“Chương trình Phát thanh Dành cho đồng bào Việt Nam ở xa tổ quốc" là sự tiếp nối của "Chương trình phát thanh 0 giờ", (phát sóng lúc 0 giờ) của Đài Tiếng nói Việt Nam ra đời năm 1973, với nhiệm vụ chủ yếu là biên tập những thông tin thời sự, trọng tâm là tin chiến sự trong nước để phục vụ cho phái đoàn Việt Nam thêm dữ liệu để đàm phán ở Hội nghị Paris.

Trong thời điểm ngặt nghèo của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, từ cánh sóng của chương trình phát thanh từ trong nước góp phần giúp đoàn đàm phán của Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hoà có thêm thông tin nóng, chân thực từ quê nhà, tạo thêm lợi thế trên lại bàn đàm phán ký Hiệp định Paris chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam. Đây cũng là ý nghĩa lịch sử của “Chương trình phát thanh 0 giờ” trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, thống nhất đất nước.

Sau khi đất nước thống nhất, Chương trình phát thanh 0 giờ vẫn được duy trì phát sóng, là kênh thông tin về Việt Nam phục vụ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

Đến năm 1981, công tác thông tin về kiều bào cần có sự thay đổi về nội dung, hình thức, cần có một phòng chuyên môn thực hiện chương trình phát thanh riêng, phục vụ cho đối tượng rất đặc thù là kiều bào, nên ngày 16/8/1981, Đài Tiếng nói Việt nam quyết định thành lập Phòng Việt Kiều (thực hiện Chương trình phát thanh Dành cho đồng bào Việt Nam ở xa Tổ quốc), thuộc ban Thời sự.

Tháng 7/1994, công tác thông tin đối ngoại được tăng cường, Đài Tiếng nói Việt Nam quyết định chuyển phòng Việt Kiều từ Ban Thời sự sang Ban Biên tập Đối ngoại (Nay là Ban Đối ngoại).

Nhà báo Nguyễn Huy Dung, nguyên Trưởng phòng Việt kiều từng thuật lại: “Đây là chương trình có một đối tượng đặc biệt là người Việt Nam xa xứ. Họ là người Việt Nam, có một tổ quốc thân yêu, dù sống xa quê nhưng tâm hồn họ vẫn rất gần gũi với non sông đất nước, trái tim họ vẫn thấm đẫm tình nhớ thương con đường, lối phố, mái đình, bến nước, họ vẫn rất thuộc những câu hát xẩm xoan, hay điệu chèo, điệu lí. … Và cộng đồng thính giả ấy có đa dạng phức tạp thế nào thì đó vẫn là người Việt Nam, cùng một mẹ đẻ ra, gắn kết trong hai chữ “đồng bào” ấm áp, thân yêu mà Bác Hồ dùng trong Tuyên ngôn độc lập và trong các bài chúc Tết của Người. Thế là tên chương trình phát thanh “Dành cho đồng bào Việt Nam ở xa Tổ Quốc” chính thức ra đời”.

Chương trình phát thanh “Dành cho đồng bào Việt Nam ở xa Tổ quốc” có nội dung tổng hợp gồm bản tin và nhiều chuyên mục trong một tuần. Trong đó có nhiều chuyên mục phục vụ trực tiếp nhu cầu thông tin của kiều bào như:Tin tức, Chính trị, Bình luận, Câu chuyện với người xa quê, Người Việt muôn phương, Khách mời trong tuần, Bạn cần biết, Chuyện của làng, Tạp chí Văn nghệ, Giai điệu quê hương, Việt Nam - đất nước - con người, Thế giới với Việt Nam, ....

Nội dung chương trình đề cập mọi mặt đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội của Việt Nam, nhằm thông tin đến kiều bào chủ trương, chính sách, đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước, chính sách của Đảng và Nhà nước với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, kết nối, gắn kết người Việt Nam ở nước ngoài với cộng đồng trong nước, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, hỗ trợ kiều bào sinh sống ổn định, hòa nhập với cộng đồng sở tại, hướng về quê hương đất nước và giữ gìn bản sắc văn hóa Việt Nam ở nước ngoài...

