Mang trong mình tình yêu với tà áo dài từ thuở nhỏ qua hình ảnh người bà, người mẹ thân thương, năm 2002, NTK Quang Hoà chính thức bước chân vào ngành thiết kế thời trang áo dài. Với niềm đam mê và phong cách riêng biệt, NTK Quang Hoà đã nhanh chóng được mời tham gia trên nhiều sàn diễn lớn nhỏ và để lại ấn tượng trong lòng người yêu thời trang nước nhà. Sau 11 năm gắn bó với vùng đất Sài Thành, năm 2013, anh quyết định trở về Huế, tiếp tục với niềm đam mê thời trang của mình.
Thời gian gần đây, mọi người biết đến anh là một trong những người tiên phong đưa tà áo dài ngũ thân trở về và lan toả trên miền đất Cố đô. Phóng viên VOV.VN đã có cuộc trò chuyện với NTK Quang Hoà để hiểu rõ hơn về nguồn cảm hứng và hành trình đi tìm lại tà áo dài truyền thống đất Việt.
PV: Gần đây, khán giả biết đến anh nhiều hơn trong vai trò là người phục dựng linh hồn áo dài truyền thống Việt thông qua chiếc áo dài ngũ thân. Được xem là tiền thân áo dài ngày nay, chắc hẳn sự trở lại của áo dài ngũ thân mang một ý nghĩa đặc biệt quan trọng?
NTK Quang Hoà: Áo dài ngũ thân được định hình từ thời chúa Nguyễn Phúc Khoát và trở thành quốc phục dưới thời vua Minh Mạng. Gọi là áo ngũ thân vì loại áo này được ghép bởi 5 vạt (5 thân) gồm 2 thân trước, 2 thân sau đối nhau ở trước ngực và sau lưng, thân thứ 5 ở phía trước nằm bên phải, trong thân thứ nhất.
Năm thân áo tượng trưng cho đạo lý cao đẹp của con người, trong đó bốn thân áo của vạt trước, vạt sau tượng trưng cho “tứ thân phụ mẫu”, thân trong tượng trưng cho người con. Áo ngũ thân cũng có năm nút, tượng trưng cho ngũ thường nhân – nghĩa – lễ – trí – tín. Với những ý nghĩa nhân văn đó, tà áo dài ngũ thân đã được định hình, khôi phục trở lại. May mắn hơn cả, tôi chính là người tiên phong, kết hợp cùng Sở Văn hoá và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế khôi phục lại tà áo dài ngũ thân, đưa nó trở lại đời sống.
Thực chất thời gian đứt gãy của áo dài ngũ thân bắt đầu sau khi chế độ phong kiến cuối cùng tại Việt Nam chấm dứt, áo dài ngũ thân dần đi vào quên lãng. Việc phục hồi lại tà áo dài này mang một ý nghĩa vô cùng quan trọng, tạo tiền đề tiến tới sự công nhận áo dài ngũ thân chính thức là quốc phục Việt Nam.
PV: Áo dài Việt Nam qua các thời kỳ luôn có sự biến đổi với nhiều kiểu dáng, chất liệu từ hiện đại đến phá cách. Vậy với áo dài ngũ thân, đâu là đặc biệt đặc trưng riêng biệt, thưa anh?
NTK Quang Hoà: Như chúng ta thấy, Nhật Bản có Kimono, Hàn Quốc có Hanbok. Đây đều là những trang phục truyền thống được sử dụng cho cả nam và nữ. Nhưng tại Việt Nam, áo dài chỉ thường xuất hiện ở nữ mà chưa có một tà áo dài nam với những dấu ấn riêng biệt. Áo dài ngũ thân sẽ giải quyết vấn đề này khi được sử dụng ở cả nam và nữ, đồng thời mang đến một hình ảnh đặc trưng Việt Nam nhất. Đây là một nét đặc trưng truyền thống của Việt Nam chứ không phải một sự kết hợp lai căng.
Áo dài ngũ thân mang đến giá trị truyền thống đích thực với sự tôn nghiêm. Không chỉ đẹp về phom dáng, áo dài ngũ thân còn tiện lợi trong sinh hoạt với cách mặc đơn giản nhưng vẫn toát lên vẻ đẹp sang trọng, quý phái.
