Đổi mới sáng tạo (ĐMST) là lợi thế quan trọng nhất trong phát triển kinh tế - xã hội của bất kỳ quốc gia nào. Những năm qua, Việt Nam đã nhận thức rõ điều này, phát triển ĐMST theo hướng lấy doanh nghiệp (DN) làm trung tâm, nhất là trong bối cảnh cảnh cách mạng 4.0 với tốc độ thay đổi nhanh chóng buộc Việt Nam phải thích nghi, hành động mạnh mẽ hơn.

Từ Innovation (đổi mới sáng tạo) là sự kết hợp của 3 từ tiếng Anh: Invention (phát minh) + Commercialization (thương mại hóa) + Diffusion (khuếch tán, lan truyền).

ĐMST không chỉ nằm trong tư duy, mà còn bao gồm cả việc ứng dụng tư duy đó vào thực tế. ĐMST đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình tồn tại và phát triển của DN trên thị trường, tạo ra những thay đổi khác biệt và hỗ trợ DN hiệu quả trong việc giải quyết những vấn đề của khách hàng.

Thực tiễn đã chứng minh, ĐMST có vai trò động lực quan trọng với tăng năng suất, tăng trưởng, hiệu quả phát triển quốc gia. Để đạt được mục tiêu đến 2030, Việt Nam trở thành nước phát triển công nghiệp hiện đại trung bình cao, phải thúc đẩy ĐMST và coi đó là yếu tố nội sinh quan trọng của tăng trưởng.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ (KH&CN) Trần Văn Tùng cho biết, để tiếp tục duy trì đà phát triển ổn định, việc thay đổi mô hình phát triển để nâng cao năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế đặt ra ngày một mạnh mẽ hơn với các nền tảng đột phá về thể chế, kết cấu hạ tầng, khoa học công nghệ và nguồn lực con người.

Trong 4 năm vừa qua, có thể xem là giai đoạn đầu phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST quốc gia, với sự ra đời của Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” (Đề án 844).

“Trong giai đoạn này, với vai trò chủ trì của Bộ KH&CN và sự tham gia tích cực của các Bộ, ngành, địa phương, hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST đã cơ bản được hình thành, các chủ thể trong hệ sinh thái đã tham gia một cách đầy đủ và toàn diện”, Thứ trưởng Trần Văn Tùng nêu rõ.

Cũng theo Thứ trưởng Trần Văn Tùng, Việt Nam hiện có hơn 1.400 tổ chức có năng lực hỗ trợ khởi nghiệp, trong đó có 196 khu làm việc chung, 69 vườn ươm DN và 28 tổ chức thúc đẩy kinh doanh được thành lập. Số lượng quỹ đầu tư mạo hiểm coi Việt Nam là thị trường mục tiêu hoặc có hoạt động tại Việt Nam hiện nay là 108 quỹ, trong đó có 23 quỹ có pháp nhân Việt Nam, 23 quỹ "thuần Việt". Những con số này liên tục tăng trong những năm vừa qua thể hiện sự phát triển của hệ sinh thái.

Hiện nay, Việt Nam đang tiếp tục thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp trong nước, đồng thời, thu hút sự tham gia của các DN khởi nghiệp, nhà đầu tư, chuyên gia tốt nhất trên thế giới. Đặc biệt, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ, đòi hỏi khả năng thích ứng và bắt kịp các xu hướng công nghệ mới, phương thức mới trên thế giới.

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, Việt Nam cần thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST, để các DN khởi nghiệp, đặc biệt là DN khởi nghiệp ĐMST có thể hợp tác, kết nối với các tập đoàn lớn cũng như với những tổ chức kết nối hỗ trợ startup.

“Các startup của chúng ta đang ngày càng lớn mạnh, nhưng vẫn có nhiều startup còn rất dè chừng vì chưa có điểm tựa để thăng hoa. Chính vì vậy chúng tôi mong muốn và đề nghị các mô hình kinh doanh thành công chia sẻ kinh nghiệm, đồng hành và sẵn sàng đầu tư vào các startup”, ông Phòng nói.

Ông Võ Hồng Kỳ, Giám đốc bán hàng Siemens Việt Nam cho biết, những giải pháp công nghệ tiên tiến để phục vụ cho quá trình chuyển đổi số là hết sức cần thiết, đây là tiền đề và mục tiêu của nhiều DN khởi nghiệp sáng tạo.

Nhưng hiện nay, vẫn còn nhiều tập đoàn, DN còn đang loay hoay khi chưa coi đổi mới công nghệ, chuyển đổi số là việc làm cấp thiết, điều này cũng là hạn chế chung của các DN khởi nghiệp, cho nhiều nhà cung cấp.

