Thực tế cho thấy, ngày nay, không có quốc gia nào trên thế giới đầu tư và tài trợ hoàn toàn cho văn hóa. Ví dụ, ở Mỹ, Chính phủ liên bang, các bang và địa phương chỉ tài trợ đảm bảo cho khoảng 10% nhu cầu của ngành văn hóa nghệ thuật. Ở Anh nguồn đầu tư và tài trợ này đảm bảo khoảng 60% nhu cầu chi tiêu của các đơn vị văn hóa nghệ thuật trong năm. Phần còn lại các đơn vị văn hóa nghệ thuật phải tự đảm nhận từ hai nguồn tài chính chủ yếu, một là từ việc bán sản phẩm của đơn vị mình; và hai là thực hiện việc huy động nguồn tài chính ngoài nhà nước nhằm đảm bảo cho hoạt động của đơn vị.
Theo tiến sĩ Nguyễn Văn Tình, nguyên Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Việt Nam cũng có thể tham khảo một số kinh nghiệm gây quỹ và tài trợ cho văn hóa ở các nước, qua đó giúp gợi mở cho chúng ta những bài học kinh nghiệm và ý nghĩa trong vận động tài trợ từ các nguồn ngoài Nhà nước cho đơn vị văn hóa nghệ thuật.
Nguồn Quỹ tài trợ: Ở nhiều nước, nhất là Mỹ, Quỹ là nguồn tài trợ lớn nhất cho văn hóa. Các quỹ này hoàn toàn độc lập, ngoài nhà nước, hoạt động phi lợi nhuận và chỉ tài trợ cho văn hóa theo các tiêu chí, mục đích của quỹ.
Nguồn Quỹ cho các dự án văn hóa từ ngành xây dựng: Tại Pháp và nhiều nước ở châu Âu, Canada và nhiều bang của Mỹ đã ra các bộ luật bắt buộc các công trình xây dựng có quy mô lớn dù công cộng hay tư nhân đều phải trích ra từ 0,5 đến 1% trong tổng kinh phí xây dựng công trình để dành cho các dự án văn hóa - nghệ thuật.
Nguồn từ Nhà tài trợ: Đây là một hình thức khi một doanh nghiệp trả một khoản tiền cho đơn vị văn hóa nghệ thuật với mục đích rõ ràng là quảng cáo thương hiệu, sản phẩm hoặc một dịch vụ nào đó của doanh nghiệp. Tiền tài trợ này nằm trong một phần của kế hoạch chi phí marketing quảng cáo của doanh nghiệp. Để nhận được tài trợ, đơn vị văn hóa nghệ thuật cần xác định được mình có thể làm được những gì và muốn đạt được gì một khi nhận được tài trợ. Đơn vị phải làm cho nhà tài trợ hiểu được mục đích, mục tiêu, sức lôi kéo khán giả và hình ảnh của nhà tài trợ được thể hiện thông qua các loại hình quảng cáo, thông tin và truyền thông như thế nào.
Ngoài ra, nguồn kinh phí còn có thể từ tiền trợ cấp; tiền hiến tặng; tiền bảo trợ; cho, tặng cá nhân và thiết lập mối quan hệ bạn bè thân thiết của đơn vị, tổ chức văn hóa nghệ thuật…
Qua câu chuyện của thế giới, có thể thấy Việt Nam hiện còn thiếu các cơ chế, chính sách cụ thể, phù hợp trong thu hút đầu tư phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trên cả nước nói chung và ở từng địa phương nói riêng, cụ thể là thiếu biện pháp khuyến khích các nguồn lực xã hội đầu tư vào văn hóa, thiếu cơ chế động viên, ghi nhận các tổ chức, cá nhân có đóng góp…
Việc Quốc hội mới đây đã thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035 với số vốn hơn 122.000 tỷ đồng giai đoạn 2025 - 2030 được kỳ vọng sẽ tháo gỡ được điểm nghẽn về nguồn lực để phát triển văn hóa trong kỷ nguyên mới.
Theo Nghị quyết, mục tiêu đến năm 2030, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị con người, hệ giá trị gia đình Việt Nam được triển khai thực hiện trên cả nước thông qua các bộ quy tắc ứng xử. Phấn đấu 100% đơn vị hành chính cấp tỉnh có đủ 3 loại hình thiết chế văn hóa cấp tỉnh (Trung tâm Văn hóa hoặc Trung tâm Văn hóa - Thể thao, bảo tàng, thư viện); 80% các đơn vị hành chính cấp huyện có Trung tâm Văn hóa - Thể thao đạt chuẩn. Phấn đấu hoàn thành việc tu bổ, tôn tạo 95% di tích quốc gia đặc biệt (khoảng 120 di tích) và 70% di tích quốc gia (khoảng 2.500 di tích). Đặc biệt, Nghị quyết đặt mục tiêu phấn đấu các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP của cả nước.
