Hoạ sĩ Vũ Thái Bình sinh năm 1976 tại Hưng Yên. Tên tuổi của anh không còn xa lạ trong giới Mỹ thuật Việt Nam, khi đặc biệt gắn với nghệ thuật vẽ tranh màu nước trên chất liệu độc đáo mang tên giấy dó. Và có lẽ, anh cũng là người hoạ sĩ “chung thủy” nhất với giấy dó.

Được biết trước đó, hoạ sĩ Vũ Thái Bình đã từng thử sức ở nhiều chất liệu khác nhau. Nhưng phải đến năm 2003, khi đến với giấy dó, anh mới thật sự tìm thấy chính mình.

Giấy dó là loại giấy được sản xuất từ vỏ những cây dó, theo quy trình thủ công được truyền lại qua nhiều thế hệ ở một số làng nghề tại Việt Nam. Đây là một chất liệu tryền thống có mặt trong đời sống văn hoá dân tộc từ hàng nghìn đời nay. Trong mỹ thuật, giấy dó là chất liệu quan trọng làm nên hai loại tranh dân gian nổi tiếng là tranh Đông Hồ và tranh Hàng Trống.

Họa sĩ Vũ Thái Bình

Những ngày đầu tiên đến với giấy dó, không ít lần hoạ sĩ Vũ Thái Bình nản lòng bởi những bức hoạ hỏng rải ngập sàn nhà, may mắn lắm mới được vài bức tạm ổn. Càng vẽ, anh càng thấy điều khó nhất trong quá trình thực hiện các tác phẩm chính là khi vẽ chỉ được đặt một nét bút là phải xong, không có cơ hội sửa lại.

Vì vậy để có thể làm chủ kỹ thuật vẽ trên giấy dó, người hoạ sĩ này đã phải đánh đổi biết bao mồ hôi và công sức, bởi giấy dó không ưa loè loẹt, càng không chấp nhận sự cẩu thả. Tuy là chất liệu thủ công đồng quê, nhưng lại “kiêu sa đài các”, “kĩ tính khó chiều” nên rất kén người vẽ.

“Chất liệu giấy dó thực sự vẽ rất khó. Trước kia giấy dó chỉ là tài liệu ghi chép, tới sau này được dùng in tranh. Tuy nhiên tôi muốn chất liệu giấy dó không chỉ gói gọn như trước mà muốn nó có hơi thở mới, sáng tạo mới. Những ngày đầu bén duyên, có đôi lúc tôi có chút nản lòng vì khó khăn. Nhưng sau cùng có một điều không thể thay đổi, rằng tôi muốn theo loại chất liệu này đến cùng.

Khi làm việc với giấy dó, tôi luôn có một cảm giác cực kỳ cuốn hút. Vì loại giấy này được sản xuất thủ công bằng tay, nên mỗi một tờ giấy sản xuất ra được coi như một độc bản. Vẽ trên giấy dó, tôi thấy thỏa mãn khi được thả hết những tâm tưởng mà mình mong muốn lên trên mặt giấy. Điều tôi lo lắng nhất là nếu một ngày nào đó giấy dó biến mất thì thật đáng tiếc” - Họa sĩ Vũ Thái Bình tâm sự.

Ví giấy dó như cô thiếu nữ khó tính, hoạ sĩ Thái Bình nhấn mạnh muốn vẽ được giấy dó cần nắm được tính nết của dó, bởi chỉ cần nước đầu bút quá nhiều hay quá ít, là tranh sẽ bị hỏng. Nhiều khi bức tranh sắp hoàn thành, chỉ vì một tiểu tiết nhỏ đậm màu hơn cũng đành bỏ đi.

Thế nhưng người hoạ sĩ này luôn có một suy nghĩ, rằng nếu có một ngày hội họa Việt Nam có cơ hội giao lưu với các nền hội họa khác trên thế giới, thì việc lựa chọn giấy dó là một điều hết sức đặc biệt. Khi ấy, chúng ta có câu chuyện để kể. Giấy dó không đơn thuần là một chất liệu mà nó đã trở thành một tác phẩm nghệ thuật để người hoạ sĩ thổi hồn.  

20 năm làm nghề là bấy nhiêu năm hoạ sĩ Vũ Thái Bình thử nghiệm, sáng tạo trên chất liệu giấy dó. Hội họa của anh là những quan sát sâu lắng, sắc màu dung dị cùng bút pháp cá tính. Thứ chất liệu truyền thống của dân tộc dưới bàn tay của hoạ sĩ Vũ Thái Bình đã hoà nhịp với mỹ thuật đương đại.

