PV: Sau khi giành được giải thưởng tại LHP Cannes 2023, “Bên trong vỏ kén vàng” đã được công chiếu ở Việt Nam. Cảm xúc của anh khi tác phẩm đầu tay được chiếu tại quê nhà như thế nào? Anh kỳ vọng gì về sự đón nhận của khán giả Việt?

Phạm Thiên Ân: Tôi rất hồi hộp, chờ đợi sự đón nhận của khán giả đối với “Bên trong vỏ kén vàng”. Thật khó đoán vì mỗi người có cách cảm thụ điện ảnh khác nhau. Bộ phim thuộc thể loại điện ảnh chậm nên tôi nghĩ sẽ hơi khó xem đối với khán giả Việt khi mà hiện tại, xu hướng là những cái gì nhanh, ngắn gọn, truyền tải thông điệp trong vài giây, tác động đến tâm trí người xem. Tôi nghĩ những nhà phê bình thích phim này còn khán giả đại chúng thì không. Tôi mong mọi người mở rộng tâm trí để đón nhận bộ phim.

Cảnh trong phim "Bên trong vỏ kén vàng".

PV: Anh và ekip có chịu áp lực về doanh thu khi mà phát hành ở rạp Việt Nam không?

Phạm Thiên Ân: Đương nhiên là có. Khi bộ phim đoạt giải ở Cannes, cũng có một số bên phát hành ở Việt Nam ngỏ lời về việc phân phối phim. Ban đầu, tôi nghĩ không có gì phức tạp, tuy nhiên khi trực tiếp trao đổi mới thấy có nhiều vấn đề phát sinh như kinh phí quảng bá phim, chi phí rạp chia như thế nào,…

“Bên trong vỏ kén vàng” là một bộ phim độc lập nên ban đầu tôi không dự tính phát hành ở Việt Nam. Chúng tôi không dự trù kinh phí cho việc phát hành, hầu như kinh phí dồn hết vào sản xuất. Vì thế để bộ phim có thể ra rạp được như bây giờ, chúng tôi phải mượn tiền của bên phát hành, rạp chiếu. Nếu có doanh thu sẽ bù đắp được vào phần tiền đó. Đó cũng là áp lực rất lớn. Nếu doanh thu dưới vài tỷ, chúng tôi sẽ phải chịu lỗ.

PV: Thời gian gần đây, phim độc lập Việt ra rạp thì đều có thành tích tốt, doanh thu cao thậm chí là trở thành hiện tượng. Anh có tự tin về tác phẩm của mình?

Phạm Thiên Ân: Hiện tại, tôi thấy vui vì phim độc lập Việt được đón nhận như vậy. Trước khi “Bên trong vỏ kén vàng” ra rạp, tôi cũng có xem những bình luận của khán giả. Mọi người ủng hộ bộ phim rất nhiều. Tuy nhiên tôi vẫn có chút lo lắng vì “Bên trong vỏ kén vàng” khó coi hơn “Ròm”, “Tro tàn rực rỡ”. Dẫu vậy, tôi vẫn hy vọng khán giả sẽ đón nhận bộ phim và có phản hồi tốt.

Về doanh thu, tôi không kỳ vọng gì nhiều, chỉ mong đủ để bù lại chi phí phát hành và chi trả cho rạp. Tôi nghĩ doanh thu sẽ đến nhiều từ nước ngoài. Chúng tôi cũng có ký hợp đồng với Pháp, Tây Ban Nha, Mỹ và Hy Lạp,... về việc phát hành phim ở nước ngoài.

Còn tôi chỉ muốn đưa bộ phim ra rạp trong nước sớm nhất. Vì Việt Nam là nơi tôi sinh ra, lớn lên nên rất muốn tác phẩm đầu tay của mình được chiếu ở đây đầu tiên trước khi phát hành rộng rãi trên thế giới.

PV: Phim điện ảnh là cuộc chơi đắt đỏ, cần nguồn vốn lớn. Thiên Ân và ê-kíp làm như thế nào để kêu gọi được số vốn cho “Bên trong vỏ kén vàng”?

Phạm Thiên Ân: Một nhà làm phim không có tên tuổi gọi được một số vốn làm phim điện ảnh là hành trình rất gian nan. Phải có sự quyết tâm, đam mê và thành thật với điều mình đang làm.

Không thể phủ nhận tầm quan trọng của tiền bạc, không có tiền mình buộc phải đi xin. Nhưng mình cũng không nên đặt nặng quá, rằng mình phải có 1-2 triệu USD thì mới có thể làm phim mà với 500.000 USD, mình vẫn có thể làm được. Nhưng tôi nghĩ rằng điều đó không quan trọng bằng sự sẵn sàng và niềm tin "Mình sẽ làm được”.

