Vào thời điểm năm 2011, giới yêu nhạc tràn ngập sự mong đợi sự trở lại của hiện tượng âm nhạc nước Anh – Adele sau thành công của album đầu tay “19”. “19” được cô sáng tác bằng những cảm xúc bùng nổ, say đắm trong tình yêu với một người đàn ông hơn cô 10 tuổi.
Những bản tình ca da diết hay những giai điệu vui tươi, chất chứa các cung bậc cảm xúc của người con gái khi yêu như “Make you feel my love”, “Chasing Pavement”, Crazy for you”… đã nhận được nhiều lời khen của giới chuyên môn và gặt hái nhiều giải thưởng. Đồng thời Adele cũng cho khán giả và ngành công nghiệp thấy được một phần tài năng và tiềm năng nổi trội của mình.
Thế nhưng chuyện tình mơ mộng được Adele kể trong “19” không suôn sẻ như vậy mà phải đối mặt với sóng gió và nhanh chóng tàn phai. Tuy nhiên thay vì sôi sục trong những cay đắng, đau khổ, Adele biến nỗi buồn của một trái tim tan vỡ thành cảm hứng cho album tiếp theo của mình. Và “21” ra đời, trở thành một trong những album chia tay kiên cường, vĩ đại trong lịch sử âm nhạc.
Album được phát hành vào ngày 24/1/2011 tại châu Âu trước khi ra mắt Bắc Mỹ khoảng một tháng sau đó, khi Adele đã có cho mình những giải thưởng ấn tượng với album đầu tay và đĩa đơn “Chasing Pavements”. Tại lễ trao giải GRAMMY lần thứ 51 được tổ chức năm 2009, "Chasing Pavements" đã được đề cử cho giải “Bài hát của năm” và “Thu âm của năm”. Nó tiếp tục đem lại cho giọng ca nước Anh giải thưởng “Nữ ca sĩ nhạc pop của năm”, “Nghệ sĩ mới xuất sắc nhất”.
“21” vượt xa những gì công chúng mong đợi ở Adele. 11 ca khúc cho thấy một Adele trưởng thành, sâu sắc hơn so với “19”. Tuy nhiên, điều khiến album “21” trường tồn với thời gian ngay cả nhiều năm sau đó là những cảm xúc dào dạt mà nữ ca sĩ truyền tải.
Cũng thể hiện chủ đề tình yêu như album đầu tay nhưng trong “21” tình yêu gắn liền với sự bấp bênh, được sinh ra từ mối quan hệ giữa nữ ca sĩ và người yêu cũ với những thăng trầm và một kết thúc đáng buồn.
"Tôi đau khổ, tôi cô đơn, tôi buồn, tôi tức giận, tôi cay đắng. Tôi đã nghĩ mình sẽ độc thân trong suốt quãng đời còn lại. Tôi đã nghĩ mình sẽ không bao giờ yêu nữa ", Adele chia sẻ trên tờ New York Times lúc ấy.
Được thu âm một ngày sau khi Adele chia tay người yêu cũ, "Rolling in the deep " – ca khúc mở đầu album thể hiện giận dữ khi bị người yêu hắt hủi. Giọng hát của Adele lại có sức chiến đấu, tiếng trầm thấp của đàn guitar acoustic lặp đi lặp lại trong phần dạo đầu vốn đem lại cảm giác quen thuộc nhanh chóng nhường chỗ cho một giai điệu mạnh mẽ hơn. Ca khúc tràn ngập cảm xúc phẫn nộ, thể hiện qua tiếng trống dồn dập và cách hát nội lực mà da diết.
Mặc dù ban đầu “Rolling in the deep” chỉ là một bản demo, nhưng cuối cùng nó đã trở thành đĩa đơn chủ đạo của album và là bản hit số 1 tại Mỹ đầu tiên của Adele. Bản hit này có sức hấp dẫn đa văn hóa, đa thể loại và đa thế hệ mà ít bài hát nào đạt được.
Cảm xúc phẫn nộ tiếp tục được thể hiện trong “Rumour has it”. Ca khúc chứa đầy sự mỉa mai chua chát, khi cô gái nghe tin chàng trai đến với một cô nàng "trẻ bằng nửa tuổi anh ta" nhưng không hạnh phúc. Quá khứ, hiện tại, tương lai, yêu và hận đan xen trong suy nghĩ của cô gái. Cô căm thù kẻ phản bội nhưng không tránh khỏi những phút yếu lòng khi nhớ đến anh ta.
Album hằn lên bởi ngọn lửa bùng cháy trong trái tim người con gái. Đó là ngọn lửa của sự giận giữ, chứ không phải đam mê của tình yêu. Hình tượng này lặp đi lặp lại trong suốt “21”, từ “ngọn lửa bắt đầu trong trái tim tôi” trong “Rolling in the deep”, trở nên dữ dội, mất kiểm soát hơn trong ca khúc kịch tính “Set fire to the rain”. Và rồi sau cơn mưa, ngọn lửa dần tắt để lại những cảm xúc đau buồn, tuyệt vọng trong “One and only”, “Take it all”,…
Ngay cả trong những ca khúc không nói về mối quan hệ trước đây của Adele, "One and only", ca khúc thứ 9 của album, hướng đến một người bạn thân mà cô luôn yêu thương. " Lovesong", một bản làm lại theo phong cách bossa-nova của The Cure, đã nhận được sự đón nhận tích cực từ giới phê bình. Nỗi nhớ nhà Adele dành tặng bài hát cho mẹ và bạn bè của cô, những người mà cô tìm thấy niềm an ủi mỗi khi cô đơn.
