Nâng tỷ lệ tiêm vaccine và tiêm chủng tăng cường là giải pháp quan trọng trong chiến lược chống dịch COVID-19 thời gian tới.
Năm 2021 có thể nói là một năm chống dịch COVID-19 đầy căng thẳng. Từ đầu năm, dịch tấn công vào một nhà máy ở Hải Dương, đánh dấu lần đầu tiên dịch xuất hiện tại nhà máy tập trung đông người thuộc một cụm công nghiệp. Sau đó, dịch tiếp tục xuất hiện tại các KCN Bắc Giang, Bắc Ninh. Đỉnh điểm là đợt dịch thứ tư diễn biến phức tạp tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam, với hàng trăm nghìn ca nhiễm và hàng chục nghìn người tử vong, khiến hệ thống y tế quá tải.
Đến nay, dịch đang được kiểm soát tốt, nhưng sự xuất hiện của biến chủng mới virus SARS-CoV-2 đang đặt ra thách thức mới cho nỗ lực chống dịch không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới.
Trong dự thảo chiến lược tổng thể phòng, chống dịch COVID-19 giai đoạn 2021-2023, Chính phủ đã đề ra những mục tiêu cụ thể và gửi lấy ý kiến các thành viên. Đáng chú ý, sau khi lấy ý kiến, Chính phủ sẽ quyết định chọn một trong hai phương án: tiêm vaccine phòng COVID-19 miễn phí cho toàn dân; và kết hợp giữa tiêm chủng miễn phí toàn dân và xã hội hóa, thu phí tiêm chủng vào thời điểm thích hợp.
Dự thảo chiến lược chống dịch COVID-19 trong giai đoạn 2021-2023 của Chính phủ tiếp tục theo đuổi quan điểm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trong bối cảnh đại dịch có khả năng còn kéo dài và diễn biến phức tạp.
Để bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân, hạn chế đến mức thấp nhất các ca mắc, ca chuyển bệnh nặng, tử vong do COVID-19, kiểm soát dịch sớm nhất để khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ đề ra 6 mục tiêu cụ thể trong chiến lược chống dịch từ nay đến hết năm 2023.
Đó là giảm tỷ lệ mắc bệnh nặng, tỷ lệ tử vong do COVID-19 thông qua việc yêu cầu tất cả các cá nhân tuân thủ 5K kể cả khi đã đạt độ bao phủ vaccine. Công tác chống dịch bảo đảm trên 90% trường hợp mắc mới được điều tra, truy vết, khoanh vùng và điều trị kịp thời. Các trường hợp nghi ngờ mắc COVID-19 được phát hiện sớm, phấn đấu 100% các tỉnh, thành phố đủ năng lực tự thực hiện xét nghiệm và làm chủ công nghệ xét nghiệm mới.
Mục tiêu thứ hai là trước ngày 31/12/2021 có trên 80% dân số trên 18 tuổi được tiêm đủ liều vaccine, 100% dân số 12-18 tuổi được tiêm đủ liều vaccine. Từ đầu năm 2022 trở đi có 100% dân số trên 12 tuổi được tiêm đủ, tiêm tăng cường vaccine phòng COVID-19. Bên cạnh đó, 100% trẻ em 3-12 tuổi được tiêm đủ liều vaccine theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới.
Mục tiêu thứ ba là nâng cao năng lực của hệ thống y tế, đặc biệt là y tế dự phòng và y tế cơ sở, tất cả chính quyền cấp tỉnh phải phê duyệt kịch bản, phương án bảo đảm công tác y tế dự phòng, chống dịch theo từng cấp độ.
100% chính quyền cấp huyện thiết lập và vận hành trạm y tế lưu động, tổ chăm sóc người nhiễm COVID-19 tại cộng đồng, cung cấp oxy y tế cho trạm y tế cấp xã để phòng chống dịch. Tất cả các tỉnh, thành phố bảo đảm thuốc, hóa chất, thiết bị, vật tư, sinh phẩm phục vụ phòng chống dịch theo kịch bản đã duyệt của địa phương.
Mục tiêu thứ tư là bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương bởi dịch COVID-19.
Mục tiêu thứ năm là chủ động thông tin tuyên truyền, định hướng dư luận, tạo đồng thuận, niềm tin xã hội để vượt qua dịch bệnh.
Mục tiêu cuối cùng là duy trì các hoạt động kinh tế - xã hội và sinh hoạt của người dân thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh.
Trong Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19, đã yêu cầu rà soát, bãi bỏ ngay các biện pháp phòng, chống dịch áp dụng tại các địa phương trái với chủ trương, quy định, chỉ đạo của Trung ương, không để ách tắc lưu thông hàng hóa, cản trở việc đi lại của nhân dân và quá trình khôi phục, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Thủ tướng yêu cầu, cấp phát ngay thuốc kháng virus nhanh, sớm nhất cho người nhiễm COVID-19: “Cấp phát ngay thuốc kháng virus nhanh nhất, sớm nhất cho người nhiễm COVID-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Tiếp tục triển khai nghiêm túc, thí điểm điều trị có kiểm soát các trường hợp nhiễm COVID-19 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ tại nhà và cộng đồng, kịp thời đánh giá, điều chỉnh cho phù hợp yêu cầu thực tế”.