Cá nhân tôi may mắn nhiều lần xin quỹ thành công, từ quỹ lớn trong khu vực Đông Nam Á như quỹ của Purin Pictures, cho đến quỹ của Liên hoan Phim Lorcarno (Thụy Sỹ) và một số cái tên lớn nhỏ khác. Nhưng theo kinh nghiệm của bản thân, tôi nhận thấy những bối cảnh phải xin quay khi không có tiền lại mang đến hiệu quả lớn hơn so với những dự kiến ban đầu, vốn là tốn kém hơn.

Ngoài ra, có một số tác động của diễn viên cũng ảnh hưởng tới quyết định bấm máy vào thời điểm ấy. Dàn diễn viên vừa có người già, vừa có trẻ nhỏ. Nếu phải chờ quá lâu, diễn viên nhí sẽ lớn dần, người lớn tuổi thì có thể gặp vấn đề sức khỏe. Cùng với đó, tôi cũng lo lắng bối cảnh phim sẽ thay đổi theo thời gian, không khớp về mặt hình ảnh, dàn cảnh, màu sắc, ánh sáng. Đến bây giờ khi bộ phim hoàn thành, tôi nghĩ đó là một điều may mắn và rất đặc biệt với chúng tôi.

PV: Thông điệp anh muốn truyền tải trong bộ phim là gì?

Phạm Thiên Ân: “Bên trong vỏ kén vàng” theo chân Thiện - một thanh niên đang trên đường đưa thi thể của người chị dâu xấu số về quê để chôn cất. Trên hành trình trở về, Thiện gặp lại những người quen cũ, từ đó tìm thấy ‘tiếng gọi’ thiêng liêng, mục đích sống. Hành trình của Thiện không chỉ là di chuyển về mặt địa lý, mà còn đi qua các miền suy tư về những giá trị cốt lõi trong đời người.

“Vỏ kén vàng” giống như vỏ bọc của con người trong xã hội, là những thứ lôi kéo họ vào một vòng tròn bất tận, cuộc chạy đua với tiền bạc, danh vọng. Con nhộng bên trong giống như linh hồn của một người.

Trong bộ phim này, linh hồn của nhân vật chính đã bị bỏ quên. Anh ta phải vật lộn, đấu tranh để tìm được chính mình, để chuyển hóa con người, thoát khỏi vỏ bọc - định kiến của xã hội để trở thành con người mới. Nó đều xoay quanh câu hỏi chúng ta sống vì điều gì, đâu là mục đích sống

Thiện mang nhiều hình ảnh của tôi trong đó. Khi tôi ở Sài Gòn, một thành phố rất nhộn nhịp, tôi phải hoạt động từ sáng đến tối, thời gian trôi qua rất nhanh. Dường như tôi cũng bị hút theo một vòng lặp bất tận của tiền tài, danh vọng, các mối quan hệ,… Phải mất một thời gian, tôi mới tìm được "tiếng gọi” bên trong sau khi tham dự cuộc thi “48h làm phim”. “Tiếng gọi” đó đã làm cơ thể tôi nóng bừng, như có một nguồn năng lượng kì lạ khiến mình choáng váng, thôi thúc tôi dấn thân vào điện ảnh.

Thông qua bộ phim này, ngoài ý nghĩa về mục đích sống, việc phát triển đức tin của nhân vật là điều tôi muốn nhấn mạnh. Bộ phim vẫn giữ đặc thù về tôn giáo nhưng tôi muốn mang đến một góc nhìn tự nhiên mà những người không theo đạo cũng cảm nhận được.

PV: Anh có thể nói rõ hơn yếu tố tôn giáo ảnh hưởng thế nào đến việc hình thành nội dung và ý đồ nghệ thuật ?

Phạm Thiên Ân: Tôi sinh ra và lớn lên trong một xóm đạo ở Bảo Lộc, Lâm Đồng. Ở đây, phần lớn người dân nơi đây duy trì thói quen đi lễ một ngày hai lần, sáng dậy sớm lúc 4 giờ và tối sau khi đã hết ngày làm việc.

Gia đình của tôi cũng theo Công giáo, sống cạnh một nhà thờ. Tôi nằm trong đội giúp lễ Nhà thờ Giáo xứ Thánh Mẫu. Vì thế Công giáo ảnh hưởng đến tôi rất nhiều. Nhưng trong suốt thời niên thiếu, tôi không thể hiểu thấu những lời được giảng cũng như những gì Kinh thánh viết, cũng không hiểu sao mình phải giữ đạo như vậy.