Album kết thúc với “Someone like you" thuộc dòng nhạc trữ tình đối lập hoàn toàn với "Rolling in the Deep ". Ca khúc xúc động nhất trong album ghi lại khoảnh khắc người phụ nữ xuất hiện bất ngờ trước cửa nhà của người yêu cũ đã kết hôn, để chúc anh hạnh phúc và mạnh mẽ bước tiếp. Xuất hiện với hình ảnh mái tóc búi cao trong MV, Adele dạo bước cô độc trong khung cảnh lãng mạn của Paris. Tuy nhiên, cô không hề đơn độc, vì nỗi buồn của cô đã vang vọng với hàng triệu thính giả.
Rất nhiều album đã khai thác vào những cảm xúc chân thật trong tình yêu nhưng rất ít album mang lại sự đồng cảm, thấu hiểu như “21”. Người nghe thậm chí không cần phải yêu để cảm nhận được tình cảm sâu sắc mà Adele dành cho mối tình này. Bằng cách tìm kiếm sự cân bằng hoàn hảo giữa tâm trạng, cảm xúc, nhịp độ và ký ức, Adele đã tạo ra album chia tay nguyên mẫu của thế kỷ 21.
Trong khi hầu hết các ngôi sao thời điểm đó đều được biết đến với những màn biểu diễn thái quá, những tranh cãi khác nhau về âm nhạc thì Adele chỉ đơn giản là đứng trên sân khấu và hát. Màn trình diễn đơn giản của Adele đồng thời định vị cô ấy là "tài năng thanh nhạc tuyệt vời" của thế hệ mình. Điều đó gợi lên kiểu ca sĩ/nhạc sĩ truyền thống dường như còn thiếu trong lớp ngôi sao nhạc pop mới, đồng thời nhấn mạnh sự tách biệt của cô ấy khỏi dòng nhạc dance-pop điện tử đang thống trị thời điểm đó.
Ở tuổi 21, Adele đã sở hữu giọng hát của một diva nhưng chính sự linh hoạt trong âm nhạc đã giúp cô vượt ra ngoài khuôn khổ tiêu chuẩn của diva. Và “21” là một minh chứng rõ ràng cho điều này. 11 ca khúc thể hiện sự biến hoá uyển chuyển, gắn kết các thể loại âm nhạc như blues, soul, pop, đồng quê, tạo nên âm hưởng vừa cổ điển vừa hiện đại.
“21” đã thống trị thế giới, nhưng từ “thống trị” cảm thấy quá nhẹ so với tầm quan trọng và những kỷ lục mà nó đạt được. Những năm 2010 là một thập kỷ chứng kiến sự thay đổi từ bán hàng kỹ thuật số thuần túy sang phát trực tuyến. Doanh số bán đĩa CD giảm, đĩa nhựa vinyl có sự hồi sinh tương đối và doanh số bán đĩa kỹ thuật số tiếp tục giảm. Tuy nhiên, phát trực tuyến đã phát triển theo cấp số nhân và trở thành hình thức tiêu thụ âm nhạc thống trị trong thập kỷ này.
Thật đáng kinh ngạc khi nhìn lại doanh số khổng lồ của “21”: 8,82 triệu bản vào năm 2011 và 4,41 triệu bản vào năm sau đó. Album này đứng đầu bảng xếp hạng doanh số của Mỹ trong hai năm liên tiếp. Tính đến cuối năm 2019, “21” đã bán được 31 triệu bản trên toàn thế giới. Đây là những con số tiêu thụ hiếm khi xảy ra trong thế kỷ 21 do sự chuyển đổi quy mô lớn sang kỹ thuật số. Điều này cho thấy Adele có mối liên hệ sâu sắc với khán giả, bất kể thế hệ, tuổi tác hay gu âm nhạc.
Theo bất kỳ chuẩn mực nào đi nữa thì “21” đã có những thành tựu mà ít album nào có thể đạt được trong những năm 2010. Bên cạnh doanh số đáng kinh ngạc, album này đã càn quét Giải thưởng GRAMMY lần thứ 54 năm 2012 khi "Rolling in the deep" giành được giải “Thu âm của năm”, “Bài hát của năm” và “MV hay nhất”; "Someone Like You" đem về cho nữ ca sĩ giải thưởng “Màn trình diễn Pop Solo hay nhất”; và “21” thắng đề cử “Album nhạc Pop xuất sắc nhất năm” và “Album của năm”.
Đã 10 năm trôi qua nhưng “21” vẫn tiếp tục để lại dấu ấn khó phai nhòa trong lòng khán giả. Kể từ đó đến nay, không có album nào có tác động tương tự đối với thế giới âm nhạc hay toàn thế giới như “21” đã làm./.