Tưởng chừng như năm 2022 là năm đầu tiên để hồi phục sau dịch, thì tính đến ngày 28/12 phim Việt chỉ có một tác phẩm chạm mốc 100 trăm tỷ đồng - “Em và Trịnh". Các suất “trăm tỷ” tại phòng vé Việt năm nay lại chủ yếu dành cho phim ngoại, trong đó có “Avatar: Dòng chảy của nước” vừa vượt 100 tỷ là được dự đoán sẽ tiếp tục tăng trong Giáng sinh và sang đầu năm mới.

Trước đó, theo số liệu của Box Office Vietnam, gồm hàng loạt phim như “Minion: Sự trỗi dậy của Gru” (195 tỷ đồng), “Thor: Tình yêu và sấm sét” (119 tỷ đồng), “Phù thủy tối thượng trong đa vũ trụ hỗn loạn” (200 tỷ đồng). Chưa kể Hàn Quốc cũng góp mặt một tác phẩm vốn không gây sốt ở quê nhà nhưng lại trở thành “trend” ở Việt Nam là “Bỗng dưng trúng số".

Nếu nhìn lại từ 2019-2021, năm nào Việt Nam cũng có nhiều hơn 1 phim Việt vượt mốc trăm tỷ đồng. Năm 2019, điện ảnh Việt có tới 5 phim vượt hoặc đạt mốc này, trong đó “Hai Phượng” thắng đậm nhất (200 tỷ đồng) và thấp nhất là “Trạng Quỳnh” (100 tỷ đồng). Dù chịu ảnh hưởng của đại dịch, năm 2020 có 3 phim mà cao nhất là “Tiệc trăng máu” (175 tỷ đồng), năm 2021 chỉ còn 2 phim nhưng có hiện tượng “Bố già” đạt doanh thu kỷ lục (hơn 400 tỷ đồng).

Phải khẳng định rằng phim đạt/vượt mốc trăm tỷ đồng không tương đương với phim toàn diện, trọn vẹn ở nhiều mặt. Song mốc trăm tỷ là một minh chứng cho thấy điện ảnh trong nước đang phát triển khỏe mạnh, thu hút được khán giả của mình và là mục tiêu mà nhiều nhà làm phim hướng tới, đặc biệt là những nhà làm phim lớn, từng có tác phẩm trăm tỷ trước đây.

Đạo diễn Võ Thanh Hòa (Chị Mười Ba: 3 ngày sinh tử, Chìa khóa trăm tỷ…) khẳng định “Phim đạt được trăm tỷ sẽ là nguồn động viên rất lớn cho nhà làm phim, đồng thời là sự công nhận, bảo chứng của chính khán giả Việt Nam". Hay một nhà làm phim khác cũng nói rằng chúng giống như thành tích làm đẹp cho hồ sơ của mình, được các dự án, ê-kíp phim “top trên” chú ý, thậm chí còn giúp sàng lọc những lời đề nghị hợp tác dưới tầm…

Có hai nguyên nhân được đưa ra vì sao năm 2022 ít phim trăm tỷ. Đạo diễn Võ Thanh Hòa sau thành công lớn của “Chị Mười Ba: 3 ngày sinh tử” cuối 2020 đã đặt rất nhiều kỳ vọng vào “Chìa khóa trăm tỷ” bởi phim ra mắt đúng dịp Tết Âm lịch. Tuy nhiên thời điểm đó, nhiều rạp phim phía Bắc chưa mở hết do còn chịu ảnh hưởng dịch, anh ước tính phim của mình bị hụt doanh thu từ 30-35% và cho rằng phim hoàn toàn đã có thể chạm mốc trăm tỷ trong điều kiện bình thường.

Phim ngoại lân át hoàn toàn phim Việt ở doanh thu phòng vé 2022.

Đạo diễn Bảo Nhân của phim “Cô gái từ quá khứ” cũng chia sẻ đã kỳ vọng nhiều vào khả năng đạt trăm tỷ, tái lập thành tích của "Gái già lắm chiêu V: Những cuộc đời vương giả”. Sau thời gian chiếu rạp, phim thu về 53 tỷ đồng.

Đạo diễn cho biết: “Khi quyết định ra phim trong giai đoạn này thì cả nhà sản xuất và nhà phát hành đều dự đoán được đây là giai đoạn khó khăn và thậm chí doanh thu toàn ngành có xu hướng giảm đến 50% so với cùng kỳ năm trước dịch. Chúng tôi hài lòng vì những thành quả nhỏ đó trong giai đoạn khó khăn này của ngành phim ảnh không chỉ tại Việt Nam mà còn trên cả thế giới".