Đến năm 2035, phấn đấu hoàn thành việc tu bổ, tôn tạo 100% di tích quốc gia đặc biệt và ít nhất 80% di tích quốc gia; phấn đấu các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 8% GDP của cả nước. Đồng thời hoàn thiện Thư viện số quốc gia, xây dựng thư viện thông minh, mở rộng kết nối, tích hợp dữ liệu với các thư viện trong mạng lưới thư viện Việt Nam và quốc tế…
Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa được xem như một chiến lược toàn diện nhằm tháo gỡ nút thắt về nguồn lực và tạo ra cơ hội phát triển văn hóa trong kỷ nguyên mới.
“Tôi tin tưởng rằng, việc thông qua Nghị quyết của Quốc hội không chỉ tháo gỡ điểm nghẽn về nguồn lực mà còn tạo nên một ‘đường băng’ để văn hóa thực sự cất cánh. Khi văn hóa được đầu tư đúng mức, nó không chỉ là một thành tố quan trọng mà còn trở thành ‘ngọn lửa dẫn đường’, bảo đảm cho sự phát triển bền vững và toàn diện của đất nước trong thời gian tới”, ông Bùi Hoài Sơn nói.
Tuy nhiên, PGS.TS Bùi Hoài Sơn cũng lưu ý, để đạt mục tiêu ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 8% vào GDP và đảm bảo 100% văn nghệ sĩ, công chức, viên chức trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật được đào tạo, nâng cao nghiệp vụ, cần có sự đầu tư và chiến lược toàn diện, để những mục tiêu này không chỉ nằm trên giấy mà thực sự biến thành kết quả cụ thể.
Thứ nhất, để ngành công nghiệp văn hóa đóng góp mạnh mẽ vào GDP, điều cốt lõi là cần tạo nền tảng vững chắc cho các lĩnh vực như: điện ảnh, âm nhạc, thời trang, du lịch văn hóa, và nghệ thuật biểu diễn. Cần có chính sách hỗ trợ cụ thể cho từng ngành: từ giảm thuế, hỗ trợ vốn cho các dự án văn hóa, đến xây dựng cơ chế khuyến khích sáng tạo và thu hút đầu tư từ cả trong và ngoài nước. Đồng thời, các chính sách cần chú trọng vào chuyển đổi số trong văn hóa, tạo điều kiện để các sản phẩm văn hóa số được tiếp cận rộng rãi với công chúng trong và ngoài nước, mở rộng khả năng thị trường và gia tăng giá trị kinh tế cho các sản phẩm văn hóa.
Thứ hai, để đảm bảo rằng 100% nhân sự trong ngành được đào tạo và nâng cao nghiệp vụ, chương trình cần tập trung vào việc xây dựng hệ thống đào tạo liên tục và thiết thực, kết hợp giữa đào tạo kỹ năng chuyên môn và cập nhật các xu hướng, công nghệ mới. Cần hợp tác với các tổ chức văn hóa, trường đại học và các chuyên gia quốc tế để nâng cao chất lượng giảng dạy, tạo điều kiện cho văn nghệ sĩ và nhân viên văn hóa có cơ hội giao lưu, học hỏi. Việc tạo các học bổng, khóa học trực tuyến và chương trình thực tập tại nước ngoài cũng là những hướng đi cần thiết để phát triển kỹ năng và tư duy sáng tạo.
Ngoài ra, yếu tố giám sát và đánh giá định kỳ là vô cùng quan trọng. Các chỉ tiêu cụ thể cho từng năm cần được thiết lập rõ ràng, với cơ chế giám sát để đảm bảo rằng tiến độ được theo sát, kịp thời điều chỉnh khi gặp khó khăn. Như vậy, với sự đồng bộ và nghiêm túc trong từng bước đi, mục tiêu đến năm 2035 sẽ không chỉ là kỳ vọng mà có thể trở thành hiện thực, tạo ra các bước tiến bền vững cho ngành văn hóa.
GS.TS Từ Thị Loan - nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam cũng đánh giá việc Quốc hội chính thức thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025–2035 là một tín hiệu tích cực. Với hơn 122.000 tỷ USD cho 5 năm, trong đó có các khoản đầu tư cho công nghiệp văn hóa, thời gian tới, đất nước có thể chứng kiến một số khởi sắc trong ngành này với các chương trình hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực.
“Theo như tôi biết trước đây Việt Nam có 16 chương trình mục tiêu quốc gia và sau đó Quốc hội rút còn 2 chương trình gồm Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Sau đó, chúng ta có thêm Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Giờ chúng ta có Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2023 – 2035, tức là 4 chương trình. Điều đó cho thấy ưu ái của Đảng và Nhà nước với văn hóa, đặt văn hóa không kém gì các chương trình lớn như xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới hay phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”, bà Loan nói.
Bà Loan nói thêm: “Chính vì thế, ngành văn hóa cần trân trọng sử dụng đúng chỗ, đúng lúc chương trình đó, không đầu tư dàn trải, không lãng phí, phải nghiên cứu kỹ, đầu tư vào những lĩnh vực ưu tiên, hiệu quả”.
