PV: Vậy là lại một mùa xuân nữa chúng ta phải hủy bỏ các lễ hội vì đại dịch. Điều này ảnh hưởng thế nào đến đời sống tinh thần của người dân, thưa ông?
PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Chúng ta đang ở trong một dịp Tết vô cùng đặc biệt. Chính vì thế, cách ứng xử với Tết năm nay cũng cần phải đặc biệt. Chúng ta biết rằng, việc thực hành văn hóa truyền thống trong dịp Tết rất có ý nghĩa đối với mỗi người dân. Đây là dip để chúng ta tri ân, báo hiếu, cầu mong những điều tốt lành, tạo động lực tinh thần cho một năm sắp tới. Tâm trạng đầu năm mới ảnh hưởng rất nhiều đến đến tinh thần của cả năm, vì thế, chúng ta luôn mong những điều may mắn, tín hiệu tích cực đến ngay từ những ngày đầu năm.
Đầu năm mới ai cũng cầu
mong một cái gì đó tốt đẹp cho bản thân: sức khỏe, an lành, quan lộc, hanh
thông trong làm ăn buôn bán… Nó rất phù hợp với nhu cầu đầu năm, người ta mong
muốn, cầu xin, để có “động lực tinh thần”, có sự an tâm về mặt tinh thần, từ đó
có thêm quyết tâm để thực hiện các công việc của mình trong 1 năm mới. Cộng hưởng
với tín ngưỡng người Việt thể hiện ở trong các lễ hội nông nghiệp vốn thiên về
cầu lộc khiến cho nhiều người dân mong muốn đến với lễ hội hơn.
Thêm vào đó, thời gian giãn cách xã hội quá lâu gần đây đã khiến nhiều người cảm thấy không thoải mái với những không gian hẹp, có nhu cầu xả đi những căng thẳng, mệt mỏi khi xã hội trở lại bình thường mới, thích ứng linh hoạt với dịch bệnh, kết hợp với nhu cầu tâm linh gia tăng vào dịp đầu năm để tạo tâm lý tốt, biện pháp tạo ra “liều thuốc tinh thần” từ tín ngưỡng, tôn giáo. Như vậy, không được đi lễ đình chùa, tham gia các hoạt động hội hè chắc chắn sẽ là một thiệt thòi tinh thần rất lớn đối với người dân.
Chúng ta chỉ cần thấy hình ảnh người dân, mỗi khi giãn cách được nới lỏng, bất chấp lo ngại dịch bệnh vẫn đến đình chùa rất đông (như đến chùa Bái Đính, chùa Hương dịp năm ngoái), để thấy nhu cầu tinh thần, tâm linh thực sự của người dân. Chắc chắn việc không được tham gia các sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo là một chuyện chẳng đặng đừng, cực kỳ bất đắc dĩ với nhiều người. Tuy nhiên, vì an toàn của bản thân và chấp hành nghiêm các quy định của Nhà nước, chúng ta mong muốn người dân thông cảm, cùng đồng hành với Nhà nước để dịch bệnh sớm qua đi và chúng ta sẽ lại có những cái tết thực sự bình thường, ở đó, những nhu cầu tâm linh, thực hành văn hóa truyền thống của người dân được thỏa mãn.
PV: Việc dừng tổ chức lễ hội ngoài mục đích phòng chống dịch bệnh thì còn mang lại những ý nghĩa tích cực nào, thưa ông?
PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Việc tổ chức lễ hội không chỉ là cách chúng ta thực hiện nghi lễ truyền thống mà còn là cách chúng ta tái tạo ý nghĩa và trao truyền cho các thế hệ tiếp sau các giá trị truyền thống trong một thời điểm đặc biệt là Tết. Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta nhất thiết phải thực hành các nghi lễ, thực hiện các thói quen mà bất chấp những mối đe dọa đến sức khỏe của mỗi cá nhân và cả cộng đồng.
