Cùng với Thanh Hoằng Khê - Lê Xuân Hòa, Lỗ Công - Nguyễn Văn Bách, Nam Ba Cầm Văn - Cung Khắc Lược, Vĩnh Nguyên - Lại Cao Nguyện là một trong “tứ trụ” thư pháp Việt Nam hiện đại. Dành cả cuộc đời để nghiên cứu, góp phần phát triển nghệ thuật thư pháp Việt Nam, Lại Cao Nguyện được đánh giá là nhà thư pháp có học thức uyên bác, phong thái trầm ngâm, am hiểu sâu rộng chữ Hán Nôm.

Với ông, viết thư pháp không chỉ là thú vui tao nhã thường thấy, bộ môn nghệ thuật này còn là nơi để các thư pháp gia chuyển tải những triết lý phương Đông, gửi gắm nỗi niềm, tâm tình, nhân sinh quan sâu sắc. Bút pháp của ông đã đạt tới trình độ thư họa, nhiều tác phẩm cho người đời xin chữ và thưởng ngoạn như một bức tranh đẹp.

Nhà thư pháp Vĩnh Nguyên - Lại Cao Nguyện sinh năm 1929 tại thôn Lãm Khê xã An Bình (nay là xã Đông Kinh) huyện Đông Quan (nay là huyện Đông Hưng) tỉnh Thái Bình. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống hiếu học, ông được học chữ Nho từ sớm. Vốn có năng khiếu nên ông dễ dàng tiếp thu sự chỉ dạy của bậc cha chú.

Thời điểm chữ Hán bắt đầu không còn được coi trọng, các khoa thi cử Nho học dần bị thay thế bởi Tân học tiếng Pháp, Lại Cao Nguyện vẫn dành nhiều thời gian để tự học, tìm tòi, nghiên cứu các cuốn sách Hán cổ, các tác phẩm thơ văn Việt Nam viết bằng chữ Hán Nôm. Bởi vì ông cho rằng đây là chiếc "chìa khóa" để hiểu biết sâu sắc tinh hoa văn học nước nhà của các bậc hiền nhân như Bà Huyện Thanh Quan, Nguyễn Du, Nguyễn Trãi,…

Tham gia hoạt động cách mạng từ sớm (1945), thực hiện nhiều nhiệm vụ của kháng chiến nhưng Lại Cao Nguyện vẫn nuôi dưỡng niềm say mê với nghệ thuật thư pháp. Nhiều đêm, ông cầm cây bút lông, mài mực tàu tập viết những nét thư pháp đến khi thành thạo mới viết trên giấy. Thói quen đó được ông giữ gìn trong suốt nhiều năm về sau.

Năm 1953, ông được cử đi tu nghiệp tại Nam Ninh, Trung Quốc, học khoa Sư phạm Trung văn rồi sau đó trở về làm giảng viên khoa Sử - Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Năm 1957, ông là giảng viên tiếng Trung Quốc tại Khoa Ngoại ngữ trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Sau này, trên cương vị Trưởng khoa tiếng Trung - Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội), ông đã tham gia nghiên cứu, biên soạn nhiều cuốn sách, giáo trình, từ điển Việt – Trung, sổ tay Hán Nôm. Những thành quả lao động miệt mài, nghiêm túc của ông đã góp phần không nhỏ tạo nên một kho tàng tri thức đồ sộ về Hán Nôm, là tiền đề phát triển nghệ thuật thư pháp ở Việt Nam.

Với kiến thức dày dặn, đến khi việc nghiên cứu văn hóa, văn học cổ điển được quan tâm, đã rất nhiều cơ quan đến đặt bài, nhờ dịch sách, tham khảo ý kiến ông về những công trình nghiên cứu.

Từ khi nghỉ hưu (1995), ông vẫn tiếp tục giảng dạy Văn tự tiếng Hán và thư pháp Hán Nôm cho các trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ, Đại học Ngoại thương, Đại học Phương Đông, Đại học Đông Đô cùng các lớp thư pháp ở chùa Tảo Sách, ở Trung tâm Giáo dục Thường xuyên Nguyễn Văn Tố,... giúp đỡ các thế hệ sinh viên yêu mến tìm hiểu về nghệ thuật viết chữ Hán Nôm.

Ông là người đã sáng lập ra Câu lạc bộ Thư họa Thăng Long - tổ chức đầu tiên về nghệ thuật thư pháp tại nước ta, sau này là Câu lạc bộ UNESCO Thư pháp Việt Nam thuộc Liên hiệp hội UNESCO Việt Nam, thúc đẩy nhiều hoạt động nhằm nhân rộng phong trào dạy và học Thư pháp, đào tạo nên nhiều thế hệ học trò cho sự phát triển thư pháp nước nhà.

Có thể nói, thư pháp Hán Nôm là duyên nợ là động lực để Vĩnh Nguyên - Lại Cao Nguyện miệt mài rèn luyện, đạt đến trình độ “bút pháp đã tinh”, không ngừng sáng tạo và dâng cho đời bức thư hoạ tuyệt đẹp.

Ở tuổi 92, tuổi xưa nay hiếm, Vĩnh Nguyên - Lại Cao Nguyện vẫn cho thấy một tinh thần hăng say sáng tạo, lao động bền bỉ. Bên cạnh những tác phẩm thư pháp nổi tiếng được nhiều người biết đến, trong dịp Xuân Tân Sửu vừa qua, ông giới thiệu bức thư pháp mang tên “Rồng Châu Á” thu hút sự chú ý và tán thưởng của đông đảo người yêu thư pháp Việt Nam.