Ngoài việc huy động nguồn lực kinh tế và con người, công nghệ số được cho là một trong những yếu tố quan trong có thể thay đổi mạnh mẽ cách thức tiếp cận và tiêu thụ các sản phẩm văn hóa tại Việt Nam.
Với sự phát triển mạnh mẽ của internet và các nền tảng số, người tiêu dùng có thể dễ dàng tiếp cận các sản phẩm văn hóa từ mọi nơi trên thế giới chỉ với một cú click chuột. Những sản phẩm văn hóa như âm nhạc, phim ảnh, sách, và nghệ thuật biểu diễn giờ đây không còn giới hạn trong một không gian địa lý mà có thể phát hành rộng rãi trên các nền tảng trực tuyến như Spotify, YouTube, Netflix, Zing MP3, hay các ứng dụng streaming khác.
Điện ảnh Việt Nam, trước đây chỉ phổ biến ở các rạp chiếu, nay đã có mặt trên các nền tảng OTT như Netflix, Viki, iFlix, giúp phim Việt dễ dàng vượt qua biên giới và được khán giả quốc tế biết đến. Tương tự, âm nhạc Việt Nam cũng đã có thể được phát hành toàn cầu thông qua các nền tảng âm nhạc trực tuyến, giúp các nghệ sĩ Việt tiếp cận người nghe trên toàn thế giới. Các sự kiện văn hóa, như Liên hoan phim quốc tế Hà Nội hay các lễ hội âm nhạc quốc tế, đã không chỉ thu hút khán giả trong nước mà còn vươn ra thế giới nhờ vào sự hỗ trợ của các nền tảng trực tuyến.
Việt Nam hoàn toàn có thể tận dụng công nghệ số để mở rộng thị trường và tiếp cận khán giả quốc tế. Một trong những cơ hội lớn là việc số hóa các sản phẩm văn hóa, từ sách, tranh, phim ảnh đến âm nhạc và các sản phẩm nghệ thuật khác. Sự chuyển đổi sang kỹ thuật số giúp các sản phẩm văn hóa mang đậm dấu ấn Việt Nam có thể được phát hành và tiếp cận một cách nhanh chóng và dễ dàng, không chỉ trong nước mà còn ra toàn cầu. Những bộ phim lịch sử hay các tác phẩm âm nhạc dân gian mang đậm bản sắc Việt có thể tiếp cận với khán giả quốc tế, mở rộng không gian quảng bá văn hóa dân tộc.
Thêm vào đó, công nghệ số cũng mang đến cơ hội lớn trong việc tạo ra các không gian sáng tạo, nơi nghệ sĩ có thể tương tác với khán giả. Các công nghệ như thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR), và trí tuệ nhân tạo (AI) có thể giúp tạo ra những trải nghiệm mới mẻ, hấp dẫn, đồng thời giữ được bản sắc và giá trị văn hóa dân tộc. Những sản phẩm văn hóa, như các buổi biểu diễn nghệ thuật hay triển lãm, không chỉ được trình chiếu trên các nền tảng trực tuyến mà còn có thể đưa khán giả vào những không gian ảo đầy sáng tạo và tương tác.
Một lĩnh vực đầy tiềm năng trong công nghiệp văn hóa Việt Nam chính là game và phần mềm giải trí. Trong thời đại công nghệ số, các trò chơi điện tử và ứng dụng di động đang trở thành phương tiện giải trí chính của giới trẻ. Việt Nam có thể tận dụng nền tảng game và phần mềm để đưa các yếu tố văn hóa truyền thống vào các trò chơi, tạo ra một sản phẩm vừa hiện đại, vừa đậm đà bản sắc dân tộc. Một số game Việt đã bắt đầu được chú ý, như các trò chơi dựa trên các câu chuyện lịch sử, thần thoại hay văn hóa dân gian, và đây có thể là kênh quảng bá hiệu quả, đưa văn hóa Việt Nam đến gần hơn với cộng đồng quốc tế.
Công nghệ số cũng mở ra cơ hội hợp tác quốc tế, đặc biệt trong sản xuất phim, âm nhạc, game hay tổ chức các sự kiện. Việc hợp tác với các đối tác quốc tế không chỉ giúp nâng cao chất lượng sản phẩm mà còn đưa các sản phẩm văn hóa Việt ra thế giới, thu hút sự quan tâm từ khán giả quốc tế. Những sản phẩm văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc khi hợp tác sản xuất với các đối tác quốc tế sẽ có cơ hội lớn để tỏa sáng trên sân khấu toàn cầu.
Để tận dụng tối đa tiềm năng này, Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh số hóa các sản phẩm văn hóa, ứng dụng các công nghệ mới như VR, AR và AI để tạo ra những trải nghiệm sáng tạo, đồng thời mở rộng hợp tác quốc tế trong sản xuất và phân phối các sản phẩm văn hóa. Điều này sẽ không chỉ giúp quảng bá văn hóa Việt Nam mà còn đưa nền công nghiệp văn hóa nước nhà lên một tầm cao mới trong bối cảnh hội nhập toàn cầu.