Dịch bệnh Covid-19 thực sự tạo ra một khủng hoảng đối với toàn nhân loại, mà hầu như tất cả các quốc gia đã đều đặt mình trong tình trạng thời chiến. Biến thể Omicron và có thể còn nhiều biến thể khác vẫn đang đe dọa an toàn sức khỏe của mọi người. Giữ gìn an toàn cho cá nhân, cho cộng đồng từ đó trở thành một ưu tiên số 1, một hành động mang tính đạo đức của mỗi cá nhân. Đó là lý do tại sao, chúng ta nên cân nhắc và hạn chế tối đa những hành động ảnh hưởng đến sức khỏe bản nhân và cộng đồng, kể cả đó là tham gia lễ hội.
Chúng ta cần phải xem dịp tạm dừng một năm để giãn cách xã hội, giữ an toàn cho cộng đồng như là một sự thể hiện trách nhiệm đối với đất nước. Cuộc sống rồi sẽ sớm trở lại bình thường bằng nỗ lực của mỗi chúng ta, và khi đó, chúng ta sẽ có điều kiện, chúng ta sẽ lại có điều kiện tốt hơn để thực hành nghi lễ truyền thống, chia sẻ niềm vui trong những dịp lễ hội, mỗi đợt Tết đến xuân về.
PV: Những năm qua dư luận đã phải than phiền quá nhiều về những lộn xộn của lễ hội. Ông có nghĩ rằng, việc hủy bỏ lễ hội cũng là cơ hội để chúng ta nhìn nhận lại những sai lạc của một số lễ hội mà dựng lại nó tốt hơn về sau?
PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Ở một góc độ nhất định, lễ hội không phải là một hiện tượng, cũng không phải là một kết quả, mà là một quá trình. Dịch bệnh vừa qua cho chúng ta một trải nghiệm nữa về tổ chức lễ hội truyền thống. Đó là tạm dừng các lễ hội truyền thống, những gì mà với nhiều người được xem là không thể tạm dừng, tạm hoãn được. Thực tế, nhiều người cũng đặt ra câu hỏi về việc tạm dừng các lễ hội văn hoá có phải là một sự vi phạm quyền của người dân đối với văn hoá hay không? Liệu sẽ tạo ra những rối loạn, hay tiêu cực đối với các sinh hoạt lễ hội truyền thống hay không?...
Ở đây, chúng ta thống nhất với nhau một nguyên tắc rằng, văn hoá nói chung, lễ hội truyền thống nói riêng luôn luôn biến đổi và thích nghi với xã hội mà nó tồn tại. Trên một phương diện nào đó, những gì tồn tại luôn có lý do hợp lý của nó (không tồn tại cũng tương tự như vậy). Các sinh hoạt văn hoá không nằm ngoài quy luật này. Lễ hội truyền thống ngày hôm nay là một sản phẩm của lịch sử, đồng thời cũng là sản phẩm của xã hội đương đại, và sẽ có sự khác biệt ở xã hội tương lai.
Trong lịch sử, lễ hội truyền thống đã nhiều lần dừng tổ chức. Nếu không phải là do chiến tranh, thì cũng là do bệnh dịch hoặc thiên tai. Nếu ai đó nghiên cứu kỹ về lễ hội truyền thống, đến các làng quê, hỏi các cụ cao tuổi sẽ thấy rất rõ hoàn cảnh này. Nhiều lễ hội còn quy định hội chính, hội lệ, trong đó, hội chính có thể 3 hay 5 năm mới tổ chức 1 lần. Chính vì thế, việc tạm dừng lễ hội hay một sinh hoạt văn hoá nghệ thuật nào đó không thể là nguyên nhân của sự phai nhạt văn hoá. Không những thế, việc tạm dừng nhiều khi lại là cơ hội để chúng ta điều chỉnh hành vi của mình đối với các sinh hoạt lễ hội, để các sinh hoạt lễ hội trở nên phù hợp hơn đối với xã hội đương đại.
Mỗi một xã hội có văn hoá riêng của mình và cũng tạo nên dấu ấn riêng đối với các sinh hoạt lễ hội truyền thống. Như vậy, văn hoá thời đại Hồ Chí Minh có lý do để xây dựng một nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; tạo dấu ấn nhất định thông qua việc lựa chọn và phát huy giá trị của lễ hội truyền thống từ những trải nghiệm của chính thời đại mình.