Năm 2023 sắp khép lại, 2 tác phẩm ra mắt ngày 23/12 là “Đảo độc đắc” và “Thanh Sói” nếu có đủ năng lực, thì nhiều khả năng sẽ đạt trăm tỷ khi bước sang tới năm 2023.

Phải cạnh tranh cùng ngày với tác phẩm dễ tiếp cận đại chúng hơn hơn - “Thanh Sói”, nhiều khả năng, “Đảo độc đắc” sẽ gặp khó ở phòng vé. “Đảo độc đắc” vốn là thể loại kinh dị nên sẽ hạn chế người xem hơn so với thể loại kịch tích (drama), hành động như phim của Ngô Thanh Vân. Đó là còn chưa kể “Avatar 2” vẫn còn khả năng tăng doanh thu tiếp trong đợt Giáng sinh và kỳ nghỉ lễ Dương lịch 3 ngày.

Giám đốc nội dung của CGV Nguyễn Hoàng Hải cũng nhận định với thị trường điện ảnh năm nay, rạp phim chưa thể hồi phục hoàn toàn. Đặc biệt với một phần nguyên nhân nằm ở giai đoạn đầu năm khi còn hàng chục cụm rạp phía Bắc vẫn phải đóng cửa.

Theo ước tính của ông Hải, doanh thu rạp năm nay chỉ đạt khoảng 70% cho với thời điểm đạt đỉnh trước dịch - năm 2019. Số lượng khán giả thì chỉ đạt 60%. Cá nhân ông Hải không đưa ra nhận định nguyên nhân vì sao lượng khán giả giảm, nhưng một số nguồn khác nhận định nguyên nhân được cho là khó khăn chung về kinh tế, ảnh hưởng hậu dịch khiến khán giả chắt bóp chi tiêu hơn.

Bên cạnh đó, cũng có lý do cho rằng phim Việt với chất lượng kém xuất hiện liên tục ngoài rạp thời gian qua là một nguyên nhân khác.

Không khó để chỉ ra một phim vừa yêu về chất lượng, lại vừa kém về doanh thu trong năm qua. Theo số liệu từ Box Office Vietnam, nếu đầu năm có “Mưu kế thượng lưu” (hơn 1 tỷ đồng) không tạo được dấu ấn riêng, “Mến gái miền Tây” (7,6 tỷ đồng) bị chê là làm lố trong nửa đầu năm, thì cuối năm có loạt phim tạo dấu ấn xấu xí như “Cù lao xác sống". “Virus cuồng loạn” hay “Huyền sử vua Đinh” – những bộ phim bị nhân xét là mang chất lượng web-drama (phim chiếu miễn phí trực tuyến).

Nhiều phim Việt kém chất lượng ra mắt trong năm 2022.

Biên kịch Kay Nguyễn (đồng biên kịch Cô ba Sài Gòn, Mắt biếc…) nhìn nhận đây là bài toán kiếm tiền từ phim hạng xoàng của nhà rạp. Lý do là bởi năm nay, nhiều studio lớn, các nhà làm phim có tiếng trong nước không muốn liều mình làm phim giữa dịch nên lùi kế hoạch sang năm 2022 hoặc 2023 mới thực hiện.

Chính vì lý do đó, bên cạnh Phan Gia Nhật Linh, Võ Thanh Hòa thì thị trường điện ảnh đã vắng bóng những cái tên bảo chứng phòng vé như Charlie Nguyễn, Nguyễn Quang Dũng, Victor Vũ, Ngô Thanh Vân, Trấn Thành… trong đó, phim Ngô Thanh Vân thì cần theo dõi đến năm sau.

Ngược lại, loạt phim chất lượng tầm trung của nước ngoài hoặc phim Việt yếu kém từ bị dồn lại từ những năm trước vì không đủ sức cạnh tranh trong điều kiện bình thường đã ùn ùn ra mắt. Rạp vì thiếu phim để chiếu, đồng thời cần kinh phí nuôi bộ máy nên đã cho những phim này ra mắt.

Bà Kay Nguyễn nhận định: “Nhà rạp có thể chỉ phải bỏ ra 10.000-15.000 USD cho những phim hạng B, C ở nước ngoài là đã có thể thu về 1 đến 2 tỷ đồng. Như vậy là lời hơn rất nhiều. Hay cũng có những phim đáng nhẽ chỉ dành cho YouTube, phim nhiều tập cũng bị cắt xén để rồi chắp vá lại một cách lem nhem, tiếng không khớp hình, không có âm thanh, nhạc… trở thành một phim dài đem đi chiếu rạp.

