Thế giới đang thay đổi nhanh chóng và Việt Nam cũng không nên tụt lại phía sau. Dân số 100 triệu đồng nghĩa với việc Việt Nam có một thị trường nội địa rộng lớn, khả năng thu hút nhiều vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài hơn với nguồn lao động khỏe mạnh, có trình độ học vấn và tay nghề cao, tư duy đổi mới sáng tạo và động lực mạnh mẽ của đất nước.
Quỹ dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) khẳng định, 100 triệu dân không chỉ là con số, mà là tầm nhìn xây dựng đất nước Việt Nam phát triển.
Theo thống kê của Liên Hợp Quốc, dân số thế giới đã đạt mức kỷ lục 8 tỷ người. Trong đó, các quốc gia châu Phi, đặc biệt là các quốc gia cận Sahara, dân số là động lực chính của sự tăng trưởng, trong khi dân số ở nhiều quốc gia công nghiệp đang có xu hướng giảm.
Nhà kinh tế trưởng Hippolyte Fofack tại Ngân hàng Xuất nhập khẩu Châu Phi và Nhà nghiên cứu cấp cao Blessing Mberu tại Trung tâm Nghiên cứu Sức khỏe và Dân số Châu Phi có trụ sở tại Kenya, có chung nhận định rằng, về lâu dài, sự gia tăng dân số của châu Phi sẽ thúc đẩy nền kinh tế của lục địa này và tăng thêm sự liên quan về mặt chính trị.
Theo nhà nghiên cứu Mberu, dân số tăng đều tạo ra những thách thức chung: “Dân số đông đi kèm với thách thức là cung cấp giáo dục và việc làm. Các nhà máy, đường cao tốc và cơ sở hạ tầng cũng cần được quy hoạch và phát triển”.
Nhà kinh tế Fofack cũng cho rằng, dân số già đi thường là tin xấu đối với nền kinh tế của một quốc gia, đồng thời, những nước có phần lớn người dân trong độ tuổi lao động là những điểm đến thuận lợi cho các nhà đầu tư.
UNFPA đánh giá, dân số 100 triệu đồng nghĩa với thị trường nội địa rộng lớn của Việt Nam, cùng khả năng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài nhiều hơn với nguồn lao động khỏe mạnh, có trình độ học vấn cao và tay nghề cao. Đây cũng là minh chứng cho câu chuyện thành công. Từng là quốc gia bị chiến tranh tàn phá, Việt Nam nay đã thành công trong việc đưa người dân thoát khỏi cảnh đói nghèo và đạt mức tăng trưởng kinh tế - xã hội đáng ghi nhận trong lĩnh vực y tế, giáo dục, việc làm, tiến bộ công nghệ…
“100 triệu người dân Việt Nam chính là tượng trưng cho “100 triệu hy vọng, 100 triệu giấc mơ và 100 triệu giải pháp”. Việt Nam hiện có tỷ lệ dân số trẻ cao nhất trong lịch sử đất nước. Thời kỳ dân số vàng của Việt Nam sẽ còn tiếp diễn đến năm 2039 với sự hiện diện của các nhóm dân số trẻ có năng suất lao động cao, đồng thời có thể khai thác lợi thế về cơ cấu dân số để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội của đất nước hơn nữa”, bà Naomi Kitahara, Trưởng Đại diện UNFPA tại Việt Nam khẳng định.
Cùng với chính sách mở cửa, hội nhập của nền kinh tế Việt Nam, vấn đề di cư quốc tế cũng sẽ trở thành vấn đề rất cần được quan tâm trong thời gian tới. Ở hầu hết các nước công nghiệp, bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc và tất cả các nước thành viên EU, tỷ suất sinh hiện chưa đạt mức sinh thay thế, với khoảng 2,1 ca sinh/phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Điều đó có nghĩa các nước công nghiệp này sẽ không có đủ trẻ em sơ sinh thay thế số người tử vong. Do đó, trong tương lai, lực lượng lao động địa phương sẽ không đủ để đảm nhận công việc của những người nghỉ hưu.
Theo các chuyên gia, di cư cũng sẽ mang lại cho người lao động cơ hội nâng cao kỹ năng và sau đó là mang về nguồn kiều hối cho quê hương. Điều này cũng góp phần giảm bất bình đẳng thu nhập toàn cầu.
Nhà nghiên cứu Mberu Mberu chỉ ra rằng: “Kiều hối - số tiền mà cộng đồng người lao động ở nước ngoài gửi về quê hương để giúp đỡ gia đình, người thân, hiện chiếm một phần lớn trong thu nhập của một số quốc gia”.
UNFPA đánh giá, người dân Việt Nam sống khỏe mạnh hơn và hưởng thọ cao hơn là một thành tựu quan trọng. Song, sự suy giảm tỷ lệ sinh và hạn chế mức sinh trong những thập kỷ vừa qua đang khiến cho dân số Việt Nam già đi nhanh chóng.
Theo đó, trong lộ trình phát triển bền vững của Việt Nam, cần nhấn mạnh con người là giải pháp, không phải là vấn đề. UNFPA khẳng định, vấn đề không nằm ở số lượng người nhiều hơn hay ít hơn, mà là đảm bảo tất cả mọi người được tiếp cận các cơ hội một cách bình đẳng hơn.
UNFPA khuyến nghị, để hưởng trọn vẹn lợi ích mà lợi thế dân số mang lại, Việt Nam tiếp tục đầu tư vào thanh thiếu niên thông qua các chính sách và chương trình y tế, giáo dục, cơ hội việc làm nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động trong kỷ nguyên mới và thúc đẩy tinh thần đổi mới sáng tạo trong nước.
Việt Nam cần tăng cường các chính sách về dịch vụ liên quan đến sức khỏe, bao gồm cả sức khỏe tình dục và sức khỏe sinh sản. Đặc biệt là giảm tỷ lệ tử vong mẹ và đáp ứng nhu cầu kế hoạch hóa gia đình trong nhóm dân tộc thiểu số, người lao động nhập cư và thanh thiếu niên.
Đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển bền vững của đất nước và một cách tiếp cận chung cho tất cả mọi người sẽ không phù hợp trong bối cảnh kinh tế - xã hội đa dạng của Việt Nam.
“Chúng tôi kỳ vọng Việt Nam sẽ đóng vai trò quan trọng tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, để cùng nhau hành động nhằm tạo bước tiến dài trong phát triển nguồn nhân lực của đất nước. Tôi vẫn tích cực và lạc quan về tương lai của Việt Nam cũng như khả năng Việt Nam đạt được càng nhiều Mục tiêu thiên niên kỷ (SDG) trong những năm tới”, Trưởng Đại diện UNFPA tại Việt Nam nhấn mạnh./.
Tác giả: Vân Anh, Hùng Cường, Hoàng Lê - Trình bày: Kiều Anh
Ảnh, Flycam: Đỗ Hưng