PV: Vẫn biết lễ hội là tổng hòa của nhiều giá trị truyền thống nhưng sau khi nhìn lại 2 năm xuân không lễ hội, nhiều người đặt câu hỏi, liệu chúng ta có cần quá nhiều lễ hội như trước kia?
PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Theo thống kê của Cục Văn hóa cơ sở, Việt Nam có trên 9000 lễ hội, đa phần trong số đó là các lễ hội truyền thống, do dân làng tổ chức. Lễ hội truyền thống chính là sự kết tinh những giá trị lịch sử - văn hóa của người Việt vì vậy chắc chắn chúng ta cần gìn giữ những giá trị của lễ hội truyền thống để bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc mình. Trong Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu rõ: “Văn hóa là hồn cốt của dân tộc. Văn hóa còn, dân tộc còn”. Hiểu theo một nghĩa nhất định, lễ hội chính là một phần quan trọng của văn hóa, và như vậy không thể để mất lễ hội truyền thống. Tất nhiên, như trên tôi đã nói, mọi hiện tượng văn hóa đều thay đổi. Lễ hội truyền thống cũng đang có những thay đổi để thích nghi với cuộc sống mới. Nhưng không vì lý do đó mà chúng ta nhất định phải loại bỏ bớt các lễ hội vì một lý do: Nhiều quá!
Theo tôi, lễ hội truyền thống nhiều hay ít không nằm trong đánh giá của nhà quản lý mà nằm trong nhu cầu, nguyện vọng và khả năng của cộng đồng. Một trong những nguyên tắc cơ bản của quản lý di sản là tôn trọng cộng đồng sở hữu di sản. Nếu mỗi 1 làng 1 năm có một lễ hội thì với số lượng hàng vạn làng ở nước ta con số hơn 9000 lễ hội truyền thống không phải là con số lớn. Đặc biệt hơn, lễ hội truyền thống là dịp tạo nên tình đoàn kết, gắn bó, chia sẻ và nhiều những giá trị đặc biệt khác của cộng đồng thì việc tổ chức các lễ hội truyền thống như vậy có ích lợi nhiều hơn những lo lắng về tiền bạc hay thời gian.
Ở đây, tôi chỉ xin nhấn mạnh lại, việc tổ chức lễ hội truyền thống nên được quyết định bởi cộng đồng người dân địa phương. Trừ những trường hợp chiến tranh hay bệnh dịch, các cơ quan quản lý Nhà nước chỉ nên đưa ra các tư vấn, khuyến cáo chứ không nên quyết định thay cộng đồng. Làm như thế, chúng ta mới tạo điều kiện cho văn hóa phát triển bền vững từ chính các chủ thể văn hóa.
PV: Có nhất thiết cứ đầu năm là đi lễ hội, hay chúng ta cần quan niệm lại cách thực hành các tín ngưỡng tâm linh sao cho thực sự có ý nghĩa?
PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Đây là một câu hỏi rất hay nhưng rất khó. Bản thân tôi cho rằng việc đi lễ hội là một sự lựa chọn có thể theo hoặc không theo. Như tôi đã nói, mục đích quan trọng nhất của việc tham gia lễ hội là chúng ta có được một tinh thần thanh thản, có thêm động lực tinh thần tốt để chuẩn bị cho một năm có thể có rất nhiều khó khăn đang chờ đón. (Tất nhiên, nhiều người có thể tham gia lễ hội vì nhiều lý do khác nhau). Tín ngưỡng, tôn giáo giúp chúng ta có được một tâm thế lạc quan thông qua lễ hội, cầu cúng và các nghi lễ khác. Như vậy, bất kỳ khi nào chúng ta có được tâm trạng như vậy, dù qua tín ngưỡng, tôn giáo hay bằng cách hình thức khác (tất nhiên là trừ cách sử dụng chất kích thích, gây nghiện), chúng ta cũng thấu hiểu được tinh thần, ý nghĩa của việc tham gia lễ hội.
Tuy nhiên, đấy là cách quan niệm của riêng tôi. Mỗi người có cách đi lễ hội của riêng mình. Vì thế, chúng ta không thể quả quyết chắc chắn cách thực hành các tín ngưỡng tâm linh nào thực sự có ý nghĩa, tốt hơn cách thực hành khác. Nhiều khi, cách thức hành này là những thói quen, mang tính truyền thống, dần trở thành phong tục, tập quán. Mà khi đã trở thành thói quen, phong tục, tập quán thì lại có một sức mạnh riêng, vô cùng khó bỏ.
