Đại dịch Covid-19 đã để lại những hệ lụy sâu rộng lên nền công nghiệp điện ảnh năm 2020 giống như các ngành nghệ thuật khác. Trên khắp thế giới, các rạp chiếu phim và nhà hát đã phải đóng cửa, các liên hoan nghệ thuật bị hủy hoặc hoãn và ngày ra mắt một số bộ phim bị dời sang một thời điểm khác trong tương lai hoặc bị hoãn vô thời hạn.

Do các rạp chiếu phim bị đóng cửa, doanh thu từ các phòng vé sụt giảm hàng tỷ USD và việc chiếu phim qua nền tảng Internet trở nên phổ biến hơn và số lượng phim được đem ra quảng bá cũng giảm đáng kể. Rất nhiều phim bom tấn dự kiến công chiếu giữa tháng 3 và tháng 11 đã bị hoãn hoặc hủy và việc sản xuất phim cũng bị ngưng trệ.

Từ đầu tháng 3/2020, đã có dự đoán rằng, doanh thu phòng vé toàn cầu có thể sụt giảm tới 5 tỷ USD vì đại dịch Covid-19. Tính đến hết tháng 3/2020, ngành công nghiệp phim Trung Quốc thiệt hại 2 tỷ USD do phải đóng cửa toàn bộ các cụm rạp trong dịp năm mới. Do đại dịch tại Trung Quốc đại lục, hơn 70.000 phòng vé đã bị đóng cửa từ tháng 1. Trong 2 tháng đầu năm 2020, các phòng vé tại Trung Quốc chỉ thu được 3,9 triệu USD – con số rất khiêm tốn so với mức 2,14 tỷ USD cùng kỳ năm 2019.

Bắc Mỹ cũng chứng kiến doanh thu phòng vé dịp cuối tuần giảm sâu nhất kể từ năm 1998 trong các ngày từ 13-15/3/2020. Cineworld – chuỗi rạp phim lớn thứ 2 thế giới – đã phải đóng cửa các cụm rạp vào tháng 10.

Cũng vì đại dịch, trong ngày 8/3, Chính phủ Italy đã ra lệnh đóng cửa toàn bộ các rạp chiếu phim trong vòng 1 tháng. Trước khi đóng cửa, các phòng vé tại nước này đã chứng kiến doanh thu sụt giảm tới 94% vào các ngày 6-8/3 so với 1 năm trước đó.

Do dịch bệnh gia tăng mạnh tại Pháp, các rạp chiếu phim chỉ hoạt động 50% công suất khiến nhiều vị trí đẹp không còn giá trị nữa. Cụm rạp Omniplex ở Ireland cung có động thái tương tự. Qatar ngày 12/3 cũng đóng cửa toàn bộ các rạp chiếu phim. Mỹ cũng quyết định đóng cửa toàn bộ các rạp chiếu phim vào ngày 17/3, Thái Lan 18/3, Anh 20/3, Australia và New Zealand 22/3, Singapore 27/3. Tại Nhật Bản, sau khi ban bố tình trạng khẩn cấp tại Tokyo và 6 tỉnh khác, vào ngày 7/4, hơn 220 rạp chiếu phim cũng bị đóng cửa.

Doanh thu phòng vé tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 3 bị ảnh hưởng nghiêm trọng, cụ thể Italy bị sụt giảm từ 70-75%, Hàn Quốc 60%, Hong Kong, Philippines và Singapore đều 35% và Đài Loan 30%.

Doanh thu từ phòng vé ở Los Angeles, thị trường phim quan trọng hàng đầu của Mỹ và thế giới cũng sụt giảm 20% vào tháng 4 so với cùng kỳ năm 2019. Điều này xuất phát từ việc California dù cấm tập trung đông người trong đại dịch nhưng vẫn cấp quyền miễn trừ cho các rạp phim miễn là mỗi phòng chiếu không được có quá 1.000 xem phim cùng lúc.

Đại diện Hiệp hội Chủ Rạp phim Quốc gia tại California và Nevada tuyên bố các rạp phim cần phải được mở cửa với lý do trong lịch sử, các rạp phim vẫn mở cửa bất chấp tình trạng khẩn cấp tương tự. Dù vậy, một nghiên cứu của Mỹ cho thấy, việc đóng cửa các rạp phim là cần thiết.

Trong ngày 15/3, tờ Deadline cho biết khoảng hơn 100 rạp chiếu phim ở Mỹ bị đóng cửa. Một số là do sắc lệnh của giới chức địa phương trong khi số còn lại là do không đủ lượng khách cần thiết. Đến ngày 17/3, do lệnh cấm tụ tập đông người, hầu hết các rạp trên toàn nước Mỹ bị đóng cửa.