Nghị quyết nêu rõ, trong thời gian còn lại của năm 2021, tiếp tục phát huy kết quả công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, duy trì đà phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời tạo nền tảng, động lực cho phát triển của năm 2022.
Theo đó, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường sự lãnh đạo, phát huy trách nhiệm người đứng đầu; tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác nhưng không hốt hoảng, mất bình tĩnh, thiếu kiên trì, kiên định trong phòng, chống dịch.
Chỉ đạo hệ thống y tế và chính quyền cơ sở bố trí nhân lực, phương tiện để ghi nhận, tiếp nhận thông tin, kịp thời hỗ trợ và quản lý người mắc COVID-19; không để xảy ra tình trạng người mắc bệnh có yêu cầu nhưng không nhận được hỗ trợ của chính quyền địa phương hoặc cơ sở y tế, khi vượt quá khả năng phải báo cáo ngay Ban Chỉ đạo, Bộ Y tế để có phương án hỗ trợ, không để chuyển nặng, tử vong vì không được cấp cứu, điều trị kịp thời, không để quá tải hệ thống y tế vì yếu tố chủ quan.
Cùng với thế giới, năm 2022, Việt Nam có tỷ lệ tiêm vaccine bao phủ tốt hơn và có thêm mũi tăng cường. Đồng thời, bước đầu có thuốc điều hiệu quả trị. Nhưng điều quan trọng, vẫn không được chủ quan, bởi thực tế, virus luôn xuất hiện biến chủng mới.
Mỗi khi có biến chủng mới, cả thế giới đều theo dõi sát sao. Các cơ sở nghiên cứu thu thập dữ liệu và phân tích gene để đưa ra những dự đoán. Điều đầu tiên các nhà nghiên quan tâm là liệu có một biến chủng mới nào lây lan nhanh hơn và có độc lực cao hơn không?
Theo rất nhiều chuyên gia, nhiều dịch bệnh lây nhiễm như COVID-19, với thời gian đã trải qua hơn 2 năm, thì nhiều khả năng sẽ tiếp tục có biến chủng theo hướng có độc lực giảm dần. Năm 2022, các nước vẫn phải theo sát tình hình.
Đánh giá diễn biến dịch, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19, cho rằng ngay từ đầu năm 2022, Việt Nam sẽ tích cực tiêm mũi tăng cường, tích cực chuẩn bị thuốc và đặc biệt tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng bệnh cần thiết với từng cá nhân và với từng cơ quan, tổ chức, nhất định không để hệ thống y tế quá tải.
Theo Phó Thủ tướng, khi có vaccine và tiêm phủ đủ một tỷ lệ dân số, Việt Nam sẽ có những giải pháp mới, giải pháp thích ứng phù hợp với tình hình. Các nước có tỷ lệ tiêm chủng đạt 70%, nhưng Việt Nam phải đặt ra mức cao hơn, phải cơ bản tiêm cho người lớn với tỷ lệ 95%, lúc đó, chúng ta mới đủ điều kiện để chuyển sang thích ứng an toàn đúng nghĩa.
“Bình thường mới” vẫn có yếu tố “bình thường”. Chúng ta không nên quá hoảng loạn mà vẫn phải duy trì cuộc sống, các hoạt động sinh hoạt, sản xuất, chứ không phải tê liệt tất cả. Từng người dân phải hiểu đúng về dịch bệnh. Chữ “mới” ở đây là muốn nói đến tình trạng khác với thời điểm khi chưa có dịch bệnh, chưa xuất hiện virus. Chúng ta không được quên virus này đã hiện hữu “ngay cạnh chúng ta”. Dù có vaccine thì nguy cơ lây bệnh vẫn có, dù tốc độ lây và diễn biến sẽ giảm đi. Tuy nhiên, khi tỷ lệ phơi nhiễm lên tới hàng chục triệu người và tỷ lệ mắc chỉ là một phần nhỏ thì đó cũng đã đủ gây quá tải cho ngành y tế. “Bình thường mới” phải được hiểu đúng như vậy”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.
Việt Nam có 100 triệu dân, có nơi dân đông, có nơi dân thưa, có nơi nhiều khu công nghiệp… Do vậy, điều kiện, cơ sở vật chất và nguồn nhân lực của từng địa phương rất khác nhau.
Từ đầu dịch, Việt Nam đã nhấn mạnh nguyên tắc 4 tại chỗ. Thực tế chống dịch vừa qua, khi dịch bùng phát mạnh ở Bắc Ninh và Bắc Giang, chúng ta có “công thức” huy động các tỉnh, thành khác đến chi viện. Trong đó, huy động đầu tiên là hỗ trợ của Quảng Ninh tới Bắc Giang. Sau này, khi một tỉnh dịch căng thẳng thì Trung ương và địa phương cùng phối hợp hỗ trợ và chi viện. Qua đó đã thể hiện sự phối hợp trong phòng, chống dịch tại các địa phương ngày càng nhuần nhuyễn hơn.
Theo các chuyên gia, việc thích ứng lúc nào cũng có hai mặt. Người dân không thể coi như không có virus, bởi vì virus đã hiện hữu, mầm bệnh đã có trong cộng động. Mỗi cá nhân phải rất cảnh giác và nghiêm túc chấp hành các quy định phòng dịch. Thích ứng cũng có nghĩa là không thể đóng băng, không thể dừng lại mọi hoạt động. Cuộc sống vẫn phải được vận hành theo một cách nào đó./.