Dù vậy, chúng ta vừa trải qua một giai đoạn hết sức khó khăn. Dịch bệnh Covid-19 thực sự đã làm thay đổi thế giới, trong đó có cả thực hành tín ngưỡng, tâm linh. Cúng dường online là một ví dụ cho chúng ta thấy sự thay đổi đó. Tôi nghĩ rằng, việc đầu năm đi lễ hội và những thói quen nhất định có thể có những thay đổi trong thời gian tới, theo đó, sự áp dụng công nghệ, đề cao an toàn, sức khỏe của người đi lễ có lẽ là một trong những yếu tố làm nên những thay đổi trong thói quen đi lễ đầu năm của nhiều người.
PV: Theo ông, làm thế nào người dân vẫn cảm nhận được điều linh thiêng, vẫn bình yên khi không thể đi lễ hội, tới các cơ sở thờ tự vì dịch?
PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Chúng ta đang ở trong giai đoạn vô cùng đặc biệt, đòi hỏi sự chung tay của toàn xã hội để đẩy lùi dịch bệnh, đưa cuộc sống nhanh chóng trở lại bình thường. Chính vì thế, giữ an toàn sức khỏe cho bản thân không chỉ có ý nghĩa đối với mỗi cá nhân, mà còn thể hiện trách nhiệm đạo đức đối với cộng đồng. Như vậy, hành vi đi lễ của người dân để cầu mong một năm mới an lành, mạnh khỏe, tuy là một nhu cầu chính đáng nhưng mỗi người chỉ có thể an lành và mạnh khỏe, có niềm vui khi những người xung quanh chúng ta cũng đạt được điều đó.
Khi Thủ tướng Chính phủ đã nêu quyết tâm “chống dịch như chống giặc”, hay trong một số hoàn cảnh “ở nhà là yêu nước” thì hơn lúc nào hết câu nói mình vì mọi người cần trở thành một triết lý sống phù hợp. Khi chúng ta chưa thể giúp đỡ người khác thì bản thân mỗi người sống có trách nhiệm, tuân thủ nguyên tắc 5K cũng là một hình thức chúng ta góp tay cùng Chính phủ, nhân dân để phòng chống bệnh dịch.
Nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng của người dân là chính đáng. Việc đến với các cơ sở tâm linh, tín ngưỡng như đình, đền, chùa giúp cho mỗi người có thêm niềm tin vào những điều tốt đẹp của cuộc sống, giúp mỗi người an tâm hơn để đương đầu với những khó khăn có thể xuất hiện trong cuộc sống, từ đó tạo động lực tinh thần cho mỗi người. Đảng và Nhà nước cũng luôn quan tâm đến đời sống tâm linh, tín ngưỡng của người dân, tạo mọi điều kiện thuận lợi để người dân được thỏa mãn những nhu cầu tinh thần chính đáng này.
Tuy nhiên, thực hành nghi lễ vẫn nên quan tâm đến an toàn sức khỏe của chính mình và người khác. Trong đạo Phật luôn quan niệm “Phật tại tâm”, vì thế, khi chúng ta sống vì người khác, cho người khác, tinh thần chúng ta sẽ hướng thiện nhiều hơn, thoải mái hơn, và đó chính là niềm vui, hạnh phúc lớn nhất mà chúng ta làm được cho mọi người. Lòng tốt của mỗi chúng ta sẽ tỏa sáng và chắc chắn sẽ đẹp lại mọi sự thiện lành cho mỗi người mà không cần thiết phải trực tiếp đến với các cơ sở thờ tự khi mà hoàn cảnh không cho phép. Tôi vẫn luôn tâm đắc với câu: Thứ nhất là tu tại gia, thứ hai tu chợ, thứ ba tu chùa. Điều đó nhắc nhở chúng ta rằng, tu tâm, hướng thiện, nghĩ nhiều hơn về người khác là cách thức tốt nhất để những điều tốt đẹp sẽ đến với chúng ta.
PV: Xin cảm ơn ông!./.