Thái Bình tâm tình, do anh yêu thích chất liệu giấy dó tự nhiên, nên anh không có áp đặt bất kỳ điều gì lên thứ chất liệu này cả. Đề tài trong các tác phẩm của anh vì thế cũng rất nhẹ nhàng. Đó là những câu chuyện đời thường vô cùng giản dị trên khắp đất nước Việt Nam.

“Tôi chọn vẽ những câu chuyện gần gũi ở miền quê nông thôn, vùng cao Việt Nam, nhất là ở Đông Bắc và Tây Bắc bởi ở đó có những hình ảnh thân thương với đa số mọi người, cũng nhẹ nhàng, mộc mạc như giấy dó. Theo tôi, cuộc sống đỉnh cao nhất là cuộc sống gần với thiên nhiên. Và tôi luôn muốn kể câu chuyện mà mình chứng kiến, trải qua. Dù đó chỉ là một góc bếp nhỏ của người dân tộc vùng cao hay những nếp nhà, con ngõ len lỏi trong rừng sâu nhưng lại mang đến một cái nhìn rất đẹp, rất yên bình, đưa ta trở về những thứ vốn thuộc về tự nhiên” – hoạ sĩ Vũ Thái Bình tâm niệm.

Xem tranh của Vũ Thái Bình, ai cũng đều có một cảm bình yên và an nhiên đến lạ. Những nét vẽ của hoạ sỹ như bản nhạc êm ái trên nền giấy dó. Tranh dẫn người xem đến với những khoảnh khắc chân thực của cuộc sống bình dị đang diễn ra quanh ta. Và đặc biệt những bức tranh như tiếng lòng người hoạ sĩ, một con người đôn hậu, luôn khát khao những gì an lành và bình yên nhất sẽ đến với mọi người. 

Đồng hành cùng giấy dó suốt 20 năm qua, góc nhìn nghệ thuật của hoạ sĩ Vũ Thái Bình cũng có nhiều đổi thay. Từ năm 2016 đến 2021, Vũ Thái Bình đã có 3 cuộc triển lãm cá nhân lần lượt là Sắc dó 1 (2016)Sắc dó 2 (2018) và Sắc dó 3 (2021). Mỗi cuộc triển lãm như một dấu mốc khẳng định sự chuyển mình trong hành trình sáng tạo trên giấy dó của Vũ Thái Bình bởi sự mới mẻ, thẳm sâu hơn.

Theo hoạ sĩ Vũ Thái Bình, đến thời điểm hiện tại, anh hài lòng vì mình có thể khống chế và làm chủ trên chất liệu giấy dó. Đó cũng là điều khiến anh tự tin cho ra mắt triển lãm Sắc dó 4 trong thời gian tới. Triển lãm dự kiến trưng bày khoảng 22 bức tranh, chủ yếu là các bức tranh khổ lớn, được đầu tư về thời gian và kỹ thuật. Những bức tranh này được anh kì công sáng tác trong vòng 3 năm, trước khi ra mắt với công chúng.

“Tại triển lãm Sắc dó 4 sắp tới sẽ là một câu chuyện lớn ghi chép đầy đủ những câu chuyện nhỏ mà tôi đã kể trên quãng hành trình thăng trầm cùng giấy dó. Bản thân tôi luôn quan niệm sẽ tìm đến những thứ gần mình nhất, đi con đường của mình thật xa nhất và làm một cách tốt nhất” - Hoạ sĩ Vũ Thái Bình chia sẻ.

Hoạ sĩ Lương Xuân Đoàn - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam đã từng đưa ra lời nhận xét: "Rung động với nét đẹp thường ngày của con người và muôn vật chốn quê xa bái ngái Thượng ngàn. Mặt dó mượt mềm chiều lòng kẻ nặng tình, cho Vũ Thái Bình cuống lên khi hồn gọi hình, hình đợi hồn trong những khoảng trống siêu nhiên của dó Việt. Nước cứ vô bờ trong cảm xúc vô thức. Màu đa sắc thả mờ nhòe đến không màu, vây bủa như lạt mềm buộc hờ để bạn và tôi khó thoát giữa những sợi tơ trời mong manh nơi bức họa".

Ngắm nhìn những bức hoạ của hoạ sĩ Vũ Thái Bình, mới thấy sức lao động nghệ thuật của anh là không giới hạn. Thật không quá khi nói rằng, họa sĩ Vũ Thái Bình đã đưa tranh dó lên tầm cao mới. Đó là những tác phẩm không chỉ đẹp về màu sắc, bố cục, hình ảnh mà còn chứa đựng cả chiều sâu cuộc sống, tâm hồn con người Việt Nam.


Thứ Ba, 06:23, 17/10/2023