Với những ai hay hoài niệm, tìm lại những niềm vui trong trẻo tuổi thơ chắc sẽ có những cảm xúc khó tả trong giây phút thoáng gặp những đồ chơi quen thuộc, nhớ về những kỷ niệm xưa cũ, những đêm Trung thu rước đèn, phá cỗ trong tiếng trống múa lân rộn rã.

Mang chút nuối tiếc và mong muốn gắn kết ký ức với hiện tại, chúng tôi tìm đến những nghệ nhân làm đồ chơi Trung thu thủ công. Đã từ lâu vùng đất Cao Viên, Thanh Oai, Hà Nội là nơi được biết đến có nghề làm đèn kéo quân. Ở đó có nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền đã dành cả đời để lưu giữ nét văn hoá truyền thống, “giữ lửa” cho những Tết Trung thu đủ đầy ý nghĩa.

Những ngày này, căn nhà của ông tràn ngập những chiếc đèn kéo quân đủ các kích cỡ như một “bảo tàng” thu nhỏ. Ở tuổi 82, nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền vẫn còn rất nhanh nhẹn, vừa làm việc ông vừa tranh thủ chuyện trò với chúng tôi. Bàn tay ông thoăn thoắt cắt cắt, dán dán còn câu chuyện cứ nối dài về thứ đồ chơi dung dị vốn mơ hồ về lịch sử xuất hiện, nhưng lại rõ nét về sự tích ra đời.

Theo lời ông Quyền thì nguồn gốc đèn kéo quân bắt nguồn từ hai truyền thuyết về chàng trai nghèo khó tên là Lục Thức mồ côi cha, ở với mẹ rất hiếu thảo.

Truyền thuyết kể rằng, trong lần nhà vua tổ chức hội thi làm đèn, Lục Thức nằm mơ thấy có một vị thần hiện ra bảo cho cách làm chiếc đèn dâng nhà vua. Lục Thức cùng mẹ lấy những thân trúc trắng cùng giấy màu để làm đèn. Khi chiếc đèn làm xong, ngày rằm tháng Tám cũng vừa đến. Chàng trai vui mừng cùng mẹ đem chiếc đèn vào kinh thành dâng vua. Nhà vua xem, thấy chiếc đèn vừa lạ, vừa nhiều màu sắc lại biết chuyển động cho nên rất vừa lòng.

Khi vua hỏi ý nghĩa của chiếc đèn, Lục Thức tâu rằng: “Thưa bệ hạ, thân trúc ở giữa đèn là biểu hiện trục khôn, cái chong chóng quay sáu mặt biểu tượng cho sáu trạng thái cảm xúc của con người: thương, ghét, giận, buồn, vui, hờn. Cái chong chóng quay luôn luôn, tượng trưng cho con người hay thay đổi cũng có căn do, đó là đạo làm người. Chong chóng quay được cũng nhờ ánh đèn soi sáng, cũng như con người tốt lành cũng nhờ đạo đức”.

Nguồn: Hoàng thành Thăng Long.

Còn thuyết thứ 2, dân gian kể, Lục Thức vừa đi học, vừa đi làm xa, để lại mẹ già ở nhà cô quạnh. Thương mẹ, ông làm ra đèn kéo quân để mỗi khi thắp sáng, đèn lại hiện bóng hình quân lính chạy đi chạy lại. Bà nhìn vào đó để vơi nỗi nhớ con. Trẻ con trong xóm thấy thế kéo nhau đến xem đèn, chơi với bà cụ, từ đó trong nhà đầy ắp tiếng cười của trẻ thơ.

