Những ngày này tại Liên đoàn Xiếc Việt Nam, các nghệ sĩ, diễn viên ngày đêm miệt mài luyện tập chờ ngày lên sân khấu biểu diễn trước khán giả.

Nhớ sân khấu, nhớ khán giả

Sau hơn 2 tháng giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ, từ ngày 21/9, các nghệ sĩ, diễn viên của Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã được lên cơ quan luyện tập. Trước đó, trong khoảng thời gian giãn cách, họ phải ở nhà và chỉ có thể tự tập thể lực, tập các động tác khởi động nhẹ nhàng để giữ cho cơ thể dẻo dai. Hoặc tập một vài trò khéo như tung hứng, lắc vòng… Còn việc tập kỹ xảo là không thể vì phải đến Liên đoàn, nơi có những đạo cụ, thiết bị đặc thù. Được đến cơ quan, tập luyện cùng tập thể và ngày lên sân khấu không còn xa, các nghệ sĩ, diễn viên xiếc ai cũng phấn khởi và hăng say.

Trần Thanh Hòa đang tập các động tác khởi động.

Diễn viên xiếc Trần Thanh Hòa chia sẻ, thời gian đầu quay trở lại rạp xiếc, các diễn viên đều gặp vấn đề về đau mỏi cơ do chưa quen lại với cường độ luyện tập cao. Tuy nhiên, chỉ mất 1 tuần, cơ thể sẽ thích nghi được với trạng thái “bình thường mới”.

“Được quay trở lại tập luyện, tôi cảm thấy rất vui. Tất cả các nghệ sĩ, diễn viên đều mong muốn ngày trở lại sân khấu. Tuổi nghề của chúng tôi ngắn lắm. Nghỉ lâu quá thì không được. Những ai còn trẻ khỏe thì còn cống hiến được, có tuổi rồi, muốn biểu diễn thì sức khỏe cũng không cho phép”, Trần Thanh Hòa nói.

Diễn viên Nguyễn Doãn Vĩnh và Trần Thanh Hòa tập các động tác bê vác.

Diễn viên Phạm Thị Hướng chia sẻ: “Tất cả nghệ sĩ, diễn viên ở rạp xiếc đều mong muốn được trở lại với công việc. Chúng tôi rất nhớ sân khấu, nhớ khán giả. Ai cũng mong đến ngày được biểu diễn”.

NSND Tống Toàn Thắng, Phó Giám đốc Liên đoàn xiếc Việt Nam cho biết, dịch COVID-19 đã làm nhiều kế hoạch trong năm 2021 của Liên đoàn bị đổ vỡ, nhiều chương trình không thể diễn ra theo dự kiến nên bị dồn lại vào cuối năm. Chính vì thế, thời gian này, các nghệ sĩ, diễn viên phải gấp rút luyện tập để hoàn thành những chương trình trong đơn đặt hàng năm 2021. Các buổi tập diễn ra tại 2 sân khấu chính của Liên đoàn. Các nghệ sĩ thay phiên nhau tập theo từng nhóm từ sáng đến tối.

Ở nhà, các nghệ sĩ sẽ không có điều kiện để tập cùng nhau các bộ môn khó như thế này.

“Khối lượng công việc những tháng cuối năm rất nhiều. Mặc dù vậy, chúng tôi phải đảm bảo giãn cách, mỗi buổi tập không quá đông diễn viên. Vì thế phải cắt cử, chia giờ gối nhau tập. Trên 2 sàn tập từ sáng đến tối, không lúc nào là không có diễn viên. Ngoài ra, toàn bộ diễn viên trong đoàn cũng đã đều tiêm xong mũi 1 vaccine ngừa COVID-19”, NSND Tống Toàn Thắng cho biết.

Giữ "lửa nghề" trong đại dịch

NSND Tống Toàn Thắng chia sẻ, dịch COVID-19 bùng phát trở lại khiến ngành xiếc khó khăn đủ đường. Trải qua 2 năm đương đầu với COVID-19, Liên đoàn Xiếc, xiếc Việt Nam gần như đã bị hạ “knock-out”.

