạnh của tôi là ánh sáng tự nhiên, đậm chất Hà Nội và trong đó có nội dung thông điệp, có ý nghĩa tình cảm và luôn cập nhật để mọi người thấy Hà Nội đang như vậy.
Có lẽ để duy trì đam mê cũng rất khó khăn, có những người có những cuộc sống mới, người lập gia đình, người đi làm xa. Mọi người bị cuốn vào vòng xoay cuộc sống quá áp lực, bận rộn nên không duy trì được đam mê. Thực ra thì công việc chính của tôi làm Ngân hàng tài chính cũng rất bận, cho nên mình phải cân bằng giữa công việc lẫn đam mê của bản thân. Thực ra công việc làm ngân hàng rất bận, thực sự nếu không có đam mê để xả stress cuối tuần thì sẽ cảm thấy rất căng thẳng. Mỗi người có những đam mê khác nhau, tôi chọn 1 thứ đam mê để làm cho tâm hồn mình thêm mềm mại và xả stress. Việc mình duy trì đam mê lâu cũng có tác dụng, đôi khi mình mang lại bức ảnh đẹp cho người khác cũng là niềm vui của mình hay mình cũng truyền được cảm hứng được cho người khác.
PV: Ảnh của Giang Trịnh rất riêng biệt, nếu yêu ảnh, yêu Hà Nội chỉ cần nhìn ảnh là biết của Giang Trịnh. Vậy điều gì làm nên điều khác biệt đó?
Giang Trịnh: Thật ra, nhìn ảnh của tôi đơn giản nhưng đầy chất nghệ thuật, đầy bố cục và kỹ thuật. Để ra được bức ảnh và bí quyết ấy thì mọi người không thể “nhái” theo được. Đó là sự quan sát và sắp xếp từ những chi tiết rất nhỏ, mà những ai chơi thân mới biết được điều đó.
Khi đăng ảnh trên trang cá nhân và được nhiều cơ quan truyền thông đưa lên tạp chí, báo mạng,... thì đối tượng tương tác cao là những người con ở xa Hà Nội, đặc biệt những Việt kiều. Tôi đã đọc rất nhiều bình luận của họ bảo “xem ảnh của Giang Trịnh khiến họ nhớ nhà, nhớ quê hương da diết”. Sống ở Hà Nội mà không tôn vinh vẻ đẹp của Hà Nội, không mang lại cảm hứng để mọi người yêu Hà Nội hơn thì thật thiếu sót.
Ước mơ của tôi là mọi người hãy biết đến và yêu Hà Nội nhiều hơn. Không chỉ yêu vẻ đẹp bên ngoài mà cả nhịp sống, tinh thần của người Hà Nội. Mình phải yêu cái nơi mà mình đang sống, đó là động lực để mình làm việc, cống hiến, phấn đấu, điều đó giúp cho con người hài hòa về công việc, cảm xúc, tinh thần khiến cho cuộc sống trở nên ý nghĩa hơn.
PV: Vậy Giang Trịnh được mệnh danh là người tạo ra “trend” cho những người yêu ảnh, những người thích chụp ảnh ở Hà Nội?
Giang Trịnh: Để có những “trend” như vậy thì mình phải quan sát mùa này có những gì nổi trội. Nhưng cũng phải nói là tôi rất may mắn bởi vì không phải mình nghĩ lúc nào cũng như thế. Tôi không phải là người làm thương mại khi cần thiết tôi vẫn chụp bằng điện thoại. Điều quan trọng khi chụp ảnh là cảm xúc và khoảnh khắc là mình phải có.
“Trend” về con đường hoa phong linh ở Hà Đông là một ví dụ. Tôi xem lướt qua thấy loáng có người đăng bức ảnh về hoa phong linh, tôi cố gắng sắp xếp thời gian nhanh nhất để đến đó chụp. Hay như cây gạo ở bờ hồ, tôi là người phát hiện nó đang nở. Tôi đã đứng từ xa để chụp cây gạo đó và đăng trên facebook, nói rằng cây gạo sẽ tạo “hot trend”. Y như rằng, sau đó mọi người đã đến chụp rất nhiều. Hay những đầm sen quanh Hà Nội, tôi cũng hay lọ mọ ai có đầm sen đẹp thì sẽ đi chụp hết. Hay con đường có cây bàng lá nhỏ ở khu sông Tô Lịch, ảnh được đăng lên hôm trước thì hôm sau mọi người tới nườm nượp check in. Không biết có phải số hay không nhưng cứ Giang Trịnh chụp ảnh ở đâu thì ở đấy tạo trend và “bị cấm”.
PV: Ngày nào Giang Trịnh cũng có ảnh về Hà Nội với thông điệp truyền tải về nhịp sống của Hà Nội ở hiện tại. Vậy con đường đến cơ quan của Giang Trịnh chắc không cố định một cung đường.
Giang Trịnh: Thực ra khi ra khỏi nhà thì tôi đã xác định được sẽ đi cung đường nào rồi. Có nghĩa là mùa này đường nào đẹp, có thể đi xa hơn một chút nhưng vì thích nên tôi sẽ đi. Quan trọng là mình hy sinh 1 chút, phải dậy sớm để di chuyển. Tôi có thời gian 1 tiếng đồng hồ buổi sáng để ăn sáng, vừa di chuyển chụp ảnh. Có những hôm thời tiết không có gì đặc biệt, không đẹp thì tôi ăn sáng và uống cà phê ở những góc phố quen. Tôi đặc biệt lựa chọn những quán view đẹp, đặc biệt là view phố cổ. Ngồi đấy ăn sáng, uống cà phê và cảm nhận luôn cái sự đẹp đẽ, thư thái của con phố đó.
PV: Nhiều người nói làm trong lĩnh vực tài chính tâm hồn sẽ “khô khan”?
Giang Trịnh: Thực ra tôi theo đuổi con đường làm ngân hàng này từ lúc ra trường tới nay cũng được trên 10 năm rồi. Khi vào công việc tốt nhất gạt qua những suy nghĩ vẩn vơ xung quanh và làm tròn vai trò của người làm tài chính, lúc đó mình như con người khác, chuẩn chỉ và nắm bắt các con số tốt. Tuy nhiên sau giờ làm thì tôi lại là con người khác. Nhiều người sau giờ làm vẫn bị cuốn vào công việc, có khi ở lại cơ quan tiếp tục làm việc. Nhưng với tôi thì sau giờ làm tôi muốn đóng suy nghĩ của mình, ít nhất là trong quãng đường về nhà. Đó là thời gian mình cần phải thư giãn để làm mềm suy nghĩ. Sau 1 ngày căng thẳng, áp lực làm việc nếu đi thẳng về nhà thì sẽ đem những cảm xúc ấy về với người thân, thì tôi chọn cách thả lỏng cơ thể để khi bước về nhà thì mọi thứ đều đã được cân bằng. Đó là cách tôi cân bằng cuộc sống của mình.
Nhiều người hỏi tại sao làm tài chính ngân hàng mà lại chụp ảnh đẹp như thế. Tôi cũng không biết nói sao chỉ biết rằng chụp ảnh là đam mê, ăn vào máu rồi nên cứ giơ máy lên là có ảnh đẹp.
PV: Cảm ơn Giang Trịnh./.