Một hôm nhà vua vi hành qua thấy nhà tranh vách đất dột nát mà rộn rã tiếng cười, liền hỏi thăm người dân. Họ cho biết đó là nhà của Lục Thức, một chàng trai hiếu thảo đã làm ra chiếc đèn để mẹ già được khuây khoả lúc thanh vắng. Nhà vua vào xem thấy đèn làm tinh xảo, nét mặt bà mẹ vui tươi, mãn nguyện bên đám trẻ. Vua cho rằng Lục Thức là người hiếm có, đức độ liền ban khen tấm lòng hiếu thảo. Vua lệnh truyền bá rộng rãi trong nhân dân từ nay trở đi, cứ đến Tết Trung thu, Nguyên đán, Nguyên tiêu, mọi nhà làm đèn kéo quân trước là để hoa đăng trưng bày, sau là để giáo dục tấm lòng hiếu thảo cho con cháu noi theo tấm gương của Lục Thức. Từ đó, mỗi khi đến Tết Trung thu, nhớ lại sự tích người con hiếu thảo Lục Thức, người dân lại làm ra những chiếc đèn màu rực rỡ với nhiều hình vẽ phong phú.

Cũng từ 2 truyền thuyết đó mới có sự ra đời của 2 loại đèn kéo quân 4 cạnh và 6 cạnh. 4 cạnh tượng trưng tứ thân phụ mẫu còn 6 cạnh tượng trưng cho trạng thái cảm xúc của con người: thương, ghét, giận, buồn, vui, hờn. Câu chuyện về lòng hiếu thảo cứ thế được truyền đến ngày nay cùng với chiếc đèn kéo quân qua mỗi mùa Trung thu.

Ngoài bài học về đạo làm con đối với bậc sinh thành, chiếc đèn kéo quân còn gợi niềm tự hào về quê hương, đất nước qua những câu chuyện được kể từ các hình cắt hay còn gọi là “quân” phản chiếu trên tấm giấy mờ của đèn như:  Phù Đổng Thiên Vương; Con Rồng cháu Tiên; Sơn Tinh, Thủy Tinh, Chử Đồng Tử... cho đến hình ảnh con lợn Âm dương, chú bé thổi sáo trên lưng trâu... vốn quen thuộc, gắn liền với văn hóa nông nghiệp lúa nước.

Cũng theo lời ông Quyền thì trước đây, đèn kéo quân là một món đồ chơi "hạng sang" với trẻ em, nhất là vào dịp Trung thu. Nếu ai có được thì sung sướng lắm, chạy khoe khắp xóm làng. Ông Quyền bắt đầu biết làm đèn từ năm lên 6 tuổi do được ông và bố truyền dạy. Và như một cơ duyên để rồi thành nghiệp, cái nghề đi cùng ông Quyền và gia đình gần cả đời người.

Đèn kéo quân được làm khá công phu và ti mỉ, phải mất 8 tiếng mới có thể hoàn thành. Vật liệu làm đèn cũng phải lựa chọn kỹ lưỡng, phải dùng tre “bánh tẻ”, rồi phơi khô, ngâm nước. Giấy làm đèn là loại giấy dó, giấy nến để hình ảnh được rõ. Bên trong đèn, chính giữa là trục thẳng đứng làm bằng một thanh tre, vót tròn, chốt bằng hai kim nhọn hai đầu. Xung quanh trục đèn là những vòng trụ giấy dán hình người, con vật, cảnh vật,... được sắp xếp, gá buộc thành nhiều tầng gọi là các tầng đèn. Ðể chiếc đèn có nhiều hình phong phú, người ta lồng và cắt dán đến bốn, năm tầng.

Các công đoạn có cái khó mà cũng có cái dễ. Biết làm thì dễ mà không biết làm thì khó. Đầu tiên phải dựng khung trước, sau đó mới dán giấy bên trong để hiện hình bóng lên, rồi trang trí bên ngoài. Trang trí thì ai cũng làm được, chủ yếu phải làm khung cho vững chắc và chuẩn. Những đèn làm lệch tâm, chỉnh có khi mất cả buổi mới chạy. Khi làm tán, cánh tán phải khoanh đều thì thắp nến sẽ quay đều. Nếu làm khung không ngay ngắn, không xác định được phương thẳng đứng thì chong chóng méo mó, cánh không khoanh đều thì nó không quay được. 

Nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền cho biết, vì làm thủ công tỉ mỉ và rất khó để sản xuất đại trà như nhiều mặt hàng đồ chơi điện tử nên không hiệu quả về kinh tế. Một thời gian dài, chiếc đèn kéo quân đã bị quên lãng, trẻ em có nhiều niềm vui khác với những thứ đồ chơi hấp dẫn hay những thiết bị công nghệ, rất khó để chúng say mê món đồ chơi dân gian truyền thống làm hoàn toàn thủ công. Nhiều người cũng tìm cách cải tiến đèn kéo quân cho phù hợp với xu thế như ông Vũ Văn Sinh, một nghệ nhân trong làng. Ông Sinh cải tiến, thay thế các vật liệu truyền thống như nan tre, giấy dó bằng nhựa mềm, giấy bóng kính, thắp sáng đèn điện nhưng không hiệu quả vì sức nặng và không được mọi người đón nhận. Cũng vì thế mà số người làm đèn kéo quân cứ thế vơi dần. Trong làng giờ chỉ có mình ông Quyền làm, thậm chí trong gia đình, con cháu của ông đều biết làm, nhưng không có ai muốn theo nghề.

“Mặc dù bọn trẻ không còn mặn mà với những chiếc đèn đó nữa nhưng tôi vẫn làm, không cầu lợi nhuận, chỉ cầu vui. Tôi vẫn luôn trăn trở tìm cách cải tiến mẫu mã, cách thức chơi đèn kéo quân, nhưng vẫn giữ được nét truyền thống. Ngoài những hình ảnh mang đậm chất dân gian thường sử dụng làm quân đèn như chị Hằng, chú Cuội, kéo co, đấu vật... còn có cả những hình ảnh của tranh Đông Hồ, những con vật quen thuộc với trẻ em hiện nay. Tôi tuổi đã già, giờ cố gắng làm được chút nào hay chút ấy, để bọn trẻ có cơ hội tiếp cận với đồ chơi dân gian và giữ nghề truyền thống”, ông Quyền tâm sự.

Ông Quyền phấn khởi khi gần đây, Nhà nước đã rất quan tâm đến việc bảo tồn, phát triển trò chơi dân gian. Cùng với đó là niềm đam mê đồ chơi truyền thống trong cộng đồng cũng được đánh thức một phần. Nhờ vậy, số lượng người tìm đến đặt mua đèn kéo quân của ông Quyền ngày càng đông hơn.

Không chỉ làm đèn ở nhà, ông còn đến các địa chỉ văn hoá như Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Trung tâm triển lãm văn hoá Vân Hồ để nói chuyện, dạy cách làm đèn kéo quân… Có nhiều trường cấp 1, cấp 2 mở lớp ngoại khóa để ông Quyền có thể đến dạy, giúp các cháu nhỏ biết cách tự làm đồ chơi cho mình và hiểu rõ hơn ý nghĩa sâu xa của đèn kéo quân. Dù đã ngoài 80, ông Quyền vẫn đi xe máy đến bất cứ đâu mỗi khi có lời mời. Ông nói: “Thêm một người biết là thêm một cơ hội để lưu giữ một nét văn hóa truyền thống cho thế hệ mai sau và rất vui mừng khi người dân Việt Nam không quay lưng lại với đồ chơi dân gian truyền thống”.

Ghi nhận công lao của ông trong việc gìn giữ đồ chơi truyền thống, năm 2019, ông Nguyễn Văn Quyền vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú ở loại hình Tri thức dân gian. Đó là động lực để ông Quyền tiếp tục gìn giữ và nuôi dưỡng niềm đam mê dù cuộc sống có lúc thăng trầm. Cầm chiếc đèn đang làm dở trên tay, ông Quyền bảo: “Đồ chơi dân gian như đèn kéo quân mang ý nghĩa vì nó có câu chuyện, dựa vào đó người ta dạy con trẻ biết về đạo nghĩa làm người, biết trọng chữ hiếu, thờ mẹ kính cha…”. Với ông, bảo tồn một món đồ chơi dân gian như thế là việc làm cần thiết, không chỉ là nét văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc mà còn làm cho những Tết Trung thu vẹn nguyên phong vị cho những người hay hoài niệm và đủ đầy niềm vui cho tuổi thơ./.



Thứ Năm, 06:00, 01/10/2020