“Đợt dịch này nặng hơn những đợt trước nhiều. Năm 2020, thời gian “bình thường mới” giữa các đợt dịch kéo dài nên vẫn lựa đón khách, vẫn phục hồi được. Nhưng đợt dịch vừa rồi thực sự tạo ra một cú “shock” rất lớn cho ngành nghệ thuật nói chung. Trong năm qua, chúng tôi chỉ kịp tổ chức cuộc thi Tài năng xiếc toàn quốc 2021. Nhiều kế hoạch phải hủy bỏ như Gala xiếc 3 miền dịp 30/4 hàng năm. Mọi thứ đã chuẩn bị xong xuôi thì phải hủy, tổn thất rất nhiều về kinh phí”, NSND Tống Toàn Thắng nói.

Cũng theo NSND Tống Toàn Thắng, trong khoảng thời gian giãn cách, khó khăn nhất là đời sống của các nghệ sĩ. Gánh nặng cơm, áo, gạo, tiền khiến họ phải tìm nghề tay trái để mưu sinh như bán hàng online, làm shipper, dạy thêm. Ngoài ra, lực lượng diễn viên trẻ của Liên đoàn Xiếc còn rất đông, chủ yếu là hợp đồng không nằm trong danh sách trả lương từ ngân sách. Toàn bộ phần chi trả đó phải dựa theo nguồn thu. Nhưng năm qua vì dịch bệnh nên không có buổi biểu diễn, mấy tháng không có thu nhập. Một số nghệ sĩ không về quê được, bị kẹt ở Hà Nội, Liên đoàn Xiếc phải bố trí chỗ ở, vận động công đoàn, các nhà hảo tâm tặng nhu yếu phẩm hàng ngày để duy trì mấy tháng qua.

Những đứa trẻ chưa được đi học, phải theo bố mẹ đến Liên đoàn vì không có người trông.

“Liên đoàn rất chia sẻ với nghệ sĩ, chỉ biết động viên tinh thần và luôn luôn theo dõi tình hình cuộc sống, trường hợp nào khó khăn quá, công đoàn và thanh niên cũng hỗ trợ thêm”, NSND Tống Toàn Thắng chia sẻ. “Nghề xiếc không yêu nghề, không có nghị lực, không kiên trì thì buông bỏ dễ lắm. Thu nhập của xiếc phụ thuộc vào biểu diễn. Người có tài năng, được đi nước ngoài biểu diễn, có nhiều hợp đồng thì nghề cũng không phụ họ đâu. Nhưng các nghệ sĩ xiếc thì không thể gọi là giàu, chỉ ở mức bằng lòng với bản thân. Đổi lại, để thành công, họ phải khổ luyện rất nhiều. Không chỉ đổ mồ hôi, sức lực mà còn phải đối mặt với nguy hiểm, những sảy chân, sảy tay lúc nào cũng ngấp nghé, rình rập, thậm chí phải đánh đổi tính mạng. Nghề xiếc nếu không yêu nghề, không biết hy sinh cho nó thì khó theo được lắm”.

NSND Tống Toàn Thắng cho biết, mặc dù khó khăn, nhưng các nghệ sĩ, diễn viên vẫn quay trở lại tập luyện đầy đủ, chỉ có 1 nghệ sĩ ở Hưng Yên địa phương yêu cầu test COVID-19 hàng ngày tốn kém nên tạm thời chưa lên tập.

“Trong gần 2 năm qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh, chúng tôi cũng ít có cơ hội biểu diễn hơn. Thu nhập giảm sút nhưng mọi người bằng đam mê của mình vẫn quyết bám trụ với nghề” – diễn viên Phạm Thị Hướng chia sẻ.

Biểu diễn trực tuyến là xu hướng

Về kế hoạch sắp tới của Liên đoàn Xiếc Việt Nam, NSND Tống Toàn Thắng cho hay, hiện tại, các nghệ sĩ, diễn viên của Liên đoàn Xiếc Việt Nam đang tích cực tập luyện cho vở “Thượng thiên thánh mẫu” trong dự án Huyền Sử Việt, phối hợp với Nhà hát Cải lương Việt Nam. Vở diễn này đã khởi công từ tháng 4/2021, nhưng mới luyện tập được một thời gian ngắn thì giãn cách. 2 nhà hát đang tập riêng, dự kiến cuối tháng 10 ghép sân khấu và có thể ra mắt vào cuối tháng 11, đầu tháng 12 năm nay.

