Sử dụng vaccine cho các đối tượng nguy cơ và cộng đồng được nhấn mạnh là biện pháp phòng, chống đại dịch COVID-19 một cách chủ động. Việt Nam triển khai Chiến dịch tiêm vaccine COVID-19 năm 2021-202 từ tháng 7/2021 đến tháng 4/2022, tại tất cả các cơ sở tiêm chủng đủ điều kiện ở tất cả các tuyến (gồm điểm tiêm chủng lưu động và cố định).

Với mục tiêu cuối năm 2021 - đầu năm 2022 có thể đạt miễn dịch cộng đồng, Việt Nam ước tính khoảng 70% dân số phải được tiêm chủng vaccine COVID-19.

Trong bối cảnh lượng lớn vaccine sẽ về Việt Nam trong thời gian tới, Việt Nam cần triển khai chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử ngành y tế trên quy mô toàn quốc, với sự tham gia của nhiều lực lượng từ Y tế, Quốc phòng, Công an đến các Bộ ngành, địa phương…

Những ngày qua, Việt Nam đã liên tiếp tiếp nhận các lô vaccine COVID-19 thông qua nhiều nguồn như Cơ chế COVAX hoặc đặt mua, trong nỗ lực tiêm chủng sớm nhất, an toàn nhất để chống dịch COVID-19. Trong đó, sáng 10/7, Việt Nam đã tiếp nhận hơn 2 triệu liều vaccine Moderna do Chính phủ Mỹ hỗ trợ thông qua Cơ chế COVAX. Và ngay trong sáng cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Y tế đã chỉ đạo chuyển khẩn cấp 1 triệu liều vaccine Moderna này cho TP.HCM.

Trước đó, sáng 9/7, lô vaccine COVID-19 của AstraZeneca gồm 580.000 liều đã về tới sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (TP.HCM). Đây là lần giao vaccine thứ 3 trong hợp đồng 30 triệu liều Công ty Cổ phần Vaccine Việt Nam (VNVC) đặt mua của AstraZeneca và Đại học Oxford.

Cũng trong sáng 9/7, lô vaccine AstraZeneca thứ 3 do Chính phủ và nhân dân Nhật Bản viện trợ không hoàn lại đã về đến Việt Nam. Với lô vaccine thứ 3 này, Nhật Bản đã hỗ trợ và chuyển đủ cho Việt Nam 2 triệu liều vaccine phòng COVID-19.

Việt Nam tiếp nhận vaccine từ nước ngoài chuyển về qua nhiều nguồn gồm Cơ chế COVAX, đặt mua và được các nước hỗ trợ. (Ảnh: Bộ Y tế, UNICEF)

Ngày 7/7, lô vaccine đầu tiên của Pfizer/BioNTech gồm 97.000 liều cũng đã về đến Việt Nam. Đây là loại vaccine ngừa COVID-19 thứ 3 được chuyển về Việt Nam, sau vaccine của AstraZeneca và Sinopharm. Dự kiến, trong quý III/2021 sẽ có thêm khoảng 3 triệu liều và quý IV có khoảng 27-28 triệu liều vaccine Pfizer về Việt Nam. 

Trước đó, ngày 20/6, Việt Nam đã tiếp nhận 500.000 liều vaccine Sinopharm của Trung Quốc. Số vaccine này được tiêm cho 3 nhóm đối tượng, gồm công dân Trung Quốc làm việc tại Việt Nam; người Việt Nam có nhu cầu học tập, làm việc, kinh doanh tại Trung Quốc; người dân có nhu cầu sử dụng vaccine này, đặc biệt ở các địa phương sát biên giới với Trung Quốc.

Đến nay, Bộ Y tế vẫn đang tiếp tục tìm nguồn cung ứng trên toàn cầu hướng tới mua 150 triệu liều vaccine COVID-19 trong năm 2021. Vaccine về Việt Nam sẽ tập trung các tháng 9-10/2021 và dự kiến, trong tháng 7/2021, sẽ có 8,7 triệu liều vaccine về Việt Nam qua cơ chế COVAX và các hợp đồng đã ký.