Sau này, khi sang Mỹ, gia đình khuyên tôi học lấy một số nghề dễ kiếm kế sinh nhai, như cắt tóc hay làm móng nhưng tôi không phù hợp. Thời gian đó, tôi như được tỉnh thức, đặt câu hỏi về mục đích sống, đức tin của mình. Tôi dành nhiều thời gian tìm hiểu sâu hơn về kinh thánh, tôn giáo rồi kết hợp với điện ảnh.

Tôi không giỏi ăn nói vì thế điện ảnh là phương tiện giao tiếp giúp tôi bày tỏ suy nghĩ của mình dễ dàng hơn, thông qua hình ảnh, âm thanh và diễn xuất. Điện ảnh không có giới hạn. Tôi có thể tạo dựng thế giới của riêng mình, chơi đùa với cảm xúc, không gian và thời gian, là chất liệu tự do để mình truyền tải suy nghĩ, trăn trở của mình.

PV: Có ý kiến cho rằng, phim Việt nếu muốn bước ra nước ngoài thì nên lồng ghép nhiều câu chuyện của kinh thánh, thần thoại phương Tây để dễ tiếp cận khán giả nước ngoài. Anh nghĩ sao về ý kiến này?

Phạm Thiên Ân: Tôi nghĩ ý kiến đó không đúng. Một nhà làm phim muốn tác phẩm được đón nhận thì phải mang đến sự thấu hiểu, đồng cảm với khán giả. Tôi nghĩ một đạo diễn bắt đầu làm phim, trước tiên phải thành thật về thế giới mình đang tạo dựng, về thông điệp, nội dung mình muốn truyền tải. Không phải cứ học theo nước ngoài, mới biết sơ sơ những câu chuyện của họ mà đưa vào phim.

Khi tôi thực hiện bộ phim ngắn trước đó, tôi đều xoáy vào vấn đề tôn giáo, những gì tôi trăn trở trong cuộc sống. “Bên trong vỏ kén vàng” là tiếp nối, mở rộng của câu chuyện đó. Tôi nghĩ mỗi đạo diễn đều có 1 cách tiếp cận khác nhau, không nhất thiết phải đưa những yếu tố tâm linh tôn giáo để câu khách hay phù hợp với các liên hoan phim quốc tế. Tôi nghĩ không cần thiết phải làm vậy.

PV: Thành công tại LHP Cannes là bước đệm lớn cho sự nghiệp điện ảnh của anh ở nước ngoài. Anh đã nhận được lời mời hợp tác nào chưa?

Phạm Thiên Ân: Tôi nhận được nhiều lời mời từ Singapore, Mỹ, trong đó có công ty sản xuất đứng sau “The Revenant”, “Birdman”, và một bên quản lí của A24. Tuy nhiên, hiện tại tôi chưa có kế hoạch thực hiện.

PV: Anh có dự định thử sức với dòng phim thương mại không?

Phạm Thiên Ân: Tôi không làm phim thương mại. Tôi chỉ muốn tự tay viết kịch bản, hoặc ít nhất cũng đóng góp 80% cho kịch bản. Còn nếu đưa kịch bản có sẵn, tôi không làm. Tôi vẫn muốn tiếp tục niềm đam mê với dòng phim nghệ thuật và không chạy theo dòng phim thị trường ăn khách.

PV: Sau bộ phim này, anh nghĩ sẽ phát hành tác phẩm tiếp theo ở Việt Nam?

Phạm Thiên Ân: Tôi vẫn sẽ hướng đến khán giả Việt Nam. Bộ phim của mình công chiếu ở Việt Nam và được đón nhận là điều hạnh phúc. Tôi nghĩ rất khó để cân bằng vì tác phẩm của tôi theo hướng nghệ thuật, đối với khán giả đại chúng sẽ cảm thấy khó xem. Để tập trung vào liên hoan thì việc phát hành ra rạp có rất nhiều cản trở. Tuy nhiên sau “Bên trong vỏ kén vàng”, tôi nghĩ bộ phim tiếp theo sẽ phát hành ở Việt Nam.

PV: Ai là người động viên anh kiên định theo đuổi con đường này?

Phạm Thiên Ân: Vợ tôi. Chúng tôi quen nhau khi cùng làm ở công ty sự kiện đám cưới. Vợ tôi là một trong những người bạn đồng hành rất tuyệt vời. Không có cô ấy, tôi không làm được bộ phim này đâu. Vợ tôi cũng là sản xuất và phụ trách thiết kế bối cảnh cho phim. Tôi giỏi về kĩ thuật, về bố cục, về logistic, còn về cảm xúc, diễn xuất, vợ tôi tư vấn, truyền cảm hứng cho tôi rất nhiều. Hai vợ chồng hỗ trợ nhau rất nhiều trong quá trình sản xuất bộ phim. Tôi rất trân trọng điều đó.

PV: Xin cảm ơn anh!.


Thứ Ba, 07:00, 03/10/2023