Thính giả ở nước ngoài luôn nhớ đến giọng văn dí dỏm, chất thơ của nhà báo, thi sĩ Nguyễn Huy Dung; chất sôi nổi, nhiệt huyết qua phóng sự, phỏng vấn của nhà báo Thái Thuyên, Huyền Yến, Thu Nga; được thả hồn, phiêu du với những chương trình ca nhạc, văn nghệ thấm đượm tình quê của cây bút Anh Trang, Hải Tần; sự chỉn chu mực thước của nhà báo Thuỵ Chóng. Không thể không nhắc đến nhà báo Trần Sơn Ngọc với những bài chính luận sắc sảo; nhà báo Đào Xuân Tân, Hải Tần, Lê Quốc Hưng với những bài bút chiến làm nên thương hiệu Câu chuyện với người xa quê của chương trình… Các thế hệ nhà báo từng làm việc tại phòng Việt kiều như Nguyễn Đình Lương, Trần Sơn Ngọc, Nguyễn Anh Trang, Nguyễn Huy Dung, Lê Thu Nga, Phạm Thụy Chóng, Nguyễn Thắng Lộc, Thái Thuyên, Đào Xuân Tân, Hoàng Đồng, Huyền Yến, Đào Thị Phước…. Thế hệ sau này có nhà báo Lê Quốc Hưng, Nguyễn Thúy Hoa, Hoàng Hướng, Trần Lệ Chiến, Hồ Hồng Hạnh, Phi Hà, Nguyễn Lan Phương, Nguyễn Hồng Anh, Hoàng Thu Thảo, Nguyễn Kim Lan, Nguyễn Thành Đức, Nguyễn Mai Liên, Nguyễn Tú Anh… mỗi người có một cách thể hiện riêng, luôn để lại những dấu ấn tốt đẹp trong lòng thính giả người Việt ở nước ngoài.

Không chỉ chú trọng tuyên truyền dành cho cộng đồng người Việt Nam ở xa Tổ quốc, kể từ 1/5/2006 Đài Tiếng nói Việt Nam xây dựng chương trình phát thanh “Người Việt ở nước ngoài với quê hương” với thời lượng 15 phút mỗi tuần trên sóng VOV1, hướng tới cộng đồng người Việt trong nước, góp phần gia tăng hiểu biết giữa cộng đồng người Việt trong nước và cộng đồng người Việt ở nước ngoài, mục đích cuối cùng là tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Đặc biệt, trong hai năm qua, khi đại dịch Covid-19 lan rộng Phòng Việt kiều bám sát thông tin về đại dịch trên thế giới tác động đến cộng đồng kiều bào ở nước ngoài để kịp thời đưa thông tin, tổ chức các cuộc toạ đàm, phỏng vấn trực tuyến, trong năm 2020, nhằm chia sẻ kinh nghiệm kiều bào ở nước ngoài phòng chống covid, tương thân tương ái, thông tin và vận động các hội đoàn kiều bào quyên góp ủng hộ phòng chống dịch ở trong nước… Tiêu biểu như Toạ đàm trực tuyến “Kết nối kiều bào trong phòng, chống Covid -19” giữa Đài Tiếng nói Việt Nam, Uỷ ban người Việt Nam ở nước ngoài và 9 điểm cầu kiều bào trên thế giới; hay toạ đàm trực tuyến “Chữa covid, kinh nghiệm và thực tiễn kiều bào” cùng gần 200 phóng sự, phỏng vấn, toạ đàm, trực tuyến nối kiều bào ở khắp nơi trên thế giới với đất nước trong kinh nghiệm phòng chống dịch, ủng hộ Quỹ vắc xin phòng chống covid, ủng hộ người nghèo do đại dịch, …

Phóng viên phòng Việt kiều cũng đề xuất và trực tiếp tham gia nhiều chương trình nổi bật như Diễn đàn trực tuyến “EVFTA - Con đường đắc lợi, con đường gian nan” vào tháng 9/2020, kết nối các doanh nghiệp, địa phương trong nước với gần 40 điểm cầu là các doanh nhân, trí thức kiều bào trên khắp thế giới bàn cách kết nối và thúc đẩy thương mại giữa Việt Nam với 27 nước Liên minh Châu Âu, nơi có đông đảo kiều bào sinh sống. Tiếp đó là Lễ hội Văn hoá Việt - Đức gồm triển lãm, hội thảo, lễ hội với hàng ngàn người tham gia được tổ chức vào đầu tháng 10 năm 2020.

Những nội dung chương trình được dàn dựng trên cơ sở tin, bài, phỏng vấn của phóng viên chương trình và sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các đồng nghiệp ở Đài Tiếng nói Việt Nam, của nhiều cộng tác viên trong nước cũng như nước ngoài... thể hiện rõ nét từng bước phát triển của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài trong suốt những năm qua, là nhịp cầu kết nối giữa các cộng đồng kiều bào ở các nước với nhau nói riêng và kiều bào ở nước ngoài với quê hương đất nước. Qua các chương trình này, nhân rộng các mô hình xây dựng và phát triển cộng đồng người Việt, dạy tiếng Việt, các hoạt động từ thiện…

Với cách nói, cách viết và thể hiện sinh động, uyển chuyển, nhẹ nhàng, bền bỉ hằng ngày, Chương trình phát thanh "Dành cho đồng bào Việt Nam ở xa Tổ quốc" đã bắc một nhịp cầu âm thanh, nối những khúc ruột nơi xa về với quê cha, đất tổ. Qua Tiếng nói Việt Nam, quê hương ngàn dặm như gần hơn trong lòng người viễn xứ. Tiếng nói Việt Nam luôn được kiều bào quan tâm theo dõi, tin cậy với cả niềm thương nỗi nhớ của mình.