Đơn cử như trường hợp của "Cù lao xác sống" vẫn được 11-12 tỷ đồng. Bình thường phim điện ảnh Việt có vốn đầu tư trung bình trên 20 tỷ đồng thì 11 hay 12 tỷ là lỗ. Nhưng với phim làm cho YouTube thì kinh phí chỉ 1 đến 2 tỷ, nếu đạt được 11-12 tỷ lại trở thành có lời".

Tình trạng thiếu phim để chiếu trong năm qua còn thể hiện ở việc nhà rạp CGV cho chiếu lại cả Chúa tể những chiếc nhẫn hay Harry Potter.

Mặc dù không khí ảm đạm vì phim dở đã phủ bóng lên toàn bộ thị trường điện ảnh Việt năm qua, song không phải không có những điểm sáng nhất định. Đáng nói nhất chính là hai bộ phim có chung hai chữ “rực rỡ” trong tiêu đề - “Đêm tối rực rỡ” (ra mắt tháng 4/2022) và “Tro tàn rực rỡ” (tháng 11/2022).

Giữa năm qua, “Đêm tối rực rỡ” gây chú ý nhờ nội dung có phần khó nhằn do chạm tới nạn bạo hành gia đình ở nhiều gia đình Việt Nam. Phim không chỉ đi sâu vào hình thức bạo hành về thân thể, mà còn cả bạo hành về tinh thần, có ngôn ngữ điện ảnh ấn tượng nhờ diễn xuất thuyết phục, cốt truyện và âm nhạc hấp dẫn.

Việc đạo diễn (Aaron Toronto) là một người nước ngoài, lại làm phim về vấn đề đậm chất Việt Nam cũng gây tò mò, về sau trở thành sự bất ngờ và công nhận về tay nghề.

"Đêm tối rực rỡ" giành 5 giải Cánh diều Vàng ở năm hạng mục biên kịch, nữ chính, nam phụ… và cả một số giải thưởng tại Liên hoan phim Santa Fe (Mỹ) chuyên dành cho phim độc lập.

Những thành quả của phim phần nào được công nhận qua loạt 5 giải Cánh diều Vàng ở năm hạng mục biên kịch, nữ chính, nam phụ… và cả một số giải thưởng tại Liên hoan phim Santa Fe (Mỹ) chuyên dành cho phim độc lập.

Điều đáng tiếc là phim chỉ thu về trên 20 tỷ đồng dù bước đầu có được hiệu ứng truyền miệng khá tốt.

Đáng tiếc hơn nữa, song cũng khó có thể khác đi, đó là “Tro tàn rực rỡ” - phim chuyển thể từ hai truyện ngắn “Tro tàn rực rỡ” và “Củi mục trôi về” của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư.

Trong khi “Đêm tối rực rỡ” là tác phẩm đầu tay của Aaron Toronto và chưa thể hiện nhiều về phong cách làm phim của đạo diễn, thì “Tro tàn rực rỡ” là một bộ phim tác giả mang đậm đặc “chất Bùi Thạc Chuyên".

Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên cùng dàn diễn viên "Tro tàn rực rỡ" trên thảm đỏ LHP quốc tế Tokyo

Dù phim khó tạo điểm nhấn về doanh thu hay ít khả năng thu hồi vốn, nhiều nhà làm phim trong giới như đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn, Phạm Nhuệ Giang, Phan Gia Nhật Linh… đều ghi nhận thành công của bộ phim về mặt chuyên môn qua các bài đăng trên trang Facebook cá nhân của mình. Nhiều ý kiến còn đánh giá bộ phim như cái phao cứu lại điện ảnh Việt Nam trong năm qua, vốn được cho là như rơi vào một cuộc khủng hoảng về chất lượng.

Kỳ vọng được đặt cho năm 2023 nằm ngay ở dịp đầu năm, với sự mở màn của “Thanh Sói” rồi đến loạt phim Tết “Nhà bà Nữ” của Trấn Thành, “Chị chị em em 2” của Vũ Ngọc Đãng và “Siêu lừa gặp siêu lầy". Dự án “Đất rừng phương Nam” mới đây cũng đã cho ra những hình ảnh quảng bá mới nhất, ít nhiều để lại nhiều kỳ vọng vào một năm mới khả quan hơn.

Các nhà rạp cũng kỳ vọng khởi đầu tươi sáng hơn cho năm 2023 qua loạt phim nước ngoài, dự kiến sẽ có “John Wick 4", ”The Super Mario Bros Movie", “Transformer", “Mission impossible”.../.


Thứ Năm, 06:05, 29/12/2022