PV: Là người tiên phong đưa áo dài ngũ thân trở về và lan toả trên miền đất Cố đô Huế, anh đã gặp phải những khó khăn gì?
NTK Quang Hoà: Thời gian đầu khi đưa áo dài ngũ thân trở về và lan toả trên miền đất Cố đô, tôi đã nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều, người ủng hộ, người phản đối. Họ gay gắt và e ngại cho rằng đây là một sự cổ hủ cho chế độ phong kiến. Tuy nhiên tôi nghĩ rằng, chế độ và thời kì nào không quan trọng. Chúng ta nên nhìn nhận nó thông qua văn hoá mặc. Văn hoá mặc và sắc màu chính trị không liên quan đến nhau. Mỗi trang phục đều mang một nét đẹp văn hoá và sự tự tôn dân tộc chứ không mang màu sắc chính trị. Và tôi hy vọng mọi người sẽ có một cái nhìn thấu đáo hơn.
PV: Để tạo ra những thiết kế áo dài, anh thường lấy ý tưởng từ đâu?
NTK Quang Hoà: Nói về ý tưởng để tạo ra áo dài, tôi luôn bắt nguồn từ nguồn gốc. Đó là những giá trị truyền thống mà chúng ta không thể thay đổi. Trong các bộ sưu tập mới đây nhất, tôi hướng đến sự kết hợp giữa truyền thống với những chất liệu mới lạ hơn, đem hơi thở đương đại lên phom dáng truyền thống.
Chúng ta cũng cần xây dựng trên phom dáng cơ bản của áo dài truyền thống, nhằm mang tới những kiểu dáng phù hợp với giới trẻ ngày nay. Chúng ta không thể đóng khung trong một môi trường truyền thống nhất định mà cần có sự kế thừa và phát huy. Gần đây nhất khi làm dự án kết hợp với các nhà thiết kế Ý, những tiêu chí mà áo dài Quang Hoà đưa ra bao gồm: giá trị truyền thống, áo dài trong đời sống, áo dài trong thời trang. Tôi cho rằng chúng ta cần có sự phân định rõ ràng những thứ mà chúng ta hướng đến. Ở môi trường nào để tạo ra áo dài phù hợp cũng như để phát triển những BST phù hợp.
PV: Ngoài giá trị về văn hoá truyền thống, trong mỗi thiết kế áo dài, anh hẳn sẽ có những câu chuyện riêng?
NTK Quang Hoà: Đúng vậy. Trong mỗi thiết kế của cá nhân, tôi đều gửi gắm vào đó những câu chuyện riêng, thông qua mỗi hoa văn, hoa tiết trên tà áo.
Mới đây nhất với BST “Sự kết nối”, tôi đã dùng phom dáng của áo dài ngũ thân kết hợp với chất liệu jean - chất liệu đương đại. Đồng thời sử dụng hoa văn của đồng bào dân tộc thiểu số Tây Bắc để tạo ra sự kết nối giữa giá trị xưa cũ với đương đại. BST mang tinh thần kết nối các dân tộc anh em trên đất nước Việt Nam, với mong muốn lan toả hình ảnh, giá trị, thông điệp gắn kết. Hay với BST “Hương thời gian”, sự kết hợp giữa hội hoạ và áo dài đã giúp tôi tạo ra những tà áo dài có sức sống và thu hút hơn.
Với tôi, áo dài không chỉ mang giá trị về văn hoá mà còn mang giá trị tinh thần, thời trang. Để tà áo dài khi được mặc trên người không chỉ là một sản phẩm, mà còn là một tác phẩm. Nhà thiết kế không chỉ là người sáng tạo mà còn là người kết nối. Sự kết nối đó bắt nguồn từ việc mình phải hiểu về văn hoá, hiểu về cái đẹp. Khi ấy, việc kết nối, lan toả mới trở nên ý nghĩa hơn.
PV: Ở thời điểm hiện tại, áo dài vẫn chưa được công nhận là di sản văn hoá. Là một trong những nhà thiết kế tâm huyết với áo dài, anh có trăn trở gì?