40 năm qua, Chương trình phát thanh “Dành cho đồng bào Việt Nam ở xa Tổ quốc” đã tạo ra hiệu ứng tích cực, tuyên truyền đến cộng đồng người Việt Nam ở xa Tổ quốc các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, thành tựu xây dựng, đổi mới và hội nhập quốc tế của Việt Nam, đặc biệt là góp phần định hướng dư luận, đấu tranh với các phần tử thù địch, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, kết nối kiều bào đóng góp xây dựng đất nước, quê hương. Đây là kênh thông tin chính thống, hàng ngày về đất nước của kiều bào ở khắp nơi trên thế giới. Bà con được nghe thông tin trong nước, đặc biệt là nghe tiếng nói của quê hương qua những tự sự, tâm tình.

Trong những năm qua, phóng viên phòng Việt Kiều kết nối và tham ra các chương trình từ thiện, xã hội giúp đỡ đồng bào nghèo, vùng bị thiên tai, kết nối và hỗ trợ các địa phương trong việc tháo gỡ khó khó khăn, tiêu thụ nông sản, nhất là trong thời gian dịch hai năm vừa qua.

Từ sáng kiến của phòng Việt kiều, Đài Tiếng nói Việt Nam là cơ quan truyền thông đầu tiên tổ chức Gặp mặt bà con kiều bào thường niên nhân dịp Tết đến Xuân về.

Cuộc thi Kiều bào hát dân ca trên sóng VOV ra đời nhân dịp kỷ niệm 40 năm thành lập chương trình phát thanh “Dành cho đồng bào Việt Nam ở xa Tổ quốc. Cuộc thi đã thu hút sự tham gia của hàng trăm thí sinh người Việt ở nước ngoài và người nước ngoài, từ hát đơn ca đến trình diễn nhóm, câu lạc bộ. Đây là hoạt động rất ý nghĩa nhằm lan tỏa, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài.

“Chương trình phát thanh “Dành cho đồng bào Việt Nam ở xa Tổ quốc trong nhiều năm qua đã dành một thời lượng lớn trên sóng để; cho “kiều bào nói”. Liên tục trong thời gian gần đây, trên sóng phát thanh đã xuất hiện tương đối nhiều phát biểu của bà con kiều bào trong các bản tin, phóng sự, phỏng vấn, tọa đàm. Một số hoạt động tiêu biểu nhất được phản ánh như các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư, kết nối của doanh nhân kiều bào với doanh nghiệp, bộ, ngành, địa phương trong nước; Các chương trình do doanh nhân kiều bào tổ chức...”- Nhà báo Nguyễn Tiến Long - Trưởng ban Đối ngoại VOV5 nhận định.

Ông Lương Thanh Nghị, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao cho rằng: "Chương trình Phát thanh Dành cho đồng bào Việt Nam ở xa Tổ quốc" của Đài tiếng nói Việt Nam đã trở nên hết sức quen thuộc, có sức hấp dẫn riêng đối với cộng đồng 5,3 triệu người Việt Nam ở nước ngoài. Trong suốt 4 thập kỷ qua, Chương trình phát thanh dành cho kiều bào đã tạo hiệu ứng tích cực, thông tin nhanh, chính xác, kịp thời đến cộng đồng người Việt Nam ở xa Tổ quốc các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, thành tựu công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế của Việt Nam, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, kết nối kiều bào đóng góp xây dựng đất nước, quê hương. Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Bộ Ngoại giao luôn đánh giá cao nội dung các chuyên mục của Chương trình cũng như những nỗ lực, sự đồng hành, gắn bó chặt chẽ của các phóng viên, biên tập viên Phòng Việt Kiều với kiều bào ta nói chung và Uỷ ban nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao nói riêng”.