Doanh thu phòng vé cuối tuần đầu tiên của tháng 3 giảm mạnh tại Mỹ so với cùng kỳ năm 2019 – khi đó, các rạp tại nước này công chiếu Captain Marvel và thu về số tiền hơn 153 triệu USD chỉ riêng cho bộ phim này. Trong khi đó, trong năm 2020, doanh thu cao nhất từ bộ phim bom tấn Onward chỉ là 39 triệu USD.

Bản thân bom tấn Onward cũng chứng kiến sự sụt giảm mạnh doanh thu trong đợt cuối tuần sau đó khi chỉ thu về thêm 10,5 triệu USD và trở thành phim bom tấn duy nhất chỉ thu được trên 10 triệu USD từ phòng vé.

Ngày 19/3, Walt Disney và Universal tuyên bố sẽ không công bố doanh số từ các phòng bán vé. Một ngày sau, Comscore tuyên bố dừng công bố doanh thu từ các phòng bán vé vô thời hạn.

Đến ngày 26/3, sau khi Trung Quốc về cơ bản kiểm soát được Covid-19, các rạp chiếu phim tại đây được phép mở cửa trở lại, tuy nhiên, chỉ một ngày sau, giới chức Trung Quốc lại ra lệnh đóng cửa toàn bộ các rạp chiếu phim trên cả nước.

Hàng loạt bộ phim đầu tư lớn dự kiến ra mắt năm 2020 đã phải lùi lịch chiếu sang 2021 như: "Black Widow", , "Fast & Furious 9", "A Quiet Place: Part II", "The new mutants", "No time to die", "Antlers"... Hoạt động sản xuất phim cũng bị ngưng trệ.

Chỉ có 2 lễ trao giải thưởng được tổ chức sau khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát là giải César lần thứ 45 vào ngày 28/2 và giải Phim truyện Nhật Bản lần thứ 43 vào ngày 6/3. Tuy nhiên, giải Phim truyện Nhật Bản được tổ chức mà không có khách mời tham dự.

Buổi trực tiếp lễ trao giải Seiyu lần thứ 14 dự kiến diễn ra ngày 7/3 ở Tokyo đã bị hủy. Thay vào đó, những người thắng giải được xướng tên trong chương trình phát thanh trên Internet của Đài Văn hóa Nippon.

Giải Mâm xôi vàng lần thứ 40 dự kiến diễn ra ngày 14/3 cũng bị hủy. Người thắng giải được xướng tên trên kênh Youtube của giải vào ngày 16/3. Giải Oscar cùng Giải Quả Cầu vàng đã phải thay đổi tiêu chí lựa chọn tác phẩm cho năm 2021. Lễ trao giải Giải Quả cầu vàng cũng bị hoãn từ đầu tháng 1/2021 sang ngày 28/2/2021.

Ngày 15/6, có thông báo rằng lễ trao Giải Oscar lần thứ 93 bị lùi 2 tháng từ ngày 28/2/2021 xuống ngày 25/4/2021 để những bộ phim đủ điều kiện tham gia tranh giải sẽ được gia hạn từ ngày 30/12/2020 đến ngày 28/2/2021.

Giải Governors Awards đã bị hoãn vô thời hạn, trong khi đó, Giải thưởng Điện ảnh Viện Hàn lâm Anh quốc (BAFTA) tuyên bố hoãn lễ trao giải đến tháng 4/2021.

Với việc nhiều rạp phim trên thế giới phải đóng cửa và hàng trăm triệu người được yêu cầu ở yên trong nhà, hiện vẫn chưa rõ khi nào ngành công nghiệp phim ảnh mới trở lại hoạt động như bình thường. Thậm chí liệu tình trạng “bình thường mới” có giống như những gì Hollywood trông đợi.

Ngành điện ảnh sẽ đối mặt như thế nào với tình trạng gián đoạn hiện nay và điều gì sẽ xảy ra sau năm 2020 nếu như khán giả tiếp tục không thể đến rạp chiếu phim? Triển vọng trong năm tới dường như vẫn xám xịt.

Nếu có chiếc đũa thần để xóa bỏ dịch bệnh để người dân có thể tự do đi lại, mùa hè tới sẽ là mùa phim đáng trông đợi nhất. Nhưng chiếc đũa thần lại chẳng có thật và vaccine phòng ngừa Covid-19 phải mất ít nhất 1 năm nữa mới trở nên đại trà. Đến lúc đó, thật khó để hình dung các rạp chiếu phim có thể mở cửa trở lại và có doanh thu như trước đại dịch như thế nào?

Ngay cả khi có kể hoạch khả thi để giới hạn số người đến các rạp chiếu phim nhằm giữ khoảng cách an toàn trong dịch bệnh, liệu các hãng phim có muốn những bộ phim bom tấn của mình chỉ được trình chiếu hạn chế? Đó thường là những bộ phim cần phải kiếm được hàng trăm triệu USD sau vài ngày công chiếu. Mục tiêu tưởng chừng đơn giản đó giờ đã trở thành bất khả thi./.


Thứ Năm, 08:38, 31/12/2020