Cũng theo ông Kỳ, trong quá trình chuyển đổi số của DN cần đảm bảo 4 mục tiêu: Thứ nhất làm sao để cho các sản phẩm ra thị trường nhanh hơn, bởi 1 sản phẩm tốt nhưng DN chậm đưa ra thị trường sẽ là thua. Thứ hai, làm sao để cho hệ thống sản xuất quản lý về chế tạo linh hoạt hơn. Thứ ba, DN cần có một hệ thống quản lý chất lượng để có thể kiểm soát được các sản phẩm từ lúc được nghiên cứu chế tạo, cho đến lúc sản xuất và đưa sản phẩm ra thị trường, nghĩa là một chuỗi gọi là chất lượng khép kín. Thứ tư mới chính là hiệu quả kinh tế mà DN cần phải tính đến.

“Một chuỗi số hóa phải được kết nối với nhau, còn nếu mỗi phòng, ban tự trang bị phần mềm hay công nghệ riêng sẽ rất khó để kết nối. Điều này sẽ mâu thuẫn với tất cả 4 mục tiêu kể trên”, ông Vũ Hồng Kỳ nhấn mạnh.

Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã có những chính sách chủ động tích cực, giúp các DN Việt Nam, đặc biệt là các DN khởi nghiệp tiếp cận và tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Bước đi cụ thể chính là việc thành lập Trung tâm đổi mới sáng tạo Quốc gia, trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Trung tâm xác định vai trò là hạt nhân kết nối các chủ thể của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, là đầu mối phát huy các nguồn lực trong và ngoài nước.

Theo TS. Phạm Văn Tân, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, năng lực ĐMST của Việt Nam đang có chuyển biến tích cực, nguồn nhân lực dồi dào và có tiềm năng lớn nếu được đào tạo tốt. Để nắm bắt được cơ hội này, ngành KH&CN nước ta cần phải nâng cao năng lực ĐMST, sẵn sàng tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với tâm thế chủ động và tích cực.

Thời gian tới, ngành KH&CN tiếp tục bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong việc thực hiện mục tiêu kép về phòng, chống dịch và thúc đẩy phát triển kinh tế nhằm duy trì, phục hồi các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong thời gian có dịch và chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để thúc đẩy nền kinh tế phát triển mạnh.

Để tạo ra sản phẩm mới, mỗi DN cần sự đầu tư rất lớn, trong khi hiện nay ở nước ta, trên 90% là DN nhỏ và siêu nhỏ nên nhận thức về việc đầu tư cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo còn hạn chế. TS. Nguyễn Quân, Chủ tịch Hội tự động hoá Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ cho rằng, để tồn tại được trong cơ chế thị trường hiện nay đã rất khó khăn, chưa nói đến việc phát triển, mà muốn phát triển buộc phải ứng dụng KHCN, đặc biệt là những công nghệ cao, những công nghệ mới.

“Rất nhiều DN khi còn là DN nhỏ, chưa có điều kiện thì người ta cũng chưa quan tâm đến ứng dụng KH&CN. Tuy nhiên, khi các DN đã tích lũy được nguồn lực, vốn và con người thì họ bắt đầu nghĩ đến việc phải ứng dụng KH&CN, đổi mới công nghệ để tạo ra nhiều sản phẩm mới thích ứng với sự phát triển của nền kinh tế”, TS. Nguyễn Quân nhận định.

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới và tại Việt Nam. Đây là một cuộc chơi mà mỗi quốc gia sẽ phải mặc định là một phần trong đó và Việt Nam cần nắm bắt nhanh chóng cơ hội từ cuộc cách mạng này để bắt kịp, tiến cùng và lựa chọn một số lĩnh vực thế mạnh để vượt lên.

Để thực hiện được mục tiêu trên, Đảng, Nhà nước đã có nhiều cơ chế, chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp ĐMST, nhờ đó nền kinh tế Việt Nam đã từng bước chuyển sang mô hình phát triển dựa vào ứng dụng mạnh mẽ khoa học, công nghệ và ĐMST giúp năng suất lao động cải thiện rõ rệt. Nhiều mô hình kinh doanh mới dựa trên khoa học, công nghệ và ĐMST đã hình thành.

“Để đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước, đối với các cơ quan nhà nước, và đặc biệt là các DN, doanh nhân trước hết phải thay đổi tư duy, đổi mới sáng tạo ngay từ ý tưởng cho tới hành động”, Thứ trưởng Trần Duy Đông nhấn mạnh./.

Tác giả: Nguyễn Quỳnh/VOV.VN - Trình bày: Quang Huy

Thứ Sáu, 12:00, 22/01/2021