GS-TS Nguyễn Huy Hoàng, người Việt Nam ở LB Nga tâm sự: "Chúng tôi gắn bó với chương trình phát thanh “Dành cho đồng bào Việt Nam ở xa Tổ quốc” của VOV từ “thưở ban đầu lưu luyến ấy”, vào những năm 90 của thế kỷ XX. Khi Liên Xô tan vỡ, từ nơi xa Tổ quốc, hàng ngàn dặm, muốn biết tình hình đất nước, chỉ có thể thông qua làn sóng điện của VOV. Vì sao người ta gắn bó với Đài Tiếng nói Việt Nam như vậy? Với tư cách là người nghiên cứu, là một thính giả, tôi cho rằng, vì tính thời sự rất nóng hổi mà VOV đưa đến với chúng ta. Thứ hai là tính chân thực. Tôi tự khảo nghiệm trở lại, có lẽ Đài Tiếng nói Việt Nam là một trong những phương tiện truyền thông đã thể hiện một cách hết sức chân thật những sự kiện những vấn đề gì xảy ra”.

Nhà thơ, nhà phê bình văn học Đỗ Quyên, người Việt ở Canada nhận xét: “Trong những bài mà tôi có dịp may mắn được cộng tác với VOV có thể nói là tôi đều hài lòng. Nhất là với sự biên tập, chọn lựa các điểm chính, những câu quan trọng để đưa lên trang mạng. Nói chung, các giọng đọc đều nâng bài viết của tôi lên rất nhiều. Thí dụ như bài gần đây nhất là bài về nhà thơ Đặng Đình Hưng, với giọng đọc của phát thanh viên Hải Yến đã thực sự là hút hồn tôi như là một người viết”.

Còn ông Lê Mạnh Hùng, người Việt ở Mỹ, Chương trình phát thanh “Dành cho đồng bào Việt Nam ở xa tổ quốc” là nơi ông có thể thổ lộ tâm tình. Những thời điểm khó khăn nhất ở nước ngoài, những năm 80, 90 của thế kỷ trước, chiếc cầu nối duy nhất giữa những kiều bào như ông với Tổ quốc chỉ là Chương trình phát thanh “Dành cho đồng bào Việt Nam ở xa Tổ quốc” mà thôi. VOV đã truyền tải tin tức, tâm sự, trò chuyện với kiều bào như người thân trong gia đình.

“Chúng tôi ở nước ngoài, ráng hội nhập, làm ăn phát triển, lâu lâu về thăm quê hương, đóng góp xây dựng quê hương. Còn các anh chị Chương trình phát thanh “Dành cho đồng bào Việt Nam ở xa tổ quốc” hãy cứ mãi thay mặt quê hương, là người bạn tâm tình với những người như tôi, là chỗ dựa tình cảm quê hương của chúng tôi” - thính giả Lê Mạnh Hùng bày tỏ.

Thời kỳ đổi mới, phòng Việt Kiều là 1 trong 5 đơn vị cấp phòng ở VOV được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng 3 ngày 27/10/2008.

Phòng Việt Kiều được Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam tặng danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc gần đây nhất là các năm 2019, 2020.

Nhà báo Hoàng Hướng, trưởng phòng Việt kiều được Bộ trưởng bộ Ngoại giao tặng Bằng khen về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài năm 2020.

Nhiều phóng viên phòng Việt Kiều được tặng kỷ niệm chương về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài. Phóng viên phòng Việt kiều cũng đã đạt được giải thưởng Báo chí quốc gia, nhiều giải báo chí chuyên ngành, địa phương và Liên hoan phát thanh toàn quốc.

Về định hướng phát triển của chương trình phát thanh “Dành cho đồng bào Việt Nam ở xa Tổ quốc” trên sóng đối ngoại VOV5, nhà báo Nguyễn Tiến Long, Trưởng ban đối ngoại VOV5 khẳng định: “Trong xu thế hiện nay, cần tăng các chuyên mục cho các đối tượng là tri thức trẻ; Tăng cường nội dung, chuyên đề về chuyển đổi số phù hợp với cuộc cách mạng công nghệ 4.0; Đổi mới nội dung và hình thức chuyên mục dạy tiếng Việt, có thể tham gia với tư cách đồng tác giả các dự án dạy tiếng Việt của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa - Thể thao - Du Lịch hoặc Bộ Ngoại giao. Thay thế thể loại Chuyên đề vốn chỉ nặng về dàn dựng, khai thác bằng phóng sự tư liệu để đưa được nhiều chất liệu cuộc sống, con người thực vào, tăng tính tương tác; Tăng thời lượng và cải tiến hình thức tọa đàm trực tuyến với các cá nhân, tổ chức, hội đoàn, danh nhân, trí thức theo hướng song phương hoặc đa phương; Xây dụng format chương trình phát tổng hợp phù hợp để phát chuyển tiếp trên làn sóng quốc gia của Lào, Campuchia trong thời gian tới. Đây là một ưu tiên trong chiến lược thông tin đối ngoại của Việt Nam”./.


Tác giả: Hoàng Hướng - Hương Giang | Thiết kế: Hà Phương

Thứ Ba, 10:19, 14/12/2021