NTK Quang Hoà: Có 1 tín hiệu vui, Cục Di sản hiện đã đưa tà áo dài ngũ thân truyền thống trình công nhận là di sản vật thể, phi vật thể. Phi vật thể ở mặt tinh thần, khi nó in sâu trong tiềm thức người Việt. Vật thể ở chỗ người Việt luôn mong muốn được khoác lên mình. Bản thân áo dài là một sản phẩm, cũng là một tác phẩm. Với những người thiết kế áo dài như tôi, đều rất mong muốn áo dài sớm trể thành quốc phục.
PV: Hiện tại Việt Nam có rất nhiều nhà thiết kế áo dài với tên tuổi và chỗ đứng riêng. Bản thân anh bằng cách nào để khẳng định dấu ấn riêng trong lòng khán giả?
NTK Quang Hoà: Trong công việc thiết kế, ai cũng mong muốn mình có tên tuổi riêng, phong cách riêng. Với tôi, mong ước lớn nhất là tạo ra sức lan toả trong cộng đồng, để áo dài ngũ thân đến gần hơn và được đón nhận với, không chỉ bởi người dân Việt Nam mà ngay cả những kiều bào xa quê.
Sự lan toả ấy đã thực sự hiệu quả. Minh chứng qua những BST do tôi thiết kế, không chỉ anh chị em trong nước mà kiều bào từ xa cũng yêu mến, đặt hàng. Khi họ khoác trên mình những bộ áo dài ngũ thân truyền thống, tự hào về cái đẹp, niềm vui của tôi càng thêm nhân đôi.
PV: Gia đình anh chắc sẽ rất thích và thường mặc các thiết kế áo dài của anh?
NTK Quang Hoà: Gia đình tôi mỗi lần xuất hiện trong các dịp đặc biệt đều mặc áo dài. Tôi cũng thường nói với con gái, khi tham gia các lễ hội, sự kiện quan trọng hãy mặc áo dài. Con gái mặc dù rất nhỏ nhưng cũng rất thích mặc và hứng thú với áo dài. Bạn nhỏ còn nói sau này sẽ phụ ba thiết kế áo dài. Tôi cho rằng những câu chuyện mình kể, những việc mình làm đã phần nào truyền cảm hứng cho con và được con đón nhận, tiếp thu.
PV: Đặc biệt ngày Tết ở Huế, vợ và con gái anh thường chọn áo dài với kiểu dáng và màu sắc như nào?
NTK Quang Hòa: Ngày Tết truyền thống mọi nhà luôn là sắc đỏ và vàng tượng trưng cho thịnh vượng, may mắn, tài lộc cho một năm mới. Vợ tôi thì chọn màu đỏ hoặc xanh ngọc bích, còn con gái vẫn màu đỏ đặc trưng của Tết.
PV: Phụ nữ Huế thường đã được mặc định với tà áo dài mềm mại thướt tha và đặc trưng màu tím Huế, vậy với áo dài ngũ thân, đã được họ lựa chọn mặc trong các dịp đặc biệt, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán chưa?
NTK Quang Hòa: Tà áo dài luôn là sự lựa chọn của phụ nữ Huế trong các dịp có Lễ hay sự kiện. Với áo dài ngũ thân truyền thống sau khi được phục hồi trở lại đã được sự đón nhận và mặc vào các dịp đặc biệt, hội lễ và Tết Nguyên đán không chỉ ở Huế còn lan tỏa khắp mọi miền tổ quốc khi áo dài ngũ thân truyền thống trở lại sau hơn 3 năm xây dựng đề án Huế Kinh Đô Áo Dài Việt
PV: Thường Tết, ai cũng thích chọn những gam màu rực rỡ, vậy ở Huế, việc lựa chọn màu sắc cho áo dài trong dịp này có theo lối suy nghĩ truyền thống?
NTK Quang Hòa: Trong dịp Tết Nguyên đán ngoài sắc màu đỏ và vàng là hai màu chủ đạo thì màu sắc mặc theo quy chuẩn của các nghi thức Lễ hội như xanh lam, đỏ, vàng theo truyền thống bắt buộc. Còn ngày nay sự lựa chọn màu sắc vẫn mang tính cá nhân và màu yêu thích của mỗi người chứ không ràng buộc theo quy định như lối xưa.
PV: Xin cảm ơn NTK Quang Hòa./.