Ngoài ra, các nghệ sĩ cũng đang tập 5 tiết mục xiếc mới, 1 màn xiếc thú. Chương trình xiếc “Vùng trời bình yên” dự kiến diễn dịp 27/7 vừa qua phải dời lại đến 22/12. Cuối tháng 11/2021, Liên đoàn Xiếc Việt Nam cũng phối hợp với tỉnh Quảng Ninh, biểu diễn trong chương trình “Quảng Ninh – nơi hội tụ ngôi sao xiếc Việt” trong đợt kích cầu du lịch mở cửa đón khách của tỉnh này.

Liên đoàn Xiếc Việt Nam cũng phải lên kế hoạch đón khán giả trở lại. Theo NSND Tống Toàn Thắng, chưa biết bao giờ mới hết dịch, thế nên mình phải sống chung với nó: “Việc mở cửa đón khách phụ thuộc vào sự cho phép của TP Hà Nội. Nếu có chủ trương đưa khán giả đến rạp thì cần phải có bộ tiêu chí về phòng chống dịch để đảm bảo sức khỏe cho khán giả và nghệ sĩ. Sức khỏe vẫn là quan trọng nhất”.

Trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài, giải pháp đưa nghệ thuật phục vụ khán giả thông qua hình thức online được coi là hy vọng, thức thời và bắt kịp với xu hướng thế giới. Trước đó, Liên đoàn Xiếc Việt Nam cũng tham gia biểu diễn trong chương trình nghệ thuật trực tuyến mang tên “Trung thu cho em” do Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VHTT&DL) phối hợp tổ chức với Nhà hát Múa rối Việt Nam và Nhà hát Múa rối Thăng Long. Theo NSND Tống Toàn Thắng, biểu diễn trực tiếp trên sân khấu là hình thức tối ưu nhất của nghệ thuật, nhưng trực tuyến cũng là một cách để đưa nghệ thuật đến với khán giả, nhất là trong tình dịch dịch bệnh vừa qua.

Phút thăng hoa của các nghệ sĩ xiếc trên sân khấu.

“Được đứng trên sân khấu biểu diễn trước đông đảo khán giả giúp nghệ sĩ thăng hoa hơn. Khán giả cũng là người đồng sáng tạo với nghệ sĩ. Đối với tôi, nếu có điều kiện thì biểu diễn trực tiếp vẫn là hiệu quả nhất để mang đến cảm xúc và độ truyền tải đến khán giả. Tuy nhiên, hình thức trực tuyến cũng có cái hay là mở rộng đối tượng khán giả mọi lúc mọi nơi, mọi địa điểm họ đều có thể xem nghệ sĩ biểu diễn. Có thể nói biểu diễn trực tuyến là một điều tất yếu, phù hợp với giai đoạn hiện nay”, NSND Tống Toàn Thắng nói.

Trong diễn đàn trực tuyến về tác động của COVID-19 vừa diễn ra mới đây, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng gợi ý xây dựng “Nhà hát online”, phát triển trên các nền tảng mạng xã hội. NSND Tống Toàn Thắng cho rằng, nhiều đơn vị nhà hát cũng mong muốn có kênh Youtube riêng, nhưng chưa có sự đồng bộ, chiến lược đưa nhà hát lên mạng xã hội như Youtube phải có kịch bản, phải có lộ trình rõ ràng, không thể quay một vở diễn trên sân khấu rồi đưa lên đó được.

“Khán giả lên Youtube để giải trí bằng những video có dung lượng vừa phải, ít ai bỏ ra 2 tiếng rưỡi để xem một vở kịch. Nhưng xiếc thì khá phù hợp, có nhiều chất liệu để đưa lên Youtube hấp dẫn khán giả với nhiều nội dung, thể loại. Chẳng hạn như xiếc thú, cách chăm sóc, dạy dỗ thú… chắc chắn nhiều khán giả muốn tìm hiểu. Tuy nhiên hiện tại chúng tôi chưa có điều kiện để phát triển kênh Youtube. Nếu biết khai thác, biết đầu tư với chiến lược rõ ràng thì sẽ đem lại sự lan tỏa về hình ảnh thương hiệu, mang lại thêm thu nhập cho anh em nghệ sĩ”, NSND Tống Toàn Thắng cho biết./.

Một tiết mục biểu diễn của các nghệ sĩ trẻ.

Thứ Sáu, 06:00, 15/10/2021