Vaccine sẽ ưu tiên dành cho TP.HCM và các tỉnh khu vực Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ đang có diễn biến dịch phức tạp và một số địa phương cần duy trì phát triển kinh tế.

Tính đến 16h ngày 11/7/2021, Việt Nam đã tiến hành tiêm tổng cộng 4.051.585 liều vaccine COVID-19, trong đó, 277.447 người đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine.

Sáng 10/7, tại Hà Nội đã diễn ra Lễ phát động triển khai Chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 toàn quốc. Dự và phát biểu chỉ đạo tại Lễ phát động, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kêu gọi mỗi người dân coi việc thực hiện tiêm chủng phòng, chống COVID-19 là quyền lợi và trách nhiệm công dân, để bảo vệ mỗi người dân, bảo vệ gia đình, cộng đồng và xã hội.

Chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 toàn quốc khẳng định thông điệp, quyết tâm của Đảng, Nhà nước cùng toàn thể nhân dân đẩy lùi dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe của nhân dân là trên hết, trước hết và đưa đất nước trở lại bình thường, phát triển.

“Không ai bị bỏ lại phía sau trong dịch bệnh, không ai đứng ngoài việc tiếp cận vaccine”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Trước đó, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã ký ban hành Kế hoạch triển khai Chiến dịch tiêm vaccine COVID-19 năm 2021-2022. Đây là căn cứ để các đơn vị, địa phương xây dựng kế hoạch và thực hiện tiêm chủng. Người đứng đầu ngành y tế khẳng định, chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 lần này gồm cả nỗ lực cố gắng tìm kiếm, đàm phán để có các nguồn vaccine nhập khẩu và đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước.

Chiến dịch sẽ triển khai khoảng 19.000 điểm tiêm và áp dụng triệt để ứng dụng CNTT để theo dõi sát sao các điểm tiêm và công khai minh bạch về số liều vaccine, số người đăng ký, người được tiêm…

Bộ Y tế cùng các bộ ngành liên quan đã triển khai thiết lập 8 kho bảo quản, trong đó 1 kho tại Bộ Tư lệnh Quân khu Thủ đô và 7 kho tại 7 Quân khu trong toàn quốc để vaccine khi về đến sân bay sẽ ngay lập tức đưa tới kho bảo quản. Các kho đều phải đạt Tiêu chuẩn thực hành bảo quản tốt (GSP), từ đó các xe lạnh vận chuyển vaccine đi các điểm tiêm chủng trên toàn quốc.

Trong kế hoạch, Bộ Y tế đưa ra 16 nhóm đối tượng được tiêm chủng và 4 nhóm tỉnh, thành phố được ưu tiên tiêm vaccine COVID-19.

“Bộ Y tế đặt mục tiêu tối thiểu 50% người từ 18 tuổi trở lên được tiêm phòng vaccine COVID-19 trong năm 2021 và hết quý I/2022, trên 70% dân số được tiêm vaccine. Chiến dịch tiêm chủng phải được tổ chức đồng loạt tại các cơ sở tiêm chủng đủ điều kiện tại tất cả các tuyến (tại các điểm tiêm chủng cố định và lưu động), tiêm chủng trên toàn quốc, bao gồm cả các đơn vị y tế công lập và tư nhân, các đơn vị trong và ngoài ngành y tế...”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long khẳng định.

Trong kế hoạch, Bộ Y tế cũng nêu rõ, đối tượng tiêm là toàn bộ người dân trong độ tuổi có chỉ định sử dụng vaccine theo khuyến cáo của nhà sản xuất, trong đó ưu tiên cho các lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch và lực lượng tuyến đầu trong thúc đẩy, phát triển kinh tế.