Vĩnh Nguyên - Lại Cao Nguyện cho biết bức thư pháp được sáng tác trong niềm vui, phấn khởi khi chứng kiến thành công của Đại hội lần thứ XIII của Đảng cũng như những bước chuyển mình mạnh mẽ của đất nước. Ông phóng tác theo thể thảo với những nét "xổ", nét "mác" uyển chuyển, dứt khoát, màu mực đậm đặc, tất cả đều toát lên “thần khí” riêng của một trong “tứ trụ” thư pháp Việt Nam hiện đại.

“Nước ta chưa bao giờ có cơ đồ, vận hội và uy tín quốc tế lớn mạnh như ngày nay. Năm qua, đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn thế giới nhưng bằng tinh thần đoàn kết của toàn Đảng, toàn dân, chúng ta đã phần nào khắc phục được dịch bệnh. Điều này khiến thế giới phải ngả mũ kính phục. Ba chữ “Rồng Châu Á” thể hiện nguyện vọng, tin tưởng của tôi, một đảng viên với hơn 70 năm tuổi Đảng vào sự phát triển mạnh mẽ, cất cánh bay cao của đất nước trong tương lai”, Vĩnh Nguyên - Lại Cao Nguyện cho biết.

Nhắc đến bức thư pháp “Rồng Châu Á”, ông trở nên hào hứng, sôi nổi hơn so với phong cách chuyện trò vốn có. Bởi lẽ đây là tác phẩm chứa đựng suy ngẫm, ước vọng của ông về một mùa xuân mới – Mùa xuân của đời người, của đất nước tràn ngập niềm tin và hy vọng. Chính vì vậy, bức thư pháp “Rồng Châu Á” có một vị trí quan trọng trong chính tâm hồn và không gian trưng bày tại căn nhà giản dị của ông trên con phố Mai Dịch.

Dành trọn cả đời nghiên cứu con chữ và nghệ thuật thư pháp, Vĩnh Nguyên – Lại Cao Nguyện cho rằng “chơi chữ” là khó nhất trong các thú chơi nghệ thuật. Viết chữ là rèn tâm, rèn người. Bởi vì người yêu chữ phải là kẻ sĩ uyên thâm, có tâm, có đạo, có cốt cách cao thượng. Và cái đẹp của chữ nghĩa không phải chỉ là cái đẹp của đường nét, bố cục mà còn là sự kết hợp hài hoà của thư, nhạc, hoạ và của tâm, trí, khí. “Có nét chữ nhẹ nhàng như gió thoảng, hiền từ mà thoát tục. Có nét mạnh mẽ, kiên cường như để trấn tà, xóa tan ngay cái ác, cái dữ khi chưa kịp khởi sinh trong tâm...”.

Cho nên, mong muốn lớn nhất của ông là lan toả tình yêu với nghệ thuật thư pháp và thư pháp Việt Nam sẽ được các thế hệ gìn giữ và tiếp nối. Chính vì thế mà từ nhiều năm trước, ông đã cùng với các nhà thư pháp tâm huyết, nỗ lực xây dựng và tổ thức thành công Câu lạc bộ Thư họa Thăng Long nhằm đoàn kết, tập hợp những nhà thư pháp và những người yêu thích thư họa, tạo điều kiện để giao lưu, nâng cao trình độ hiểu biết, thưởng thức và sáng tác đối với nghệ thuật thư pháp.

Dần dần, Câu lạc bộ Thư họa Thăng Long đã khẳng định được vị thế trong lĩnh vực nghệ thuật thư pháp và có định hướng hoạt động đúng đắn, có điều kiện góp phần vào việc phục hồi nền thư pháp không chỉ ở phạm vi Thủ đô Hà Nội mà còn lan rộng ra các tỉnh, thành như Hải Phòng, Thái Nguyên, Hải Dương, Hưng Yên, Nam Định, thành phố Hồ Chí Minh và từng bước mở rộng quan hệ với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Câu lạc bộ được Hiệp hội Câu lạc bộ UNESCO Việt Nam công nhận và quyết định đổi tên là Câu lạc bộ UNESCO Thư pháp Việt Nam vào năm 1999. Triển lãm thư pháp Canh Thìn 2000 tại Văn Miếu Quốc Tử Giám đã thúc đẩy phong trào chấn hưng thư pháp ở Việt Nam lên một bước phát triển mới. Từ đây, phong trào chơi chữ, xin chữ, cho chữ, tặng chữ ngày càng sôi nổi, trở thành một nét đẹp văn hoá của dân tộc mỗi dịp Tết đến Xuân về.

Không chỉ gây dựng phong trào thư pháp Hán Nôm sôi nổi, dưới sự dẫn dắt của nhà thư pháp Lại Cao Nguyện, nhiều hoạt động triển lãm, hội thảo, đặc san, thư pháp Hán Nôm đã được tổ chức thường niên và gây được nhiều tiếng vang lớn.

Ngoài việc tham gia những hoạt động chủ yếu như trưng bày, quảng bá, giao lưu những người yêu thư pháp trong nước và quốc tế, Vĩnh Nguyên – Lại Cao Nguyện đặc biệt chú trọng việc truyền dạy thư pháp và học chữ Hán Nôm cho thế hệ trẻ. Ông dành nhiều thời gian, tâm sức trao dần “nét bút - nghiên mực”. Chính từ những lớp học của ông đã xuất hiện những tài năng thư pháp có thể kế tục sự nghiệp của các bậc tiền nhân, đóng góp vào công cuộc bảo tồn và phát triến nghệ thuật thư pháp trong dòng chảy văn hoá truyền thống Việt Nam./.


Thứ Tư, 06:00, 10/03/2021