Cụ thể, gồm 16 nhóm đối tượng, trong đó có cán bộ y tế; người tham gia công tác phòng chống dịch (thành viên Ban Chỉ đạo phòng chống dịch, người làm công tác truy vết, làm việc ở khu cách ly, điều tra dịch tễ...);

Lực lượng công an; quân đội; cán bộ ngoại giao, giáo viên, học sinh, sinh viên, cán bộ hải quan, cán bộ làm công tác xuất nhập cảnh, người cung cấp dịch vụ thiết yếu (hàng không, vận tải, du lịch, điện, nước)… ;

Người mắc bệnh mạn tính; người trên 65 tuổi; người sinh sống ở vùng có dịch; người nghèo, các đối tượng chính sách, người bán hàng ăn, buôn bán ở chợ, xây dựng, lao động tự do; người được cơ quan Nhà nước cử đi công tác, học tập và lao động ở nước ngoài...;

Các chức sắc, chức việc các tôn giáo và các đối tượng khác theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ Y hoặc Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố và đề xuất của các đơn vị viện trợ vaccine cho Bộ Y tế.

Điểm khác biệt của chương trình tiêm chủng vaccine COVID-19 ở Việt Nam so với các nước là tiến hành sàng lọc kỹ tất cả các đối tượng tiêm. Nếu đối tượng tiêm không đảm bảo yêu cầu về sức khỏe sẽ trì hoãn tiêm.

Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu, các cơ sở tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 phải bảo đảm tiêu chuẩn về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực; tổ chức buổi tiêm chủng an toàn theo hướng dẫn của Bộ Y tế… Người đi tiêm vaccine phải ở lại điểm tiêm chủng ít nhất 30 phút sau khi tiêm để theo dõi tình hình sức khoẻ; được hướng dẫn theo dõi ở nhà ít nhất 24 giờ tiếp theo và tiếp tục theo dõi đến 3 tuần sau khi tiêm. Các bệnh viện luôn sẵn sàng, thường trực công tác cấp cứu đề phòng những trường hợp có phản ứng nặng sau tiêm chủng nhằm bảo đảm an toàn tối đa cho người được tiêm.

Bộ Y tế  đã lập Ban Chỉ đạo an toàn tiêm chủng, tập hợp các chuyên gia, giáo sư đầu ngành trên các lĩnh vực để sẵn sàng trợ giúp địa phương trên toàn quốc để đảm bảo an toàn tiêm chủng. Ban Chỉ đạo An toàn tiêm chủng Quốc gia - do Bộ trưởng Bộ Y tế làm Trưởng Ban, sẽ làm việc trực tuyến 24/7 để có thể chỉ đạo, giám sát trực tuyến tiêm chủng an toàn. Sở Chỉ huy của chiến dịch tiêm chủng lần này đặt tại Bộ Quốc phòng do một Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân làm chỉ huy, có sự tham gia của các Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giao thông vận tải...

Đối với hệ thống y tế quốc phòng và công an, Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu tiếp tục tập huấn toàn tuyến về tiêm chủng và tiêm chủng an toàn, riêng lực lượng quân đội tập huấn thêm về quy trình vận chuyển, bảo quản vaccine. Đối với các bộ, ngành liên quan khác, Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị phối hợp với các đơn vị của Bộ Y tế để triển khai thực hiện các nhiệm vụ đầu mối theo đúng mục tiêu đề ra.

Trong điều kiện giãn cách tại các địa phương, trong đó, có TP.HCM, Bộ Y tế yêu cầu bố trí tiêm vaccine theo các khung giờ khác nhau và tổ chức nhiều điểm tiêm nhỏ.

Với TP.HCM, Bộ Y tế sẽ điều 30 xe tiêm lưu động để triển khai tiêm chủng lưu động cho một số khu vực dân cư, nhằm hạn chế tối đa người dân tập trung tại một địa điểm và ra ngoài nhiều./.

Thứ Hai, 06:28, 12/07/2021